PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nam cao (Trang 28 - 30)

Nghiên cứu bất cứ một đề tài khoa học nào thì vấn đề phương pháp luôn được đặt ra như một yêu cầu quan trọng nhất. Với đề tài khoa học này, chúng tôi sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu như: Phương pháp phân tích, phương pháp hệ thống, phương pháp thống kê, phương pháp cấu trúc, phương pháp so sánh.

4.1. Phương pháp phân tích tổng hợp

Từ việc khảo sát, phân tích tác phẩm ở các khía cạnh, vấn đề mà đề tài khoa học đặt ra, người viết chú ý đến những yếu tố chính làm nên nét đặc sắc trong nghệ thuật trần thuật của truyện ngắn Nam Cao như chủ thể trần thuật, cấu trúc trần thuật, lời văn và giọng điệu trần thuật. Đồng thời tìm hiểu các sợi dây liên kết, các mối quan hệ biện chứng của các thành phần đó trong một chỉnh thể truyện ngắn của Nam Cao. Mặt khác, cần đặt tác phẩm của Nam Cao trong tiến trình phát triển văn học chung của dân tộc để tìm hiểu giá trị của vấn đề. Từ việc phân tích đó, người viết có cơ sở để đi đến những kết luận có tính chất tổng hợp tạo nên một nghệ thuật trần thuật đặc sắc của nhà văn Nam Cao.

4.2. Phương pháp hệ thống

Đây là một phương pháp nghiên cứu rất quan trọng giúp cho người viết có hướng để khai thác tốt hơn các giá trị ẩn tàng trong tác phẩm Nam Cao. Sử dụng phương pháp này người viết sẽ đặt mỗi truyện ngắn Nam Cao trong hệ thống toàn bộ truyện ngắn có cùng một đề tài của ông để thấy những nét đặc trưng chung nổi bật trong chủ thể trần thuật, kết cấu trần thuật, lời văn và giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Nam Cao. Đồng thời, đặt mỗi yếu tố thi pháp truyện ngắn Nam Cao trong hệ thống các yếu tố khác để thấy mối quan hệ giữa chúng, bởi vì mỗi một tác phẩm được tạo thành là nhờ kết hợp các yếu tố thi pháp khác nhau.

4.3. Phương pháp thống kê.

Người viết sử dụng phương pháp thống kê ở một chừng mực nhất định nhằm thống kê các yếu tố về ngôi trần thuật, về điểm nhìn, về kết cấu, về lời văn,…theo định tính và định lượng để xem xét những hiện tượng có tính tập trung cao, có tần số xuất hiện nhiều lần trong truyện ngắn, mong tìm ra những đặc điểm riêng, ổn định trong truyện ngắn Nam Cao để làm rõ những điều đã nhận xét, đánh giá.

4.4. Phương pháp cấu trúc

Người viết sẽ nghiên cứu tác phẩm Nam Cao dựa trên cơ sở cấu trúc của loại hình tự sự. Mỗi truyện ngắn là một cấu trúc chỉnh thể trong đó có các mối liên hệ giữa các thành phần để tạo nên “bộ khung” nhờ đó ý nghĩa được tạo thành và được thông báo. Người viết sẽ tìm các mối liên hệ giữa các thành phần chủ thể trần thuật (ngôi, điểm nhìn); cấu trúc trần thuật (kết cấu, cốt truyện, tình huống, chi tiết); lời văn và giọng điệu để làm sáng rõ cái bộ khung chi phối giá trị của một tác phẩm truyện ngắn Nam Cao.

4.5. Phương pháp so sánh

Trong khi nghiên cứu chủ thể trần thuật, kết cấu trần thuật, lời văn và giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Nam Cao, chúng tôi có đối sánh với những yếu tố nghệ thuật đó trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, của Thạch Lam để nhằm tìm hiểu những nét tương đồng và khác biệt giữa phong cách nghệ thuật của các nhà văn rất tài năng trong

thể loại truyện ngắn. Đồng thời giúp cho ta hiểu vị trí của truyện ngắn Nam Cao trong các mối quan hệ đa chiều với truyện ngắn của các nhà văn khác.

Một phần của tài liệu nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nam cao (Trang 28 - 30)