Tác phẩm Nam Cao đã có một độ lùi về thời gian nhất định, thời gian không làm cho những tác phẩm của ông bị phai mờ, bị lãng quên, mà thời gian càng khẳng định được sức sống lâu bền của truyện ngắn Nam Cao. Thời gian càng khẳng định được sự hấp dẫn bởi phong cách của một nhà văn hiện thực giàu lòng nhân đạo. Hơn nửa thế kỷ qua, biết bao những biến động trong đời sống văn học đã xảy ra, văn học đã có những bước phát triển mới, thời đại cũng đổi khác, nhưng những tác phẩm của Nam Cao vẫn làm say lòng người đọc. Đọc văn Nam Cao, người thưởng thức văn học nghệ thuật vẫn thấy hấp dẫn và đôi khi họ thấy văn Nam Cao là “bóng dáng đời sống đang diễn ra ngoài kia”. Tìm thấy giá trị từ văn xuôi nghệ thuật của Nam Cao ngay từ những năm 1960 cho tới nay nhiều nhà nghiên cứu đã chuyên tâm đi sâu khai thác tác phẩm của Nam Cao từ nhiều góc độ, khía cạnh. Những tác giả chuyên nghiên cứu về Nam Cao có thể kể đến: Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Nguyễn Hoành Khung, Nguyễn Văn Hạnh, Phong Lê, Nguyễn Đăng Mạnh,…và nhiều nhà nghiên cứu sau này. Nhìn chung đều công nhận:
o Truyện ngắn Nam Cao thường được kể ở ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba. Có khi có sự kết hợp cả hai ngôi trong cùng một truyện.
o Truyện ngắn Nam Cao xuất hiện nhiều điểm nhìn. Điểm nhìn trần thuật cũng biến hóa linh hoạt trong mỗi truyện ngắn. Có sự di chuyển điểm nhìn giữa các nhân vật trong cùng một truyện, tạo nên sự hấp dẫn cho truyện ngắn Nam Cao.
o Đa số các tác giả cho rằng truyện ngắn Nam Cao có kết cấu mở, và thường phân chia truyện kết cấu truyện ngắn Nam Cao theo tiêu chí sự kiện.
o Khá nhiều nhà nghiên cứu cho rằng truyện ngắn Nam Cao có sự đa dạng về cốt truyện. Song cũng có không ít người cho rằng truyện ngắn Nam Cao có hai loại cốt truyện chính: cốt truyện nhiều sự kiện và cốt truyện ít sự kiện.
o Tình huống trong truyện ngắn Nam Cao cũng được đánh giá là có sự đa dạng, phong phú về tình huống. Nhiều nhà nghiên cứu đã phân loại thành những tình huống cụ thể và khẳng định tình huống truyện làm nên nét đặc sắc trong truyện ngắn Nam Cao
o Về chi tiết nghệ thuật như đã nói là các nhà nghiên cứu chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này nhiều trong truyện ngắn Nam Cao
o Nhiều nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về ngôn ngữ trong tác phẩm Nam Cao và cho rằng đó là ngôn ngữ mang đậm chất đời thường, mang tính đối thoại, được cá tính hóa cao và là ngôn ngữ đa thanh.
o Giọng văn trong truyện ngắn Nam Cao cũng được các nhà nghiên cứu quan tâm và đánh giá truyện ngắn Nam Cao thường có nhiều giọng kết hợp tạo nên sự phức hợp về giọng điệu. Song Nam Cao cũng có một giọng văn riêng không lẫn với bất kỳ giọng văn của nhà văn nào cùng thời.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu các công trình, chuyên luận, bài viết chúng tôi nhận thấy rằng các bài nghiên cứu hoặc mang tính khái quát các đặc điểm chính về một vấn đề nào đó; hoặc là đi vào chi tiết ở một khía cạnh nhỏ và dùng một hay vài truyện tiêu biểu làm dẫn chứng; nghĩa là mức độ khảo sát chưa rộng trên phạm vi nhiều tác phẩm. Chưa nói đến hầu hết những tác phẩm truyện ngắn sau năm 1945 của Nam Cao chưa thực sự được chú ý đến trừ một vài tác phẩm được cho là tiêu biểu nhất. Nhiều ý kiến đánh giá cũng được nhìn nhận ở góc độ cách nhìn của từng tác giả trên một vài đoạn văn điển hình tiêu
biểu. Cũng từng có công trình đã nghiên cứu về một trong những vấn đề mà luận văn này đặt ra, với tinh thần đó, người viết luận văn này sẽ đi nghiên cứu theo một hướng mới cũng là nhằm mục đích tiếp cận gần đến với tác phẩm Nam Cao ở nhiều góc độ khác nhau, để thấy rằng truyện ngắn Nam Cao vẫn còn là mạch ngầm bí ẩn mà người ta chưa khám phá hết.
Những nghiên cứu, những phát hiện của các nhà nghiên cứu trước đây có thể coi là nền tảng, là cơ sở để chúng tôi vận dụng, khảo sát ở nhiều tác phẩm hơn để làm nổi bật lên những nét đặc trưng, giá trị thẩm mỹ về chủ thể trần thuật, về kết cấu nghệ thuật và lời văn, giọng điệu nghệ thuật trong văn xuôi Nam Cao. Nghiên cứu đề tài này, chúng tôi sẽ đi từ phương pháp nghiên cứu tự sự học - một công cụ hữu ích cho việc vận dụng đối với các sáng tác văn học cụ thể. Giá trị văn chương Nam Cao để lại còn rất nhiều điều ta chưa thể khám phá hết.