Nội dung của chính sách ổn định kinh tế vĩ mô

Một phần của tài liệu Giáo trình Kinh tế vĩ mô 2 - TS. Nguyễn Tất Thắng (Trang 97 - 100)

Mặc dù, chính sách của các nền kinh tế khác nhau không giống nhau, thậm chí của cùng một nền kinh tế nhưng ở các giai đoạn, thời điểm khác nhau cũng khác nhau, tuy nhiên nội dung của các chính sách ổn định vẫn có những nội dung chính giống nhau. Để đảm bảo chính sách luôn bám sát nền kinh tế trong thực tế, khả thi, và có ý nghĩa tích cực trong việc điều chỉnh, dẫn dắt nền kinh tế về trạng thái cân bằng tối ưu thì mỗi chính sách cụ thể phải đảm bảo có xét đến và đề ra những nội dụng sau:

a. Điều kiện kinh tế vĩ mô ở hiện tại và dự báo cho tương lai

Chính sách kinh tế vĩ mô được ví như liều thuốc chữa bệnh cho nền kinh tế. Do vậy, trước khi chữa bệnh, cần quan sát, nhận diện rõ những đặc điểm, điều kiện của nền kinh tế ở hiện tại thông qua việc đo lường các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng như GDP, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lạm phát, tỷ lệ tiết kiệm, đầu tư để từ đó xác định được vị trí của nền kinh tế và khoảng cách của nền kinh tế với trạng thái cân bằng tối ưu để đề ra mục tiêu cho cụ thể.

Bên cạnh đó, chính sách không phải là một sản phẩm có thể ban hành, thông qua một cách dễ dàng, nhanh chóng, do vậy cần có một khoảng thời gian nhất định để nghiên cứu ban hành ra chính sách. Các nhà kinh tế luôn khuyến nghị rằng, trong khoảng thời gian chúng ta đi nghiên cứu chính sách, thông qua chính sách để chữa bệnh cho nền kinh tế thì bản thân nền kinh tế đã tự dịch chuyển đến một trạng thái mới chứ nó không đứng yên. Do vậy, ngay khi nghiên cứu xây dựng chính sách, các nhà hoạch định chính sách cần xét đến và dự báo được những biến cố có thể thay đổi trong tương lai ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để tính toán đưa vào chính sách. Đảm bảo khi chính sách được ban hành (thông qua) và đi vào thực hiện không bị lạc hậu, và phù hợp với điều kiện mới của nền kinh tế.

b. Mục tiêu của chính sách

chính sách cũng cần điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp. Điều này cũng ví như khi bác sĩ khám, chữa bệnh phải nhằm mục tiêu chữa trị tận gốc căn bệnh hay đơn giản chỉ là chữa trị các triệu chứng của căn bệnh.

Mỗi một chính sách được ban hành ở các giai đoạn khác nhau đều được xác định rõ mục tiêu tác động của chính sách: tác động trực tiếp hay gián tiếp, tác động để tạo ra cú hích mạnh đối với nền kinh tế hay chỉ có tác động khuyến khích, tạo động lực. Ví dụ khi nền kinh tế đang suy thoái hay tăng trưởng, thì Chính phủ điều chỉnh chi tiêu công tăng lên hay giảm đi, tăng bao nhiêu và giảm bao nhiêu?

c. Thời hạn của chính sách

Chính sách ổn định được nghiên cứu, ban hành nhưng không phải để thực hiện mãi mãi, mà mỗi chính sách lại có thời hạn áp dụng cụ thể, có thể ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn. Sở dĩ chính sách không có thời hạn vô định hay mãi mãi vì chính sách sách thể hiện cách thức, mục tiêu của Chính phủ trong việc đối phó với những cú sốc bất lợi của nền kinh tế, và hướng nền kinh tế về trạng thái ổn định tối ưu. Tuy nhiên các cú sốc trong thực tế lại thay đổi theo thời gian, không có cú sốc nào, giai đoạn nào giống giai đoạn nào. Do vậy, các Chính phủ không thể mang các chính sách đã ban hành trước đó để đối phó với những cú sốc mới xảy ra được. Do vậy chính sách phải đảm bảo phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và xu hướng của mỗi nền kinh tế ở từng thời kỳ.

d. Công cụ của các chính sách

Thông thường để ổn định được nền kinh tế, mỗi chính sách được nghiên cứu đề xuất sử dụng nhiều loại công cụ khác nhau để đảm bảo phù hợp với những đặc điểm đa dạng, phức tạp của các nền kinh tế, nhưng đồng thời cũng phù hợp với điều kiện của nền kinh tế, gia tăng hiệu quả, nhanh chóng giúp nền kinh tế quay trở về trạng thái ổn định dài hạn.

Đối với chính sách tài khóa, thường bao gồm 2 công cụ chính đó là hệ thống chính sách thuế và chi tiêu của Chính phủ. Thuế có tác động gián tiếp đến nền kinh tế nhưng lại tác động đến số đông các tác nhân trong nền kinh tế, trong khi đó chi tiêu của Chính phủ lại có tác động trực tiếp nhưng lại chỉ tập trung cho một số đối tượng, lĩnh vực trong nền kinh tế. Mỗi công cụ lại có những ưu, nhược điểm riêng của nó do vậy khi ban hành chính sách, các nhà hoạch định cần phải tính toán chính xác để đảm bảo phát huy được ưu điểm của các công cụ nhưng cũng hạn chế bớt được những tác động tiêu cực của các công cụ đó.

Chính sách tiền tệ thường bao gồm các công cụ như mức lãi suất chiết khấu, quy định về mức lãi suất cơ bản (trần, biên độ dao động của lãi suất), nghiệp vụ thị trường mở hay tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Tuy nhiên những công cụ này tương đối nhạy cảm. Do vậy khi thực hiện Chính phủ phải cân nhắc, tính toán đảm bảo vừa kiểm soát được nền kinh tế nhưng đồng thời phải có sự điều chỉnh để theo kịp những điều kiện thay đổi của nền kinh tế trong thực tế.

e. Cơ chế tác động, quy tắc

Do mục đích của các chính sách kinh tế vĩ mô là nhằm ổn định lại trạng thái cân bằng của nền kinh tế, nên cơ chế tác động thường được vận dụng theo quy tắc chống lại những dấu hiệu không ổn định như suy thoái hay thịnh vượng.

Trong thực tế trên thị trường, tổng cầu luôn đóng vai trò quyết định, chi phối mức sản lượng cân bằng của nền kinh tế hơn so với tổng cung, do vậy đa phần các chính sách ổn định đều hướng tới tác động làm điều chỉnh tổng cầu AD từ đó làm thay đổi trạng thái cần bằng của nền kinh tế (theo điều kiện cân bằng AD = Y).

* Khi nền kinh tế rơi vào trạng thái suy thoái

Với đặc điểm là mức sản lượng thực tế Y thấp hơn so với mức sản lượng tiềm năng (tối ưu) Y* thì cơ chế đề ra phải áp dụng chính sách tài khóa (điều chỉnh giảm thuế hoặc tăng chi tiêu của chính phủ) từ đó làm tăng tổng cầu AD (vì AD = C(Y-T) + I + G + NX), tăng sản lượng cân bằng Y của nên kinh tế sát với mức sản lượng tiềm năng Y*.

Hoặc Chính phủ có thể áp dụng chính sách tiền tệ, tác động làm tăng cung tiền MS của nền kinh tế, làm giảm lãi suất, từ đó tác động làm tăng tiêu dùng, tăng đầu tư, tăng tổng cầu AD và mức sản lượng cân bằng Y của nền kinh tế.

* Khi nền kinh tế rơi vào trạng thái thịnh vượng

Với đặc điểm là sản lượng thực tế Y lớn hơn sản lượng tiềm năng Y* thì cơ chế tác động của chính sách hoàn toàn ngược lại so với trạng thái suy thoái. Cụ thể đối với chính sách tài khóa là phải tăng thuế và/hoặc giảm chi tiêu của chính phủ. Đối với chính sách tiền tệ cần tác động làm giảm cung tiền, từ đó làm tăng lãi suất trên thị trường tiền tệ. Kết quả tổng cầu AD của nền kinh tế giảm, sản lượng cân bằng thực tế giảm về sát mức sản lượng tiềm năng Y*.

f. Thanh tra, giám sát việc tổ chức thực hiện

Để đảm bảo các chính sách được ban hành, đi vào thực tế và phát huy tác dụng giúp điều chỉnh, dẫn dắt nền kinh tế về trạng thái mong muốn thì ngay từ khi xây dựng chính sách, các nhà hoạch định chính sách phải tính toán đến việc phân công, phân cấp các đơn vị, cá nhân liên quan trong tổ chức thanh tra, giám sát việc thực hiện. Bởi nếu không có công tác này, việc thực hiện chính sách sẽ không đảm bảo tính thống nhất, tính hiệu lực và tính hiệu quả như mục tiêu đề ra.

Ví dụ 5-1. Thuế là một công cụ có tính hai mặt

Bộ Tài chính Việt Nam mới đây đã đề xuất khi Bộ Tài chính đề xuất tăng mức thuế suất thuế giá

trị gia tăng (VAT) ở Việt Nam từ mức 5% lên 6%, mức 10% lên 12% với lý do mức VAT hiện

tại 10% tương đối thấp, không phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Phương án tăng thuế VAT này ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía người dân,

doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế:

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh, cho rằng, VAT là thuế gián thu, đánh trực tiếp vào hàng hoá, đương nhiên sẽ làm giá hàng hóa tăng lên, ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Đồng thời tác động ngược trở lại doanh nghiệp, làm sức cạnh tranh của doanh nghiệp giảm đi".

Vị chuyên gia cho rằng, việc tăng thuế VAT sẽ làm tăng thu ngân sách mà lại dễ thực hiện nhất bởi "cứ có hóa đơn bán hàng là thu" nhưng cần cân nhắc bởi không có tác dụng điều chỉnh theo thu nhập, hỗ trợ người nghèo, điều chỉnh xã hội như thuế trực thu.

"Các nước đều hạn chế thuế gián thu, một số ít đánh thuế 10%, một số 5%, có nước như nhiều bang tại Mỹ không thu. Tuy nhiên, VAT có tác động tới hàng hoá, ngay trực tiếp tới người tiêu dùng, thậm chí là người nghèo bị ảnh hưởng nhiều hơn. Ví dự như người nghèo thu nhập 6 triệu đồng thì dành tới 4 triệu đồng chi tiêu ăn uống tiêu dùng, tỷ lệ thuế sẽ cao trong khi với người giàu thu nhập 100 triệu đồng, chỉ dành 20% tiêu dùng thôi".

g. Đánh giá kết quả thực hiện chính sách, hoàn thiện chính sách

Mỗi chính sách sau khi được ban hành và đi vào thực hiện thường được quy định áp dụng trong một thời gian nhất định, sau khi kết thúc mỗi giai đoạn áp đụng, các cơ quan chức năng cần rà soát, đánh giá những kết quả đạt được, cũng như những hạn chế của chính sách để từ đócần có giải pháp điều chỉnh theo hướng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách. Sở dĩ cần thực hiện công tác này vì theo thời gian, điều kiện, hoàn cảnh trên các thị trường thay đổi, cộng với các biến cố không lường trước có thể xảy ra dẫn tới làm sai lệch kết quả mong đợi của chính sách. Do vậy, việc rà soát, đánh giá chính sách sẽ giúp đưa chính sách đi sát với thực tế cuộc sống và đạt được mục tiêu đề ra như mong đợi.

Một phần của tài liệu Giáo trình Kinh tế vĩ mô 2 - TS. Nguyễn Tất Thắng (Trang 97 - 100)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)