Chi tiết nghệ thuật trong tự sự học

Một phần của tài liệu nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nam cao (Trang 128 - 129)

CHƯƠNG 2: CẤU TRÚC TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN GẮN NAM CAO

2.4.1 Chi tiết nghệ thuật trong tự sự học

Tác phẩm văn học là một chỉnh thể nghệ thuật được xây dựng bằng ngôn từ. Trong tác phẩm văn học ngôn từ được sử dụng một cách nghệ thuật để tạo dựng các chi tiết. Bất cứ một tác phẩm văn học nào cũng cần đến chi tiết. Đối với các tác phẩm tự sự, thông thường nhân vật để lại ấn tượng cho độc giả nhờ những chi tiết hay, độc đáo có khả năng biểu hiện tư tưởng và cảm xúc. Để xây dựng được những chi tiết đặc sắc nó đòi hỏi ở nhà văn một vốn sống phong phú và sự lao động nghệ thuật sáng tạo không mệt mỏi. Ví von một cách hình tượng, tác giả Đinh Hùng khẳng định: “Trong việc viết truyện quân là chi tiết, tác giả là tướng chỉ huy…tác giả phải chọn chi tiết đủ để nắm lấy tình cảm của độc giả, chi tiết mà bố trí lỏng lẻo chông chênh thì tình cảm của độc giả chểnh lọt đến chỗ khác mất”

Chính F. Anghen đã khẳng định: “Chủ nghĩa hiện thực ngoài sự chính xác của các chi tiết cần phải xây dựng những tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình”. Chi tiết nghệ thuật gắn với quan niệm nghệ thuật về thế giới và con người. Chi tiết nghệ thuật đóng vai trò là vật liệu xây dựng, làm tiền đề cho cốt truyện phát triển. Nói như nhà văn Trần Thanh Địch, nó như là những “mắt xích” để liên kết gắn nối cốt truyện, các sự kiện, tâm lý nhân vật, những mâu thuẫn, xung đột để tạo nên một chỉnh thể truyện ngắn. Mỗi truyện ngắn để trở thành một truyện ngắn hấp dẫn thì nhất thiết không thể nghèo nàn về chi tiết, nhưng cũng không được thừa thãi chi tiết, bởi sẽ tạo nên sự rườm rà, thiếu sức cô đọng cho truyện. Vì vậy, mọi chi tiết của truyện cần phải được chọn lọc, gọt giũa để trở thành những chi tiết nghệ thuật có tác dụng làm nổi bật chủ đề, ý nghĩa tư tưởng của truyện. Chi tiết cần một sự chân thực như F. Anghen đã nói, và nó cần phải hàm chứa một ý nghĩa về cách nhìn, cách đánh giá của nhà văn và “năng lực tưởng tượng của nhà văn

về cuộc sống và con người”. Chính nhờ các chi tiết hay mà thế giới hiện thực, tính cách nhân vật, tình huống, hành động, tâm tư nhân vật được bộc lộ đầy đủ, trọn vẹn nhất.

Mỗi nhà văn khi xây dựng truyện ngắn cần thiết phải xây dựng được những chi tiết cô đọng, hàm súc nhưng hàm chứa một dung lượng lớn với lối hành văn mang chiều sâu ý nghĩa để nhờ nó mà tư tưởng, chủ đề của tác phẩm được khắc sâu hơn, chi tiết nghệ thuật sẽ soi chiếu đến những vi mạch trong chiều sâu ý nghĩa của truyện. Một truyện ngắn có thể không có một cốt truyện đặc sắc, nhưng nó vẫn tạo sự hấp dẫn đối với người đọc nhờ những chi tiết đột phá đầy nghệ thuật ấy. Truyện ngắn của Nam Cao là một trong những trường hợp có sức thu hút nhờ chi tiết nghệ thuật như vậy. Có thể khẳng định rằng chi tiết nghệ thuật là bộ phận nhỏ nhất có ý nghĩa của tác phẩm mà nhờ bộ phận này thế giới nghệ thuật của tác phẩm mới hiện ra một cách cụ thể, sinh động. Các chi tiết nối kết với nhau, liên hệ với nhau và soi sáng lẫn nhau trong một chỉnh thể thống nhất. Toàn bộ cấu trúc của tác phẩm được vận hành nhờ sự liên kết của các chi tiết nghệ thuật. Người đọc khám phá cấu trúc tác phẩm không thể bỏ qua việc khám phá những chi tiết nghệ thuật và những yếu tố liên kết mạch truyện trong tác phẩm tự sự nói chung.

Một phần của tài liệu nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nam cao (Trang 128 - 129)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(200 trang)