Tình huống tự nhận thức

Một phần của tài liệu nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nam cao (Trang 124 - 128)

CHƯƠNG 2: CẤU TRÚC TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN GẮN NAM CAO

2.3.2.5. Tình huống tự nhận thức

Phần nhiều nhân vật trong truyện ngắn của Nam Cao có nhu cầu nhận thức về bản thân, về cuộc sống, xã hội. Cho nên truyện ngắn của Nam Cao chứa đựng không ít tình huống tự nhận thức bên cạnh nhiều dạng tình huống truyện khác. Sự ra đời của tình huống

này gắn với những trăn trở của nhà văn trong việc đổi mới tư duy nghệ thuật, trong việc tìm tòi, phát hiện những hiện tượng mới nảy sinh trong đời sống con người. Tình huống tự nhận thức có đặc điểm cơ bản là luôn gắn liền với khả năng tự ý thức của nhân vật. Đặt nhân vật vào những hoàn cảnh, những tình thế đa dạng, đặc biệt hay bất ngờ để nhân vật phải tự nhận thức về bản thân, về con người và cuộc sống xung quanh. Và ẩn đằng sau những tình cảm, quan niệm, khát vọng của nhân vật bao giờ cũng là trăn trở của nhà văn trước cuộc đời.

Trong những truyện ngắn của Nam Cao có thể có hơn một tình huống đan xen, bổ sung và hỗ trợ cho nhau. Có những truyện vừa có tình huống tự nhận thức, lại vừa có tình huống tâm trạng ở trong đó. Có thể kể đến một số truyện chứa đựng yếu tố tình huống tự nhận thức gắn liền với sự ý thức của nhân vật như: Chí Phèo; Cái mặt không chơi được; Giăng sáng; Đời thừa; Cười; Quên điều độ; Nước mắt,…

Sự tự nhận thức của nhân vật Chí Phèo được đặt trong một hoàn cảnh đặc biệt với chính bản thân Chí Phèo. Chí Phèo tỉnh sau những chuỗi ngày triền miên trong cơn say, cuộc gặp gỡ vô tình với Thị Nở và trận ốm dữ dội đã khiến Chí Phèo tỉnh. Những vang động của đời thường đã ùa vào tâm hồn Chí. Hắn mơ hồ buồn, nhớ lại những ước mơ giản dị của một thời xa xôi và hắn ý thức về tuổi già của mình, về sự xuống dốc của tuổi tác và sự tàn tạ về tâm hồn sau những tháng ngày trượt dài trong tội lỗi: “Tỉnh dậy hắn thấy hắn già mà vẫn còn cô độc. Buồn thay cho đời!”. Chính sự nhận thức này đã khiến Chí Phèo bắt đầu ý thức về những tháng ngày sống đời con quỉ dữ. Chí Phèo trở nên khao khát lương thiện biết nhường nào: “Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao”. Chính sự nhận thức về sự biến đổi của bản thân và điều khao khát của chính mình đã khiến Chí Phèo nhận thức đầy đủ và rõ ràng nhất kẻ đã đẩy Chí Phèo vào con đường tội lỗi, tước mất cái quyền được làm người lương thiện chính đáng của Chí Phèo. Hành động vung dao giết Bá Kiến là kết quả của quá trình nhận thức sâu sắc của Chí Phèo. Nam Cao đã đặt Chí Phèo vào những hoàn cảnh đặc biệt để Chí bộc lộ sự nhận thức của mình với hoàn cảnh, với chính mình và với kẻ thù của mình. Truyện ngắn Chí Phèo bên cạnh tình huống tâm trạng, tình huống huống tự nhận thức đã góp phần làm cho

truyện ngắn này bộc lộ những lớp chủ đề riết róng nhất mà Nam Cao đã thể hiện bằng tất cả tấm lòng nhân đạo của mình.

Ở những truyện như Giăng sáng; Đời thừa; Nước mắt,…những truyện viết về đề tài người trí thức, Nam Cao đã đặt nhân vật của mình vào những tình huống khác nhau để nhận thức về bản thân, về cuộc sống gia đình, xã hội, về những khát vọng trong nghề nghiệp và những thất vọng, chán nản trước hiện thực tù túng, quẫn bách. Quá trình nhận thức của họ có một sự dai dẳng và quyết liệt. Điền (Giăng sáng) ngồi giữa sự đối lập giữa cái đẹp mơ màng của ánh trăng và cái hiện thực bề bộn, bức bối của cuộc sống gia đình. Điền muốn thoát ly. Anh nhận thức rằng cái hiện thực kia “gần như là tủi cực”, nó đã làm tiêu tán đi giấc mộng xưa của Điền. Nhưng chính trong hiện thực đó anh nhận thức về mối quan hệ của nghệ thuật và hiện thực cuộc sống. Sự nhận thức này đã giúp anh khai tỏa được sự bế tắc trong nội tâm, giúp anh nhận thức đúng đắn về nghệ thuật. Nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống, và cần phải bám rễ vào đời sống đễ bắt nguồn cho nghệ thuật khơi trào. Hộ trong Đời thừa và Cự Điền trong Nước mắt cũng là những nhân vật được đặt trong những tình huống khác nhau để nhận thức về ý thức, trách nhiệm của bản thân với gia đình, về mối quan hệ giữa người với người trong xã hội. Từ sự tự ý thức của bản thân họ, họ sẽ hướng tới một cuộc sống có ý nghĩa và có trách nhiệm hơn. Họ sẽ vượt lên tất cả những trạng thái chán nản, bế tắc để thoát khỏi cuộc “đời thừa”.

Có thể nói, tình huống tự nhận thức là một kiểu tình huống gặp khá nhiều trong truyện ngắn Nam Cao. Đó là một kiểu tình huống nhằm làm bộc lộ sự nhận thức sâu sắc của nhân vật. Nhờ thế người đọc sẽ có cơ sở để tìm hiểu phân tích nhân vật ở mọi khía cạnh một cách thuận tiện. Trong những tình huống tự nhận thức ở những truyện ngắn về đề tài trí thức tiểu tư sản chúng ta thấy xuất hiện đâu đó bóng dáng tâm hồn của cái tôi nhà văn ẩn chứa đằng sau mỗi sự suy tư, nhận thức của nhân vật.

Như vậy, trên đây chúng tôi đã tìm hiểu một số loại tình huống tiêu biểu trong truyện ngắn Nam Cao. Có thể so sánh tình huống trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam với tình huống trong truyện ngắn của Nam Cao chúng ta sẽ thấy có những nét tương đồng và những nét khác biệt dễ nhận thấy. Tình huống truyện của Nam

Cao và Nguyễn Công Hoan đều có tính kịch éo le, gay gắt. Nhưng ở Nguyễn Công Hoan, tình huống nặng về tính chất hài kịch, còn tình huống truyện ở Nam Cao lại nghiêng về bi kịch hoặc bi hài kịch là chủ yếu. Chính vì vậy, Nam Cao nổi bật với những tình huống tâm trạng, tình huống tự nhận thức của nhân vật, mà điểm nổi bật ở tình huống truyện Nguyễn Công Hoan lại là tình huống hành động mang đậm tính kịch. Vì vậy, chúng ta thấy, nếu như tình huống truyện của Nam Cao thường khắc họa nổi bật những cảnh đời thương tâm, bất hạnh, miêu tả những mâu thuẫn nội tâm phức tạp của con người trong những cảnh sống bị ghì sát đất vì miếng cơm, manh áo thì tình huống truyện của Nguyễn Công Hoan lại phơi bày những cảnh đời nhố nhăng, bỉ ổi và những con người đạo đức giả lại diễn những vở đạo đức trên sân khấu cuộc đời. Nguyễn Công Hoan có khá nhiều truyện ngắn chứa đựng tình huống luận đề đa dạng ở những khía cạnh đời sống khác nhau. Truyện ngắn của Nam Cao có chứa đựng tình huống luận đề nhưng ông chỉ xoáy vào một vài khía cạnh của đời sống.

Ở tình huống truyện Nam Cao và tình huống truyện Thạch Lam có những nét tương đồng. Ta đều có thể dễ dàng bắt gặp tình huống tâm trạng ở truyện của cả hai nhà văn này, nhưng ở Thạch Lam chúng ta sẽ thấy tình huống truyện của ông thường gợi lên những cảm xúc, tâm trạng nhẹ nhàng, lắng sâu, diệu vợi, còn tình huống truyện của Nam Cao lại xoáy vào đáy sâu nội tâm, kích thích sự vận động dữ dội của tâm trạng nhân vật, khiến nhân vật phải suy nghĩ một cách riết róng và vắt kiệt năng lượng nội quan của mình để giải quyết mâu thuẫn phức tạp trong nội tâm nhân vật.

Có thể nói, truyện ngắn Nam Cao có một sự đa dạng về tình huống. Có những truyện có tình huống đơn giản, tập trung làm bật nổi một chủ đề của truyện; nhưng cũng có khi Nam Cao sử dụng đan cài các loại tình huống khác nhau trong truyện; trong đó có một kiểu tình huống giữ vai trò chính và một vài tình huống phụ khác, nhưng mỗi một tình huống sẽ góp phần làm nổi bật một lớp chủ đề của truyện, chính nhờ thế ý đồ, tư tưởng của tác giả được thể hiện rõ ràng nhất. Tuy dạng này chưa thực sự nổi bật nhiều trong truyện ngắn Nam Cao bằng truyện ngắn của các tác giả sau này như Nguyễn Minh

Châu; Nguyễn huy Thiệp; Chu Lai,… nhưng cũng cho thấy một sự sáng tạo tình huống phong phú trong truyện ngắn Nam Cao.

Một phần của tài liệu nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn nam cao (Trang 124 - 128)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(200 trang)