Hình 2-2 minh họa sự cân bằng trên thị trường vốn, đường cung về vốn ký hiệu là S, đường cầu về vốn ký hiệu là D. Trục tung thể hiện lãi suất thực tế (giá của vốn vay). Trục hoành thể hiện lượng vốn vay (là mức đầu tư và tiết kiệm). Tại điểm cân bằng E, đầu tư bằng tiết kiệm. Luật cung cầu là cơ chế điều chỉnh lãi suất trở về mức cân bằng. Nếu lãi suất thấp hơn mức lãi suất cân bằng, mức cầu về vốn cao hơn mức cung về vốn, các doanh nghiệp phải cạnh tranh để có thể vay được vốn và đẩy lãi suất lên cao hơn. Tương tự như vậy, khi lãi suất cao hơn lãi suất cân bằng, lượng cung vốn cao hơn mức cầu về vốn, sự cạnh tranh giữa những người cho vay sẽ làm giảm lãi suất. Cơ chế điều chỉnh này sẽ làm cho lãi suất đạt mức cân bằng tại điểm lượng cung đúng bằng lượng cầu về vốn vay.
Mô hình thị trường vốn cho chúng ta thấy thị trường tài chính nói riêng và hệ thống tài chính nói chung đã phối hợp tiết kiệm và đầu tư như thế nào. Cung và cầu về vốn có thể thay đổi bởi những yếu tố tác động đến quyết định tiết kiệm và đầu tư.
Niềm tin hay kỳ vọng của các nhà đầu tư về khả năng sản xuất kinh doanh ảnh hưởng đến quyết định của họ làm cho đường cầu về vốn dịch chuyển. Khi các nhà đầu tư lạc quan vào triển vọng kinh doanh, họ sẵn sàng đầu tư nhiều hơn ở mức lãi suất đã cho, làm cho đường cầu vốn dịch sang phải. Ngược lại, khi họ bi quan sẽ làm cho đường cầu về vốn dịch sang trái. Đối với hộ gia đình, khi họ quyết định thay đổi tiết kiệm tại mỗi mức lãi suất cho trước, thì đường cung về vốn sẽ dịch chuyển. Khi hộ gia đình quyết định tăng tiết kiệm trong khi tiết kiệm của chính phủ không đổi, thì đường cung vốn sẽ dịch chuyển sang phải. Những yếu tố làm cho một hay cả hai đường cung và đường cầu vốn dịch chuyển có thể làm cho lãi suất cân
r* r SK E DK K* K
bằng, đầu tư và tiết kiệm quốc dân thay đổi.
Như vậy, chúng ta có thể sử dụng phân tích này về thị trường vốn để phân tích ảnh hưởng của các chính sách khác nhau mà chính phủ thực hiện với tiết kiệm và đầu tư trong nền kinh tế. Vì mô hình này bao gồm cung và cầu trong một thị trường cụ thể nên chúng ta phân tích mỗi chính sách tác động theo ba bước, (1) xác định xem chính sách đó ảnh hưởng đến đường cung hay đường cầu vốn vay, (2) xác định hướng dịch chuyển, và (3) chúng ta sử dụng đồ thị cung cầu vốn vay để biểu thị sự thay đổi trạng thái cân bằng.