Hài hước đen hay còn được gọi là “uy mua đen” (black humor) được Đặng Anh Đào nói đến khi phân tích Biến dạng của Kafka: “Cái khủng khiếp đan cài với cái thường nhật, tạo thành một không khí bi đát kệch cỡm rất độc đáo của tác phẩm Kafka mà người ta thường gọi là “uy mua đen””, uy mua
đen như là sự “đan cài giữa uy mua và cái quái dị”. Nhà nghiên cứu dẫn ra quan điểm của R. Excacpit về cái uy mua đen như một sản phẩm đặc trưng của thế kỉ XX, khi cái hài hước “cặp kè với cái phi lí… Đó là ngôn ngữ của một thứ lo âu đang cưỡng lại với chính mình.”[295;649-650]. Trong bài Chủ nghĩa hậu hiện đại (Post-modernism), Phương Lựu đề cập cụ thể hơn đến khái niệm hài hước đen: “chủ nghĩa hậu hiện đại thích sử dụng nhất là lối “u-mua màu đen” (black humor) kết hợp giữa hoang đường, khủng khiếp với hoạt kê, thông qua cái hài biểu thị cái bi đát nhất. Tác giả thường lập ý quái dị, tưởng tượng phong phú, nhưng là nhằm vạch ra cái tính chất buồn cười trong những sự việc thường thấy, cười cợt khôi hài một cách chua chát, kể cả tự trào trong một trạng thái lạnh lùng, bế tắc, tiến thoái lưỡng nan. (…) U-mua màu đen, do đó, là “sự phản ánh vào văn học loại khôi hài tuyệt vọng, nó cố gây tiếng cười cho con người, xem như sự phản ứng lớn nhất của loài người đối với những cái vô nghĩa hoang đường mà lại thường thấy trong cuộc sống””[299;80-81].
Sự xuất hiện sắc thái hài hước đen là một hiện tượng phản ánh bản chất vận động đa dạng hoá thẩm mĩ của văn xuôi Việt Nam sau 1975. Cái hài hước đã kết giao với cái phi lí trong sự nảy sinh cảm quan hậu hiện đại. Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài và Hồ Anh Thái cũng chính là các tác giả tiêu biểu của cái hài hước đen.
Tình cảnh của người đi săn khỉ trong Muối của rừng (Nguyễn Huy Thiệp) rất đặc trưng cho cái hài hước đen. Đuổi theo con khỉ bị thương, nóng quá, ông Diểu đã cởi bỏ giày và quần áo ngoài để lên một chạc cây duối, chỉ mặc mỗi chiếc quần lót, khi bắt được con khỉ, thấy nó bị đau đớn ông thương nên đã cởi nốt chiếc quần lót để băng bó cho nó. Khi ông Diểu quay lại thì mối đã đùn lên ăn hết quần áo, đồ đạc của ông. Ông Diểu rơi vào tình cảnh: “Chẳng lẽ lại cứ nồng nỗng thế này về nhà thì thật là khả ố! - Ông Diểu bực mình. – Mình sẽ thành một trò cười cho thiên hạ mất…”. Ông cứ vừa đi vừa nghĩ và
đâm loanh quanh một lúc mới nhận ra con đường. “Thì đã sao nào! - Ông bỗng bật cười. – Hỏi ai bắn được con khỉ thế này? Phải yến rưỡi thịt… Lông vàng như nhuộm… Bắn được con vật như thế này thì dẫu mảnh giáp không còn cũng đáng!””. Tình thế trở nên cực kì khôi hài và bi đát ở diễn biến tiếp. Phần vì kiệt sức, phần vì cảm động trước sự “chung tình” của loài khỉ, ông Diểu đã quyết định: “Thôi tao phóng sinh cho mày!”. Chính con người đã tạo ra sự khôi hài, phi lí và bi đát của mình. Cái hài hước đen ở đây đã hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc về sự sống, về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, về bản chất người và bản năng động vật, về sự tự nguyện trong hành vi và hậu quả tất yếu của hành vi, hoặc là thông điệp rằng trước thiên nhiên hoang dã con người trở nên ngớ ngẩn đáng yêu… Hài hước đen đã trở thành cảm hứng thẩm mĩ bao trùm toàn bộ truyện ngắn này và còn xuất hiện trong nhiều tác phẩm khác của Nguyễn Huy Thiệp. ở Giọt máu, khi Phạm Ngọc Phong bắt được quả tang vợ mình và Điềm “hú hí với nhau”, cuộc đấu khẩu được thuật lại như sau: “Phong bắt Thiều Hoa ngồi rồi cùng ngồi vào ghế. Điềm run như rẽ đứng ở trước mặt. Phong hỏi: “Hai người ngủ với nhau mấy lần rồi?”. Thiều Hoa bảo: “Thưa, sáu lần”. Điềm bảo: “Một lần ở vườn hoa Bônbe là bẩy”. Thiều Hoa bảo: “Lần ấy vội vàng thì tính làm gì”. Phong bảo: “Bảy lần hay bảy bảy lần? Thằng Điềm, tao nuôi dạy mày mà mày trả hiếu thế à? Mày quỳ xuống, liếm chân vợ tao với tao không thì mày chết.””. Lời buộc thêm tội mình vô tư đến ngớ ngẩn của Điềm, sự đính chính bỉ ổi của Thiều Hoa và cả thái độ bình thường của Phong trước sự lăng loàn của vợ mình thật nực cười. Cái phi lí đã bóc trần sự thật trớ trêu nực cười mà không thấy tác giả có ác ý. Cái ngớ ngẩn, kệch cỡm đã có tác dụng tô đậm sự phổ biến của cái đê tiện cũng như sự trơ tráo của con người trước cái xấu xa. Kiểu hài hước đen trong đối thoại giữa các nhân vật cũng là một điểm mang phong cách tự sự rất riêng của Nguyễn Huy Thiệp. Truyện Tướng về hưu có đoạn:
“Sáng mồng ba, Kim Chi đi xích lô bế con về thăm. Vợ tôi mừng tuổi một nghìn. Cha tôi hỏi: “Thằng Tuân có thư từ gì không?”. Kim Chi bảo: “Không”. Cha tôi bảo: “Lỗi ở bác đấy. Tao không biết mày có chửa”. Vợ tôi bảo: “Chuyện ấy là thường. Bây giờ làm gì còn có trinh nữ. Con làm ở bệnh viện sản, con biết”. Kim Chi ngượng. Tôi bảo: “Đừng nói thế, nhưng mà trinh nữ thì mệt thật”. Kim Chi khóc: “Anh ơi, đàn bà chúng em nhục lắm. Đẻ con gái ra em cứ nát ruột nát gan”. Vợ tôi bảo: “Tôi còn hai con gái cơ”. Tôi bảo: “Thế các người tưởng làm đàn ông thì không nhục à?” Cha tôi bảo: “Đàn ông thằng nào có tâm thì nhục. Tâm càng lớn, càng nhục”. Vợ tôi bảo: “Nhà mình nói năng như điên khùng cả. Thôi đi ăn. Hôm nay có cô Kim Chi, tôi đãi mỗi người một con gà hầm tâm sen. Tâm đấy. ăn là trên hết” (Tướng về hưu). Con người trở nên cô đơn, xa lạ trong ngôn ngữ của mình. Tha nhân trở thành địa ngục. Đến người kể chuyện cũng trở thành “kẻ xa lạ”. Người ta vẫn thấy nhân vật trong truyện Nguyễn Huy Thiệp nói nhiều mà ít khi bộc lộ trực tiếp dòng suy nghĩ của mình. Đặc điểm này tạo nên sắc thái hài hước đen hội thoại mang đậm chất Nguyễn Huy Thiệp.
Hài hước đen trong sáng tác của Phạm Thị Hoài lại mang sắc thái khác khi chị xoáy sâu tới những quan hệ đạo đức thế sự, trăn trở trước sự tha hoá của con người trong ý thức “bầy đàn”. Có thể dẫn ra một số ví dụ:
- “Thế, nên khách nhà em thường bắt tay nhau sững sờ. Người đáng kính ngồi cạnh kẻ đáng thương. Ông thành đạt chìa tay cho ông chưa thành đạt và ông không bao giờ thành đạt. Họ coi khinh nhau ở đâu, chứ ở nhà em, tất cả đều bình đẳng trong vòng ôm khổng lồ, trong gọng kìm của mẹ. Giấc mơ đại đồng của nhân loại được thực hiện phân nửa bởi một phụ nữ nhẹ dạ, lầm lỗi như thế.” (Kiêm ái)
đủ 13 nữ hộ sinh đứng quanh bàn đẻ. Thế là cả 13, lúc đầu ngơ ngác, sau bật khóc như một đồng ca. Mẹ tôi, hoảng hốt cực độ, bắt giọng lĩnh xướng. Họ im bặt khi bố xuất hiện, và con bé lại mỉm cười với bố, khiến ông ngó phịch xuống 1 chiếc ghế.” (Thiên sứ)
Hài hước đen thường được thể hiện với đồng thời với thủ pháp giễu nhại. Trên cấp độ lời văn, các đoạn trích dẫn ở trên đã bộc lộ rõ đặc điểm này. Lời văn nhại (là lời nhân vật nhại lại lời nhân vật hoặc lời kể là lời nhại) cùng một lúc hướng đến không chỉ một đối tượng. Người nhại ở đây không tự tách mình ra khỏi đối tượng nhại. Nhại như một biểu hiện của tự sự mang đậm chất hậu hiện đại ở sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài chính là trong tương tác, chuyển hoá với cái hài hước đen. Sau này, Hồ Anh Thái cũng thường thể hiện cái hài hước đen trong lời kể giễu nhại như vậy. Chẳng hạn, nhân vật “tôi” kể lại một ông chuyên gia lịch sử trong hội đàm tư vấn nghề nghiệp tại phòng khách nhà mình: “Hội thảo chọn ngành nghề cho tôi sôi nổi thì một âm thanh khiếm nhã thoát ra từ dưới chỗ ngồi của ông sử. Bíp một cái. Xa lông các phòng khách bây giờ có mốt bọc đồ giả da, bóng lộn trơn nhẫy và hay có hiệu quả âm thanh phụ. Bíp một cái bủm một cái bỉm một cái là chuyện thường. Rắm rởm nhiều nên lỡ có cái thứ thiệt cũng khó phân biệt. Kêu to đích thị là thùng rỗng, rắm kêu cũng như chó sủa thì không cắn, vô hại. Biết thế, tôi vẫn làm ra vẻ hơi giật mình theo kiểu tôi nghe thấy rồi đấy. Mấy vị ngồi cạnh ông sử mặt buồn ngây ngô theo lối vô can, vội vàng đưa cái nhìn kín đáo sang phía ông theo kiểu tôi cũng nghe thấy từ phía ấy. Một biến thái của kiểu chối cãi không phải tôi.” (Phòng khách). Chuyện tủn mủn, khó viết đã được đặt trong cái nhìn hài hước đen giễu nhại. Từ cái trang trọng bỗng hạ yết thành cái suồng sã, buông tuồng, từ cái “vớ vẩn” mà hoá ra không chỉ là chuyện “cù” bằng được cho cười. Cười đấy mà cũng ngẫm ra nhiều điều trớ trêu trong cuộc sống hàng ngày. Người cười lôi kéo người đọc
vào trận cười, tất cả vừa là chủ thể cười và đồng thời không thể chối bỏ tư cách đối tượng cười cợt của mình.
Trên cấp độ lời văn, sắc thái hài hước đen thường được biểu hiện ở kiểu lời văn nhại. Theo Bakhtin, lời văn nhại là “nói bằng giọng của kẻ khác” và “đưa vào lời đó một khuynh hướng nghĩa đối lập hẳn với khuynh hướng của lời người đó. Giọng thứ hai sau khi chuyển vào trong lời của người khác thì xung đột thù nghịch với chủ nhân vốn có của nó và buộc nó phục vụ trực tiếp cho các mục đích đối lập của mình. Lời nói trở thành vũ đài vật lộn của hai giọng”[18;207]. Lời văn nhại, với tư cách lời kể, thấm đẫm khí vị hài hước đen khi nó mang tính nửa trực tiếp. Chẳng hạn: “Nhưng lại một lần nữa, anh không quát vào mặt vị khách không mời, rằng anh sẵn sàng nhổ vào lũ ăn bám bảy giờ ba mươi phút còn lảm nhảm mơ những giấc mơ ăn bám, rằng hôm qua Tiền Giang, ắt hôm nay Hậu Giang, rằng không kịp chuẩn bị cặp lồng cơm thì làm sao anh có cơ hội chứng kiến cô kĩ sư tóc mượt nuốt Stendhal, rằng rằng rằng.” (Phạm Thị Hoài, Hành trình những con số); “Đùng một cái bà có khối u trong não, bà đi rất nhanh. Ông quay cuồng dứt tóc gào khóc như một bà nhà quê chết đời chồng thứ ba. Khóc cho cả ba lần dồn góp. Khóc cho chứng tỏ đến lần thứ ba vẫn không chai sạn nỗi đau. Khóc cho em nghe thấu em ơi ơi hời. Khóc cho em hiểu lòng anh em ơ ơ hờ.” (Hồ Anh Thái, Phòng Khách). ở đoạn văn của Hồ Anh Thái, sắc thái nhại bộc lộ khi ở phần tiếp theo của truyện người kể tiết lộ : “Tôi phải kể lể một chút như vậy để dễ hình dung hơn việc tám tháng sau ông Sử cưới vợ, vợ Mĩ.”. Với hiệu quả của lời văn đa giọng, sắc thái hài hước đen toát lên từ sự rối tung, kệch cỡm giữa thật – giả, bi – hài, nghiêm trang – bỡn cợt...
Camus viết trong Huyền thoại Sisyphe: “Như những tiếng gọi vô thức và bí ẩn, như những lời mời của mọi khuôn mặt, chúng ta là mặt trái cần thiết và là cái giá của thắng lợi. Không có ánh nắng nào không có bóng tối, và chúng ta
cần phải biết bóng đêm. Con người phi lí nói “có” và nỗ lực của anh ta sẽ không biết nghỉ nữa.”. Có thể hiểu về giá trị của cái hài hước đen trong văn xuôi đổi mới sau 1975 như thế. Cười trước cái phi lí, đó là một thái độ của những người khao khát sống có ý nghĩa trong cái vô minh của thế giới, và của chính mình.
Cái hài và cái phi lí - một dạng phẩm chất thẩm mĩ có từ truyền thống lâu đời của người Việt Nam được chắp cánh trong tư duy văn xuôi mới, tầm cao mới của ý thức thẩm mĩ hiện đại; một dạng phẩm chất thẩm mĩ tân kì nảy sinh tất yếu trên hành trình hoà vào dòng chảy chung văn chương thế giới – hai phạm trù đã góp phần đáng kể làm nên sự đa dạng cho hệ thống thẩm mĩ của một nền văn xuôi. Đời sống thẩm mĩ sẽ ảm đạm, khô cứng biết bao nếu không có tiếng cười. Tiếng cười sẽ trở nên yếu đuối và hời hợt biết bao nếu thiếu đi khả năng tri nhận về bản chất nhiều mặt của một thế giới không ngừng biến đổi.
KẾT LUẬN
Đổi mới văn học nghĩa là đổi mới phẩm chất thẩm mĩ. Quy luật đó đã được chứng thực một cách rõ nét trong dòng chảy của văn học Việt Nam thế kỉ XX. Quy luật đó cũng đã được khẳng định ở một mức độ chưa từng có trong văn học Việt Nam sau 1975 nói chung, văn xuôi nói riêng. Trải qua một thập kỉ chuyển mình, kể từ 1986 văn xuôi đã thực sự bước sang một thời kì vận động mới với một tiềm lực mạnh mẽ. Những phẩm chất thẩm mĩ tươi mới chỉ có thể được nảy nở, phô sắc và kết đọng trong một môi trường văn hoá - xã hội mới. Không ai còn có thể nghi ngờ gì nữa về vai trò của bối cảnh văn hoá - xã hội Việt Nam kể từ thời kì đổi mới đối với sự phát triển dồi dào của văn xuôi. Bối cảnh mới thúc đẩy quá trình đổi thay bởi vì trong lòng nó một hệ giá trị khác trước đã hình thành. Hệ giá trị chuyển từ cao cả, đơn trị sang đời thường, đa trị. Không có căn cội này không thể có quan niệm, cái nhìn mới về thế giới và tất yếu đã không có những chuyển biến lớn của hệ thống thẩm mĩ. Đó là sự vận động đa dạng hoá thẩm mĩ trên một nền tảng truyền thống vững chắc để từng bước hoà vào với biển cả văn học thế giới đương đại.
Các cây bút văn xuôi khao khát được cắt nghĩa, lí giải đời sống trong trạng thái vốn có của nó. ở đó, mọi điều đều có thể, các giá trị phải được trải nghiệm qua nhiều trạng huống khác nhau của đời sống trước khi biến thành thứ ánh sáng chân thực trong lòng người đọc. Quan niệm ấy cho thấy quá trình thoát khỏi ý thức quần thể chính trị, hình thành ý thức thẩm mĩ đại chúng. Các giá trị thẩm mĩ trở nên đa dạng trong bối cảnh văn hoá - văn học với những tác động, chi phối đa dạng của quy luật phát triển của xã hội hiện đại. Sự đổi mới không chỉ là cái mà nhà văn chủ động khắc phục những mặt khuyết thiếu của văn học trước 1975 (mặc dù trong thời điểm “phản sử thi” ý thức này là cần
thiết và tất yếu sẽ xảy ra), mà còn là sự vận động tự thân của quan niệm văn học, đòi hỏi của tính đại chúng mới, sự ảnh hưởng của văn hoá - văn học nước ngoài… Tất cả sẽ được diễn ra trong một thế cục ngày càng đa dạng cả về đường lối và thực tiễn. Có thể thấy sự đa dạng hoá thẩm mĩ biểu hiện sự phong phú của các phạm trù thẩm mĩ, thể hiện sự chuyển đổi từ đơn nhất sang đa dạng hoá. Văn học trước 1975 thống hợp trong thẩm mĩ của cái cao cả. Đổi mới trong văn xuôi sau 1975 trước hết là sự giải thể cục diện thống hợp đó, để các giá trị có quyền tồn tại ngang nhau. Sự đa dạng hoá thẩm mĩ biểu hiện ở những sắc thái khác nhau của mỗi phạm trù. Đa dạng sắc thái của cái đẹp, cái cao cả, cái bi, cái cảm thương, cái hài, cái phi lí, như thế bắt nguồn từ sự vận động đa dạng hoá của bản thân đời sống, đời sống vật chất và cả đời sống tinh