Truyện ngắn Nam Cao với giọng văn chua chát, ngậm ngùi, chan chứa yêu thương

Một phần của tài liệu nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nam cao (Trang 172 - 175)

CHƯƠNG 3: LỜI VĂN VÀ GIỌNG ĐIỆU TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN NAM CAO

3.2.3.4. Truyện ngắn Nam Cao với giọng văn chua chát, ngậm ngùi, chan chứa yêu thương

chứa yêu thương

Nếu như giọng văn lạnh lùng, tàn nhẫn trở thành giọng chủ đạo chi phối truyện ngắn Nam Cao thì chưa hẳn truyện ngắn của ông đã để lại những cảm xúc lắng sâu, trăn trở trong lòng người đọc bấy lâu nay. Có một giọng văn khi thì bộc lộ kín đáo, khi thì bật ra trong lời văn đem đến sự cảm thương, chua xót cho số phận nhân vật mới chính là sợi chỉ đỏ cuốn hút trái tim người đọc. Giọng văn hài hước, lạnh lùng, tàn nhẫn như là điểm tựa để bật lên giọng điệu ngậm ngùi, chua xót này.

Người đọc có thể dễ dàng nhận ra giọng văn chua xót, cay đắng, ngậm ngùi chan chứa yêu thương trong hầu hết các truyện ngắn của Nam Cao như: Nghèo; Đui mù; Cái chết của con mực; Chí Phèo; Cái mặt không chơi được; Nhìn người ta sung sướng; Trẻ con không được ăn thịt chó; Đón khách; Mua nhà; Từ ngày mẹ chết; Điếu văn; Ở hiền; Lão Hạc; Đời thừa; Một đám cưới; Nửa đêm; Dì Hảo; Cười; Nước mắt,…

Đọc truyện ngắn Trẻ con không được ăn thịt chó, người đọc cảm nhận thấy giọng văn chua chát, nhói đau của chủ thể trần thuật bộc lộ ở kết thúc truyện ngắn: “Nó ngẩng mặt nhìn các em, cười the thé. Người mẹ xịu ngay mặt xuống. Trong mâm, chỉ còn bát không. Thằng cu con khóc òa lên. Nó lăn ra, chân đạp như một người giãy chết, tay cào xé mẹ. Người mẹ đỏ mũi lên và mếu xệch đi, rưng rưng khóc. Cái Gái và cu Nhớn cu Nhỡ cùng khóc theo”. Mấy đứa con đói khát chờ miếng cháo thừa của bố cuối bữa ăn, nhưng kẻ tham ăn, tục uống được gọi là bố kia không hề nhớ còn sự có mặt của mấy mẹ con nheo nhóc, đói khổ trong nhà. Tiếng cười the thé của cái Gái tưởng như tiếng cười đùa vô tư của trẻ, nhưng không, đó là tiếng cười chưng hửng khi chưa kịp bật ra tiếng khóc. Để

rồi liền sau đó, người kể như thắt con tim mình lại trước tiếng khóc vỡ òa của “năm mẹ con thường giống như một bọn dân hèn yếu cùng chung phận con sâu, cái kiến dưới ách một ông bạo chúa”. Những tiếng “khóc òa” của thằng cu, tiếng khóc “rưng rức” của người mẹ, cả lũ con cùng khóc theo đã bộc lộ hết cái đắng cay, ngậm ngùi của người kể và nhân vật.

Không chỉ được thể hiện trong lời văn của người kể chuyện, giọng văn trần thuật chua chát, ngậm ngùi ta còn bắt gặp rất nhiều trong lời đối thoại của chính nhân vật. Sự tự bộc lộ giọng điệu này ở nhân vật khiến người đọc như đang được đối thoại với chính nhân vật và hiểu thấu tâm can, suy nghĩ, tình cảm của nhân vật.

Bàn về Lối văn kể chuyện của Nam Cao Phan Diễn Phương cũng cho rằng: Nam Cao có một lối kể chuyện “vừa kể vừa suy ngẫm”. “Có thể nói Nam Cao hầu như xa lạ với những gì to tát, cao siêu. Những sự việc bình thường, xoàng xĩnh, những con người nhỏ bé, người thừa, hầu như suốt đời bị gắn chặn vào những bi kịch nhân sinh nho nhỏ tụ vào các trang sách của Nam Cao, và ông rủ rỉ kể về chúng một cách kỹ càng như không biết nản. Nam Cao không bao giờ chịu kể qua quít, sơ sài. Ông phân tích mổ xẻ, lần đến tận ngọn nguồn sự việc, cảnh ngộ” [88; 135]. Những sự việc xoàng xĩnh, bình thường ấy được Nam Cao kể bằng một giọng văn xúc động, yêu thương chân thành.

Đọc Lão Hạcngười đọc lại bắt gặp một giọng văn chua chát, ngậm ngùi, xót thương trong lời tâm sự của lão Hạc với ông giáo sau khi ông dứt lòng bán đi người bạn thân thiết nhất trong những lúc cô đơn của lão. Có gì chua chát, xót xa hơn những lời nói xúc động, dằn vặt chứa chan nước mắt này:

“ - Khốn nạn…Ông giáo ơi!...Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy hai cẳng sau nó dốc ngược nó lên. Cứ thế là thằng Mục với thằng Xiên, hai thằng chúng nó chỉ loay hoay một lúc đã trói chặt cả bốn chân nó lại. A! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm in như nó trách Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế nào mà lão xử với tôi như thế này à?”. Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi lỡ tâm lừa nó!” (Lão Hạc)

Truyện ngắn của Nam Cao thường xuất hiện những cuộc đôi co, cãi vã của những cặp vợ chồng về những chuyện lo lắng, tủn mủn của đời sống. Cái bức bối của hoàn cảnh đã khiến họ không đủ bình tĩnh mà nói với nhau những lời an ủi, yêu thương mà thay vào đó là những cắn rứt, những đay nghiến, những hằn học, những dồn nén tức bực với bao nhiêu là chua chát, cay đắng và chán nản.

Đó là giọng của Điền, một người trí thức vì gánh nặng cơm áo mà sinh ra bao nhiêu là phẫn uất và đau khổ đến mức anh phải buông ra những lời độc ác với vợ con. Đó là giọng chua chát, hằn học của vợ Điền khi nghĩ đến việc Điền quên mua thuốc cho đứa con đang bệnh. Không phải là họ tàn nhẫn với nhau, mà họ cố tỏ ra thật tàn nhẫn, cố nói cho thật chua chát, nói thế nào cho người nghe thật tức. Cuộc sống nghèo túng với những lo lắng vật chất đã khiến họ sinh ra những bức bối, ngột ngạt như vậy. Nhưng rồi sau đó họ bình tĩnh trở lại. Họ lại dịu dàng quan tâm đến nhau, thương yêu nhau. Đó là những phút lắng lòng yên vui hiếm hoi của người vợ rấu rí bên đứa con, âu yếm nói với con nhưng lại đang nghĩ đến chồng với những ý nghĩ rất dịu dàng: “ - Con gọi thầy đi…Thầy ơi! Thầy! Thầy! gọi đi, thầy mày bây giờ lại đang cười với cô tân thời rồi” (Cười). Đó là giây phút tự thú lương tâm rất đau khổ và ân hận của một người trí thức khi luôn phải đối mặt với những bi kịch về tinh thần: “ - Anh …anh…chỉ là…một thằng…khốn nạn!”(Đời

thừa). Đó là giây phút bình tĩnh trở lại của vợ chồng Điền sau khi đã buông ra những lời tàn nhẫn, chua chát với nhau. Từ trong sâu thẳm lòng mình họ thương yêu nhau hơn bao giờ hết: “ - Mình lại đây này…Cả cái Hường cũng lại đây, nằm ghé bên em. Em nó ngủ rồi. Mình quạt cho cả thằng Chuyên với cái Hường. Tôi đi lấy gạo thổi cơm. Lúc nãy còn một ít cơm nguội, chúng nó ăn, tôi cũng chưa ăn gì…” (Nước mắt)

Như thế, bằng một ngòi bút chứa chan lòng nhân đạo, Nam Cao đã viết lên những trang văn vô cùng xúc động trước bao nhiêu bi kịch của con người trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Nam Cao quả không nói đến những điều gì quá to tát, vĩ đại về giai cấp, về chính trị, nhưng Nam Cao đã khơi vào mạch sâu những số phận con người, khai thác bi kịch đời sống của con người trong những điều vụn vặt, “xoàng xĩnh”. Tình cảm xót thương đối với nhân vật đã được Nam Cao bộc lộ và thể hiện trong những câu văn giàu

cảm xúc. Có thể nói, giọng điệu của người kể chuyện trong truyện ngắn Nam Cao đi từ giọng khách quan, lạnh lùng, đến giọng cảm thương nghẹn ngào chua xót. Ở Nam Cao, giọng điệu có mối quan hệ chặt chẽ và nghịch chiều với cảm hứng sáng tạo thể hiện bằng cách kể “giấu mình” của nhà văn đúng như lời nhận xét của tác giả Nguyễn Đăng Điệp khi cho rằng: “tình cảm thì nồng nhưng lời văn, giọng văn thì đạm. Sau giọng sắc, lạnh là nỗi buồn về cuộc sống của trái tim giàu yêu thương” [21; 9].

Một phần của tài liệu nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nam cao (Trang 172 - 175)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(200 trang)