Thị trường tài chính

Một phần của tài liệu Giáo trình Kinh tế vĩ mô 2 - TS. Nguyễn Tất Thắng (Trang 39 - 40)

Thị trường tài chính là các định chế qua đó người có tiết kiệm có thể “trực tiếp” cung cấp vốn cho người muốn vay. Chúng ta nói trực tiếp theo nghĩa người có tiết kiệm biết được ai là người sử dụng nguồn vốn do mình cung cấp. Thị trường tài chính có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau. Theo cách thức huy động vốn, thị trường tài chính được phân thành thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu. Theo thời điểm các tài sản tài chính được đưa ra thị trường, thị trường tài chính chia thành thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Tuy nhiên theo mục tiêu nghiên cứu của chương chúng ta sẽ tập trung vào hai thị trường tài chính quan trọng nhất trong nền kinh tế của chúng ta là thị trường trái phiếu (bond market) và thị trường cổ phiếu (Stock/Share market).

a. Thị trường trái phiếu

Để huy động vốn cho hoạt động kinh doanh hay bù đắp thâm hụt ngân sách, đầu tư công cộng, các công ty hoặc chính phủ có thể vay “trực tiếp” từ công chúng bằng cách phát hành trái phiếu. Theo chủ thể phát hành, trái phiếu gồm: trái phiếu chính phủ (do Chính phủ phát hành), và trái phiếu công ty (do công ty phát hành). Trái phiếu có ba thông tin quan trọng. Thứ nhất, mệnh giá, đó là khoản tiền cho vay ban đầu. Thứ hai, ngày đáo hạn, ngày người đi vay phải hoàn trả khoản nợ ban đầu. thứ ba, lãi suất mà người đi vay phải trả thường kỳ (thường là một năm) cho tới ngày đáo hạn. Như vậy, trái phiếu là chứng từ vay nợ quy định nghĩa vụ của người đi vay (người phát hành trái phiếu) phải trả cho người nắm giữ trái phiếu một khoản tiền nhất định trong thời gian cụ thể và phải hoàn trả khoản cho vay ban đầu khi đến hạn.

Lãi suất các loại trái phiếu rất khác nhau, phụ thuộc chủ yếu bởi kỳ hạn của nó và mức độ rủi ro tín dụng của trái phiếu. Trái phiếu dài hạn thường rủi ro hơn trái phiếu ngắn hạn, vì người nắm giữ trái phiếu dài hạn phải đợi lâu hơn mới đến ngày nhận lại vốn gốc. Nếu người nắm giữ trái phiếu dài hạn cần tiền mặt trước ngày đáo hạn, anh ta chỉ có cách bán trái phiếu ấy cho một người khác và thường có mức giá thấp hơn. Để bù lại mức rủi ro cao hơn, trái phiếu dài hạn thường có lãi suất cao hơn trái phiếu ngắn hạn. Trái phiếu chính phủ thường được coi là không có rủi ro tín dụng nên lãi suất trái phiếu chính phủ thường thấp, trái lại đối với công ty không đáng tin cậy về mặt tài chính, trái phiếu công ty có rủi ro hơn nên phát hành trái phiếu với lãi suất cao để bù lại rủi ro. Để đánh giá mức độ rủi ro tín dụng trái phiếu, tại các nước phát triển, người mua trái phiếu có thể tham khảo ý kiến của các tổ chức xếp hạng rủi ro tín dụng của các loại trái phiếu.

Trái phiếu mới phát hành lần đầu được giao dịch trên thị trường sơ cấp. Người đang nắm giữ trái phiếu có thể bán lại cho người khác. Thị trường diễn ra hoạt động mua bán trái phiếu đã phát hành gọi là thị trường thứ cấp. Giá cả mua bán trên thị trường thứ cấp có thể cao hơn hay thấp hơn mệnh giá của trái phiếu. Khi giá trái phiếu giảm, lãi suất thu được từ trái phiếu sẽ tăng và ngược lại.

Ví dụ 2-5.

Một trái phiếu với mệnh giá 1.000.000 VND và lãi suất 10% năm được bán lại trên thị trường thứ cấp với giá 800.000 VND, đến kỳ nhận tiền lãi, người mua sẽ được lĩnh một khoản tiền lãi là 100.000 VND (10%), như vậy lãi suất thu được là 12.5% (100.000/800.000*100).

b. Thị trường cổ phiếu

Phát hành cổ phiếu là một trong các cách để công ty huy động vốn. Cổ phiếu là một chứng khoán xác nhận quyền sở hữu và lợi ích hợp pháp đối với thu nhập và tài sản của công ty. Cổ phiếu và trái phiếu có tên gọi chung là chứng khoán, cổ phiếu là một loại chứng khoán vốn còn trái phiếu là chứng khoán nợ. Cổ phiếu biểu thị quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp, do đó nó cũng biểu thị quyền được hưởng lợi nhuận của doanh nghiệp. Giả sử nếu công ty Vincom bán 1.000.000 cổ phiếu, thì mỗi cổ phiếu biểu thị quyền sở hữu 1/1.000.000 tài sản của Vincom.

Mặc dù các công ty thường huy động vốn để đầu tư mới bằng cách phát hành cả trái phiếu và cổ phiếu, nhưng cổ phiếu và trái phiếu rất khác nhau. Người sở hữu cổ phiếu được gọi là cổ đông và trở thành một trong những người chủ sở hữu của công ty, họ sẽ được hưởng các quyền đối với công ty tương ứng với tỷ lệ cổ phần mà họ nắm giữ. Khi công ty làm ăn có hiệu quả, người nắm giữ cổ phiếu (cổ đông) của công ty sẽ có thu nhập cao, trong khi người nắm giữ trái phiếu chỉ nhận được lãi (lợi tức) từ trái phiếu của mình. Ngược lại, khi công ty làm ăn thua lỗ, thì nó có trách nhiệm trả nợ cho người nắm giữ trái phiếu trước, các cổ đông phải chịu mức thiệt hại tương ứng với giá trị cổ phiếu của họ. Như vậy, so với trái phiếu, cổ phiếu có rủi ro cao hơn, những lại có thể đem lại lợi tức cao hơn.

Sau khi một công ty phát hành cổ phiếu và bán cho công chúng, những cổ phiếu này được mua đi bán lại giữa những người nắm giữ cổ phiếu, thị trường diễn ra giao dịch các cổ phiếu đã phát hành được gọi là thị tường thứ cấp. Giá của cổ phiếu trao đổi, mua bán trên thị trường chứng khoán do cung và cầu về cổ phiếu của các công ty đó quyết định. Vì cổ phiếu biểu thị quyền sở hữu tài sản trong một công ty, nên nhu cầu về cổ phiếu phản ánh nhận thức của dân chúng về khả năng sinh lời trong tương lai của công ty. Khi mọi người lạc quan về triển vọng của một công ty, họ muốn được sở hữu cổ phiếu của nó và đẩy giá cổ phiếu tăng lên. Ngược lại, khi mọi người nghĩ lợi nhuận của một công ty thấp, thậm chí lỗ, giá cổ phiếu của nó giảm xuống. Người ta dùng nhiều loại chỉ số chứng khoán để theo dõi mức giá chung của cổ phiếu. Chỉ số chứng khoán được tính dưới dạng giá bình quân của một nhóm các cổ phiếu. Ở nước Mỹ, chỉ số này được tính trên cơ sở giá cổ phiếu của 30 công ty lớn như Microsoft, Coca cola… Vì giá cổ phiếu phản ánh mức lợi nhuận dự kiến, nên các chỉ số chứng khoán này được theo dõi sát sao với tư cách những chỉ số về tình hình kinh tế trong tương lai.

Đối với Việt Nam sau nhiều năm cải cách, thị trường tài chính nước ta đã hình thành tương đối đầy đủ, các thị trường cấu thành cơ bản mặc dù còn ở mức phát triển khác nhau. Sự ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh dấu bằng việc đưa vào vận hành Trung tâm giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh ngày 20 tháng 7 năm 2000. Từ đó đến nay, thị trường chứng khoán ngày càng lớn mạnh cả về quy mô lẫn chiều sâu, phát huy được vai trò là kênh huy động vốn và góp phần điều hòa, phân phối nguồn vốn trong nền kinh tế.

Một phần của tài liệu Giáo trình Kinh tế vĩ mô 2 - TS. Nguyễn Tất Thắng (Trang 39 - 40)