Tình huống luận đề

Một phần của tài liệu nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nam cao (Trang 123 - 124)

CHƯƠNG 2: CẤU TRÚC TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN GẮN NAM CAO

2.3.2.4. Tình huống luận đề

Nam Cao có một vài truyện ngắn mà trong đó tính luận đề được thể hiện rõ rệt. Bằng việc cho các nhân vật cùng tham gia vào những sự kiện, biến cố để nói đến những triết luận sâu xa về đạo đức, về đời sống. Tính chất luận đề thể hiện rất rõ nhưng Nam Cao không hề xao nhãng cách viết chân thực, dung dị như ở những truyện ngắn khác. Chính vì vậy, Nam Cao đã viết bằng tất cả những chiêm nghiệm sâu sắc trong đời sống. Có thể kể đến một số truyện như: Dì Hảo; Ở hiền; Điếu văn; Nửa đêm…

Có thể điểm chung ở cả bốn truyện ngắn trên là việc Nam Cao tập trung làm nổi bật lên tình huống phản luận đề. Văn học dân gian nêu bật tư tưởng ở hiền gặp lành. Truyện ngắn Nam Cao không đi vào khuôn mẫu đó. Là những sáng tác thuộc dòng văn học hiện thực phê phán, truyện ngắn Nam Cao khẳng định một thực tế ở hiền không gặp lành,

nhiều khi càng ở hiền lại càng bị đẩy vào tình trạng bi đát hơn, càng ở hiền thì càng bị ức hiếp nhiều hơn. Qua những cuộc đời bất hạnh mà Nam Cao miêu tả như dì Hảo; Nhu; Phúc; bà quản Thích và Đức,…đã làm bật nổi lên điều đó.

Ở hiền, Nhu là một cô gái nhu mì, hiền như ngụm nước mưa. Nhu hiền từ trong trứng hiền ra, cô nhường nhịn em, nhường nhịn anh ngay từ khi còn bế ngửa. Cô nhẫn nhịn đến thành nhu nhược trước sự đáo để, quá quắt của các anh và em. Rồi đến khi lấy chồng cô cắn răng cam tâm chịu đựng trước sự bỉ ổi, phản bội của người chồng. Thế mà Nhu nhận lại toàn là những lời chửi mắng, sự hành hạ cả thể xác lẫn tâm hồn. Còn ở nhà thì bị em và anh ức hiếp. Đi lấy chồng thì bị chồng hành hạ, đánh đập. Đã có lúc Nhu nhận thấy sự bất công ở đời: “Tại sao trên đời này lại có nhiều sự bất công đến thế? […]những kẻ thành công thì hầu hết lại là những người rất tham lam, chẳng biết nhịn nhường ai, nhiều khi lại xảo trá, lọc lừa và tàn nhẫn, nhất là tàn nhẫn”. Đó là câu hỏi nghi vấn mà không bao giờ có lời giải đáp mà Nam Cao đã đặt ra để nghi vấn cái đạo lý trong xã hội thực dân nửa phong kiến: Ở hiền gặp lành. Đó cũng là câu hỏi mà Nam Cao đặt ra ở nhiều truyện ngắn khác.

Trong Điếu văn; Nửa đêm, các nhân vật như: Phúc, bà quản Thích và Đức cũng là những người hết sức nhiền lành nhưng nhận lại chỉ toàn những điều bất hạnh và khốn khổ. Nên câu chuyện thường kết thúc là những câu hỏi nhức nhối gióng lên ở cuối truyện mà không có lời đáp.

Có thể nói, với việc dựng lên những mảnh đời, những thân phận trớ trêu bị hoàn cảnh xô đẩy như vậy, Nam Cao đã làm nổi bật lên tình trạng bất công khủng khiếp trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Cái thời kỳ đen tối đó tác động đến con người ta ghê gớm. Nam Cao đã phủ định gay gắt triết lý ở hiền gặp lành trong cái xã hội còn tồn tại nhiều cái ác và bất công ấy.

Một phần của tài liệu nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nam cao (Trang 123 - 124)