CHƯƠNG 2: CẤU TRÚC TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN GẮN NAM CAO
2.1.2.1. Kết cấu tuyến tính trong truyện ngắn Nam Cao
Kiểu kết tuyến tính thường là kiểu kết cấu chủ đạo trong các sáng tác tự sự của văn học dân gian trước đây. Đến văn học hiện đại các nhà văn vẫn thường xây dựng các tác phẩm theo kiểu kết cấu này. Ở kiểu kết cấu trần thuật tuyến tính, các sự kiện, sự việc thường được trần thuật liền mạch không bị ngăn tách về yếu tố thời gian. Diễn biến của các sự kiện được diễn ra liên tục theo trật tự từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Vì vậy, mạch truyện cũng thường được sắp xếp theo thời gian trần thuật của cốt truyện nghĩa là tuân thủ theo nguyên tắc trước sau cái gì xảy ra trước thì kể trước. Nhưng điểm nhấn của kiểu kết cấu trần thuật này lại ở mối quan hệ nhân quả. Với kiểu kết cấu trần thuật này, tác phẩm tự sự không thể hiện một lớp lang tầng bậc đan cài với những tuyến truyện phức
tạp mà thường đơn giản trong cách triển khai sự phát triển của truyện. Hầu hết những truyện có kết cấu này thường là những lát cắt điển hình của cuộc sống mà nhà văn thâu gọn trong tác phẩm. Những mâu thuẫn trong đó trở nên dồn nén và nhanh chóng được tháo nút nhờ cách tổ chức sắp xếp các sự kiện, diễn biến theo mối quan hệ nhân quả. Ở đó, các nhân vật không có nhiều thời gian để suy ngẫm, để hồi tưởng, để chiêm nghiệm về cuộc sống mà dường như tất cả bị cuốn vào dòng chảy các sự việc trong tình huống truyện. Tính thuần nhất, rõ ràng không dích dắc các mối quan hệ phức tạp là ưu điểm của kiểu kết cấu trần thuật này.
Trong văn học hiện thực 1930 – 1945 không ít nhà văn sử dụng kiểu kết cấu trần thuật này. Và cả sau này đến văn học thời kỳ đổi mới các nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Minh Châu cũng đã rất thành công với kiểu kết cấu trần thuật này. Trong quá trình sáng tác các nhà văn luôn có nhu cầu cách tân, đổi mới để đem đến sự hấp dẫn cho truyện ngắn hiện đại. Mối quan hệ nhân quả của hành động, sự kiện được nhấn mạnh thay vì trật tự thời gian được tuân thủ nghiêm nhặt như trong văn học dân gian. Dạng kết cấu trần thuật xuôi theo dòng mạch truyện được nhiều nhà văn sử dụng rất thành công, trong đó phải kể đến Nam Cao. Nếu như nhiều người khẳng định rằng truyện ngắn Nam Cao chủ yếu có kết cấu tâm lý thì cũng cần thấy rằng không ít truyện ngắn Nam Cao sử dụng kết cấu trần thuật tuyến tính. Đáng lưu ý là kiểu kết cấu trần thuật này được sử dụng chủ yếu trong truyện ngắn trước năm 1945. Sau năm 1945 kiểu kết cấu trần thuật này được sử dụng rất hạn chế. Điều này cho thấy hiện thực phản ánh trong truyện ngắn Nam Cao đã có sự chuyển hướng rõ rệt. Ông đã thoát thai khỏi cái làng quê nhiều chật hẹp, bức bối với bao nhiêu số phận người đau khổ để đến với cái không khí cách mạng vĩ đại đang từng ngày lớn mạnh trong lòng dân tộc. Kiểu kết cấu trần thuật trên thích hợp để ông dựng lên những lát cắt cuộc sống chứa bao điều dữ dội bên trong từ những điều vặt vãnh, tủn mủn hàng ngày. Những tác phẩm được ông triển khai bằng kết cấu này có thể kể như:
Nghèo; Con mèo; Đòn chồng; Đón khách; Quái dị; Làm tổ; Thôi, đi về; Mua danh; Một bữa no; Rửa hờn; Rình trộm (Sáng tác trước cách mạng); Mò sâm banh (Sáng tác sau cách mạng)
Những tác phẩm trước năm 1945 có điểm chung là tình huống truyện tập trung, các sự kiện diễn ra mau lẹ, kịch tính và xung đột dồn nén. Thời gian trần thuật trùng với thời gian của cốt truyện và mạch trần thuật xuôi theo dòng mạch truyện theo quan hệ nhân quả, trước sau của các sự kiện. Thắt nút, phát triển và dẫn đến cao trào của các sự kiện, biến cố trong câu chuyện kể được đẩy lên đến mức tối đa. Điểm nhìn trần thuật xuất phát từ ngôi thứ ba khách quan kể lại tất cả những sự việc mà chủ thể trần thuật chứng kiến nên biến cố được miêu tả như là quá trình vận động tự thân và phát triển của mâu thuẫn.
Ở Con mèo câu chuyện mở đầu để dẫn đến mâu thuẫn giữa hai vợ chồng anh chị cu là sự xuất hiện của con mèo. Con mèo là chất xúc tác, là nguyên cớ để đẩy đưa mâu thuẫn của hai vợ chồng anh cu lên cao. Nhưng thực sự cái nguyên cớ sâu xa hơn để mâu thuẫn bùng nổ là sự bức bối trong người của hai vợ chồng. Con mèo chỉ là một giọt nước đủ làm tràn ly. Từ cái nguyên cớ hết sức nhỏ ấy, câu chuyện được dẫn dắt đến hệ quả là hai vợ chồng anh cu “choảng” nhau. Cả hai anh chị cu đều “cáu”, đều “giận”, đều “uất” và họ cấu xé nhau cho thỏa cơn uất. Mâu thuẫn xuất hiện, rồi phát triển mỗi lúc một sâu thêm và đỉnh điểm là trận đánh nhau của hai vợ chồng. Nhưng đến đêm thì họ làm hòa lại với nhau một cách hết sức tự nhiên như là tối qua chưa từng xảy ra chuyện gì. Câu chuyện diễn biến một mạch liên tục như thế.
Ở Rửa hờn, kết cấu trần thuật theo dòng mạch truyện được triển khai bắt đầu cũng từ một nguyên cớ vặt vãnh: Cái trần ngôn. Từ nguyên cớ này đã kéo hai ông Lý Nhưng và Khóa Mẫn vào vòng xoáy đấu đá nhau. Ông Lý Nhưng nghi ngờ ông Khóa Mẫn viết cái trần ngôn để chửi mình nên đi đâu, ngồi đâu ông cũng buông lời mạt sát Khóa Mẫn không tiếc lời. Khóa Mẫn không giải thích, không mạt sát mà ông dùng hành động để trả lời. Hệ quả là hai ông cứ đấu đá nhau mãi và cuối cùng Lý Nhưng thua. Tuy vậy, Lý Nhưng có một cách “rửa hờn” thật khác người. Ông thấy thỏa mãn và đắc chí khi đã bí mật “giải thoát cho bong bóng” trên mộ bố ông Khóa Mẫn. Mạch truyện được phát triển bám sát vào hành động của các sự kiện nhân vật, câu chuyện phát triển liên tục không đứt đoạn, lôi cuốn người đọc vào sự hấp dẫn nhờ tính chất liên tục ấy.
Các truyện Thôi, đi về; Rình trộm; Một bữa no; Mua danh cũng có cách xây dựng kết cấu trần thuật tương tự. Trong những truyện đó tính chất thời gian không được chú ý nhưng tính chất nhân quả được chú trọng. Đấy cũng là một trong những cách tân của kiểu kết cấu trần thuật theo dòng mạch truyện so với kiểu kết cấu trần thuật theo trật tự thời gian tuyến tính trong văn học dân gian. Sau năm 1945, Nam Cao sử dụng không nhiều hình thức kết cấu này trong sáng tác của mình. Mò sâm banh có thể được xếp vào kiểu kết cấu trần thuật này. Ở đây, mạch trần thuật sóng đôi theo mạch truyện. Chuỗi những sự kiện được diễn ra qua sự quan sát của chủ thể trần thuật ẩn mình. Có lúc hòa nhập vào nhân vật để suy nghĩ. Từ việc để rơi chai sâm-banh vào giếng của bếp Tư, tâm lý lúng túng, sợ hãi của bác khi bí mật để con vào giếng nước mò sâm-banh hiện trên nét mặt đã dẫn đến hàng loạt các sự việc diễn ra xoay quanh trò đùa vô tâm của ông chủ. Và cuối cùng là cái chết đáng thương của Tề - con trai bếp tư. Mạch câu chuyện được liên tục nhờ sự tăng tiến của các sự kiện và sự phát triển của mạch tâm trạng nhân vật bếp tư.
Hầu hết những truyện được xây dựng theo kết cấu trần thuật này không có sự xáo trộn thời gian hay phân chia lại thời gian. Chủ thể trần thuật với điểm nhìn khách quan hóa luôn luôn để cho các sự việc phát triển như vốn có trên mối quan hệ nhân quả cụ thể: Từ A đến B, vì có A nên có B. Mối quan hệ liền mạch theo mối quan hệ nhân quả trên trục các sự kiện được trần thuật thu hút sự chú ý của người đọc. Với kiểu kết cấu này trong truyện ngắn Nam Cao, người đọc tìm thấy sự tức thời, nóng hổi của câu chuyện được kể. Lấy trục thời gian làm điểm tựa thúc đẩy các sự kiện phát triển đến cao trào và kết thúc. Các vấn đề mà nhà văn muốn đề cập qua tác phẩm hiện rõ trong cách kết cấu giản dị, thuần nhất gọn ghẽ. Sự tiếp nhận của độc giả vì thế cũng trở nên dễ dàng hơn.