Bất kì ở bối cảnh nào, dù với nhu cầu, trình độ xã hội phát triển đến đâu thì cái cao cả cũng không thể không được nhận thức và tham gia vào ý thức xã hội. Tuy nhiên, cần phải thấy được biểu hiện khác nhau của cái cao cả gắn với quan niệm thẩm mĩ của mỗi thời đại.
Cái cao cả cũng là một phạm trù mang tính lịch sử. Cái cao cả trong bi kịch của ét-sin, Xô-phốc-cơ-lơ, Ơ-ri-pít thấm đẫm chất anh hùng. Nhưng cái cao cả trong nghệ thuật trung cổ lại là biểu hiện của cái “phi trần thế”. Các nhà thờ kiểu gô-tích, với những đường vòm vươn thẳng lên cao, tự nó chứa và gợi ra những chiều kích lớn, những ấn tượng không gian kì vĩ, nhưng ý niệm về sức mạnh và khát vọng lớn lao của con người lại gắn với quan niệm tôn giáo thời Trung cổ về bầu trời và thượng giới. Khi cái yêng hùng của mẫu hình người hiệp sĩ đã tỏ ra lỗi thời, chẳng phải nó đã được M. Xéc-van-téx giễu nhại hài hước bởi hình tượng bất hủ Đôn Ki-hô-tê đấy thôi. Và cái cao cả thời Phục hưng lại quay về với vẻ đẹp, sức mạnh đầy giá trị nhân văn trong hình hài và phong thái tinh thần của con người.
Cái cao cả trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 cũng cần được đánh giá trong tính lịch sử. ốp-xi-an-nhi-cốp cho rằng, “ngay trong thời bình con người vẫn có thể làm những hành động cao cả, bộc lộ tính cách cao cả ở nơi nào họ dốc hết sức mạnh tinh thần, nơi họ noi theo những mục tiêu cao cả.”[310;203]. Thực tế dư luận cho thấy, trước những cách tân táo bạo của văn xuôi theo hướng thế tục hoá, không ít người đã quan ngại về sự vắng bóng, mờ nhạt của cái cao cả trong văn học đổi mới thời kinh tế thị trường. Không hẳn là mối băn khoăn này không có cơ sở. Quả là văn học, nhất là văn xuôi, đã không còn chỉ dựng lên những tượng đài sừng sững theo nguyên tắc thẩm mĩ của “cái cao cả sử thi” nữa. Mà quá trình đi lên của dân tộc, sự nghiệp cách mạng của dân tộc đang đứng trước những thử thách lớn, làm sao thiếu được vai trò tác động của nghệ thuật tới ý thức xã hội, lí tưởng xã hội để con người có đủ dũng khí, yêu nước, thương nòi
mà cống hiến. Cái có nghĩa, có ích cho cuộc sống hôm qua chưa chắc đã thực sự không thể thiếu được trong cuộc sống hôm nay, và ngày mai nữa. Quả là đã có hiện tượng đối thoại gay gắt về những giá trị thẩm mĩ cũ, những giá trị mà nếu đặt ra ngoài thời đoạn chiến tranh cách mạng, hoặc là sẽ bị đào thải hoặc nhất định phải biến đổi. Cái cao cả sử thi đã không còn chiếm vị trí chủ đạo trong những tác phẩm văn xuôi thấm đẫm chất tiểu thuyết hiện đại.
Nguyên Ngọc từng phát biểu: “Trong chiến tranh, mọi quan hệ xã hội và con người dồn lại và thu hẹp vào một quan hệ duy nhất: sống – chết. Người ta phải sống phi thường, phi thường có thể là cao cả, nhưng phi thường cũng đồng thời là triệt tiêu đi bao nhiêu quan hệ bình thường mà vô cùng phong phú và phức tạp của con người, đẩy tất cả các quan hệ ấy về phía sau. (…) Ngọn lửa chiến tranh thiêu cháy cả những nhỏ nhen, nhiêu khê của cuộc sống thường ngày… Hoà bình thì khác hẳn. Hoà bình tức là trở lại đối mặt với cái bình thường hằng ngày, cái bình thường mà muôn thủa, tất cả những nhiêu khê của cuộc sống bị che lấp trong chiến tranh bây giờ thức dậy, vây quanh con người từng giờ ở khắp mọi nơi.”[217;169-170]. Như vậy, nghệ thuật có thể xây dựng những hình tượng cao cả trong “cái bình thường hằng ngày” không? Thực tế cho thấy, cái cao cả nếu không thể được biểu hiện cùng với cái trần tục, đời thường thì cũng không khác là mấy so với cái “phi trần thế” của tư tưởng nghệ thuật trung cổ, trong khi, từ đó cho đến nay, lịch sử thẩm mĩ của nhân loại đã trải qua bao thời kì lớn, cái cao cả cũng đã mang những đặc trưng thẩm mĩ khác nhau. Đó là chưa tính đến chuyện cái cao cả có thể được bộc lộ ở nhiều phương diện, tầng bậc khác nhau của cấu trúc nghệ thuật. Có khi, một sự ngưỡng vọng hoang tưởng chỉ đem lại hình ảnh về sự thấp hèn của cái nhìn nghệ thuật. Song cũng có khi, cái méo mó, nghịch dị, hèn mọn, cô đơn,… lại hàm chứa một tầm vóc lớn lao, người nghệ sĩ được tự do trong thể nghiệm cao cả của
mình. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải nắm bắt biểu hiện của những thuộc tính vĩ đại, siêu việt ở những góc độ khác nhau, đặt nó trong liên hệ với chiều kích triết học mà hình tượng có thể có.
Cái cao cả trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 có những điểm kế thừa từ những phẩm chất cao cả của văn học cách mạng 1945 – 1975, ngay cả khi chúng ta xem xét các sáng tác từ 1986 trở đi. Trong văn học sử thi, con người cá nhân “siêu việt tồn tại hữu hạn của mình để tự khẳng định mình trong sinh mệnh vô hạn của Tổ quốc, nhân dân, tập thể, đoàn thể, tiến bộ, lí tưởng”[348;285] đã tạo nên một cục diện thẩm mĩ nguyên phiến phù hợp với “trạng thái sử thi của thế giới”. Cái cao cả đã hiển hiện trọn vẹn trong tính lí tưởng hết sức đặc thù của một dân tộc đang vượt lên bằng tất cả sức mạnh ý chí quật cường để dành chiến thắng. Con người trong cái nhìn sử thi đã tự nâng mình lên, đồng nhất mình với những phạm trù lớn lao. Con người quần chúng chính là sản phẩm của quá trình đồng nhất đó. Chiều kích của con người cá nhân đã được thay thế bằng chiều kích lí tưởng của Tổ quốc, nhân dân, giai cấp, lí tưởng cách mạng,… Hình tượng cao cả của văn học cách mạng như thế đã tạo ra một hiệu quả tác động thẩm mĩ đặc thù. Người tiếp nhận, những cá thể, cũng tự đồng nhất, tự đặt mình vào trạng thái vĩ đại, siêu việt. Nói cách khác, cá thể với sự hữu hạn của mình không thể tri nhận trọn vẹn được những phạm trù trừu tượng mà vĩ đại, song hứng khởi sử thi với sức mạnh cuốn hút của nó đã khiến con người cá nhân hoà mình vào cái lớn lao như một cuộc “lột xác” màu nhiệm. Con người hân hoan khi phát hiện thấy trong cái chung phẩm chất cao cả của mình. Trong văn xuôi đổi mới sau 1975 cũng không hiếm những hình tượng cao cả như thế. Cánh đồng phía Tây của Hồ Phương, Lõm của Sơn Tùng, Khúc bi tráng cuối cùng của Chu Lai, truyện lịch sử của Ngô Văn Phú, kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường… vẫn âm vang chất cao cả sử thi như những giá trị bất diệt, trường tồn. Hồ Phương viết về chiến
dịch Điện Biên lịch sử với những người anh hùng như Dũng, Nguyệt Lệ, Lanh, Noãn, Hoàng, Minh,… Câu chuyện tình yêu dang dở của Dũng và Nguyệt Lệ đan cài với cái khốc liệt của bom đạn chiến tranh càng tô đậm thêm vẻ đẹp anh hùng của những con người đang hiến dâng tất cả cho chiến thắng của dân tộc. Tình yêu của họ rất đời thường song cũng rất đỗi phi thường. Hồ Phương cũng đã dựng lên những tượng đài đẹp đẽ về sự dũng cảm của người chiến sĩ. Sau khi đã bị thương, một người đã mù mắt và một người dập nát cả hai tay, Minh và Hoàng đã dựa vào nhau để chiến đấu: “Cứ như thế, hai người chiến sĩ, một mù, một què cùng dựa vào nhau chiến đấu. Họ tiếp tục giữ vững mẩu chiến hào còn lại. Họ đang vẽ lên một quang cảnh mà có lẽ mãi mãi về sau này, đời đời con cháu ta sẽ còn nhắc, như nhắc lại những huyền thoại tuyệt vời của dân tộc…”. Tác giả cũng cho chúng ta thấy vẻ đẹp của đoàn quân vào trận qua con mắt vốn đã thấm đủ những đắng cay, thù hận của Dũng: “Anh đứng ở một ngã ba chiến hào, ngắm nhìn các đơn vị bạn rầm rập chạy qua. Các chiến sĩ đều khoẻ mạnh, hăm hở, trang bị hết sức gọn gàng. Đúng là một đội quân thiện chiến. Nhìn mà sướng mắt. Người nọ tiếp người kia, đơn vị này nối đơn vị khác cùng ào ạt, phăng phăng, xé bùn nước vượt lên. Dũng bỗng có cảm tưởng mình đang đứng xem một cuốn phim chiến trận tuyệt vời nào đó. Trong lòng anh dào dạt những cảm xúc mãnh liệt. (…) Có lẽ cả đời chiến đấu của Dũng chưa bao giờ được chứng kiến một quan cảnh đẹp đẽ, hùng tráng đến thế này…”. Khoái cảm cao cả là một trạng thái có thực của tâm lí con người nói chung. ở đó khát vọng được thoả mãn. Lõm
của Sơn Tùng có đoạn kể về cuộc đối thoại giữa Điệp và Thuỳ Phương, hai cô gái ăn chơi ở đất Sài Gòn nói về sự cảm phục đối với cái cao thượng của người chiến sĩ giải phóng:
“- Em đã thất vọng, hoàn toàn mất lòng tin. Em ngờ vực khinh hết trọi mọi đàn ông có chức tước. Nhưng từ tối qua tiếp xúc với người đàn ông đào
binh này, một người đồng hương với chị, gốc Bắc, đã làm đảo lộn mọi sự suy nghĩ của em. Em đâu ngờ một người đã nhịn đói mấy ngày liền mà ngồi trước bàn ăn, có nhiều món ăn ngon, hai mắt vẫn dửng dưng gắp ăn từ tốn.
Người nào coi miếng ăn là nhỏ, người đó sẽ làm nên việc lớn cho đời. (…) Rồi lúc đưa ảnh lên giường ngủ, em lại thử ảnh… em vờ lên giường thả mùng, quạt muỗi, sửa lại gối mà trên thân thể em lúc đó chỉ có ba mụn vải. Nhưng ảnh vẫn giữ trong mắt mình ánh sáng lung linh, không một bóng tối phủ xuống.”.
Điệp đã ngỡ ngàng trước phẩm chất của người chiến sĩ giải phóng và rồi được cảm hoá theo cách mạng. Con người đã tự nâng mình lên khỏi những cái tầm thường để tìm thấy phẩm giá của mình ở những giá trị cao cả.
Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã đồng nhất cái “tôi” của mình vào sự sống của đất đai xứ sở, vào vẻ đẹp, chiều sâu văn hoá của Huế. Ai đã đặt tên cho dòng sông là một điển hình cho sự đồng nhất này. Cho nên, chúng ta mới được thấy một cái “tôi” tài hoa, tinh tế mà uyên bác Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nhập vào sông Hương, vào những trầm tích lịch sử văn hoá lâu đời theo dòng chảy của sông Hương, cái “tôi” ấy đã tìm đến một sự tự biểu hiện cao cả, bền chặt. Con đường khẳng định bản lĩnh, giá trị sống như thế, thời nào cũng cần.
Tuy nhiên, chỉ thấy cái cao cả của Tổ quốc, của sự nghiệp cách mạng, của giai cấp… văn học sẽ dễ lãng quên những giá trị cá nhân, cái cao cả từ những giá trị sống của cá thể. Phản ứng gay gắt, có phần cực đoan của PhạmThị Hoài trong Thiên sứ về chủ nghĩa hiện thực cổ điển và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đã dẫn ở trên là một biểu hiện cho nhu cầu cân bằng đặt ra cho văn xuôi thời kì mới. Ngô Văn Phú, người say sưa với những câu chuyện lịch sử ngợi ca những tấm gương trung liệt, vẻ đẹp của truyền thống đạo lí (tiêu biểu là ở các truyện trong tập Một đời hoàng phái) có một truyện tên là Nhật kí một chuyện tình. Câu chuyện được kể dưới hình thức nhật kí, một hình thức
có hiệu quả trong việc tạo ra niềm tin về cái có thật. Vợ của viên quận trưởng, thiếu tá quân lực cộng hoà đã yêu say đắm anh giải phóng quân: “Em sững sờ! Sao lại có chàng trai xinh đến thế! Gọn ghẽ, thanh thoát. Trong phút cứng nhắc vẫn mềm mại, lịch thiệp. Em đứng trên gác hai nhìn xuống. Anh dẫn chồng em đi… Súng chĩa sau lưng gã, đầy khí thế. Như một người chiến binh kiêu hùng. Chồng em tóc rũ xuống! Còn anh kiêu hãnh… Trời xanh ở phía anh. Em khóc. Lo sợ cả gia đình tan nát. Nhưng em lại thấy mây trắng trên sông đẹp lạ thường. Anh là giải phóng quân đến trong ngày vẻ vang nhất của đời chiến trận.”. Sự tương phản giữa một bên tăm tối, bại vong với một bên sáng láng, thắng lợi đã trở thành cấu tứ cho toàn truyện. Cho đến lúc chết, người phụ nữ tha hương nơi đất khách đã sống tủi nhục, ê chề mà vẫn khắc khoải mong ngóng, níu giữ vẻ đẹp ngời ngợi của anh giải phóng quân như một điểm bám víu cuối cùng để được làm người. Số phận bất hạnh của người phụ nữ trong thiên truyện này đã mở ra một cuộc đối thoại về cái cao cả trong muôn mặt đời thường với tất cả những éo le, trắc trở của nó. Sự sống trần trụi, thê thảm và cái cao khiết, lồng lộng, cả hai đều không mất đi, cùng song tồn. Hình thức nhật kí của truyện này nhắc chúng ta nhớ đến hiện tượng Nhật kí Nguyễn Văn Thạc và Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm. Dư luận cồn lên về những dòng ghi chép của những người anh hùng bằng xương bằng thịt, đã hi sinh. Hiện tượng này gợi ra nhiều ý nghĩa. 1/Sự quan tâm của dư luận cho thấy sức sống của những giá trị cao cả. 2/Sự quan tâm của dư luận cho thấy nhu cầu về “sự thật” và trong một chừng mực nào đó là một câu hỏi đặt ra cho khoa học lịch sử cũng như tính chân thật của văn chương. 3/Sự cần thiết của cái cao cả cho cuộc sống mới. Chiến tranh đã lùi vào quá khứ. Văn xuôi cũng đã có những cái nhìn mới đối với những giá trị cao cả. Dòng chảy của đời sống phồn tạp nhiều khi đã khiến cái cao cả nguyên khiết không khỏi bị tổn thương. Nhà văn đã có một quan niệm toàn diện hơn về đời sống. Cái cao cả,
do đó cũng được nói đến trong mối liên hệ mật thiết hơn đối với nhân sinh, thế sự. Ma Văn Kháng đã sớm bộc lộ dự cảm về tính nhiều mặt của đời sống đồng thời cũng đề cập đến ý thức giữ gìn cái cao cả trong Mùa lá rụng trong vườn. Bên cạnh nỗi đau của ông Bằng như một sự tổn thương, mất mát không tránh khỏi của vẻ đẹp truyền thống tình cảm gia đình người Việt trong đời sống mới, tác giả cũng đã cho thấy tính vững bền quý giá của vẻ đẹp cao cả thuần khiết, nhuần nhị của Hoài, Phượng. Chính những giá trị tốt đẹp đã được hun đúc qua truyền thống văn hoá lâu đời đã tạo nên một sự cân bằng ấm áp, một niềm tin mới vào nhân phẩm, đạo lí trong một thời cuộc ồn ã, xô bồ. Ma Văn Kháng đã để cho Đông, một người chỉ biết bấu víu vào giá trị cao cả của một thời với quan niệm hết sức giản đơn, thiếu tinh thần phản tư, phải ngỡ ngàng trước vẻ đẹp cao cả của Phượng:
“Chưa bao giờ Phượng nói một thôi dài như vậy. Và những câu nói mạch lạc, gẫy gọn, biểu đạt tình cảm một cách hết sức rõ ràng của Phượng đã khiến Đông dẫu còn đang mù mờ lảng đảng, cũng phải sửng sốt vì bỗng nhận ra một nhân cách mới mẻ, ngoài sự đánh giá của mình, đang đối diện với mình. Trước nay, anh vẫn coi Phượng là một người phụ nữ tốt theo cái nghĩa thường tình. Giờ thì không phải thế! Phượng hiền từ, chân thật, hợp lí, hài hoà, đầy lòng yêu thương, có thể rung động xót xa trước mỗi con vật bị hành hạ. Nhưng, còn hơn thế nữa, Phượng còn cứng cỏi, mạnh mẽ, bộc lộ ngay thẳng nỗi bất bình trước sự ngang trái và dám đón nhận cái trách nhiệm giúp đỡ những kẻ đang lâm vào cảnh ngộ không may ở đời.
Trong giây phút đối diện với bản lĩnh tuyệt đẹp và cao cả ấy, Đông hơi cúi xuống, lòng không khỏi phát sinh những mặc cảm về sự thiếu hụt của con người mình.”