Chính sách nên chủ động hay bị động

Một phần của tài liệu Giáo trình Kinh tế vĩ mô 2 - TS. Nguyễn Tất Thắng (Trang 100 - 101)

Chính sách chủ động là chính sách thường được nghiên cứu, xây dựng ngay cả khi các cú sốc trong nền kinh tế chưa xảy ra. Để đưa ra các chính sách này, các nhà hoạch địch chính sách phải dựa trên những số liệu thống kê trong quá khứ và sử dụng các nghiên cứu tính toán dự báo cho các biến số trong tương lai.

Những người ủng hộ chính sách chủ động can thiệp vào nền kinh tế cho rằng chu kỳ kinh doanh gây nên sự lãng phí quá nhiều do các cuộc suy thoái và lạm phát cao gây ra.Và đặc biệt, khủng hoảng, suy thoái nếu xảy ra sẽ gây ra thiệt hại lớn cho tất cả mọi người, do đó cần chủ động phòng tránh trước nhằm hạn chế những tổn thất bằng chính sách ổn định hóa. Mặt khác, nghiên cứu của các nhà kinh tế học nổi tiếng cũng đã đưa ra được rất nhiều mô hình để mô tả trạng thái của các nền kinh tế trong các thời kỳ như: mô hình AD – AS, IS – LM. Đồng thời, các mô hình này cũng chỉ ra cách thức mà các chính phủ có thể sử dụng các chính sách tài khóa, tiền tệ để chủ động đối phó với những cú sốc,hướng tới ổn định nền kinh tế.

Tuy nhiên vẫn có ý kiến cho rằng chính sách nên được đưa một cách bị động, tức là sau khi cú sốc xảy ra mới cần nghiên cứu, ban hành chính sách. Lý do mà các nhà hoạch định chính sách lựa chọn chính sách bị động đó là dù cho chính sách có được xây dựng, ban hành một cách chủ động thì khi thực hiện chính sách vẫn gặp phải nhiều rào cản như sau:

• Rào cản bên trong

Rào cản thứ nhất đó là khoảng thời gian từ lúc xảy ra cú sốc tới khi chính sách được ban hành, thực hiện để đối phó là tương đối dài. Do cần có thời gian nhận diện cú sốc, xem đấy là cú sốc do nguyên nhân nào gây ra, từ phía tổng cung hay tổng cầu của nền kinh tế, mức độ nguy hiểm như thế nào. Tiếp theo đó, các nhà hoạch định chính sách cũng cần có thời gian để nghiên cứu, xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách đặc biệt là chính sách tài khóa (liên quan đến việc điều chỉnh thuế và chi tiêu của chính phủ).

Bên cạnh đó, rào cản thứ hai trong việc xây dựng chính sách chủ động đó là do công tác dự báo điều kiện, hoàn cảnh của nền kinh tế. Hầu hết các dự báo kinh tế được thực hiện dựa trên việc thu thập, thông tin, số liệu đã xảy ra trong một giai đoạn dài trong quá khứ để làm căn cứ dự báo cho tương lai. Tuy nhiên công việc này đòi hỏi rất nhiều nguồn lực, khó thực hiện và còn nhiều sai số do phụ thuộc nhiều biến số đầu vào, các biến số này lại thay đổi không ngừng theo điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị, môi trường,…

• Rào cản bên ngoài

Trong quá trình tổ chức thực hiện triển khai các chính sách chủ động thì luôn đòi hỏi thời gian chính sách mới phát huy tác dụng. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó, nếu điều kiệncủa nền kinh tế quốc gia thay đổi không như những gì đã được dự báo trướchoặc có những thay đổi từ bên ngoài thì chính sách có thể không có hiệu quả hoặc phản tác dụng.

• Cơ chế tự điều chỉnh

Cơ chế tự điều chỉnh là các chính sách nhằm khuyến khích hoặc hạn chế các tác động bất lợi cho nền kinh tế khi cần thiết mà không cần có một chính sách mới nào được đưa ra. Cơ chế này bao gồm các hệ thống lũy tiến của thuế thu nhập, bảo hiểm thất nghiệp, phúc lợi công cộng.

Những người ủng hộ chính sách bị động lại lập luận rằng chính sách chủ động phải đương đầu với rất nhiều khó khăn như hạn chế thông tin, phương tiện dự báo, độ trễ của các chính sách, tác động ngoại sinh, … Vì vậy, chính sách chủ động ổn định hóa nền kinh tế được đưa ra không đúng có thể làm gia tăng mức độ dao động của chu kỳ kinh doanh. Những người này cho rằng tốt nhất là tạo ra các nhân tố tự ổn định, để trên cơ sở đó giúp hạn chế ảnh hưởng của chu kỳ kinh doanh mà không cần đến sự can thiệp của Chính phủ.

Như vậy, đối với việc lựa chọn chính sách chủ động hay bị động vẫn không có một câu trả lời rõ ràng vì các nhà hoạch đinh chính sách khó nhận diện được tất cả các cú sốc chỉ bằng các số liệu thu thập được. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể dự báo trước được là kết quả của chính sách thực hiện trong tương lai sẽ như thế nào, có như mong đợi hay không?

Một phần của tài liệu Giáo trình Kinh tế vĩ mô 2 - TS. Nguyễn Tất Thắng (Trang 100 - 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)