Truyện ngắn Nam Cao với kết cấu tâm lý

Một phần của tài liệu nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nam cao (Trang 90 - 95)

CHƯƠNG 2: CẤU TRÚC TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN GẮN NAM CAO

2.1.2.2. Truyện ngắn Nam Cao với kết cấu tâm lý

Truyện ngắn Nam Cao, đặc biệt là truyện ngắn trước năm 1945 được đánh giá chủ yếu là có kết cấu tâm lý. Kết cấu này đã trở thành một nét nổi bật trong truyện ngắn của ông. Rất nhiều truyện thành công nhờ cách sử dụng kiểu kết cấu tâm lý và để lại ấn tượng

sâu sắc trong lòng người đọc khi tiếp nhận truyện ngắn của Nam Cao. Có những truyện còn gợi sức ám ảnh lâu bền trong lòng người đọc. Những điều mà Nam Cao thể hiện gắn liền những điều trăn trở, day dứt về lẽ sống, lẽ nhân sinh của con người.

Kiểu kết cấu trần thuật này được xem là lối kết cấu dựa theo sự phát triển các yếu tố tâm lý. Không chú trọng vào việc xây dựng các mâu thuẫn sự kiện, các tình huống hành động, nhà văn lựa chọn một trạng thái tâm lý có ý nghĩa để triển khai trình bày toàn bộ các sự kiện, nhân vật, cốt truyện. Quá trình vận động bên trong của nhân vật, những phản ứng tâm lý của nhân vật đối với hiện thực cuộc sống và những diễn biến tâm trạng của nhân vật gắn liền với những chuỗi suy nghĩ, quá trình chiêm nghiệm, với những trạng thái tâm lý và biểu hiện cảm xúc của bản thân trong mối quan hệ với các nhân vật khác được coi là cơ sở để tổ chức kiểu kết cấu này. Chính vì vậy, mạch truyện vận động, biến đổi trên trục vận động của nội tâm nhân vật. Câu chuyện được kể chủ yếu dựa trên sự phát triển tâm lý gắn liền với những bức xúc, những vui buồn, những đau khổ, những hạnh phúc, những thất vọng, những hoài nghi chán chường, những dằn vặt âu lo, những tủi hờn tuyệt vọng,…Những biểu hiện tâm trạng ấy tạo nên dòng ý thức tâm trạng xuyên suốt mạch truyện. Không thể hiện mình trong những sự kiện hành động, những va chạm mâu thuẫn với các nhân vật khác, nhưng nhân vật ở đây bộc lộ tất cả bản chất của mình thông qua những dòng tâm tư, suy tưởng của nhân vật. Những truyện có kết cấu trần thuật này, điểm nhìn của chủ thể trần thuật chủ đạo thường là điểm nhìn bên trong. Người đọc tìm hiểu nhân vật, ý nghĩa tác phẩm thông qua việc liên kết các mảnh tâm trạng của nhân vật. Những trăn trở, suy tư của nhân vật cũng trở nên ám ảnh đối với người đọc nhiều hơn.

Ở truyện ngắn Nam Cao với kết cấu tâm lý, người đọc ít khi bắt gặp nhân vật với những hạnh phúc thăng hoa, những cảm giác sung sướng, hân hoan trước cuộc đời, mà người ta chỉ thấy day dứt, đau đớn, buồn nản, trăn trở cùng nhân vật khi tiếp xúc truyện ngắn của ông. Bởi một lẽ dể hiểu, những số phận nhân vật mà Nam Cao dựng nên là những số phận ở ngoài cuộc đời thực bước vào tác phẩm, những số phận xuất thân từ cái làng quê khốn khó, tù túng, nhiều đè nén áp bức, nhiều tủi nhục vì miếng cơm, manh áo,

vì sự chật vật với cuộc sống mưu sinh. Không chỉ viết về người nông dân, viết về người trí thức ngòi bút của Nam Cao càng tỏ ra sắc sảo trong việc thể hiện tâm lý nhân vật.

Có tới 19/55 truyện ngắn được Nam Cao xây dựng dựa vào kết cấu theo mạch nội tâm nhân vật (Xem phụ lục: Bảng thống kê các kiểu kết cấu trần thuật nổi bật trong truyện ngắn Nam Cao). Người đọc khó mà quên được những: Giăng sáng; Mua nhà; Từ ngày mẹ chết; Điếu văn; Đời thừa; Bài học quét nhà; Một đám cưới,…đó được xem là những truyện tiêu biểu có kết cấu trần thuật này.

Từ ngày mẹ chết là một câu chuyện gây xúc động mạnh mẽ nhờ kết cấu tâm lý của truyện. Câu chuyện mở đầu với nỗi nhớ của Ninh về bu hồi bu còn sống. Nỗi nhớ hiện về trong tâm tưởng của Ninh với tất cả những yêu thương. Ninh nhớ về những việc làm của mẹ, nhớ những thói quen hàng ngày của mẹ, nhớ về những kỷ niệm tuổi thơ của mình bên mẹ. Không có nỗi đau nào hơn nỗi đau mất mẹ của một đứa trẻ thơ. Nam Cao thấu hiểu điều đó nên đã kể lại hết sức cảm động diễn biến tâm trạng của một đứa trẻ khi nghĩ về mẹ. Kết cấu chủ đạo trong truyện trôi theo mạch cảm xúc, mạch nội tâm của Ninh. Từ hiện tại hướng về quá khứ đau xót những ngày chứng kiến sự ra đi của mẹ. Và từ quá khứ hướng về hiện tại đau buồn khi nỗi đau mất mẹ vẫn chưa hề nguôi ngoai. Quá khứ và hiện tại cứ đan cài trong mạch suy tưởng của Ninh. Dù ở quá khứ hay hiện tại thì tâm trạng của Ninh vẫn là sự nhớ nhung, đau xót khi nghĩ về mẹ. Quay về thời điểm hiện tại điểm nhìn của Ninh lại hướng về thầy với bao nhiêu cảm động trìu mến. Ninh cảm nhận rất rõ tình cảm của thầy với chị em Ninh sau những ngày bu mất, Ninh cũng nhận thấy tình cảm của thầy với bu “Thầy thở dài luôn ấy. Có khi sụt sịt. Thì ra đêm đêm thầy vẫn khóc. Thầy nhớ bu”. Đoạn kết mạch tâm trạng của Ninh vỡ òa khi chứng kiến người ta đến giỡ ngôi nhà mà thầy đem bán vì thua bạc. Điểm nhìn quá khứ và hiện tại đan xen tô đậm nỗi đau xót của Ninh trước tất cả những gì đang diễn ra trước mắt. Như vậy, sự vận động của mạch trần thuật đã được bắt đầu với mạch tâm trạng của Ninh. Suốt toàn truyện Ninh được đặt trên trục chiều dài tâm trạng giữa hai đầu là quá khứ và hiện tại. Sự nối tiếp nhau không dứt của chuỗi cảm xúc đã thúc đẩy mạch trần thuật của câu chuyện vận động và phát triển.

Đời thừacũng là tác phẩm được xây dựng theo kết cấu trần thuật dòng nội tâm nhân vật. Câu chuyện được triển khai chủ yếu dựa trên sự vận động tâm tư, tình cảm gắn liền với bao cảm xúc yêu thương, buồn khổ, gắn liền với bao sự trăn trở, day dứt của nhà văn Hộ với cuộc sống áo cơm hằng ngày, với trách nhiệm và sứ mệnh của một người cầm bút trước cuộc đời. Sự đối lập giữa ước vọng xa xôi của quá khứ với hiện thực áo cơm bức bối cứ đối chọi gay gắt trong dòng suy nghĩ của Hộ. Anh mơ hồ nhớ về những ước mơ, những mộng đẹp văn chương của một thời. Anh cũng không tránh khỏi nghĩ về cuộc sống áo cơm ghì sát đất trong hiện tại, nó làm tiêu tan bao dự định, ước mơ cao đẹp của anh. Dòng suy nghĩ của anh cứ đối chọi như thế khiến sự dằn vặt, day dứt cứ cắn rứt lương tâm anh. Sự gấp khúc thời gian trần thuật trong câu chuyện đã khiến mạch nội tâm của Hộ được soi chiếu đến tận những ngõ ngách tâm tư sâu kín và chân thật nhất. Cứ thế người đọc như bị cuốn vào những trằn trọc đau khổ của anh để thông cảm và thấu hiểu cho anh. Qua sự diễn biến trong mạch nội tâm của Hộ chúng ta hiểu Hộ là một nhà văn nhân đạo trước cuộc đời, nhân đạo ở bàn tay cứu vớt cuộc đời của Từ, nhân đạo ở tình yêu của anh với vợ con, nhân đạo cả trong sự đau khổ của anh mỗi khi anh làm Từ phải đau khổ. Chính cái nhân đạo của một nhà văn chân chính ấy đã luôn khiến anh trăn trở, ấp ủ một tác phẩm thật giá trị “phải vượt lên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình…Nó làm cho người gần người hơn”. Giọt nước mắt, tiếng khóc thổn thức của anh ở cuối truyện đã giải tỏa tất cả những dồn nén chất chứa trong lòng anh. Nhà văn đã hiểu hơn ai hết tâm trạng của một văn sĩ muốn cống hiến hết mình cho nghề nghiệp nhưng bị cuộc sống áo cơm ghì sát đất. Nam Cao đã xây dựng một kết cấu tâm lý rất thành công trong câu chuyện này mà ở đó nhân vật đã bộc lộ tất cả cái phần bản chất chân thật nhất trong tâm tư, tình cảm, ước mơ, khát vọng và hoài bão của mình.

Điếu văn mạch trần thuật bám vào dòng tâm trạng của nhân vật Tôi và tình cảm của anh đối với toàn bộ cuộc đời bạc bẽo của bạn anh. Mở đầu câu chuyện Tôi nói về cái chết của bạn và dòng tâm trạng bắt đầu khởi động. Nhân vật tôi cảm thấy rất buồn khi

nghe tin người bạn khốn khổ của mình qua đời “Tôi đã buồn. Buồn đến nỗi suốt một đêm không ngủ được”. Bánh xe tâm trạng của nhân vật tôi chuyển động, anh hồi tưởng lại cuộc đời nhiều đen đủi, khổ cực của người bạn ngay từ hồi còn nhỏ họ sống gần nhau, và thấu hiểu tất cả sự cay nghiệt của người bác dành cho họ. Tôiđã rất thương người bạn ốm yếu đã cố giết sức tàn của mình để kiếm miếng ăn mà sống. Tôi còn chua xót, cay đắng biết bao nhiêu khi nghe người ta kể về cuộc đời của anh từ những ngày lấy về một con vợ lẳng lơ và chẳng chút thương chồng. Trong khi đó bạn anh thì cứ ròn mỏi tàn tạ đi như một tàu lá úa vì bệnh tật. Nhân vật tôi đã kể lại tất cả như chính anh ta là người chứng kiến cái số kiếp đen bạc, cái chết lạnh lẽo của bạn mình.

Để mạch trần thuật luôn tạo nên sự cuốn hút nhà văn đôi khi đã để nhân vật tôi hóa thân vào cảm xúc của bạn, bộc bạch tâm trạng của bạn để thể hiện chân thành thái độ chia sẻ, đồng cảm của mình. Ở cuối truyện, nhân vật tôi khép lại bằng lời an ủi tận đáy lòng như một lời vuốt mắt cho người bạn cùng khổ đáng thương “Vậy thì anh Phúc ơi! Anh hãy nghỉ cho yên! Những chuyện đời này bây giờ chỉ còn là của chúng tôi. Chúng tôi những kẻ đã đau khổ, đã uất ức, đã ước ao, đã khát thèm, đã thất vọng và vẫn còn hi vọng mãi và phải hi vọng mãi. Sự đời không phải cứ mù mịt mãi thế này đâu”. Điểm sáng của câu chuyện chính là ở chỗ mạch chuyển tâm trạng này của tôi ở cuối truyện. Nhà văn đã để cho tôi vượt lên tất cả những u ám của cuộc đời để tin tưởng, hi vọng và hướng đến một tương lai sáng sủa hơn.

Như vậy, điểm chung của dòng nội tâm nhân vật trong những truyện ngắn Nam Cao thể hiện trong kiểu kết cấu tâm lý thường là những tâm trạng buồn, đau khổ, chua xót, dằn vặt, trăn trở, băn khoăn, day dứt, thương cảm. Ta khó mà bắt gặp nhịp điệu vui tươi trong tâm trạng nhân vật của ông. Điều này làm nên nét đặc trưng trong tâm lý nhân vật Nam Cao. Để đạt hiệu quả cao trong việc triển khai câu chuyện, Nam Cao luôn biết kết hợp đan xen giữa các điểm nhìn trần thuật, khi là điểm nhìn của người kể chuyện, khi là điểm nhìn của nhân vật. Nhưng sự bộc lộ nội tâm lại thuộc về nhân vật tạo nên sự đối thoại sâu sắc cho văn bản. Hình thức kết cấu trần thuật theo dòng nội tâm nhân vật cũng khiến cho

sự tiếp nhận của bạn đọc trở nên dễ dàng hơn và tác phẩm cũng dễ tạo nên sự đồng cảm giữa bạn đọc với nhân vật trong tác phẩm.

Một phần của tài liệu nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nam cao (Trang 90 - 95)