CHƯƠNG 2: CẤU TRÚC TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN GẮN NAM CAO
2.4.2. Chi tiết nghệ thuật trong truyện ngắn Nam Cao.
Một trong những điểm thu hút làm nên sự hấp dẫn của truyện ngắn Nam Cao đó là việc ông sử dụng những chi tiết nghệ thuật một cách đắc địa. Truyện ngắn của ông có khá nhiều chi tiết nghệ thuật “phát sáng” mà nhiều khi chỉ cần những chi tiết nghệ thuật này đã góp phần nâng giá trị tác phẩm lên, bởi nó hỗ trợ đắc lực cho việc biểu hiện tâm trạng, tính cách nhân vật để từ đó chủ đề tư tưởng của truyện được thể hiện sâu sắc hơn. Viết về mỗi đề tài Nam Cao đều lựa chọn được những chi tiết nghệ thuật tiêu biểu. Những chi tiết đó có thể bắt nguồn từ đời sống, nó được Nam Cao đưa vào tác phẩm, đặt vào đúng thời điểm, đúng nhân vật, đúng hoàn cảnh thì ngay cả những chi tiết hết sức bình thường, giản dị của đời sống cũng trở thành những chi tiết nghệ thuật hữu dụng. Chúng ta sẽ thấy tài
chọn lựa chi tiết của Nam cao khi ông viết về hai đối tượng chính là người nông dân và người trí thức tiểu tư sản.
Không ít truyện ngắn viết về đề tài người nông dân, Nam Cao đã chọn lựa được những chi tiết nghệ thuật điển hình, đặt trong hoàn cảnh điển hình cho thấy một tài năng sáng tạo và lựa chọn ngôn từ nghệ thuật trong truyện ngắn của ông. Những truyện ngắn như: Nghèo; Chí Phèo; Con mèo; Đòn chồng; Đôi móng giò; Trẻ con không được ăn thịt chó; Đón khách; Từ ngày mẹ chết; Tư cách mõ; Ở hiền; Lão Hạc; Rửa hờn; Rình trộm; Lang rận; Nửa đêm; Dì Hảo;…là những truyện có rất nhiều chi tiết nghệ thuật phát sáng.
Người đọc khó mà quên được những chi tiết nghệ thuật trong Chí Phèo. Những chi tiết tưởng hết sức bình thường nhưng là những điểm sáng cho thấy sự biến đổi trong con người Chí Phèo. Người ta thường nhắc đến chi tiết bát cháo hành của Thị Nở, mà bỏ qua nhiều chi tiết nghệ thuật khác. Cái giây phút Chí vô tình gặp Thị Nở đang hớ hênh ngủ ở vườn chuối, Chí Phèo đã phản ứng thế nào? “Chí Phèo vẫn say sưa nhìn và run run. Bỗng nhiên hắn rón rén lại gần thị Nở; lần đầu tiên hắn rón rén, từ khi về làng”. Chi tiết này cho thấy Chí Phèo đã bắt đầu có những biến đổi “bất thường”. Cái thằng người ấy chỉ làm cho người khác run sợ chứ hắn đã biết run trước ai bao giờ. Hắn cũng chưa từng rón rén một cách thận trọng trước ai bao giờ. Thế mà đứng trước một “tòa thiên nhiên” đó hắn đã có những thay đổi trong tâm sinh lý của mình. Và mọi hành động của hắn lúc này là hành động có ý thức, có chủ đích chứ không phải là hành động vô thức trong cơn say nữa. Sự biến đổi tiếp theo khi thị Nở mang cho hắn bát cháo hành, “thằng này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt hình như ươn ướt”. Một chi tiết nghệ thuật tinh tế. Nam Cao đã phát hiện ra sự cảm động từ trong sâu thẳm đáy lòng con quỉ dữ. Đó là sự biến đổi vô cùng quan trọng để từ đây Chí Phèo bắt đầu có sự đối thoại với chính mình, và trỗi dậy một khát khao được sống làm người lương thiện. Truyện ngắn Chí Phèo, xuất hiện dày đặc các chi tiết nghệ thuật, mà qua đó người đọc có thể hiểu được quá trình chuyển biến mạnh mẽ, và bi kịch đấu tranh để đòi quyền làm người của Chí.
Truyện ngắn Lão Hạc gây ấn tượng mạnh đối với người đọc nhờ những chi tiết nghệ thuật miêu tả tâm trạng của lão. Hãy xem sự đau đớn của lão khi thông báo việc bán chó với ông giáo: “Mặt lão đột nhiên co dúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau; ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…”. Những biểu hiện bên ngoài thiểu não của lão ẩn chứa một sự chua xót, đau đớn bên trong khi lão nghĩ đến cậu Vàng. Chỉ một chi tiết đó thôi cũng đủ biết tâm trạng của lão đang buồn thảm đến chừng nào. Chi tiết cái chết của Lão cũng thật là dữ dội “Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép ra khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nảy lên”. Cái chết thảm khốc, đau đớn của Lão Hạc gói gọn trong mấy chi tiết nhỏ đó nhưng người đọc hiểu trọn vẹn một tấm lòng lương thiện, suốt đời vì con của lão nông chi điền ở cái thôn quê còn nhiều đói khổ, tủi cực.
Ở đề tài người trí thức, Nam Cao cũng tập trung khắc họa tâm trạng và tính cách nhân vật bằng nhiều chi tiết nghệ thuật ý nghĩa. Những truyện ngắn về đề tài trí thức tiểu tư sản như: Đui mù; Cái mặt không chơi được; Nhỏ nhen; Những chuyện không muốn viết; Giăng sáng; Mua nhà; Truyện tình; Một truyện Xứvơnia; Đời thừa; Cười; Nước mắt; Đôi mắt,… là những truyện tạo được ấn tượng mạnh mẽ nhờ rất nhiều chi tiết nghệ thuật đặc sắc góp phần tạo nên sự thành công cho truyện. Chính nhờ những chi tiết nghệ thuật mà những truyện ngắn nhiều khi không thực sự nổi bật về cốt truyện nhưng vẫn tạo được sự hấp dẫn đối với người đọc.
Những chi tiết nghệ thuật thuộc về tâm trạng nhân vật trong những truyện về đề tài người trí thức ta có thể bắt gặp rất nhiều ở những nhân vật như Hộ (Đời thừa); Điền (Giăng sáng); Cự Điền (Nước mắt); Lưu (Truyện tình); Hàn (Một truyện xúvơnia),…Hộ buồn chán khi nghĩ đến cái ước mơ của mình tiêu tan và cách viết hời hợt để kiếm sống trong hiện tại “Còn gì buồn hơn chính mình lại chán mình? Còn gì đau đớn cho một kẻ vẫn khát khao làm một cái gì mà nâng cao giá trị đời sống của mình mà kết cục chẳng làm được cái gì chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt?” (Đời thừa).
Những chi tiết nghệ thuật thuộc về một ý triết lý nằm trong suy nghĩ của nhân vật ta có thể gặp khá nhiều trong những truyện viết về người trí thức tiểu tư sản. Chiêm nghiệm về con người trước cuộc đời còn quá nhiều khổ sở, người trí thức có thể có một cái nhìn cảm thông khi nhận ra rằng “cái khổ làm héo một phần lớn những tính tình tươi đẹp của người ta” (Giăng sáng). Anh ta cũng có thể chua chát an ủi mình bằng ý nghĩ: “Ở cảnh chúng ta lúc này, hạnh phúc chỉ là một cái chăn quá hẹp. Người này co thì người kia hở” (Mua nhà). Người trí thức cũng nhận thấy cuộc sống vốn không giống như tiểu thuyết. Cần phải tỉnh táo sống trong hiện thực, bởi vì “cuộc sống vốn không tha thứ những cái gì quá thơ”.
Qua tìm hiểu về một số đặc điểm chi tiết nghệ thuật trong truyện ngắn Nam Cao có thể thấy, chi tiết nghệ thuật là một trong những yếu tố đã làm nên sự hấp dẫn trong cấu trúc truyện ngắn Nam Cao. Những chi tiết nghệ thuật bắc cầu cho mạch truyện phát triển liên tục trong kết cấu. Và chúng được Nam Cao tận dụng rất hiệu quả trong tác phẩm của mình. Nếu như Nam Cao tập trung các chi tiết nghệ thuật biểu hiện tâm trạng và sự nhận thức của nhân vật trước hoàn cảnh, thì điểm sáng trong chi tiết nghệ thuật của Nguyễn Công Hoan lại thuộc về việc làm bật nổi lên tình trạng đối lập, mâu thuẫn trong bản chất của hiện tượng để đẩy tính chất hài hước của câu chuyện lên cao. Cái ý nghĩa thâm thúy của truyện ngắn cũng qua đó được thể hiện. Ở Thạch Lam, ta ít thấy những chi tiết nghệ thuật thuộc về một ý nghĩ triết lý được đặt vào trong suy nghĩ của nhân vật như ở truyện ngắn của Nam Cao, nhưng giữa hai nhà văn này có nét chung trong việc sử dụng chi tiết nghệ thuật đó là miêu tả nội tâm, cảm xúc của nhân vật. Tất nhiên, ở mỗi nhà văn việc sử dụng chi tiết nghệ thuật có đạt hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào toàn bộ cấu trúc của tác phẩm.
Nghiên cứu truyện ngắn Nam Cao, chúng tôi nhận thấy cấu trúc trần thuật trong truyện ngắn của ông khá đa dạng và phong phú. Nó cho thấy một khả năng sáng tạo hết sức đặc biệt của Nam Cao. Không đi vào những đề tài mới lạ, không nêu bật những chủ đề to tát, nhưng truyện ngắn Nam Cao đến với người đọc, neo đậu trong lòng người đọc rất tự nhiên và cảm động. Bởi truyện ngắn của Nam Cao là những trang viết dạt dào chất sống hiện thực. Hiện thực ấy nó chân thực trong ngòi bút, trong cách nghĩ của nhà văn về cuộc đời, về những kiếp người mà Nam Cao đã trăn trở viết lên bằng những câu chữ từ gan ruột, từ chính trái tim mình.
Truyện ngắn Nam Cao có sự kết hợp đan xen các kiểu kết cấu chứ không đơn thuần chỉ thuộc về một kiểu kết cấu nhất định. Sự sáng tạo trong xây dựng kết cấu truyện ngắn đã góp phần làm sâu sắc hơn tư tưởng, tình cảm của nhà văn và nội dung trong tác phẩm cũng như bộc lộ tính cách nhân vật. Nhất là sự bộc lộ tính cách nhân vật, tính cách nhân vật hình thành và phát triển từ cuộc sống. Nam Cao nắm bắt điều này và ông đã thể hiện rất thành công điều đó.
Cùng với kết cấu, cốt truyện cũng là thành phần đáng chú ý đem đến sự thành công không nhỏ cho truyện ngắn của ông. Truyện ngắn trước năm 1945 của Nam Cao thu hút người đọc ở cốt truyện thể hiện những chiều sâu của hiện thực cuộc sống trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Thâm nhập vào thế giới cốt truyện của Nam Cao ở thời kỳ này người đọc khám phá ra một mảng hiện thực lớn trong cuộc sống, trong đời sống nội tâm của phần đông người nông dân và người trí thức tiểu tư sản thời ấy. Sau năm 1945, cốt truyện trong truyện ngắn Nam Cao chưa thực sự hấp dẫn, nhưng ý nghĩa thực tế mà chúng đem lại đã được khẳng định.
Với tình huống truyện, Nam Cao đã lựa chọn được những kiểu tình huống phù hợp với mỗi truyện ngắn để qua đó bộc lộ chủ đề tư tưởng rõ nhất. Những truyện ngắn trước năm 1945, là những truyện thể hiện tài năng trong xây dựng tình huống truyện của Nam Cao. Sau năm 1945, Nam Cao đi sâu vào khai thác đề tài cách mạng, ca ngợi sự đổi thay lớn lao của cách mạng nên ông không chú ý việc xây dựng những truyện ngắn có tình
huống va chạm, mâu thuẫn gay gắt của các nhân vật. Hơn nữa, Nam Cao chú tâm vào việc ca ngợi những tấm gương anh hùng, những chiến sĩ cách mạng, những sự biến đổi bên trong của người trí thức tiểu tư sản trước thời cuộc nên tình huống truyện không được ông chú tâm xây dựng như ở thời kỳ trước.
Một yếu tố nằm trong hệ thống lớp vỏ ngôn từ làm sáng lên tư tưởng, tính cách nhân vật ấy là chi tiết nghệ thuật. Những điểm thuộc về chi tiết nghệ thuật mà chúng tôi đã phân tích ở trên chưa thực sự đầy đủ, nhưng rõ ràng có thể thấy yếu tố chi tiết nghệ thuật luôn là điểm sáng và điểm nhấn trong truyện ngắn Nam Cao. Người đọc có thể nhớ rất lâu những chi tiết nghệ thuật đi liền với nhân vật. Sau năm 1945, ở tác phẩm Đôi Mắt, một lần nữa Nam Cao cho thấy một sự sáng tạo dồi dào trong việc khắc họa nhân vật bằng những chi tiết nghệ thuật độc đáo. Đó là cái duyên ngầm của Nam Cao khi ông đưa ngôn từ vào những trang viết.