Truyện ngắn Nam Cao với giọng văn giễu nhại, châm biếm, hài hước

Một phần của tài liệu nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nam cao (Trang 169 - 172)

CHƯƠNG 3: LỜI VĂN VÀ GIỌNG ĐIỆU TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN NAM CAO

3.2.3.4.Truyện ngắn Nam Cao với giọng văn giễu nhại, châm biếm, hài hước

hước

Truyện ngắn Nam Cao bên cạnh một giọng văn lạnh lùng, dửng dưng còn có một giọng văn mang tính chất trào phúng rất dễ nhận ra đó là chất giọng giễu nhại, châm biếm, hài hước. Cái chất trào phúng trong truyện ngắn Nam Cao khiến người ta bật ra tiếng cười, không phải là tiếng cười sảng khoái, mà là tiếng cười chua chát, tiếng cười nghèn nghẹn. Tiếng cười trong truyện của ông không quá khắc nghiệt mà có phần nhẹ nhàng và ít sâu cay. Nhưng đằng sau tiếng cười ấy dường như che dấu một nỗi niềm chua xót về số phận con người, nói như Hà Minh Đức đó là tiếng cười “đẫm đầy nước mắt”, “vừa nhẹ nhàng vừa độ lượng xót xa”.

Tính chất trào phúng thể hiện giọng giễu nhại thông thường được Nam Cao sử dụng trong những truyện được trần thuật theo ngôi thứ nhất bởi điểm nhìn của chính chủ thể cái tôi nhà văn như: Cái mặt không chơi được; Những truyện không muốn viết. Trong những truyện ngắn này ta bắt gặp tiếng cười tự trào của người trí thức tiểu tư sản. Ở truyện ngắn

lắng chung của những người được xem là “khách thơ”, ấy là nỗi lo cơm áo, nhưng tác giả không nói bằng một giọng hiện thực thống thiết mà nói bằng một giọng giễu nhại chính những suy nghĩ của mình: “Trọn đời tôi, tôi chỉ lo chết đói. Như thế bảo còn nghĩ đến cái gì to tát được? Nguyện vọng của tôi? Ấy là làm thế nào cho vợ có tiền đong gạo, mua nước mắm và mua ba xu thuốc chốc đầu của bà lang lùn về cho con. Không có mộng. Nói vậy sợ hơi quá quắt. Thật ra tôi cũng có chút mộng văn chương. Nhưng cái mộng ấy cũng hơi…khỉ khỉ”.

Lê Thị Đức Hạnh khi nghiên cứu Chất hài trong truyện ngắn Nam Cao đã cho rằng: “Tuy không phải là đặc điểm phổ biến nổi đậm như chất triết lý, nhưng chất hài ở ngòi bút Nam Cao được biểu hiện kín đáo, có khi thấy ở từng truyện, từng ý hoặc qua những hình ảnh, câu chữ…với một sắc thái riêng, là một trong những nét góp phần tạo nên sự độc đáo của truyện ngắn Nam Cao” [39; 241]. Tác giả này đã nói đến yếu tố chất hài trong hầu khắp các truyện ngắn của Nam Cao. Ở đây, chúng tôi chỉ chú ý đến giọng văn mang tính chất hài hước được thể hiện trong chính lời văn của người kể chuyện hay nhân vật. Chẳng hạn, lời văn mang giọng điệu hài hước, châm biếm trong những truyện ngắn như: Quên điều độ; Rình trộm; Rửa hờn; Cười; Nhỏ nhen…Tác giả khá chú ý đến giọng điệu khách quan của người kể chuyện ở ngôi thứ ba trong những truyện kể trên. Nhờ thế, người kể chuyện có thể tự nhiên miêu tả, lý giải các hiện tượng tâm trạng, hành động nhân vật một cách tự nhiên mà hết sức gây cười.

Truyện ngắn Quên điều độ Nam Cao đem đến cho người đọc tiếng cười ở giọng điệu hài hước của lời người kể chuyện, hài hước nhưng không kém phần chua chát. Tính chất hài hước pha giọng chua chát này xuyên suốt toàn tác phẩm. Cái cách mà tác giả nói đến sự điều độ, vệ sinh của Hài cũng thật là hài hước: “Hài thật là một người vệ sinh… Không bao giờ uống rượu. Chỉ uống toàn nước lã. Uống nước lã đun sôi vừa lành mà thanh đạm lại không tốn một đồng xu nhỏ. Hắn không hút thuốc lào, thuốc lá. Hắn không đi xem hát, xem chớp bóng để thì giờ mà ngủ…Sự vệ sinh ra cũng rẻ. UThật hợp với một người không có tiềnU”. Cái giọng hài hước được tạo ra ở đây cũng chính bằng cách nói phủ định. Phủ định nhiều thứ để minh chứng cho nguyên tắc “điều độ” trong sinh hoạt, ăn

uống của Hài. Nhưng những điều phủ định đó cuối cùng cũng dẫn đến khẳng định một điều Hài không có tiền, Hài ốm yếu bệnh tật. Vì vậy ở trong giọng văn hài hước này, ta vẫn bắt gặp một nét gì chua chát trong đó.

Rửa hờn, giọng văn hài hước, chế giễu hướng đến những kẻ cường hào bóc lột, lố bịch như Lý Nhưng ở chốn hương thôn. Mâu thuẫn nổ ra từ sự “ăn bẩn” của tên cường hào này. Ông khóa Mẫn và Lý Nhưng kiện nhau vì cái trần ngôn. Sau bao phen kiện cáo, lý Nhưng bị dồn đến đường cùng. Cuối cùng ông ta nghĩ đến một cách trả thù ngấm ngầm, bí mật như một “phép thắng lợi tinh thần” của người thua cuộc. Ông ta đã trả thù thế nào? Ông ra đồng và “ông làm cái việc giải thoát cho bong bóng (lên mộ bố ông khóa Mẫn)…Xong đâu đấy ông mỉm cười đắc chí. Ông đi về”. Một câu chuyện kết thúc bằng giọng văn đại hài dưới hình thức lời văn nửa trực tiếp. Giọng văn của người trần thuật và giọng văn của nhân vật tác động lẫn nhau, vì thế tác giả dẫn dắt người đọc thâm nhập vào tâm hồn của nhân vật một cách tự nhiên. Tác giả đã tạo nên độ căng và hấp dẫn cho câu chuyện này ở cái cách kết thúc hết sức bất ngờ và hài hước này.

Có những truyện ngắn Nam Cao tạo ra giọng văn hài hước mang tính chất châm biếm, khinh bỉ như câu chuyện trên, nhưng cũng có những truyện ngắn Nam Cao tạo ra giọng văn hài hước mang tính chất chua chát, đắng cay trong đó như ở Quên điều độ; Cười…Lại có truyện ngắn giọng văn hài hước mang tính chất “nhại” một triết lý nào đó. Truyện ngắn của Nam Cao ít có những đoạn đối thoại mang tính hài hước thuần túy, mà hầu như giọng văn hài hước được tạo ra thông qua lời của người kể chuyện xuyên suốt mạch truyện. Giọng văn hài hước, châm biếm không phải là giọng văn chủ đạo của truyện ngắn Nam Cao, nhưng nó lại là giọng văn nổi bật của truyện ngắn Nguyễn Công Hoan. Ở truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, giọng văn hài hước được tạo ra ở hầu hết tác phẩm, thấm đẫm trong lời văn, nhất là lời văn của nhân vật. Nếu như Nam Cao chỉ đề cập đến một khía cạnh, một nét nào đó của nhân vật để tạo ra giọng văn hài hước, ít dùng cách nói phóng đại mà người đọc phải ngẫm nghĩ và liên kết tình huống để nhận ra tiếng cười, thì ở truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, giọng văn hài hước được tạo ra ở những cách nói hiển ngôn dễ nhận, vỗ toẹt vào mặt nhân vật, dùng cách nói phóng đại nổi bật trong lời văn.

Chính điều đó đã tạo ra một phong cách truyện ngắn trào phúng rất riêng, độc đáo không lẫn của Nguyễn Công Hoan. Nam Cao tạo ra giọng văn hài hước nhưng lại hướng người đọc suy ngẫm đến những vấn đề chan chứa nước mắt của kiếp nhân sinh nhiều hơn là hướng người đọc đến cái nhìn phê phán, lên án gay gắt điều gì đó trong xã hội.

Một phần của tài liệu nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nam cao (Trang 169 - 172)