CHƯƠNG 2: CẤU TRÚC TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN GẮN NAM CAO
2.2.1. Lý thuyết về cốt truyện trong loại hình tự sự.
Kể từ khi lý thuyết tự sự học ra đời và phát triển các nhà lý luận đã không ngừng quan tâm đến vấn đề cốt truyện. Họ tìm cách lý giải và thống nhất khái niệm. Song điều ấy không dễ dàng chút nào, mỗi nhà lý luận có những kiến giải khác nhau, và những sự giải thích cũng thay đổi cùng với mỗi thời đại văn học khác nhau. Trong các công trình của A.Veslovski, G.N.Pospelov, L.I.Timofeep, E.Dobin, , B.Tomachevski, V.Shklovski, J.Lotman…vấn đề cốt truyện được đề cập ở nhiều mức độ khác nhau, mỗi cách giải thích đều có những kiến giải lý thú dựa trên cơ sở phân tích thể loại kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết.
Aristotle ông tổ của ngành Lý luận văn học từ rất sớm đã nghiên cứu về cốt truyện trong kịch. Ông cho rằng: “Cốt truyện chính là linh hồn và cơ sở của bi kịch” [3; 36] tức là cái quan trọng nhất làm thành mục đích của bi kịch. Bởi bi kịch mô phỏng hoạt động, chính hoạt động gắn liền với tính cách là yếu tố quyết định số phận nhân vật. Aristotle đã sớm nhận thấy vai trò vô cùng quan trọng của cốt truyện trong thể loại kịch. Cũng từ trên cơ sở thể loại kịch mà ông cho rằng có hai loại cốt truyện : cốt truyện đơn giản (hoạt động liên tục, thống nhất) và cốt truyện phức tạp (hoạt động của nhân vật luôn diễn ra qua đột
biến và nhận thức), Aristotle nhấn mạnh chức năng, nhân vật của các sự kiện thông qua việc sắp xếp như thế nào để trên cơ sở của sự đột biến tạo ra hiệu quả thẩm mỹ nhất định.
Cũng nhận thấy vai trò của các biến cố trong cốt truyện, và đặt cốt truyện trong sự tương quan với các yếu tố khác của kết cấu tác phẩm nghệ thuật ngôn từ trong Nguyên lý lý luận văn học - Tập 1, L.I.Timôfêep nhận định: “Cốt truyện là một hệ thống cụ thể những biến cố ở trong tác phẩm, hệ thống đó bộc lộ các tính cách trong những mối quan hệ qua lại và tác động qua lại của chúng”[100; 276]. Theo ông cốt truyện phát triển chính nhờ sự phát triển của tính cách nhân vật mà tính cách và số phận nhân vật được hình thành qua những mâu thuẫn, xung đột của đời sống xã hội.
Tác giả của Dẫn luận nghiên cứu văn học, G.N.Pospelov nhận định: “Cốt truyện được hình thành chủ yếu là nhờ vào hành động của nhân vật. Hành động là sự thể hiện các xúc cảm, ý nghĩa, ý định của con người vào các hành động vận động, các lời nói được phát ra , vào cử chỉ, nét mặt” [86; 29]. Cơ sở của cốt truyện là hành động của nhân vật mà G.N.Pospelov không chỉ chú ý đến những hành động tạo ra những biến động bất ngờ, gay gắt trong số phận nhân vật mà ông còn quan tâm đến “sự vận động của hành động chủ yếu chỉ xảy ra bên trong” mà cơ sở là sự vận động của trạng thái tinh thần nhân vật. Điểm đáng chú ý trong quan niệm của nhà lý luận này ở chỗ ông cho sự phát triển của cốt truyện không phải căn cứ vào các “sự kiện” đột biến mà là những cơn thăng trầm trong cảm xúc nhân vật, thường độc lập với bất cứ sự kiện nào. Nhưng ông cũng khẳng định cốt truyện luôn được triển khai trên nền của những xung đột căng thẳng, nói cách khác chức năng quan trọng nhất của cốt truyện là bộc lộ các mâu thuẫn đời sống. Những xung đột căng thẳng đó có thể xuất phát từ chính nội tâm, suy nghĩ của nhân vật. Điều này sẽ giúp chúng ta lý giải vì sao những cốt truyện tâm lý vẫn tạo một sức hút mạnh mẽ với người đọc ngoài những cốt truyện sự kiện, hành động. Cả ba nhà lý luận trên đều đánh giá cao cốt truyện và việc xây dựng kết cấu cốt truyện. Song đến trường phái hình thức Nga chúng ta sẽ được thấy một sự kiến giải riết róng cặn kẽ hơn về vấn đề này.
Tác giả của cuốn tiểu luận “Hệ chủ đề”, B.Tomachevski - một trong những người đầu tiên đi sâu nghiên cứu các thủ pháp cốt truyện. Cũng nói đến biến cố trong truyện
nhưng ông phân biệt khái niệm chuyện kể (fabula, fable) và cốt truyện (sinzhet, subject) khác với cách phân biệt của A.Vêslovski, G.N.Pospelov, L.I.Timôfêep. Theo ông, chuyện kể là tập hợp những biến cố, có quan hệ với nhau được thông tin cho người đọc trong suốt chiều dài tác phẩm, nó có thể được tóm tắt theo trật tự biên niên hay nhân quả của các biến cố mà không phụ thuộc vào thứ tự trình bày. Còn cốt truyện thì đi theo trình tự xuất hiện của các biến cố trong tác phẩm. Nói cách khác mối quan hệ giữa các biến cố trong chuyện kể mang tính thời gian và đi từ nguyên nhân tới kết quả, còn cốt truyện lại liên kết các môtif theo trình tự xuất hiện trong tác phẩm, và như thế nó hoàn toàn là một sản phẩm được chế tác, có tính nghệ thuật. B.Tomachevzki rất chú ý đến vấn đề thời gian trần thuật, bởi ông cho rằng vai trò của thời điểm và địa điểm trong truyện khi phân tích cấu trúc cốt truyện là khá quan trọng.
V.Shklovki cũng cùng quan điểm với tác giả của Hệ chủ đề khi cho rằng chuyện kể luôn chú ý đến tiến trình hành động của nhân vật trong việc giải quyết các mâu thuẫn, các khó khăn, còn trong truyện sự phát triển của hành động nhân vật dựa trên mối quan hệ được thiết lập từ trình tự của các sự kiện trong tác phẩm. Trên cơ sở của những mối quan hệ này, tư tưởng chủ đề của tác phẩm bộc lộ trong những cách thức mà nhân vật đã sử dụng và ông chứng minh luận điểm này dựa vào những truyện ngắn của Tchekhov.
J.Lotman trong “Cấu trúc văn bản nghệ thuật” coi cốt truyện là một trong những yếu tố cơ bản tạo nên kết cấu tác phẩm nghệ thuật ngôn từ. J.Lotman xác lập cấu trúc cốt truyện trên cơ sở của một loạt các cặp phạm trù có tính chất đối lập, liên kết với nhau theo từng cấp độ của văn bản nghệ thuật: Văn bản phi cốt truyện / Văn bản có cốt truyện ; không có biến cố/ biến cố; nhân vật bất hành động / nhân vật hành động. Ông cũng yêu cầu xem cốt truyện trong sự tương quan chặt chẽ với nhiều yếu tố khác của kết cấu tác phẩm nghệ thuật như khung khổ, không gian nghệ thuật, điểm nhìn”. Lý thuyết của Lotman về cấu trúc cốt truyện có những điểm mới mà ngày nay nền lý luận của nhiều nước tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng.
Ở Việt Nam vấn đề cốt truyện cũng được các nhà lý luận quan tâm, nghiên cứu đặc biệt là Trần Đình Sử, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ. Cùng tiếp thu và phát triển lý luận của các nhà lý luận thế giới, Hà Minh Đức cho rằng: “Cốt truyện là một hệ thống các sự kiện phản ánh những diễn biến của cuộc sống và nhất là các xung đột xã hội một cách nghệ thuật, qua đó các tính cách hình thành và phát triển trong những mối quan hệ qua lại của chúng nhằm làm sáng tỏ chủ đề và tư tưởng tác phẩm” [31; 137]. Nhà nghiên cứu văn học Phan Cự Đệ cũng xác định “Cốt truyện chỉ là một hệ thống các sự kiện và hành động trong một tác phẩm”. Như thế, khái niệm cốt truyện theo truyền thống và theo nghĩa khái quát nhất hiện nay thì sự kiện và hành động giữ vai trò quan trọng, thiết yếu, sự kiện luôn gắn liền với hành động, là những yếu tố chính để tạo nên cốt truyện. Và hầu như đa số các cốt truyện đều đi sâu khai thác những xung đột khác nhau của đời sống.