Bi kịch bản thể

Một phần của tài liệu Đâu là đặc trưng thẩm mĩ của văn xuôi Việt Nam sau 1975? (Trang 118 - 121)

Những giá trị bị huỷ diệt trong những xung đột vĩnh cửu của tồn tại con người, đó là đặc trưng của bi kịch bản thể.

Đồng thời với cái nhìn bản thể về con người và cuộc đời, cái bi đã được phát hiện như một thuộc tính tất yếu. Thiện/ác, tốt/xấu, cao cả/thấp hèn, sáng suốt/lầm lạc, thành/bại, đức tin/tuyệt vọng, dấn thân/nhẫn nhục… song hành tồn tại trong con người và trong cuộc đời tạo nên những mâu thuẫn muôn thủa.

Khi trút bỏ những vai xã hội, trở về với bản thể mình, thì những đối nghịch thường hằng bên trong bản tính con người giao tranh. Nói như Nguyễn Minh Châu: “quan sát những người ở xung quanh mình, tôi thấy người tốt vẫn là đa số, vẫn chiếm đa số. Nhưng hình như họ luôn luôn phải cưỡng lại một cái gì ở bên trong bản thân, hình như luôn luôn có một cuộc đấu tranh bản thân giữa thiện và ác, lí trí và dục vọng, cái riêng và cái chung ở bên trong từng con người” [290]. Đánh giá rất cao truyện ngắn

Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu, Đỗ Đức Hiểu cho rằng: “Sự hoá thân người/bò của ông lão Khúng/Khoang đen, sự phân đôi nhân cách ấy, sự kết hợp hai ý thức con người/con vật ấy là bi kịch của nhân vật, của thời đại.” [141;182]. Lão Khúng thiết thực, căn cơ cũng là lão Khúng muốn vượt thoát khỏi cuộc đời trần trụi, quẩn quanh. Lão Khúng nhẫn nhục, thuần phục trong thói quen cố hữu cũng là lão Khúng - bò Khoang gan góc, táo tợn như là đã đá chủ tịch Bời “một nhát vào giữa bụng khiến cho ông ngã bổ nhào” hay là “Kẻ nâng chiếc búa tạ lên đánh vào đầu con vật là lão chứ ai!”. Bi kịch số phận của nhân vật, bi kịch của “ảo tưởng tự do” đã tụ lại thành sự cắt nghĩa âu lo, buồn bã về thân phận con người đang trong

quá trình “lột xác”, tự bứt ra khỏi tập tính, thói quen sống trì đọng đã và đang đè nặng trong vô thức cộng đồng. Sự trở lại của con bò là một kết cục buồn thảm thể hiện sự thất bại của ý thức tự giải phóng thân phận của người nông dân. Sau này môtip “hoá thân” hay “biến dạng” cũng đã được Võ Thị Hảo sử dụng trong Giàn thiêu, một tiểu thuyết lịch sử – bi kịch. Nguyễn Minh Châu sáng tạo biểu tượng về thân phận người nông dân – lão Khúng/bò Khoang, còn Võ Thị Hảo viết về đế vương nên thân phận biểu tượng thành Thần Tông/hổ. Kiếp người đau thương trong lẽ luân hồi, hình hài hôm nay chẳng phải đã được bắt đầu từ hôm qua?

Viết về chiến tranh và nỗi đau của con người sau chiến tranh, Bảo Ninh lại cho thấy một cái nhìn khác về bản thể người trong tính lịch sử đầy bi kịch. Kiên trong Thân phận của tình yêu, “hi vọng là sẽ dứt bỏ được dĩ vãng. (...) Và hàng năm mỗi khi mùa xuân tới lòng anh lại nao lên niềm hi vọng là cùng với mùa xuân tuổi trẻ của anh sẽ trở về, tất nhiên không phải dưới hình hài trẻ trung như trước mà sẽ trở về trong hình thái bản chất nhất của nó, với ý nghĩa là tất cả đều có thể hồi phục và tái sinh tất cả đều có thể làm lại, ngay cả số phận và ngay cả tình yêu.”. Nhưng thực tế lại trái ngược, không phải bởi cuộc sống không thể tái sinh, thế sự đen bạc, tha hoá mà chính bởi Kiên không thể là con người khác, con người chưa từng trải qua chiến tranh, mà máu thịt đời anh đã gắn với nỗi buồn đau chiến trận. Quá khứ khiến con người vốn có ý thức sống mãnh liệt, sống tận đáy với mọi trạng thái xúc cảm của mình chỉ “thức tỉnh”, được “cứu rỗi” khi sống với “ánh sáng của nỗi buồn soi về quá khứ”: “Bây giờ thì anh đã thôi không nhìn về phía trước làm gì nữa. (…) giờ đây Kiên hiểu rằng, con đường đời thực sự giành cho anh, con đường hướng anh tới tương lai tốt đẹp, con đường ấy nó đã lùi lại ở đâu đó phía sau xa trong khoảng tối mù mịt trên những cánh đồng thời gian mà đất nước đã vượt qua”. Bản thể và thời gian, ý thức và thân xác trong thời gian sống, nghĩa là trong quá khứ – hiện tại và cả

tương lai đang dự phóng trực tiếp và tiềm tàng trong bản thể ấy cũng là nỗi đau không thể hoá giải, là cái được – mất không thể phân định sòng phẳng ở nhân vật Quy (Chim én bay). Bản năng thiện của chị và bất hạnh của đời chị, mối thù và lương tri trong chị... cùng “chung sống” và làm thành một bản thể phụ nữ đầy bi kịch. Không nỡ xiết cò súng trước tên ác ôn Giám Tuân khi thấy hắn đang lương thiện trong tình phụ tử là sai lầm hay đúng đắn? Đó là sự sai lầm đối với nhiệm vụ được tổ chức uỷ thác, trái với mối thù xương máu sôi sục trong chị, và cũng đúng với đức nhân hậu, lòng nhân ái không thể khác ở chị. Những đối lập trớ trêu trong bản thể Quy là nguyên nhân của số phận bi kịch của một nữ anh hùng, một người phụ nữ đáng ra phải được hưởng hạnh phúc, sự thanh thản.

Trong xã hội Việt Nam hiện đại, bi kịch bản thể là một dấu mốc của quá trình tự ý thức, cho thấy một trình độ nhận thức mới về con người cá nhân trong tính nhân loại của nó.

ở các tác phẩm khai thác đề tài lịch sử, cái bi bản thể đem lại dư ba mới, khiến quá khứ sống dậy với đầy đủ da thịt trong cảm quan nhân sinh, thế sự của người nghệ sĩ. Cho dù sự sống dậy đó luôn đánh thức cả những nỗi đau, mất mát, thảm bại không sao bù lấp được. Có thể nói, cái nhìn số phận chính là một sự cắt nghĩa lịch sử đối với vấn đề thân phận, cái thân phận với tư cách là cá thể sống, không hoàn toàn là nạn nhân của hoàn cảnh. Những Kiếm sắc,

Vàng lửa, Phẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, Giàn thiêu của Võ Thị Hảo... Quá khứ, với gương mặt thực mà văn chương giả định, luôn tồn tại trong tính bản thể.

Bi kịch bản thể nhiều khi biểu hiện ở những trăn trở về giá trị văn hoá gắn với cảm thức mới về thời gian trôi chảy, vạn vật chuyển dời, đổi thay trong một thời cuộc đầy biến động. Hoài niệm, cùng nỗi đau trong mong

mỏi níu giữ trước sự phai tàn đi của cái đẹp xưa không phải là khám phá mới của văn xuôi thời đổi mới. Tuy nhiên, phải đến thời kì này, với sự nới rộng và đào sâu vào địa hạt đời sống thường ngày, trong tán sắc của thẩm mĩ bi kịch, vẻ đẹp văn hoá truyền thống, những giá trị kết đọng ở những tầng vỉa vốn bền vững, mới ánh lên vẻ đẹp trong lẽ vô thường chuyển xoay của thời cuộc, trong "cái bể nhân dân đã chuyển rung đến tận đáy"[136]. ý nghĩa của cái nhìn nghệ thuật đối với văn hoá được thể hiện đến cùng ở đây. Có thể thấy những sắc thái bi kịch này ở Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng), Cây lộc vừng nở hoa vông vang (Trần Thị Trường), Mẫu thượng ngàn (Nguyễn Xuân Khánh)... Cái cũ và mới, truyền thống và hiện đại trong quá trình vận động tất yếu của đời sống luôn diễn ra những sự thay thế, gạn lọc, thay thế đầy hồ hởi mà cũng hết sức đớn đau.

Một phần của tài liệu Đâu là đặc trưng thẩm mĩ của văn xuôi Việt Nam sau 1975? (Trang 118 - 121)