Ngôi trần thuật trong loại hình tác phẩm tự sự

Một phần của tài liệu nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nam cao (Trang 37 - 41)

CHƯƠNG 1: CHỦ THỂ TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN NAM CAO

1.1.2.1. Ngôi trần thuật trong loại hình tác phẩm tự sự

Đã từng có một thời người ta chưa thực sự quan tâm đến ngôi kể trong tác phẩm tự sự. Không ít đại biểu nghiên cứu tự sự học coi nhẹ vai trò của yếu tố này trong truyện kể. Mãi sau này, cùng với sự nhìn nhận một cách đúng mực các yếu tố thuộc cấu trúc nghệ thuật tự sự, ngôi kể bắt đầu được người ta chú ý như là một trong những biểu hiện quan trọng nhất của chủ thể trần thuật trong văn bản tự sự.

Trong các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ XX, ngôi kể không được nhắc tới như là một thuật ngữ chuyên dùng thuộc trần thuật học. Mà đây là một khái niệm được vay mượn từ lý thuyết hội thoại trong ngôn ngữ học. Theo lý thuyết hội thoại trong một hoạt động giao tiếp bao giờ cũng có hai ngôi tham dự: ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai. Trong đó ngôi thứ nhất là người nói (người phát thông tin), ngôi thứ hai là người nghe (tiếp nhận thông tin), còn ngôi thứ ba (nếu có)

là vật qui chiếu không tham gia vào câu chuyện. Ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai đều có chức năng tạo tiếp để duy trì cuộc hội thoại. Trong truyện kể, thông thường cũng là một hoạt động hội thoại giữa người kể chuyện và người đọc. Người kể chuyện có thể kể về mình (kể về ngôi thứ nhất), kể về người khác (ngôi thứ ba). Cũng có thể kể về người nhận thông tin đối diện (ngôi thứ hai), nhưng trường hợp này được chứng minh là rất ít có khả năng.

Trong cấu trúc tự sự ngôi kể là một yếu tố thuộc về hình thức nghệ thuật. Vấn đề ngôi kể gắn liền với sự biểu hiện của hình tượng chủ thể trần thuật. G.Genette là một đại biểu chuyên nghiên cứu tự sự học đã quan tâm đến việc nghiên cứu về vấn đề ngôi kể. Trong phần nghiên cứu về ngôi, ông đã có những lý giải xác đáng về ngôi kể. Ông khẳng định rằng: “Việc thay đổi ngôi, thực sự là sự thay đổi quan hệ giữa người kể chuyện và câu chuyện của anh ta - nói cụ thể hơn, nó còn có nghĩa là sự thay đổi người kể chuyện”

[35; 188]. Việc xác định chủ thể trần thuật gắn liền với việc xác định ngôi kể trong tác phẩm. G.Genette đã dùng một loạt những dẫn chứng để chỉ ra có sự phân biệt rõ ràng về đặc điểm của truyện kể ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba. Ông tiếp tục lý giải: “Sự khác nhau thường có giữa những truyện kể ở “ngôi thứ nhất” và “ngôi thứ ba” tiến hành ở bên trong đặc điểm nhân xưng của mọi diễn ngôn, tùy theo mối quan hệ (hiện diện hoặc vắng bóng) của người kể chuyện trong câu chuyện anh ta kể, “ngôi thứ nhất” chỉ ra sự hiện diện của người kể chuyện với tư cách nhân vật được nêu tên, “ngôi thứ ba” là sự vắng bóng của nhân vật này” [35; 189]. Như vậy, theo G.Genette thì việc xác định ngôi kể trong một tác phẩm tự sự lại phải phụ thuộc vào mối quan hệ của người kể chuyện với câu chuyện mà chủ thể trần thuật đại diện tác giả kể lại.

Cùng với G.Genette là ba đại biểu phương Tây khác cùng có những bài nghiên cứu về ngôi kể, điểm nhìn khá toàn diện là: A. Miller (The art of first person – nghệ thuật của ngôi thứ nhất); L. Williams (The art of third person – nghệ thuật của ngôi thứ ba); V. Miner (Point of view – điểm nhìn). Khi nói về chủ thể trần thuật ở ngôi thứ nhất, tác giả V.Miner đã cho rằng nó có thể tạo cho câu chuyện một ấn tượng gần gũi và “thật” hơn.

Có nét tương đồng trong quan điểm này, A. Miller cũng cho rằng: “Người kể chuyện ở ngôi thứ nhất được tự động hóa ghi nhận là không phải “khách quan” như giọng nói của ngôi thứ ba, vì thường là người kể chuyện ở ngôi thứ nhất có một sự quan tâm đến cách giải thích của người đọc đối với các sự kiện” (NV – dịch). Ông cũng chỉ ra rằng: “Ngôi thứ nhất cho phép tôi sáng tạo đi vào đời sống nội tâm của những nhân vật chính. Ngôi thứ nhất thường có vẻ có điểm nhìn tự nhiên nhất trong tất cả những điểm nhìn. Nó có thể cảm thấy ít trung gian hơn so với giọng “văn chương” của ngôi thứ ba, cái ngụ ý sự hiện diện của một “tác giả”(NV – dịch). Tác giả đang nói đến thế mạnh của ngôi thứ nhất trong việc khai thác miêu tả thế giới nội tâm của nhân vật. Như vậy, khi chủ thể trần thuật ở ngôi thứ nhất được hiện diện bằng ngôi kể xưng tôi, thì ngẫu nhiên truyện kể được trần thuật theo hướng chủ quan hóa. Tuy nhiên, chủ thể trần thuật có khi ở ngôi thứ nhất nhưng lại đóng vai trò của một người kể bàng quan, đứng ngoài. Có khi chủ thể trần thuật vừa là nhân vật trong truyện, trần thuật bằng điểm nhìn của người trong cuộc. Cho nên chủ thể trần thuật ở ngôi này có thể được phân theo hai loại: Chủ thể trần thuật ngôi thứ nhất theo điểm nhìn đơn tuyến; Chủ thể trần thuật ngôi thứ nhất theo điểm nhìn đa tuyến.

Với ngôi kể thứ ba thì khác, L. Williams khẳng định “sẽ có thể tận dụng lợi thế của tường thuật khách quan”. Tường thuật khách quan hóa cho phép chủ thể trần thuật đứng từ điểm nhìn bên ngoài với một đặc cách là thượng đế toàn năng, biết tất cả mọi sự có liên quan chặt chẽ đến câu chuyện như tình tiết, xung đột, những mối quan hệ, kể cả thế giới nội tâm của nhân vật. Tất nhiên, chủ thể trần thuật ở ngôi thứ ba này lại chỉ giữ vai trò như một nhân vật ẩn tàng được nắm quyền chỉ đạo diễn biến, tình huống của truyện, phán xét các vấn đề nhưng tuyệt nhiên không được phép tham gia vào trong đó. Với chủ thể trần thuật ngôi thứ ba toàn bộ mạch ngầm kết nối của mạch truyện được tái hiện một cách khách quan. Người đọc nhận ra được mọi tâm tư, cảm xúc, thông điệp, quan điểm mà tác giả ngầm gửi qua điểm nhìn của chủ thể trần thuật ngôi thứ ba này. Chủ thể trần thuật ở ngôi thứ ba có thể vắng mặt trong thế giới nhân vật, nhưng vẫn bộc lộ được dấu ấn của mình khi trần thuật dựa vào điểm nhìn của nhân vật “người kể chuyện ẩn, tựa vào nhân

vật để kể” (Trần Đình Sử), nghĩa là chủ thể trần thuật mượn điểm nhìn của nhân vật để kể chuyện. Lúc này thì việc phân biệt giọng kể của anh ta với giọng kể của nhân vật trở nên khó hơn. Do vậy, đôi khi người ta dễ nhầm lẫn và cho rằng đó là giọng kể hoàn toàn của nhân vật chứ không có sự tham gia trần thuật của một người kể ẩn tàng. Với dạng này, chủ thể trần thuật hàm ẩn kể lại sự việc từ bên ngoài, cũng có khi chủ thể trần thuật hàm ẩn toàn năng, soi chiếu sự việc từ trong ra ngoài (tuy nhiên, dạng này ít khi xuất hiện). Sự đan xen của các dạng trần thuật này tạo nên sự phức hợp trong điểm nhìn. Điều này kéo theo một sự đa dạng trong giọng điệu và điểm nhìn trần thuật.

Trong lý thuyết nghiên cứu về điểm nhìn của V. Miner, ông đã có đề cập đến vấn đề điểm nhìn ở ngôi kể thứ hai. Trong đó ông có nói đến ngôi kể thứ hai xuất hiện trong một số loại thể như trong thơ lãng mạn, trong cách ngôn, và ngay cả trong truyện. Ông đã dẫn ví dụ để chứng minh cho sự xuất hiện của ngôi kể thứ hai trong loại hình tự sự. Song dễ thấy là hình thức chủ thể trần thuật ở ngôi thứ hai rất hiếm khi xuất hiện trong loại hình văn bản tự sự.

Trong quá trình phát triển của loại hình tự sự theo hướng hiện đại, nó đòi hỏi người sáng tác phải xây dựng truyện kể ở tất cả mọi góc cạnh, ngõ ngách của đời sống, điều đó buộc chủ thể phải được xây dựng trước hết như một hình tượng trong truyện có thể ẩn tàng, có thể có dáng nét, tâm tư, suy nghĩ như một nhân vật trong truyện mà người đọc có thể nhận thấy rõ vai trò xuất hiện của chủ thể trần thuật. Trong thế kỷ XIX, đã xuất hiện nhiều chủ thể kể chuyện xưng “tôi” và đôi khi tiếng “chúng tôi” như V. Miner đã nói trong lý thuyết của mình. Từ đó, cùng với sự phát triển của loại hình tự sự vấn đề chủ thể trần thuật được các nhà văn chú ý xây dựng hơn, bởi vì như đã nói chủ thể trần thuật giữ một vai trò vô cùng quan trọng quyết định sự thành công của tác phẩm. Với sự xuất hiện của chủ thể trần thuật ngôi thứ nhất cái riêng tư, sự tự ý thức cá nhân của con người được nói đến sâu sắc hơn.

Sự ra đời của chủ thể trần thuật ở ngôi thứ ba là sớm hơn cả so với hai hình thức trần thuật còn lại. Mỗi một ngôi trần thuật có một thế mạnh riêng trong việc thiết lập chủ thể trần thuật trong truyện, vì thế không thể khẳng định hình thức ngôi trần thuật nào quan

trọng hơn hình thức nào. Mỗi một ngôi sẽ đảm nhận một vị trí khác nhau, và đôi khi trong một tác phẩm chúng lại chuyển hóa lẫn nhau từ ngôi kể thứ nhất sang ngôi kể thứ ba và ngược lại. Vấn đề ngôi kể gắn bó chặt chẽ với vấn đề điểm nhìn. Đó chính là hai yếu tố cấu thành phương thức trần thuật của một tác phẩm văn học.

Một phần của tài liệu nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nam cao (Trang 37 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(200 trang)