Truyện ngắn Nam Cao với giọng văn tự sự triết lý, suy ngẫm, phẩm bình

Một phần của tài liệu nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nam cao (Trang 161 - 165)

CHƯƠNG 3: LỜI VĂN VÀ GIỌNG ĐIỆU TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN NAM CAO

3.2.3.1.Truyện ngắn Nam Cao với giọng văn tự sự triết lý, suy ngẫm, phẩm bình

với nhau, hoặc qua sự độc thoại nội tâm của chính nhân vật). Vì vậy, trong truyện ngắn Nam Cao có một sự đa dạng và linh hoạt trong giọng điệu trần thuật. Ta có thể bắt gặp khá nhiều những sắc thái giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Nam Cao như: giọng khái quát triết lý, suy ngẫm, phẩm bình; giọng lạnh lùng, dửng dưng; giọng mỉa mai, châm biếm, hài hước; giọng ngậm ngùi, cảm thương, chua xót, giọng văn nghẹn ngào, chan chứa yêu thương, giọng trữ tình, tự hào, thiết tha, sôi nổi,…Ngoài ra, ở giọng điệu của nhân vật ta còn bắt gặp nhiều giọng như giọng hờn dỗi mát mẻ, giọng tủi thân, giọng buồn mênh mông, giọng trách móc, giọng cay đắng, giọng phẫn uất, giọng sám hối…Ở đây, chúng tôi sẽ đi vào khảo sát những giọng điệu được xem là khá nổi bật và bao quát trong truyện ngắn Nam Cao.

3.2.3.1. Truyện ngắn Nam Cao với giọng văn tự sự triết lý, suy ngẫm, phẩm bình phẩm bình

Giọng văn làm nên linh hồn của tác phẩm. Mỗi tác phẩm tác giả đều phải lựa chọn cho được một giọng văn cụ thể. Mỗi tác phẩm có nhiều giọng điệu khác nhau. Nhưng trong đó sẽ có một giọng chủ đạo chi phối toàn tác phẩm. Thông thường thì giọng điệu trần thuật của nhà văn không được thể hiện rõ nét như giọng điệu trần thuật của nhân vật hay người kể chuyện, bởi vì nhà văn với tư cách là người đứng ngoài, khách quan viết lại câu chuyện. Nhưng đôi khi tác giả cũng xen vào những giọng điệu riêng của mình trong phần ngoại đề hay lời dẫn. Tuy nhiên, tránh đồng nhất giọng điệu của nhà văn và người kể chuyện trong tác phẩm. Hầu như giọng điệu chủ yếu của tác giả là giọng triết lý, khách quan. Nhưng người đọc đều hiểu bên trong giọng khách quan, lạnh lùng ấy là một trái tim

ấm nóng, cháy bỏng niềm đau đớn trước những bi kịch cá nhân có thể nâng lên được thành bi kịch xã hội của con người.

Dễ thấy nhất ở giọng điệu trần thuật của cái tôi tác giả đó là giọng triết lý ở những đoạn trữ tình ngoại đề. Giọng triết lý luôn được tác giả thể hiện sau những hoàn cảnh, số phận của nhân vật. Đó có thể là giọng triết lý về sự tác động của hoàn cảnh lên sự thay đổi nhân cách của con người. Trong sự chiêm nghiệm của nhà văn, mỗi con người đều mang hai mặt tốt – xấu song song và đối lập. Cái tác nhân hoàn cảnh có ảnh hưởng biết bao tới sự phát triển nhân cách con người. Các nhân vật trong truyện ngắn Nam Cao luôn bị chao đảo, ngả nghiêng trước sự xô đẩy của hoàn cảnh. Cái đau đớn của Nam Cao vì thế lúc nào cũng thường trực sau những lời triết lý tưởng hết sức lạnh lùng, dửng dưng trong tác phẩm. Triết lý của cái tôi tác giả toát lên từ chính cuộc sống, từ chính sự chiêm nghiệm, đúc rút của bản thân về thế thái nhân tình. Giọng triết lý của tác giả luôn vang lên gắn với những trăn trở, suy tư về con người cụ thể, về cuộc sống. Đó là cảnh nghèo, là cái đói, miếng ăn…và đi kèm với nó không chỉ là những buồn khổ về vật chất mà hơn hết là sự nhức nhối về tinh thần. Cái thiện, cái ác, nhân phẩm, sự sống chết cũng từ cái khổ về vật chất mà ra. Nam Cao đã nhận thức rất sâu sắc điều đó, nên có lúc ông đã chua chát cất lên: “Chao ôi! Nếu người ta không phải ăn thì đời sẽ giản dị biết bao” (Một bữa no).

Nội dung của những lời triết lý của nhà văn bên cạnh sự suy nghiệm của lí trí nó còn là sự ẩn chứa nỗi niềm, trăn trở của nhà văn. Dễ thấy trong mỗi lời triết lý của tác giả có chất trữ tình xuyên thấm trong lời văn, nó làm cho lời văn trở nên linh hoạt tự nhiên trong hệ thống lời văn toàn tác phẩm chứ không phải là sự thêm thắt gượng gạo khi nhà văn muốn trực tiếp bộc lộ cảm quan, suy nghĩ của mình. Trước mỗi lời triết lý, ta thường thấy xuất hiện những từ cảm thán như “chao ôi!”, “hỡi ôi!”, “trời ơi!”, “than ôi!”,…với sự xuất hiện của những từ cảm thán như vậy, mỗi giọng nói triết lý của nhà văn như những lời thốt ra từ tận tim gan chứa chan biết bao nhiêu là tình cảm, chứ không hề dửng dưng, lạnh lùng như ta vẫn tưởng.

Không chỉ ở giọng văn của cái tôi tác giả mới có giọng khái quát triết lý, mà ở giọng văn của người kể chuyện trong truyện ngắn Nam Cao cũng xuất hiện với mật độ

khá dày những lời văn thể hiện giọng điệu khái quát, triết lý, phẩm bình. Người kể chuyện đôi khi là người đứng ngoài kể lại câu chuyện, đôi khi là người tham gia trực tiếp vào câu chuyện, nên sự qui định về điểm nhìn và giọng điệu của người kể chuyện cũng khác nhau. Truyện ngắn Nam Cao có sự xuất hiện của chủ thể trần thuật ở ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba. Điểm nhìn của chủ thể trần thuật cũng linh hoạt, từ điểm nhìn bên trong, điểm nhìn bên ngoài đến điểm nhìn phức hợp. Giọng điệu của chủ thể trần thuật vì thế cũng đa dạng và linh hoạt. Đôi khi ta bắt gặp bóng dáng của tác giả ẩn đằng sau người kể chuyện. Tuy nhiên, như đã nói ở trên cần tránh đồng nhất điểm nhìn cũng như giọng điệu của tác giả và người kể chuyện.

Nếu như giọng văn của cái tôi tác giả để lại ấn tượng rõ nét trong tác phẩm nhờ chất triết luận, suy tưởng, thì ở người kể chuyện giọng văn triết lý cũng là một đặc điểm cần khai thác. Tác giả đã để cho chính chủ thể trần thuật bộc lộ những đánh giá, nhận xét và thể hiện thái độ của mình. Cho nên, ta thường bắt gặp bóng dáng tác giả thấp thoáng đằng sau người kể chuyện là vì vậy. Giọng điệu triết lý, suy nghĩ, phẩm bình trong truyện ngắn Nam Cao khi thì dưới hình thức bộc lộ trực tiếp của chủ thể trần thuật; khi thì dưới hình thức chủ thể trần thuật hòa nhập vào giọng điệu của nhân vật để thể hiện; khi thì giọng điệu triết lý được thể hiện qua chính chủ thể trần thuật xưng tôi đồng thời là nhân vật trong tác phẩm.

Ta sẽ bắt gặp giọng điệu triết lý này trong rất nhiều truyện ngắn của Nam Cao trước cách mạng. Ở truyện ngắn “Một truyện Xúnơnia”, sau khi để nhân vật Hàn chứng kiến những cảnh thô tục của những người con gái quê ngồi ăn bánh đúc, thì mọi suy nghĩ dẫn Tơ đi trốn tiêu tan trong đầu của một chàng trai đẫm chất tiểu thuyết như Hàn. Hàn vỡ ra một sự thực: “Trước khi nghĩ đến việc đặt những cái hôn lên cái miệng hoa của người yêu, cũng nên nghĩ đến việc đổ cơm vào đấy đã”. Một sự thực chẳng lấy gì làm thơ cho lắm, nhưng cuộc sống là thế, là khi người ta còn phải tối mắt, tối mũi lo chết đói, thì không thể có chỗ cho những điều lãng mạn xa rời thực tế. Một kết luận khá chua chát mà chủ thể trần thuật đã rút ra để ngậm ngùi và an ủi nhân vật.

Nam Cao không viết về những điều quá to tát, lớn lao của thời đại, mà ông hướng ngòi bút vào những ngõ ngách của đời thường như cái đói, cái no, cái ăn, cái mặc,…nhưng từ những cái nhỏ nhặt đó lại nảy sinh ra những bi kịch lớn trong cuộc sống của con người ở mỗi gia đình đó là sự tàn nhẫn, sự yêu thương, lý tưởng sống,…Bao giờ sau mỗi bi kịch, người kể chuyện cũng rút ra những điều suy ngẫm đầy tính nhân văn.

Nam Cao bên cạnh là một nhà văn hiện thực xuất sắc, ông còn là một nhà văn rất mực nhân hậu. Trong truyện ngắn Lão Hạc, ông giáo - chủ thể trần thuật của truyện đã bộc lộ một niềm tin vào bản tính tốt đẹp của con người qua sự chiêm nghiệm từ những người sống quanh mình. Người kể chuyện tin vào bản tính lương thiện của con người, dù cho bề ngoài họ tỏ ra ích kỷ, xấu xa. Nhưng chính hoàn cảnh khốn khổ đã khiến cái đức tính tốt đẹp của họ bị che phủ đi, cũng như ở một truyện ngắn khác Nam Cao đã kết luận: “Sự khổ sở dễ khiến lòng chua chát. Khi người ta lam lũ quá, lại còn lo trăm thứ, bị làm rầy vì trăm thứ, thì ai mà bình tĩnh được? Ai mà chả hay gắt gỏng? Gắt gỏng thì chính mình khổ trước” (Nước mắt).

Đúng là hoàn cảnh có tác động không nhỏ tới nhân cách, nhân phẩm của con người. Sự trăn trở của chủ thể trần thuật hay cũng chính sự trăn trở của nhà văn về điều này luôn luôn được đặt ra trong không ít truyện ngắn. Làm sao để con người có được một hoàn cảnh sống tốt, làm sao để con người sống không phải tự làm khổ mình và làm khổ người. Đó là câu hỏi không dễ trả lời. Bởi vì, Nam Cao luôn nhận thức được một hiện thực là cuộc sống này còn quá nhiều bất công và không phải bao giờ ở hiền, sống tốt với người thì cũng được người sống tốt lại với mình. Chủ thể trần thuật hóa thân vào nhân vật để bày tỏ những băn khoăn nhức nhối này như một sự đồng cảm trong truyện ngắn Ở hiền. Những băn khoăn, trăn trở ấy cứ đeo bám lấy ngòi bút Nam Cao để rồi ông cứ tiếp tục xoáy sâu vào tận những nỗi thống khổ, bi thương của con người.

Ở truyện ngắn của Thạch Lam, giọng triết lý của tác giả này thường chìm sâu vào giọng văn nhẹ nhàng, giàu sức gợi mở. Khác với Nam Cao, Thạch Lam ít khi trực tiếp cất lên tiếng nói triết lý của mình về những điều mà ông chiêm nghiệm, suy tưởng, mà để hiểu được triết lý trong truyện ngắn Thạch Lam người đọc phải thâm nhập để khám phá

qua câu chuyện đầy tâm trạng ta mới hiểu được ý nghĩa triết lý ẩn sâu trong mạch ngầm của lời văn trần thuật đơn giọng trong truyện ngắn của ông. Ở truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, yếu tố triết lý lại càng trở nên mờ nhạt hơn. Ông không nói lên những kết luận mang đầy tính triết luận về cuộc sống, điều mà ông thể hiện thành công đó là cái giọng văn hài hước, dí dỏm và châm biếm sâu cay. Ông để người đọc tự suy nghĩ về cuộc sống, về lẽ đời trong thế giới nghệ thuật truyện ngắn đầy những cảnh hài hước, trào phúng mà thấm thía sâu cay của ông. Giọng văn quán xuyến bao trùm trong truyện ngắn của ông chính là cái giọng trào lộng bông đùa mà hết sức thâm thúy. So với các nhà văn khác, có thể nói giọng văn triết lý đã trở thành một đặc trưng nổi bật trong giọng điệu trần thuật của nhà văn Nam Cao.

Một phần của tài liệu nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nam cao (Trang 161 - 165)