CHƯƠNG 2: CẤU TRÚC TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN GẮN NAM CAO
2.1.2.3. Truyện ngắn Nam Cao với kiểu kết cấu trần thuật đa tuyến, đơn tuyến
tuyến
2.1.2.3.1. Truyện ngắn Nam Cao với kiểu kết cấu trần thuật đa tuyến
Nhà nghiên cứu Biêlinxki đã từng nói rằng: “Trong tác phẩm thực sự có tính chất nghệ thuật bao giờ cũng thấy rõ ràng các mối quan hệ qua lại của các nhân vật tác động lên tính cách của chúng như thế nào” [100; 276]. Trong tác phẩm có nhiều tuyến nhân vật chúng ta sẽ bắt gặp sự tác động qua lại những tính cách thông qua hành động, sự kiện trong tác phẩm. Nhân vật bộc lộ một phần tính cách của mình trong sự va chạm qua lại giữa các tính cách với nhau.
Kết cấu trần thuật đa tuyến nhân vật theo chúng tôi hiểu là kiểu kết cấu mà nhà văn xây dựng thành hai hay nhiều tuyến nhân vật. Trong đó mỗi tuyến nhân vật đều tham gia vào quá trình phát triển của câu chuyện. Các tuyến nhân vật thông thường được đặt song song với nhau. “Chủ đề tư tưởng tác phẩm được bộc lộ rõ rệt qua sự đối sánh giữa hai tuyến nhân vật phát triển song song với tính chất hoặc đối lập nhau, hoặc hỗ trợ nhau” [31; 146]. Kết cấu trần thuật luôn luôn bám sát vào sự phát triển của các tính cách và sự cọ xát qua lại của các tính cách ấy.
Ở truyện ngắn Nam Cao, kết cấu trần thuật đa tuyến nhân vật không phải là kiểu kết cấu nổi bật nhất, nhưng rõ ràng kiểu kết cấu trần thuật này đã ghi tên tuổi của Nam Cao ở một số truyện ngắn nổi bật như: Chí Phèo; Lão Hạc; Đôi mắt và một số tác phẩm khác. Chỉ bấy nhiêu đó thôi, nhưng tên tuổi của Nam Cao đã có được vị trí xứng đáng trong làng văn Việt Nam hiện đại.
Lão Hạc là một truyện ngắn xuất sắc về đề tài người nông dân trước cách mạng tháng Tám. Ở truyện ngắn này, nhân vật Lão Hạc được đặt song song với nhân vật ông giáo - người có vai trò là chủ thể trần thuật chứng kiến toàn bộ cuộc đời của Lão Hạc, và
cũng là nhân vật cùng tham gia vào quá trình phát triển của câu chuyện. Lão Hạc là nhân vật trung tâm của truyện, nhân vật ông giáo lại có một vai trò vô cùng quan trọng để toàn bộ cuộc đời của Lão Hạc được dựng lên một cách xúc động, chân thật nhất. Nhân vật ông giáo như một tấm gương phản chiếu toàn vẹn thế giới nội tâm của nhân vật Lão Hạc. Kết cấu của truyện nương theo hai tuyến nhân vật này và bổ sung cho nhau. Bởi vì giữa ông giáo và lão Hạc có điểm chung đều là người nghèo, điểm khác nhau ông giáo là người trí thức, còn lão Hạc là một lão thuần nông. Họ là hàng xóm của nhau. Họ biết sẻ chia và thông cảm cho nhau những vui buồn của cuộc sống. Ông giáo xuất hiện là chỗ tựa tinh thần để lão Hạc dốc bầu tâm sự nỗi lòng của mình. Từ đó mạch diễn biến tâm trạng của lão Hạc được nhân vật Tôi soi tỏ với tư cách là người kể thấu hiểu tâm tư lão Hạc nhất. Lão Hạc vì nghèo, vì thương con mà đau đớn bán đi cậu Vàng người bạn của lão nương tựa lúc côi cút tuổi già. Ông giáo cũng vì túng mà bán đi những cuốn sách quí của mình. Qua những tâm sự gan ruột của lão Hạc ông giáo hiểu được ý nghĩa của tất cả những hành động, việc làm của lão Hạc mà có lúc người vợ của ông giáo đã hiểu lầm việc làm của lão Hạc và cho lão gàn dở. Qua lão Hạc, nhân vật Tôi rút ra những triết lý sống đầy ý nghĩa nhân văn. Lão Hạc và ông giáo có thể được xem là hai nhân vật trên hai tuyến song song, nhưng giữa hai nhân vật này có sự tương hỗ rõ rệt. Người đọc hiểu được con người nhân hậu, lương thiện, trong sạch của lão Hạc qua những lời triết lý cảm thông của ông giáo. Và ông giáo, qua chứng kiến cuộc đời của lão Hạc mà rút ra những chiêm nghiệm, suy tư đầy ý nghĩa. Như vậy, sự va chạm giữa hai tính cách nhân vật ông giáo và lão Hạc đã làm sáng tỏ vấn đề mà Nam Cao muốn thể hiện đó là ca ngợi phẩm chất trong sạch, lương thiện đáng kính của những người nông dân nghèo trước cái đói và mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người trong cuộc sống.
Ở Đôi mắt, một sáng tác hết sức tiêu biểu của Nam Cao sau năm 1945, Nam Cao tận dụng triệt để khả năng biểu hiện của lối kết cấu hai tuyến nhân vật đối lập nhau bằng việc dựng lên hai nhân vật khác nhau về quan điểm, tư tưởng về cách nhìn cuộc sống, và sự nghiệp cách mạng tương lai của dân tộc. Hoàng và Độ đều là những văn sĩ có tài, nhưng trước hiện thực mới của cách mạng họ đã có những hướng đi khác nhau. Hoàng thì đi tản
cư và sống trưởng giả ở ngoại thành Hà Nội. Còn Độ thì lại lăn lộn trong những phong trào cách mạng của quần chúng. Anh sống hòa mình vào cuộc cách mạng chứ không tách mình ra khỏi sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc như Hoàng. Chính vì thế, họ đã có những cách nhìn hoàn toàn đối lập về người nông dân, về việc làm cách mạng của quần chúng. Độ sống trong quần chúng, Độ hiểu tất cả những hạn chế, yếu kém và cả những mặt tích cực của họ. Còn Hoàng xa rời quần chúng, sống tách mình ra khỏi quần chúng bởi anh chỉ thấy ở họ những điều kém cỏi, xấu xa, nhiêu khê, và nhặng xị. Anh có cách nhìn phiến diện hoàn toàn khác biệt so với cách nhìn của Độ mà “Vẫn giữ đôi mắt ấy để nhìn đời thì càng đi nhiều, càng quan sát lắm, người ta chỉ càng thêm chua chát và chán nản”. Hoàng được mời đi làm cách mạng nhưng anh từ chối. Độ tự nguyện lăn xả vào phong trào. Hoàng bi quan về cuộc chiến. Độ tin tưởng vào thắng lợi phía trước. Hoàng sùng bái anh hùng cá nhân. Độ dạt dào niềm tin vào sức mạnh đoàn kết của dân tộc. Cứ thế hai nhân vật này được Nam Cao đặt trên hai trận tuyến song song không bao giờ gặp nhau. Họ đối lập nhưng bổ sung cho nhau. Quan điểm, tư tưởng và lẽ sống của người này sẽ làm sáng tỏ quan điểm, tư tưởng của người kia. Sự khác biệt đó chỉ diễn ra giữa một bên là câu chuyện kể của Hoàng và những ý kiến độc thoại bên trong Độ. Không có sự tranh luận gay gắt giữa hai văn sĩ này nhưng sự đối lập ấy là cơ sở để thúc đẩy mạch trần thuật câu chuyện phát triển. Và cũng nhờ kiểu kết cấu trần thuật này mà Nam Cao đã làm nổi bật được ý nghĩa sâu sắc chủ đề tác phẩm.
Như vậy, kiểu kết cấu trần thuật đa tuyến nhân vật trong truyện ngắn Nam Cao là một trong những kiểu kết cấu Nam Cao đã sử dụng rất thành công trong truyện ngắn của mình. Tuy số lượng không nhiều, nhưng rõ ràng Nam Cao đã khẳng định một tài năng điêu luyện trong việc lựa chọn kết cấu trần thuật cho truyện ngắn của mình. Ở kiểu trần thuật đa tuyến nhân vật trong truyện ngắn Nam Cao, điểm nhìn trần thuật có thể xuất phát từ điểm nhìn khách quan của chủ thể trần thuật vô nhân xưng (Chí Phèo; Ở hiền; Nửa đêm; Hội nghị nói thẳng…), cũng có thể xuất phát từ điểm nhìn bên trong của chủ thể trần thuật xưng tôi với vai trò là người dẫn truyện đồng thời là một nhân vật có tính cách đầy đủ trong sự đối sánh với nhân vật khác (Lão Hạc; Đôi Mắt). Chính sự đa dạng trong
điểm xuất phát của cấu trúc văn bản ấy đã đem đến cho truyện ngắn Nam Cao một sự cuốn hút đặc biệt.
2.1.2.3.2 Truyện ngắn Nam Cao với kết cấu trần thuật đơn tuyến
Kiểu kết cấu đơn tuyến nhân vật trong tác phẩm tự sự thông thường chỉ có một nhân vật chính, đóng vai trò là trung tâm của cốt truyện. Nhân vật chính ấy có thể là bản thân chủ thể trần thuật tự bộc bạch, kể lại những hành động sự kiện có liên quan trực tiếp đến cuộc đời của mình hoặc kể lại những sự kiện, hiện tượng của đời sống mà mình được chứng kiến. Cũng có khi chủ thể trần thuật nhập thân vào nhân vật, đóng vai nhân vật để kể lại câu chuyện của một nhân vật nào đó. Ở đó ít có sự va chạm mạnh mẽ một cách trực tiếp giữa các tính cách khác nhau như trong những truyện có kết cấu đa tuyến nhân vật.
Truyện ngắn Nam Cao trước năm 1945, kiểu kết cấu trần thuật này không nhiều mà chủ yếu tập trung vào những truyện ngắn sau năm 1945. Những tác phẩm nghiêng về kiểu kết cấu trần thuật này như: Đôi móng giò; Tư cách mõ; Lang rận; Dì Hảo (Trước năm 1945); Đường vô Nam; Những bàn tay đẹp ấy; Vài nét ghi qua vùng vừa giải phóng; Từ ngược về xuôi; Bốn cây số cách một căn cứ địch; Vui dân công; Trần Cừ; Trên những con đường Việt Bắc(Sau năm 1945).
Ở những truyện Đôi móng giò; Tư cách mõ; Lang rận, điểm chung là xuất phát từ điểm nhìn khách quan của chủ thể trần thuật ngôi thứ ba. Đôi móng giò kể lại xuất thân của nhân vật chính Trạch Văn Đoành và những hành động, việc làm của nhân vật này để đối phó và vạch mặt những ông kỳ mục, tổng lý trong làng chuyên tham nhũng và bóp hầu, bóp họng nhân dân. Và đặc biệt là cái cách hạ bệ của ông cửu Đoành với những ông to nhất trong làng mới thật hài hước và mỉa mai. Tư cách mõ, lại xoay quanh quá trình chuyển biến tụt dốc để mất nhân cách của anh cu Lộ làm mõ cho làng khi bị người đời coi rẻ, khinh miệt. Những truyện ngắn trước năm 1945 của Nam Cao khi sử dụng kiểu kết cấu trần thuật này, hầu hết là dựng lại toàn bộ những cuộc đời không mấy vui vẻ, sáng sủa gì. Cửu Đoành muốn tồn tại phải giương vây để đối phó với quan viên trong làng. Cu Lộ muốn tồn tại trong sự đố kỵ, ghen ghét của họ hàng, làng xóm phải chấp nhận để mất nhân phẩm. Lang Rận thì lại đầu hàng trước số phận nhưng anh ta biết thế nào là nhân
phẩm. Dì Hảo nhịn nhục chịu đựng và chấp nhận số phận của mình, không dám vượt lên để đấu tranh cho cuộc sống của mình.
Đến sau năm 1945, ngòi bút Nam Cao đã có sự chuyển hướng. Ông để lại ở cái làng quê tất cả những con người ấy để lao vào cuộc sống cách mạng đang vận động từng ngày. Ngòi bút của ông bén rễ sâu vào cuộc sống cách mạng. Những truyện ngắn viết theo kết cấu trần thuật đơn tuyến nhân vật được viết giai đoạn này hầu hết là sự chứng kiến và ghi lại của chính nhà văn về những đổi thay của quê hương và những vùng quê cách mạng. Nam Cao đã ghi lại tất cả hiện thực đổi thay từng ngày ấy trong những: Trên những con đường Việt Bắc; Vài nét ghi qua vùng vừa giải phóng; Từ ngược về xuôi; Bốn cây số cách một căn cứ địch; Vui dân công; VàNam Cao cũng tận mắt được chứng kiến những con người giản dị mà dũng cảm đang sống hết mình, chiến đấu hết mình cho đất nước này mà ông đã kể lại xúc động trong Trần Cừ; Vui dân công; Đường vô Nam; Những bàn tay đẹp ấy. Nhiều truyện xuất phát từ điểm nhìn của chính cái tôi tác giả, kể lại một cách náo nức, tươi vui những sự kiện, những hoàn cảnh cách mạng đang biến đổi mạnh mẽ hàng ngày. Nam Cao đã cảm nhận rất rõ không khí cách mạng sôi nổi hồ hởi ấy. Ông cảm thấy ngỡ ngàng và hết sức cảm động trước bao sự đổi thay của cách mạng. Vì thế ngòi bút của ông đã thay đổi đối tượng phản ánh thay vì miêu tả cái làng quê bức bối, chật hẹp chứa bao điều dữ dội bên trong trước đây thì giờ đây ngòi bút của ông đã vượt ra khỏi cái không gian chật hẹp ấy. Không gian cách mạng như một luồng gió mới đem lại sự tươi vui cho nét bút của ông.
Kết cấu đơn tuyến nhân vật tuy thực sự chưa mang lại cho truyện ngắn Nam Cao những thành công như những kiểu kết cấu trần thuật khác, nhưng xét về góc độ nội dung phản ánh thì những tác phẩm sau cách mạng tháng Tám đã khẳng định một điều Nam Cao đã biết vượt qua những khó khăn do sự thay đổi của thời cuộc để bắt mạch nhanh chóng vào cuộc sống mới mà nhiều nhà văn lúc đó vẫn còn đang bỡ ngỡ “nhận đường”.