Truyện ngắn Nam Cao với giọng văn tự sự lạnh lùng, dửng dưng

Một phần của tài liệu nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nam cao (Trang 165 - 169)

CHƯƠNG 3: LỜI VĂN VÀ GIỌNG ĐIỆU TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN NAM CAO

3.2.3.2. Truyện ngắn Nam Cao với giọng văn tự sự lạnh lùng, dửng dưng

Không ít người nghiên cứu đã xâm nhập vào địa hạt truyện ngắn của Nam Cao và họ khai thác truyện ngắn của nhà văn tài hoa này ở những góc cạnh khác nhau trong đó có giọng điệu, khi nghiên cứu về giọng điệu trần thuật tất nhiên nhiều người đồng ý rằng truyện ngắn Nam Cao có một giọng văn lạnh lùng. Ở bề nổi của lời văn điều này là dễ thấy. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ phân tích một khía cạnh khác (ở mục 3.2.3.4) về giọng điệu trong truyện ngắn của Nam Cao để thấy cái chất tự sự lạnh lùng chỉ là cái vỏ bề ngoài che đậy trong đó cái chất ấm nóng của một tấm lòng nhân đạo.

Nghiên cứu về “Lối văn kể chuyện của Nam Cao” tác giả Phan Diễm Phương đã nhấn mạnh lối văn kể chuyện Nam Cao được thể hiện “trước hết ở ngôn ngữ người kể chuyện mà ta có thể thấy qua các truyện ngắn của tác giả. Nhìn từ một góc độ nào đó sẽ thấy trong ngôn ngữ người kể chuyện của Nam Cao có cái vẻ khách quan lạnh lùng” [88; 132]. Cái vẻ lạnh lùng, dửng dưng của giọng điệu Nam Cao được biểu hiện trước hết ở việc khắc họa chân dung, diện mạo, hoàn cảnh nhân vật. Người kể chuyện đã kể lại tất cả những điều ấy bằng một giọng văn tả chân “rất ác”. Ít khi Nam Cao bày tỏ thái độ về nhân vật bằng giọng điệu trìu mến, nâng niu như văn học lãng mạn.

Mà ngược lại ngòi bút của ông lúc nào cũng sắc lạnh và lời lẽ chua chát, cay đắng. Bằng chứng là Nam Cao vẽ lên trong tác phẩm của mình những con người bị cuộc sống cực nhọc làm cho thân xác, diện mạo xiêu vẹo, méo mó, thậm chí dị hình, dị dạng.

Đó là khuôn mặt “không còn phải là mặt người: nó là mặt một con vật lạ, nhìn mặt những con vật có bao giờ biết tuổi?”. Đó là cái dung nhan của Thị Nở “xấu ma chê quỉ hờn. Cái mặt của thị thực sự là một sự mỉa mai của hóa công” (Chí Phèo). Chân dung của mụ Lợi, Lang Rận, Trạch Văn Đoành cũng được tả bằng một giọng văn tương tự. Tả diện mạo nhân vật một cách tỉ mỉ về cái xấu xí đến từng chi tiết, từng bộ phận nhỏ, nhà văn không ít lần đã “vật hóa” nhân vật của mình trong cách so sánh khiến nhiều người đã qui kết ngòi bút Nam Cao ngả theo chủ nghĩa tự nhiên nhiều quá nhất là trong việc miêu tả dung mạo Thị Nở. Thật ra chính cái cách dùng từ như đay, như mỉa trong cách so sánh hơi quá mức của mình đã khiến ngòi bút Nam Cao có một nét khác biệt so với cách miêu tả nhân vật của các nhà văn khác cùng thời. Hơn nữa, điều mà tác giả muốn khẳng định là cái “hạt ngọc” ẩn chứa bên trong cái vỏ bọc xấu xí ấy chứ không phải cái diện mạo

“chăm chút tô vẽ” của nhân vật. Đặt điểm nhìn sắc lạnh vào chủ thể trần thuật để vẽ nên chân dung thậm xấu của nhân vật bằng một cái nhìn, giọng điệu dửng dưng, vô cảm, người kể chuyện cứ “vô tư” đay, mỉa cái vẻ xấu xí của nhân vật. Để đến một lúc nào đấy anh ta nén một tiếng thở dài xót xa cho nhân vật.

Không chỉ trong miêu tả diện mạo nhân vật, chứng kiến những hoàn cảnh éo le, bất hạnh của nhân vật, người kể chuyện cũng tỏ ra dửng dưng và kể lại hoàn toàn khách quan những gì mình chứng kiến, thậm chí anh ta còn tỉnh queo chua thêm cái bất hạnh của nhân vật. Chứng kiến cái chết của anh đĩ Chuột, người kể chuyện so sánh: “cái bộ xương bọc da giãy giụa như một con gà bị bẫy…” (Nghèo). Nói đến cái chết của một con người đáng thương, khốn khổ mà ví với “con gà bị bẫy” thì quả là một giọng khá dửng dưng, lạnh lùng. Cái chết của Lang rận cũng được miêu tả bằng một giọng lạnh lùng của người ngoài cuộc như vậy: “Ông thắt cổ! Ông thắt cổ bằng cái ruột tượng gốc của mụ Lợi. Cái mặt ông, đọng máu sưng lên bằng cái thớt. Cái đầu ông ngoẹo xuống, như đầu một thằng bé khi nó dỗi” (Lang rận).

Cái vẻ khách quan lạnh lùng của giọng điệu Nam Cao cũng được biểu hiện ở hiện thực khách quan mà nhà văn phản ánh. Nam Cao không chủ tâm xây dựng những bức tranh xã hội rộng lớn với các mối quan hệ phức tạp, mà ông quan tâm tìm hiểu những điều vụn vặt, nhỏ bé, bình thường mà ông thường cho là “những chuyện không muốn viết”. Khi nói về hiện thực này, Nam Cao thường giữ một giọng điệu khách quan, lạnh lùng. Tuy nhiên, thông qua những điều mà ông phản ánh có thể thấy đó chỉ là những sự việc bề nổi giấu bên trong những phần sâu của số phận và tính cách nhân vật. Cũng miêu tả cái đói, cái nghèo, cái khổ, cái bất hạnh của con người trong xã hội cũ, Nam Cao không nói bằng một giọng điệu thống thiết như Nguyên Hồng hay hài hước như Nguyễn Công Hoan mà lúc nào cũng vậy, Nam Cao nói bằng một giọng điệu lạnh lùng của người ngoài cuộc.

Truyện ngắn Nam Cao phần nhiều được kể theo ngôi thứ ba với điểm nhìn khách quan hóa. Chính phương thức kể chuyện này cũng góp phần tạo nên giọng điệu khách quan, lạnh lùng ở người kể chuyện. Trong truyện ngắn Nam Cao, xuất hiện nhiều kiểu chết của nhân vật. Trong đó cái chết no của bà cụ là một cái chết thảm thương, vì thực chất là bà chết do nhịn đói quá lâu ngày nên khi ăn nhiều dễ dẫn đến bội thực mà chết. Chứng kiến bà lão “chết no”, chủ thể trần thuật kể lại: “Rồi bà chết. Bà phó Thụ nghe tin ấy, bảo: “Bà chết no”. Và bà dùng ngay cái chết ấy làm bài học dạy lũ con gái, con nuôi”. “rồi bà chết” - câu thông báo một sự thật ngắn gọn, không có từ biểu cảm, mang ngữ điệu lạnh lùng đến tàn nhẫn và nó được nâng cao cái dửng dưng lên bằng câu nói của bà phó Thụ. Người kể đã đứng về phía điểm nhìn của bà phó Thụ để trần thuật, đứng về phía điểm nhìn của một con người tàn nhẫn, và vô tâm là bà phó Thụ, người kể chuyện cố tỏ vẻ dửng dưng, vô cảm. Nhưng chính sự tạo đồng tình “giả” này, chủ thể trần thuật đã bộc lộ được một tiếng nói phê phán gay gắt về sự thờ ơ của con người trước đồng loại. Người ta có thể vì bản thân, mà quên đi đồng loại của mình đang quằn quại chết dần đi. Đó là cái nhức nhối của chính nhà văn trước tình cảnh nhân cách của con người đang có nguy cơ bị tha hóa dần đi. Lòng nhân đạo trắc ẩn của người kể chuyện - cái tôi nhà văn nằm trong mạch ngầm sắc giọng lạnh lùng ấy.

Sự lạnh lùng trong lời văn của người kể chuyện còn bộc lộ ở cách đặt danh xưng cho nhân vật. Những cách gọi như: Y, thị, hắn, bọn, thằng,…xuất hiện rất thường xuyên trong truyện ngắn của Nam Cao. Cách gọi nhân vật như thế thể hiện một thái độ rất riêng của tác giả khi nói về nhân vật. Nó dường như khẳng định một lần nữa sự lạnh lùng, dửng dưng của giọng văn Nam Cao đúng như Trương Thị Nhàn đã nói: “Gọi nhân vật của mình bằng hắn, bộc lộ rất độc đáo khuynh hướng hiện thực nghiệt ngã trong sáng tác của ông” [82;144]. Gọi nhân vật bằng các đại từ chỉ thị ngôi thứ ba số ít, Nam Cao đã thể hiện một cái nhìn, một giọng điệu rất khách quan. Chẳng hạn: “UthằngU này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì UhắnU thấy mắt hình như ươn ướt…” (Chí Phèo); “Y gầm lên. Y xốc váy lên trên đầu gối. UY Ugiậm chân bồ bồ. Rồi y lại buông váy xuống…” (Những chuyện không muốn viết); “Đột nhiên Uthị Uthấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người lại qua” (Chí Phèo)…Đó là cách dẫn chuyện hết sức khách quan, nhưng sâu trong mạch kể là biết bao tình cảm.

Ở giọng văn lạnh lùng trong truyện ngắn Nam Cao, ta còn bắt gặp trong giọng của chính nhân vật. Giọng văn lạnh lùng trong lời của nhân vật có khi thể hiện đúng cái lạnh lùng, tàn nhẫn, độc ác từ trong bản chất như trong lời của bà Huyên: “ - Đi vắng! Đi vắng mãi! Mày về bảo con mẹ mày nội ngày mai không trả tiền tao thì tao đào mả lên đấy. Cái giống chỉ biết ăn không” (Nghèo). Sự lạnh lùng, tàn nhẫn của bà Huyên trước cảnh nghèo túng, và bệnh tật của anh đĩ Chuột đã khiến anh dồn chút tàn hơi vào đôi chân đẩy cái ghế tự vẫn trong khi vợ con đang khóc lóc van nài ngoài đầu ngõ. Người đọc thấy xót xa, tội nghiệp cho cảnh nghèo của anh đĩ Chuột bao nhiêu, thì lại càng thấy sự lạnh lùng, tàn nhẫn trong lời nói của bà Huyên bấy nhiêu.

Trong lời văn mang sắc giọng lạnh lùng, tàn nhẫn ở nhân vật trong truyện ngắn Nam Cao, ta thường bắt gặp khá nhiều kiểu lời văn bề ngoài tỏ ra lạnh lùng, tàn nhẫn nhưng ẩn chứa bên trong là biết bao sự đau đớn, thương yêu. Từ nhân vật Hộ trong Đời thừa đến nhân vật Điền trong Nước mắt. Trong lời mắng chửi khá lạnh lùng của Hộ với vợ con ta cũng nhận ra biết bao nhiêu uất ức, tủi hờn và đau đớn trong đó: “ - Mấy đứa kia đều đáng đánh vật một nhát cho chết cả! Chúng nó chỉ biết ăn với hét! Cả con mẹ nữa, con

mẹ là mình ấy…cũng đáng vật một nhát cho chết cả! Chúng nó chỉ biết ăn rồi ngồi ôm con như nhện ôm khư khư bọc trứng, không chịu làm thêm việc gì cho có tiền. Chỉ khổ thằng này thôi” (Đời thừa).

Như vậy, kiểu giọng văn lạnh lùng, dửng dưng trong truyện ngắn Nam Cao một mặt được thể hiện dưới ngôn ngữ của người kể chuyện, mặt khác được thể hiện trong chính ngôn ngữ, lời nói của nhân vật. Giọng văn lạnh lùng, dửng dưng được Nam Cao lựa chọn như là một giọng văn chủ đạo trong các truyện ngắn trước năm 1945 của ông. Nhưng thực ra người đọc bắt gặp một giọng điệu ẩn ngầm bên cạnh những lời văn tỏ ra lạnh lùng, tàn nhẫn, đó là giọng văn ngậm ngùi, chan chứa yêu thương. Và chính giọng văn này đã góp phần làm cho tiếng nói nhân đạo trong truyện ngắn Nam Cao trở nên sâu sắc hơn, xúc động hơn.

Một phần của tài liệu nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nam cao (Trang 165 - 169)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(200 trang)