Tình huống thắt nút

Một phần của tài liệu nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nam cao (Trang 122 - 123)

CHƯƠNG 2: CẤU TRÚC TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN GẮN NAM CAO

2.3.2.3. Tình huống thắt nút

Là kiểu tình huống mà ở đó các tình tiết ban đầu có vẻ tĩnh tại nhưng qua một quá trình phức tạp, mâu thuẫn bị đẩy lên cao, tình huống truyện trở nên gay cấn rồi đạt tới đỉnh điểm, đồng thời các nhân vật nhận thức đầy đủ về hoàn cảnh, và tìm cách cải tạo hoàn cảnh, thoát ra khỏi hoàn cảnh nhưng càng cố thay đổi thì càng bị thắt lại. Sau hàng loạt những sự kiện, biến cố cái nút của câu chuyện càng thắt lại dần, co lại dần. Đến lúc nhân vật nhận thức đầy đủ nhất về hoàn cảnh cũng là lúc nhân vật rơi vào trạng thái chán nản nhất, buồn thảm nhất nhưng không hề bi quan. Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu như: Truyện tình; Đui mù; Một truyện Xúvơnia,…

Một truyện Xúvơnia, Hàn là một chàng trai say mê tình yêu lãng mạn và tôn thờ thứ tình yêu trong sáng trong tiểu thuyết. Anh có mối tình đầu với Tơ và anh coi đó là thứ tình yêu hết sức lãng mạn. Khi Tơ đi lấy chồng, anh đã ấp ủ quyết tâm là sẽ rủ Tơ đi trốn. Trong dịp về quê để thực hiện ý định đó, anh ta đã vô tình chứng kiến cảnh nhễ nhại, lôi thôi của những người phụ nữ quê ngồi ăn bánh đúc. Và Hàn nhìn thấy chiếc khăn thêu của mình tặng Tơ mà Tơ đã đem đi bán. Hàn thất vọng và suy nghĩ: “những cô gái rất hiền, rất đẹp, rất ngây thơ kia…cái ăn có lẽ còn cần hơn cả tình yêu”. Tự nhiên Hàn thấy “mỏi mệt vô cùng”. Ý nghĩ sẽ rước Tơ đi trốn tan biến trong suy nghĩ của Hàn. Vỡ ra trước hiện thực “Cuộc sống không tha thứ những cái gì quá thơ”. Những ý định mạnh mẽ, táo bạo vì tình yêu trong Hàn giờ chỉ còn lại “một chút thẹn thùng. Một chút lòng thương. Nhưng tình yêu thì nhất định không còn nữa”. Như thế là cái ý định ban đầu vô cùng quyết tâm, hào hứng của Hàn cứ bị những hiện thực trước mắt làm teo dần lại trong suy nghĩ của một chàng trai óc đầm đìa chất tiểu thuyết. Chàng thất vọng vì hiện thực, nhưng chàng nhận thức được một thực tế rõ ràng bằng triết lý ở cuối truyện.

Ở truyện Đui mù, Hùng vô tình chứng kiến cảnh ngoại tình vụng trộm của người phụ nữ nhà bên cạnh. Chàng nghĩ ngay đến người vợ mà chàng tự hào là có một tình yêu nồng nàn và vô cùng chung thủy với chàng. Một chút hoài nghi xâm lấn trong lòng chàng. Hùng băn khoăn không biết vợ mình có chung thủy với mình không. Nỗi hoài nghi cứ lớn dần lên và Hùng quyết định tìm câu trả lời cho mối hoài nghi trong lòng mình. Cuối cùng thì “trí sáng suốt, sự tò mò lòng tự ái tôi đều được thỏa…nhưng trái tim tôi thì tan nát mất rồi”. Hùng vô cùng thất vọng và cay đắng chấp nhận một sự thực. Nhưng chắc chắn một điều anh ta cảm thấy thanh thản vì không còn phải sống trong sự hoài nghi, dằn vặt, dày vò nữa. Dù có rơi vào bi kịch, nhưng bi kịch ấy khiến anh ta không phải sống trong một hạnh phúc giả dối mà bấy lâu anh lầm tưởng.

Như vậy, Nam Cao đã tạo ra những tình huống thắt nút để đưa nhân vật vào chỗ nhận thức được hiện thực nhưng không bi quan trước hiện thực mà tiếp tục rút ra những điều chiêm nghiệm hữu ích trong cuộc sống, để từ đó có cách ứng xử phù hợp với thực tế cuộc sống. Nếu con người ta không nhận thức được điều đó thì rất dễ rơi vào bi kịch mà không có cách nào thoát ra được. Những tình huống dạng này đem đến một cốt truyện đơn giản, không quá phức tạp nhưng ý nghĩa mà câu chuyện mang lại không kém phần sâu sắc.

Một phần của tài liệu nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nam cao (Trang 122 - 123)