Tình huống truyện trong lý thuyết tự sự học

Một phần của tài liệu nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nam cao (Trang 116 - 118)

CHƯƠNG 2: CẤU TRÚC TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN GẮN NAM CAO

2.3.1. Tình huống truyện trong lý thuyết tự sự học

Tác giả Bùi Việt Thắng khi bàn về truyện ngắn đã nói rằng “Truyện ngắn là thể loại năng động đã bấm huyệt đời sống bằng cách sáng tạo những tình huống nghệ thuật đặc sắc để phản ánh sự đa dạng và phức tạp của đời sống”. Quả vậy, tình huống giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong truyện ngắn. Nhà mỹ học lỗi lạc Hêghen đã từng quan tâm rất sớm đến vấn đề tình huống. Trong tác phẩm Mỹ học nổi tiếng ông đã khẳng định rằng: “Tình huống góp phần biểu lộ nội dung, là cái phần có được một sự tồn tại bên ngoài bằng sự biểu hiện nghệ thuật. Theo quan điểm này, tình huống cấp cho ta một thao trường rộng lớn để tìm hiểu, bởi vì từ lâu nhiệm vụ quan trọng nhất của nghệ thuật vẫn là tìm những tình huống thú vị, tức là những tình huống nào cho phép ta bộc lộ những hứng thú quan trọng và sâu sắc cùng như cái nội dung chân thực của tâm hồn” [92; 110]. Tác giả này đã khẳng định tầm quan trọng của tình huống trong tác phẩm văn học, thấy được vị trí và vai trò của nó trong việc tạo nên một sự hấp dẫn, thú vị cho tác phẩm đối với sự tiếp nhận của người đọc.

Henry James cũng là một trong những người sớm nhìn thấy vai trò vô cùng quan trọng của tình huống trong truyện ngắn. Ông cho rằng: “Các tình huống là sự bộc lộ tính cách nhân vật”, nghĩa là thông qua tình huống các tính cách có sự va chạm nhau, tác động vào nhau từ đó bộc lộ những thuộc tính quan trọng của tính cách mỗi nhân vật, nhờ thế nội dung tư tưởng của tác phẩm sẽ được bộc lộ mạnh mẽ thông qua những tình huống trong tác phẩm.

Cũng khẳng định tầm quan trọng của tình huống trong thể loại tự sự Phùng Quí Nhâm cho rằng: “Khi đề cập đến truyện ngắn, một yếu tố không thể thiếu đó là tình huống. Tình huống của câu chuyện và tình huống của nhân vật. Nhờ biết đặt câu chuyện và nhân vật vào những tình huống tiêu biểu, “những tình huống đặc biệt’ (chữ dùng của X.L.Rubinslein), “những tình huống nhiều màu vẻ” (Hégel) mà sự tinh cô về tư tưởng

nghệ thuật của truyện ngắn thể hiện rõ hơn các thể trong loại tự sự. Ở truyện ngắn tình huống thường gắn liền với biến cố của sự kiện, biến cố của hành động, nhân vật” [84; 55]. Do đặc trưng của truyện ngắn là một lát cắt, một khoảnh khắc của cuộc sống nên các tác giả cho rằng truyện ngắn chỉ xoay quanh một tình thế nhất định nhằm làm nổi bật mâu thuẫn chủ yếu nhất nơi mà các nhân vật có dịp bộc lộ tính cách của mình rõ ràng, mạnh mẽ nhất.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu - một nhà văn tài năng trong lĩnh vực truyện ngắn khi bàn về tình huống truyện cũng đã chỉ ra những điều hết sức sâu sắc: “Với truyện ngắn và với một tác giả có kinh nghiệm viết, tôi nghĩ rằng đôi khi người ta nghĩ ra được một cái tình thế xảy ra câu chuyện thật hay, thế là coi như xong một nửa. Tình thế truyện không cần những mâu thuẫn gay gắt như kịch, nhưng nó là cái cớ chắc chắn, hết sức cụ thể và mang tính riêng, ở đó cốt truyện và nhân vật nương tựa vào để thực hiện đắc lực tất cả ý định của tác giả. Ví như một cây cọc vững chắc để cho bí leo lên mà ra hoa trái. Những tình thế con người ta phải trải qua trong cuộc đời lắm khi chỉ mới nghe thuật lại thôi, đã thấy được cái tâm trạng, cái bi, cái hài. Đó là sự tác động qua lại giữa con người và hoàn cảnh. Những nhà văn có tài đều là những người có tài tạo ra những tình thế xảy ra truyện vừa rất cá biệt, vừa mang tính phổ biến, tượng trưng” [92; 112].

Nhiều nhà lý luận cho rằng mỗi truyện ngắn chỉ có một tình huống, nhưng cần nhận thấy mỗi truyện ngắn cũng có thể chứa đựng trong nó hơn một tình huống, trong đó có một tình huống tiêu biểu nhất giữ vai trò là tâm điểm để cốt truyện xoay quanh nó. Với mỗi tình huống tiêu biểu phải cùng lúc thực hiện các nhiệm vụ nghệ thuật mà qua đó chúng ta có cơ sở để đánh giá các tình huống truyện đó là gắn kết các nhân vật (vốn xa lạ) cùng tham gia vào một sự kiện, biến cố có ý nghĩa nào đó. Đồng thời thể hiện chủ đề của tác phẩm mà nhà văn muốn gửi gắm. Và bộc lộ quan hệ tính cách và số phận của nhân vật.

Một phần của tài liệu nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nam cao (Trang 116 - 118)