CHƯƠNG 2: CẤU TRÚC TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN GẮN NAM CAO
2.1.2.4. Truyện ngắn Nam Cao với kết cấu truyện lồng truyện
Dạng kết cấu trần thuật này xuất hiện ít nhất so với các dạng kết cấu khác trong truyện ngắn Nam Cao. Chỉ có khoảng 4/55 truyện ngắn ở dạng kết cấu trần thuật này. Chúng tôi vẫn tiến hành khảo sát tìm hiểu để phần nào thấy được sự đa dạng trong kết cấu trần thuật truyện ngắn của ông.
Theo lý thuyết tự sự học, kết cấu trần thuật truyện lồng truyện là dạng kết cấu mà ở đó các mạch truyện lồng vào nhau tạo nên dạng kết cấu “truyện đóng khung”, “truyện lồng truyện”. Ở dạng kết cấu này, vai trần thuật giữa các nhân vật cũng được tác giả biến đổi linh hoạt. Trong cùng một tác phẩm xuất hiện cùng lúc nhiều chủ thể trần thuật khác nhau, nhưng vẫn có một chủ thể trần thuật ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba xuất hiện để dẫn dắt mạch truyện với tư cách là chủ thể trần thuật chính của câu chuyện. Như vậy, trong dạng kết cấu trần thuật này chúng ta sẽ bắt gặp hiện tượng chủ thể trần thuật kép và do vậy điểm nhìn trần thuật cũng được di chuyển liên tục.
Ở truyện ngắn Nhỏ nhen chúng ta sẽ thấy xuất hiện chủ thể kể vô hình trao quyền trần thuật cho các nhân vật Du, Giang, Tá, Hồ. Họ cùng tham gia vào câu chuyện và thúc đẩy câu chuyện phát triển. Cùng nói đến một chủ đề “nhỏ nhen” trong câu chuyện của họ Du và Giang đã lần lượt kể ra những câu chuyện của chính họ để minh chứng cho cái lòng nhỏ nhen của mỗi người. Và họ sôi nổi tranh luận với nhau. Chủ đề của truyện đã được bộc lộ qua những câu chuyện mà các nhân vật đã kể, đó là những câu chuyện hoàn chỉnh mà nếu tách ra thì chúng cũng có thể trở thành một truyện ngắn trọn vẹn.
Ở Đui mù dạng kết cấu trần thuật “truyện lồng truyện”này đã thể hiện rất tốt chủ đề của tác phẩm qua sự đối sánh hai câu chuyện riêng biệt mà Hùng đã kể cho chủ thể trần thuật chính là tôi nghe. Câu chuyện mà Hùng được chứng kiến là sự ngoại tình của một cô vợ anh lính nọ, nhưng anh lính không hề hay biết và vẫn tận hưởng cái hạnh phúc giả dối ấy bằng tất cả sự sung sướng. Nhưng Hùng thì căm giận và đau nhói trong tim. Anh liên tưởng đến mối tình của mình và nỗi nghi ngờ xâm lấn tâm trí anh về tình yêu của vợ. Cuối cùng thì anh cũng biết sự thực và trái tim anh tan nát. Hai câu chuyện được kể dưới
sự trần thuật của Hùng được lồng trong mạch truyện dưới sự chứng kiến của chủ thể trần thuật xưng tôi. Vấn đề được đặt ra để giải đáp là chấp nhận “đui mù” để sống trong một hạnh phúc giả tạo, hay là biết sự thực đau đớn để được sống một cuộc sống tuy thất vọng về sự thực nhưng thế nào cũng tìm được hạnh phúc chân chính thực sự? Hiệu quả của kiểu kết cấu trần thuật này mang lại chính là chỗ đó.
Có thể so sánh một số đặc điểm kết cấu truyện ngắn của Nam Cao với Nguyễn Công Hoan và Thạch Lam ta thấy có những nét tương đồng và khác biệt giữa việc lựa chọn xây dựng kết cấu truyện ở những nhà văn này. Do truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan chủ yếu nhằm đả kích những nhân vật phản diện, những thói vô đạo đức trong xã hội, nên hầu như truyện của ông được xây dựng theo kết cấu đối lập giữa hai tuyến nhân vật. Sự phát triển của truyện bám sát vào sự phát triển song song của hai tuyến nhân vật này. Kiểu kết cấu truyện ngắn đối lập không phải là kết cấu chủ đạo trong truyện ngắn Nam Cao mà kết cấu tâm lý mới là kiểu kết cấu chủ đạo của ông, bởi lẽ ông quan tâm đến việc khai thác sự xung đột, mâu thuẫn trong nội tâm nhân vật là chủ yếu. Về điểm này, kết cấu truyện ngắn Nam Cao và Thạch Lam có điểm gặp gỡ khi truyện ngắn của Thạch Lam cũng có kết cấu chủ đạo là bám vào một tâm trạng, một nỗi lòng và xoay quanh những xung đột nội tâm của nhân vật (Cô hàng xén; Tối ba mươi; Một đời người; Duyên số; Hai đứa trẻ; Một cơn giận; Sợi tóc,…)
Như vậy, qua việc tìm hiểu một số kết cấu trần thuật trong truyện ngắn Nam Cao chúng tôi nhận thấy kết cấu truyện ngắn của ông không hề đơn điệu mà có sự đa dạng và phong phú. Nó chứng tỏ khả năng sáng tạo, tìm tòi của tác giả trên con đường nghệ thuật. Các kiểu kết cấu trần thuật mà chúng tôi khảo sát và phân loại tất nhiên còn mang tính tương đối. Nhưng người viết căn cứ vào những dấu hiệu nổi bật ở mỗi truyện để phân loại kết cấu. Kết cấu trần thuật của truyện ngắn Nam Cao là một trong những yếu tố tạo nên sự thành công cho toàn bộ cấu trúc của tác phẩm bên cạnh những yếu tố khác mà chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu dưới đây ở cốt truyện nghệ thuật, tình huống truyện và chi tiết nghệ thuật.
Qua tìm hiểu kết cấu trong truyện ngắn Nam Cao, một lần nữa có thể khẳng định kết cấu có vai trò quan trọng trong việc thống nhất chặt chẽ giữa chủ đề, tư tưởng và hệ thống tính cách. Cần thấy rằng khi tìm hiểu kết cấu tác phẩm cần phải xem xét trên nhiều bình diện, góc độ mới thấy hết sự sáng tạo độc đáo của các nhà văn trong xây dựng kết cấu nghệ thuật của tác phẩm. Khi đánh giá giá trị của bất kỳ một kết cấu nghệ thuật nào trong tác phẩm cũng cần phải soi xét ở nhiều chiều kích khác nhau để thấy được ý nghĩa đích thực của tác phẩm toát lên từ những “kiến trúc đầy âm vang” nghệ thuật. Đó mới là đích mà một người nghiên cứu cần hướng tới và chỉ ra..