1.1.CHỦ THỂ TRẦN THUẬT TRONG TÁC PHẨM TỰ SỰ 1.1.1 Chủ thể trần thuật trong tác phẩm tự sự nói chung

Một phần của tài liệu nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nam cao (Trang 31 - 37)

CHƯƠNG 1: CHỦ THỂ TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN NAM CAO

1.1.CHỦ THỂ TRẦN THUẬT TRONG TÁC PHẨM TỰ SỰ 1.1.1 Chủ thể trần thuật trong tác phẩm tự sự nói chung

1.1.1.Chủ thể trần thuật trong tác phẩm tự sự nói chung

Tác phẩm văn học là một chỉnh thể tư tưởng nghệ thuật độc đáo. Đến với tác phẩm văn học, là người đọc từng bước bóc tách, khám phá ý nghĩa của tác phẩm thông qua lớp vỏ ngôn ngữ, thông qua cấu trúc nội tại của tác phẩm. Để hiểu sâu sắc một tác phẩm, người đọc cần vận dụng không chỉ tâm hồn thưởng thức nghệ thuật của mình mà còn vận dụng đến cả những lý thuyết tiếp cận từ thi pháp học hiện đại để khai thác cái hay cái độc đáo của tác phẩm văn học.

Các nhà lý luận vẫn không ngừng nghiên cứu về phương thức thể hiện tác phẩm của các nhà văn. Hành trình giải mã bí mật của các truyện kể dường như vẫn là một hành trình không biết mệt mỏi của rất nhiều thế hệ nghiên cứu, phê bình, lý luận xưa nay. Họ tìm đến tác phẩm, lý giải tác phẩm trên cơ sở những vấn đề lý thuyết về trần thuật học, thi pháp học. Có một thời gian dài, nghiên cứu về các tác phẩm tự sự, các lý thuyết văn học hầu hết chú trọng nhiều vào việc khám phá thế giới nội quan của tác phẩm mà bỏ qua hoặc xem nhẹ những phương diện ngoại quan của tác phẩm nghệ thuật. Các yếu tố như tác giả, người đọc, môi trường, xã hội, lịch sử, văn hóa là những yếu tố có liên quan đến tác phẩm thì ít được chú trọng hơn. Mãi sau này người ta mới chú trọng đến vấn đề “Tiếp nhận văn học” nhiều hơn, từ đó vai trò của tác giả và người đọc mới được nhìn nhận đúng mực trong đời sống của tác phẩm văn học nói chung.

Đến thời điểm đó thì vấn đề chủ thể trần thuật vẫn chưa thực sự được nhìn nhận một cách thỏa đáng. Trên con đường đi tìm “những bí mật của truyện kể” các nhà lý luận đã nhận thấy một yêu cầu riết róng của việc tìm ra “kẻ” giữ vai trò chủ đạo của một truyện

kể, đó là: Chủ thể trần thuật hay người kể chuyện. Từ đó, vấn đề này được các nhà lý luận nghiên cứu một cách thấu đáo và toàn diện.

Trần thuật học gắn bó chặt chẽ nhất với chủ nghĩa cấu trúc, chủ yếu nghiên cứu cấu trúc của văn bản tự sự và tất cả những vấn đề liên quan để nhằm đi đến một bước tiếp cận tác phẩm từ phương diện cấu trúc. Chủ thể trần thuật được xem là giữ vai trò trung tâm trong tất cả các yếu tố cấu trúc của văn bản nghệ thuật tự sự. Bởi lẽ, đó là một phương diện để nhận thức thế giới nghệ thuật, có những đặc điểm riêng, có quy luật phát triển và có mối quan hệ qua lại với các yếu tố khác. Những vấn đề như: ngôi, điểm nhìn, tiêu điểm, lời văn nghệ thuật đều được soi chiếu bởi sự chi phối từ chủ thể trần thuật trong tác phẩm. Thuật ngữ chủ thể trần thuật còn được các nhà lý luận gọi là: người trần thuật, người kể chuyện, chủ thể kể chuyện,…dù gọi với thuật ngữ nào thì cũng đều mục đích chỉ người đứng ra kể truyện trong tác phẩm. Chúng tôi thống nhất cách gọi là: chủ thể trần thuật trong luận văn này. Tìm hiểu lịch sử nghiên cứu về chủ thể trần thuật chúng tôi thấy rằng đã có không ít những nhà nghiên cứu chuyên tìm hiểu về vấn đề này, có thể kể đến những quan niệm hết sức tiêu biểu.

Người chủ trương nghiên cứu văn bản cấu trúc nội tại tác phẩm tự sự là G.Gennete. Ông đã có những bước khám phá mở đầu rất đáng ghi nhận về vấn đề chủ thể trần thuật. Ông đã đặt người kể chuyện trong sự tương quan và mối quan hệ với tiêu cự, tiêu điểm, thức, giọng, tần suất. Tác giả tập trung chủ yếu vào vấn đề người kể chuyện ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba. Ông phân biệt thành hai loại người kể chuyện: người kể chuyện bên trong (intradiegetic narrator) và người kể chuyện bên ngoài (extradiegetic narrator) dựa vào nơi bắt đầu truyện kể. Điểm đáng lưu ý là tác giả đã quan tâm đến sự biến đổi từ người kể chuyện bên ngoài thành người kể chuyện bên trong. Ông cũng dựa vào mức độ tham gia của người kể chuyện trong truyện để phân ra kiểu: người kể chuyện dị sự (heterodiegetic narrator) và người kể chuyện đồng sự (homodiegetic narrator). Tuy nhiên, điểm mà ông quan tâm hơn cả đó là việc xác định câu chuyện do ai và đứng ở đâu kể. Từ đó, ông đưa ra một quan điểm lý thuyết khá thuyết phục mà sau này có rất nhiều nhà nghiên cứu đã vận dụng và tiếp thu. G.Genette đưa ra ba loại trần thuật, xác định vai trò

và quyền năng khác nhau của người kể chuyện. Kiểu truyện kể có tiêu điểm zero (zero focalization: tiêu điểm bằng không hay phi tiêu điểm): Với kiểu truyện kể này người kể chuyện đứng bên ngoài câu chyện nhưng có vai trò như thượng đế, biết hết mọi chuyện nhân sinh, vũ trụ, quá khứ, hiện tại, tương lai. Truyện kể theo tiêu điểm bên trong (internal focalization: nội tiêu điểm) lại chỉ người kể chuyện vốn là nhân vật trong câu chuyện và ở kiểu truyện kể này lại chia ra làm ba dạng cụ thể mà ông đã phân định rạch ròi là: Dạng cố định: người kể chuyện - một nhân vật kể mọi việc; dạng bất định: nhiều nhân vật kể những chuyện khác nhau; dạng đa thức: nhiều nhân vật cùng nhau kể về một sự việc. Truyện kể theo tiêu điểm bên ngoài (external focalization: ngoại tiêu điểm): kiểu truyện kể này người kể chuyện nằm ngoài câu chuyện, nhưng chỉ kể lại tình tiết truyện một cách khách quan chứ không đi sâu vào tâm lý nhân vật. Những cách xác định trên đây khá rõ ràng, chúng tôi có thể vận dụng từ lý thuyết người kể chuyện của G.Gennete. Ông đã quan tâm đến người kể chuyện trong mối quan hệ với các yếu tố nội cấu trúc văn bản tác phẩm. Tất nhiên, về quan điểm của ông, một vài nhà nghiên cứu cũng chưa thực sự đồng thuận ở một vài khía cạnh, song hầu hết người ta đều công nhận công lao to lớn của G.Gennete trong vấn đề mới mẻ này.

Sau G.Gennete là R.Scholes và R.Kellogg đều nghiên cứu về người trần thuật trong tác phẩm tự sự. Tuy nhiên, cả hai ông sau này đều khác với G.Gennete ở việc: hai ông chú ý đến vai trò và quyền năng của người kể chuyện dựa trên mối quan hệ giữa người kể chuyện với thế giới được kể, mối quan hệ với các nhân vật, sự kiện và tính chân thực của các sự kiện đó. Đây cũng là quan điểm cần được quan tâm chú ý tìm hiểu để có một lăng kính soi chiếu toàn diện về chủ thể trần thuật dù được xem xét ở những mức độ, khía cạnh khác nhau. W.Booth một đại diện khác của tự sự học cũng từng đặt ra những vấn đề khá thú vị về người trần thuật trong tác phẩm tự sự. Ông đã phân tách thành người kể chuyện không hiện diện (ẩn tàng, hàm ẩn) và người kể chuyện hiện diện (tường minh), tác giả phân tích khá kỹ lưỡng những vấn đề trên và ông đã cung cấp cho chúng ta những hiểu biết đáng kể về từng kiểu loại người kể chuyện. Điều mà cả ba đại diện của tự sự học đều công nhận đó là không thể có truyện kể khi không có người kể chuyện

Như vậy, khái quát đôi nét về các quan niệm của các nhà chuyên nghiên cứu tự sự học giúp chúng tôi xem xét một cách triệt để các kỹ thuật và thủ pháp tạo dựng cấu trúc truyện kể, bóc tách từng yếu tố một cách rõ ràng để thâm nhập vào thế giới bên trong của tác phẩm nghệ thuật.

Các nhà cấu trúc chủ nghĩa như R. Barthes, Tz. Todorov, I. Lotman,… cũng từng nghiên cứu về chủ thể trần thuật và đưa ra những quan niệm được khá nhiều người chấp thuận. W.Kayser khẳng định: “Ở nghệ thuật kể, không bao giờ người trần thuật là vị tác giả đã hay chưa nổi danh, nhưng là cái vai mà tác giả bịa ra và chấp nhận” [54; 245]. R.Barthes cũng cho rằng: “Người trần thuật và các nhân vật về thực chất là các sinh thể trên giấy, không ai có thể nhầm lẫn tác giả của câu chuyện với người tường thuật lại câu chuyện ấy” [54; 245]. Rõ ràng các nhà nghiên cứu đó đã có sự phân biệt giữa chủ thể trần thuật với tác giả câu chuyện kể. Tz. Todorov khẳng định vai trò của người kể chuyện:

“Người kể chuyện là yếu tố tích cực trong việc kiến tạo thế giới tưởng tượng (…) không thể có trần thuật thiếu người kể chuyện. Người kể chuyện không nói như các nhân vật tham thoại khác mà kể chuyện. Như vậy, kết hợp đồng thời trong mình cả nhân vật và người kể, nhân vật nhân danh cuốn sách được kể có vị trí hoàn toàn đặc biệt” [97; 116].

Sự phân biệt này của Tz. Todorov có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xác định rõ ràng chủ thể trần thuật trong mỗi truyện kể.

Ở nước ta các nhà nghiên cứu cũng rất quan tâm đến việc nghiên cứu lý giải vấn đề chủ thể trần thuật trong tác phẩm tự sự. Theo các tác giả của Từ điển văn học thì: “Người trần thuật là một nhân vật hư cấu hoặc có thật, mà văn bản tự sự là do hành vi ngôn ngữ của anh ta tạo thành (…), nó bị trừu tượng hóa đi, trở thành một nhân vật hoặc ẩn hoặc hiện trong tác phẩm tự sự” [36; 221]. Theo quan điểm này thì rõ ràng chủ thể trần thuật được coi là một hình tượng do nhà văn sáng tạo nên trong tác phẩm. Và tất nhiên tác phẩm tự sự được tạo thành chính là do hoạt động ngôn ngữ của nhân vật này mà có. Bên cạnh đó các tác giả cũng phân tích khá rõ đặc điểm: “Người kể chuyện là hình tượng ước lệ về người trần thuật trong tác phẩm văn học, chỉ xuất hiện khi nào câu chuyện được kể

bởi một nhân vật cụ thể trong tác phẩm. Đó có thể là hình tượng của chính tác giả, dĩ nhiên không nên đồng nhất với tác giả ngoài đời, có thể là một nhân vật đặc biệt do tác giả sáng tạo ra, có thể là một người biết câu chuyện nào đó. Một tác phẩm có thể có một hoặc nhiều người kể chuyện” [36; 221]. Các tác giả đã lưu ý một vấn đề khá quan trọng đó là vấn đề thường đồng nhất giữa chủ thể trần thuật với chính tác giả. Như vậy, với việc coi người kể chuyện như một “kẻ mang thông điệp” tác giả đã xác định được vai trò quan trọng của chủ thể trần thuật trong tác phẩm tự sự: Đó là cầu nối trung gian giữa tác giả, tác phẩm và người đọc

Phân biệt sự không đồng nhất giữa tác giả và người kể chuyện, Lê Ngọc Trà cũng từng nhấn mạnh điều này: “Không nên đồng nhất người kể chuyện với tác giả, ngay cả khi tác giả xưng “tôi” đứng ra trần thuật câu chuyện và hoàn toàn đứng ngoài sự vận động của các sự vật, các tình tiết” [111; 154]. Qua đó cho thấy, vấn đề đặt ra là cần phân biệt rõ ràng chủ thể trần thuật với tác giả của tác phẩm – điều mà các nhà lý luận phương Tây trước đây cũng đã từng đề cập đến.

Quan tâm nhiều đến mối tương quan giữa người kể chuyện và kết cấu tác phẩm, Huỳnh Như Phương diễn giải quan điểm của V.Vinogradov một cách thấu đáo: “Khái niệm hình tượng tác giả (Người kể chuyện - NV) nói lên bản chất của tác phẩm nghệ thuật và là nơi tập trung sự thống nhất về tư tưởng, kết cấu, hình tượng và ngôn từ của tác phẩm. Đó là phạm trù thi pháp cao nhất quyết định đặc điểm và nội dung của cấu trúc tác phẩm, quyết định cả tính khuynh hướng và sự triển khai tác phẩm đó” [44; 215]. Như vậy, người kể chuyện giữ vai trò định hướng và quyết định đối với việc tổ chức các yếu tố trong hệ thống cấu trúc của một văn bản tự sự

Còn rất nhiều những quan niệm khác nhau về người trần thuật - chủ thể trần thuật, song hầu hết các quan niệm đều xoay quanh những đặc điểm cơ bản về chủ thể trần thuật trong tác phẩm tự sự đó là một dạng hình tượng được hư cấu, sáng tạo, là người đại diện phát ngôn cho tác giả trong tác phẩm tự sự. Chủ thể trần thuật trong tác phẩm tự sự là chủ thể của lời kể, là người đứng ra kể chuyện và là nhân tố trung tâm chi phối việc tổ chức,

kết cấu cấu trúc văn bản tự sự. Chủ thể trần thuật cũng giữ vai trò trung giới giữa tác giả, tác phẩm và người đọc. Nói gì thì nói, cần khẳng định với bất kỳ một truyện kể nào, người kể chuyện đồng thời đảm nhiệm hai vai trò: vai trò giới thiệu và dẫn dắt câu chuyện (chức năng trần thuật) và vai trò điều khiển (chức năng kiểm soát). Không một truyện kể nào có thể tồn tại nếu thiếu người kể chuyện. Có thể thấy trong tác phẩm tự sự, vấn đề người kể chuyện có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nhờ đó, tác giả có thể trực tiếp phát biểu những cảm nghĩ, nhận xét của mình về nhân vật, về sự kiện được mô tả và tất cả thế giới hiện thực.

Chủ thể trần thuật là một trong những hình thức thể hiện quan điểm của tác giả trong tác phẩm và thường hòa nhập vào những suy nghĩ, cảm xúc, hành động của nhân vật để tìm hiểu, khám phá thế giới nội tâm đa dạng, phong phú. Cái tôi thứ hai của tác giả được thể hiện một cách linh hoạt thông qua hình tượng chủ thể trần thuật. Tuy tồn tại độc lập, song rõ ràng tác giả chi phối rất lớn đến chủ thể trần thuật. Tác giả trao quyền trần thuật và điều khiển diễn biến của truyện cho chủ thể trần thuật. Tất nhiên là mức độ chi phối nhiều hay ít còn phụ thuộc vào dụng ý của nhà văn và diễn ra theo nhiều chiều hướng khác nhau.

Trong mỗi một truyện kể, có thể có hơn một chủ thể trần thuật và luôn luôn hoán đổi vị trí cho nhau. Điều này G.Gennete cũng đã lưu ý trước đây. Sự chuyển đổi từ chủ thể trần thuật bên ngoài thành chủ thể trần thuật bên trong tạo nên một sự hấp dẫn cho truyện kể. Người đọc cần phát hiện ra sự chuyển đổi ấy để nắm bắt mạch truyện và để nhận thấy sự thay đổi linh hoạt nhiều chiều về ngôi, điểm nhìn cũng như lời văn nghệ thuật trong tác phẩm. Một tác phẩm được kể bởi nhiều chủ thể trần thuật sẽ tránh được lối kể đơn điệu theo một giọng từ đầu đến cuối tác phẩm. Bởi vì việc thay đổi chủ thể trần thuật sẽ kéo theo sự thay đổi hàng loạt các vấn đề thuộc cấu trúc nội tại của tác phẩm. Đó là điều làm nên sự hấp dẫn đáng có cho một truyện kể.

1.1.2.Các yếu tố nhận diện chủ thể trần thuật trong tác phẩm tự sự

Như đã nói ở trên, trong mỗi một tác phẩm tự sự có thể có một hay nhiều chủ thể trần thuật, tùy thuộc vào câu chuyện mà tác giả chủ ý xây dựng. Nhận diện chủ thể trần thuật cần phải có những tiêu chí cơ bản để xác định. Bởi vì chủ thể trần thuật cũng có khi là một nhân vật ẩn tàng không được miêu tả về ngoại hình, tính cách, suy nghĩ,…Nhưng trái lại cũng có khi chủ thể trần thuật được xây dựng như một nhân vật có đầy đủ những đặc điểm về diện mạo, lời nói, tình cảm, tâm tư và cùng tham gia vào tình huống truyện với các nhân vật khác trong tác phẩm. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là mọi phương diện nghệ thuật gắn với hình tượng nhân vật cũng là đặc điểm để nhận diện chủ thể trần thuật trong tác phẩm tự sự. Để xác định được chủ thể trần thuật trong một văn bản tự sự cần phải căn cứ vào ba khái niệm cơ bản đó là: Ngôi kể, điểm nhìn trần thuật, và lời văn trần thuật. Yếu tố lời văn trần thuật chúng tôi sẽ bàn kỹ ở chương 3, nên trong mục này người viết sẽ chú trọng vào hai phương diện cơ bản của chủ thể trần thuật đó là: Ngôi kể và điểm nhìn trần thuật.

Một phần của tài liệu nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nam cao (Trang 31 - 37)