CHƯƠNG 2: CẤU TRÚC TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN GẮN NAM CAO
2.2.2.2. Truyện ngắn Nam Cao với kiểu cốt truyện tâm lý.
Truyện ngắn Nam Cao khá thành công với kiểu cốt truyện sự kiện, hành động. Nhưng kiểu cốt truyện nổi bật nhất vẫn là cốt truyện tâm lý. Chính điều này đã làm nên một nét đặc sắc riêng của văn Nam Cao so với văn của các tác giả nổi danh khác cùng thời. Ở kiểu cốt truyện tâm lý theo khảo sát có khoảng 19/55 truyện ngắn được xây dựng
theo cốt truyện tâm lý và dĩ nhiên đó là những truyện có kết cấu theo mạch nội tâm nhân vật.
Một vài đặc điểm lý luận của kiểu cốt truyện tâm lý có thể thấy trong kiểu cốt truyện này chủ yếu là những xung đột trong thế giới nội tâm của nhân vật, gắn với số phận, tâm lý của từng nhân vật. Nhà văn lấy tâm lý làm nội dung cơ bản, cốt truyện xoay quanh sự vận động, quá trình phát sinh, phát triển về mặt tư tưởng, tình cảm, tính cách của nhân vật.
Cốt truyện tâm lý vẫn đảm bảo đặc trưng cơ bản của thể loại là “kể lại” được, nhưng cốt truyện phát triển không dựa trên trục sự kiện mà lấy diễn biến tâm lý, xung đột nội tâm làm chính. “Sự kiện” trong loại hình cốt truyện tâm lý mang tính hỗ trợ, xúc tác để tâm lý phát triển. Sự cảm nhận loại truyện này chủ yếu không phải bằng câu chuyện được kể lại mà qua những suy nghĩ, tâm trạng của nhân vật. Nhiều truyện của Nam Cao không có sự kiện, biến cố gì đặc biệt mà chỉ là những diễn biến tâm lý. Hoặc là cốt truyện được xem xét từ kiểu hành động bên trong. Nó không là các sự kiện đột biến thể hiện bằng các hành động bên ngoài mà là những cơn thăng trầm trong cảm xúc của nhân vật; sự cảm thụ và lý giải các hiện tượng và thực tế khách quan ngày càng mới, nó xuất phát từ nội tâm, suy nghĩ, dòng ý thức của nhân vật. Kiểu cốt truyện này bắt đầu nổi bật từ đầu thế kỷ XX. Do vậy, từ đây kiểu cấu trúc cốt truyện liên kết chuỗi sự kiện hành động không còn giữ vai trò độc tôn nữa mà đã bắt đầu xoáy vào những sự mâu thuẫn nằm sâu trong thế giới nội tâm của con người. Cốt truyện lúc này chính là hệ thống của những sự kiện biến cố nội tâm, hành động bên ngoài đã hiện diện ở thế giới tinh thần phức tạp bên trong. Xung đột xã hội được khúc xạ qua xung đột nội tâm, xung đột dạng này không kém phần quyết liệt giữa lý trí và tình cảm và có phần còn là xung đột đặc biệt gay gắt hơn những xung đột tạo ra hành động. Đây là những điểm đáng chú ý mà chúng tôi sẽ vận dụng để phân tích những đặc
sắc trong cốt truyện của truyện ngắn Nam Cao.
Một đặc điểm khá đặc sắc và nổi bật trong cốt truyện của truyện ngắn Nam Cao đó là cốt truyện tâm lý - “cốt truyện bên trong” - tức cốt truyện tâm lý diễn tả những tâm
trạng điển hình của nhân vật. Tuy không có “chuyện” nhưng truyện ngắn kiểu này lại sống lâu bền trong tâm trí người đọc. Truyện ngắn của Nam Cao có khá nhiều truyện có cốt truyện kiểu này, cả những truyện về đề tài trí thức và nông dân như: Nhìn người ta sung sướng; Trẻ con không được ăn thịt chó; Từ ngày mẹ chết; Tư cách mõ; Một đám cưới…Ở những truyện này, tác giả chủ yếu chú ý phân tích tâm lý người nông dân mà ít khi có xen kẽ tâm lý của chủ thể trần thuật. Người kể dường như hoàn toàn khách quan đứng ngoài để kể trong những truyện có kiểu cốt truyện này. Theo điểm nhìn bên trong, những mâu thuẫn, phát triển bên trong nhân vật được tác giả chú ý miêu tả rất tỉ mỉ, và những sự kiện xảy ra đối với nhân vật chỉ là cơ sở để tâm lý nhân vật tiếp tục phát triển.
Trẻ con không được ăn thịt chó mang đến một cốt truyện khá cảm động nhờ việc tác giả xây dựng được nhiều nét tâm trạng của các nhân vật trong đó. Sự kiện giết chó của anh chồng là trung tâm soi chiếu tâm trạng của tất cả các nhân vật. Trước hết là tâm trạng thèm ăn khát uống đến bứt rứt, khó chịu trong người của anh chồng. Đến việc anh ta biện hộ cho hành động giết ngoéo con chó của nhà để thỏa cơn thèm khát. Thái độ của anh ta thay đổi thế nào khi bảo vợ đi mua rượu cho hắn. Tiếp theo là nỗi lòng thương con của người mẹ thể hiện trong lúc chị đi chợ về và khấp khởi mừng thầm vì mua cho con được khúc mía lau làm quà. Chị tức uất như thế nào khi thấy chồng giết chó để ăn cho thỏa cái dạ dày. Chị đau xót và tủi nhục đến thế nào khi hắn không để lại cho mấy đứa con một miếng xương để gặm. Nước mắt chị trào ra và chị xót cho lũ con của chị. Mấy đứa con cũng được Nam Cao chú ý miêu tả tâm trạng rất phù hợp với tâm lý trẻ thơ, từ việc chúng háo hức cùng bố đè bắt con chó, đến tâm trạng sốt ruột, chờ đợi, mong ngóng của chúng để được ăn thừa thịt chó.
Bên cạnh những truyện ngắn thuần miêu tả tâm lý của người nông dân, Nam Cao còn một số lượng lớn truyện có cốt truyện tâm lý viết về đề tài người trí thức tiểu tư sản. Trong đó có những truyện Nam Cao chọn nhân vật chính là cái tôi tác giả. Nhân vật trung tâm là “tôi”. Mọi sự phát triển tâm lý đều xoay quanh nhân vật tôi này. Có những truyện như: Cái mặt không chơi được; Mua nhà; Điếu văn; Những chuyện không muốn viết…Cái mặt không chơi được là tâm trạng băn khoăn, day dứt và đau khổ của tôi về một gương
mặt có cái gì đó “không chơi được” khiến nó trở thành nguyên nhân của mọi thất bại trong giao tiếp của nhân vật tôi. Những chuyện không muốn viết là tâm trạng mỉa mai của cái tôi tác giả trước những rào cản trong ngòi bút của anh và những khó khăn, những băn khoăn trong việc lựa chọn chủ đề để viết. Điếu văn là tâm trạng cảm thông, chia sẻ và đau xót của cái tôi tác giả đối với số phận bạc bẽo của người bạn tội nghiệp.
Nam Cao cũng có một số lượng lớn những truyện ngắn viết về người trí thức tiểu tư sản. Nhưng tâm trạng của các nhân vật trong đó rất gần với chủ thể kể cho nên mặc dù được kể theo điểm nhìn ở ngôi thứ ba nhưng có lúc tâm lý của chủ thể trần thuật hòa nhập vào nhân vật nên giữa nhân vật và chủ thể trần thuật có sự gần gũi về tâm lý. Có thể kể đến những truyện này như: Giăng sáng; Đời thừa; Nước mắt; Cười,…Đó đều là những cung bậc tâm trạng của người trí thức khi phải sống giữa hiện thực tầm thường. Họ đều là những người có ước mơ, có lý tưởng và sự khát khao vươn xa trên con đường sự nghiệp, trên hành trình thực hiện mộng văn chương. Nhưng hiện thực tầm thường của cuộc sống cơm áo đã làm thui chột dần tài năng của họ. Họ cảm thấy ngột ngạt và bất lực trước cuộc sống hiện thời. Tuy vậy, người trí thức trong truyện ngắn Nam Cao vẫn không nguôi hi vọng và họ tìm thấy nguồn cảm hứng trong chính cái tăm tối, lầm than của cuộc sống đời thường. Bởi vì họ đã nhận ra: “Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”.
Có thể nói qua phân tích kiểu cốt truyện tâm lý trong truyện ngắn Nam Cao chúng tôi nhận thấy ông đã rất thành công trong việc xây dựng kiểu cốt truyện này. Ông không chú trọng xây dựng những cốt truyện có xung đột dữ dội mà chỉ là những mạch tâm trạng hết sức bình thường của nhân vật nhưng câu chuyện vẫn tạo một sức căng nhất định nhờ sự phát triển tăng tiến trong mạch vận động nội tâm của nhân vật. Không chú trọng nhiều sự kiện, chỉ tập trung xoáy vào tâm lý nhân vật, phơi bày mọi ngõ ngách nội tâm nhân vật một cách tinh tế, Nam Cao đã khẳng định một nét đặc trưng, ổn định trong ngòi bút của ông, đấy là khả năng mổ xẻ và phân tích tâm lý nhân vật. Cái hấp dẫn ở truyện ngắn có cốt truyện bên trong của Nam Cao là ở đó.
Nếu như truyện ngắn của Nam Cao thành công phần lớn ở kiểu cốt truyện tâm lý - cốt truyện bên trong, thì truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan lại thành công ở kiểu cốt truyện hành động, sự kiện. Bởi lẽ, truyện ngắn Nguyễn Công Hoan xoáy vào sự đối lập, mâu thuẫn của cái thiện - cái ác; cái tốt - cái xấu; đạo đức - bất nhân; thống trị - bị trị,…kết hợp với cách tổ chức ngôn ngữ gây cười ở bề mặt lớp vỏ nhưng lại bật lên những lời châm biếm; phê phán sâu cay ở bên trong. Nhà văn phải tổ chức và sắp xếp các sự kiện và hành động của nhân vật để bộc lộ tính chất bi hài kịch trong tác phẩm của mình. Còn đối với Thạch Lam, không khó để nhận ra hầu hết truyện ngắn của ông có tính chất trữ tình, “truyện không có cốt truyện” như nhiều người nhận xét. Nhưng thật ra thì những truyện của Thạch Lam yếu tố trữ tình lấn át hành động nhân vật nên yếu tố cốt truyện bị mờ đi. Tuy nhiên, theo các nhà lý luận lý giải thì yếu tố cốt truyện mờ nhạt sự kiện và được triển khai bằng mạch nội tâm, dòng ý thức nhân vật thì được xem là dạng cốt truyện tâm lý - cốt truyện bên trong. Rõ ràng, ở điểm này, truyện ngắn của Nam Cao và Thạch lam đã có những nét tương đồng. Tất nhiên,cùng một kiểu cốt truyện nhưng hai nhà văn sẽ có những cách thể hiện khác nhau do đối tượng, đề tài phản ánh của hai nhà văn này có những điểm khác biệt. Dẫu sao, khi tiếp cận truyện ngắn của các nhà văn này, người đọc đều bị cuốn hút bởi những điểm độc đáo riêng biệt đó, khiến tác phẩm của họ mang phong cách riêng không lẫn với bất kỳ tác phẩm của các nhà văn khác cùng thời.
Như vậy, ở phương diện cốt truyện nghệ thuật, Nam Cao đã cho thấy một tài năng ở cây bút truyện ngắn. Dù truyện của ông có sự kiện đơn giản hay đan cài phức tạp; dù truyện của ông chỉ bám vào những mạch tâm trạng của những người nông dân bình thường hay những người trí thức; dù truyện của ông đề cập đến những điều nhỏ nhặt như chuyện mất gà, mất chó hay đề cập đến những điều to tát như chuyện đòi quyền làm người lương thiện thì ta vẫn thấy những trang truyện của ông sáng ngời tinh thần nhân đạo, những con chữ của ông đau đáu một niềm thương cảm, xót xa. Những truyện ngắn của ông sau năm 1945 đã có nhiều thay đổi về nội dung phản ánh, nhưng vẫn nóng ấm trái tim của một nhà văn yêu đời, yêu cách mạng, yêu cuộc sống mới và ông hướng ngòi bút ngợi ca tất cả những đổi thay lớn lao đó.