Những số phận bi kịch như là kết quả của tự do và tất yếu và dự cảm về những giá trị cao nhất mà cuộc sống cần phải có

Một phần của tài liệu Đâu là đặc trưng thẩm mĩ của văn xuôi Việt Nam sau 1975? (Trang 107 - 110)

cảm về những giá trị cao nhất mà cuộc sống cần phải có

Vô hình trung khi bàn đến tính chất của xung đột bi kịch với sự quan tâm đặc biệt đến ý thức cá nhân, chúng ta đã có sự nhận diện về chủ thể/nhân vật bi kịch trong văn xuôi Việt Nam thời đổi mới. Con người đã được nhìn nhận trong “tính cá nhân, tính chủ động và tính tự do lựa chọn đặc trưng cho kiểu hành động bi kịch”[47;31]. Chủ thể bi kịch hiện thân cho cái đẹp, cái cao cả, cái hùng. Phẩm chất cao cả, vẻ đẹp của chủ thể bi kịch thể hiện đầy đủ ở năng lực tự ý thức. Đây là điểm quan trọng tạo nên chất bi kịch hiện đại, như nhận định của Hêghen: "bi kịch hiện đại thì ngay từ đầu đã lấy cái nguyên lí tính chủ thể làm cơ sở. Đây là cái nội cảm chủ quan của tính cách chứ không phải chỉ là một sự cá tính hoá đơn thuần có tính chất kinh điển về các sức mạnh luân lí – làm thành nội dung và đối tượng của bi kịch, và nó bắt sự bùng nổ của xung đột cũng như lối thoát của xung đột phải lệ thuộc vào những điều ngẫu nhiên ở bên ngoài"[119;809]. Cho nên, không thể lấy cái đẹp, cái cao cả, cái hùng là căn cứ khu biệt rạch ròi văn học Việt Nam 1945 với văn học Việt Nam sau 1975. Bởi vì, khi nhà văn đào sâu vào thế giới bên trong để lên tiếng về khả năng tự ý thức của con người với cảm hứng bi kịch thì đồng thời đã cho thấy những biểu hiện khác của cái đẹp, cái cao cả, cái hùng. Các phạm trù thẩm mĩ

cần được hiểu trong tính khả nhiên của nghệ thuật. “Cái hiện thực đã thành quá khứ cũng hàm chứa nhiều khả năng”[351]. Điều này cũng thể hiện cho đặc trưng đa dạng hoá thẩm mĩ của văn xuôi. Mặt khác, trong cảm hứng thẩm mĩ mới, những vẻ đẹp truyền thống không mất đi mà nó tự bứt phá ra khỏi khuôn thước cũ để gia nhập vào một cấu trúc mới trong sức hút đáng kể của thẩm mĩ bi kịch. ở Thân phận của tình yêu, trong dòng hồi ức u buồn về chiến tranh, có lúc Kiên hiện ra trong trẻo, chính trực với lí tưởng dâng hiến cao cả khi anh từ bỏ con đường vào đại học để lên đường ra mặt trận. Trước người yêu, Kiên một mực: “Mình đi. Mình có cuộc chiến tranh của mình” và anh không ngần ngại đối thoại với người cha của mình: “Cần nhớ rằng, cha mình có những ý nghĩ khó hiểu và sai. Nhiều khi cha mình không thấy được những giá trị cao đẹp của cuộc đấu tranh hiện nay.”. Kiên đã có thể ở lại Hà Nội với Phương khi lạc đơn vị trong ngày lên đường, có thể đứng ngoài cuộc chiến tranh sau biến cố ở ga Thanh Hoá. Và chính lựa chọn ấy của Kiên là một phần trong bi kịch của anh sau này. Ba Sương trong Ăn mày dĩ vãng, Tuấn, trong Không phải trò đùa, Nghĩa trong Bến không chồng, Lực trong Cỏ lau... đều là những chàng trai cô gái của một thế hệ sẵn sàng lên đường xả thân cho Tổ quốc, họ đã chiến đấu như những anh hùng. Chỉ có điều, cũng như Kiên, khi chiến tranh kết thúc thì cũng là lúc bi kịch của họ bắt đầu. Như vậy, vẻ đẹp cao cả, chất anh hùng không phải là cái quá vãng mà chính là những yếu tố máu thịt cấu thành nên cấu trúc nhân cách của chủ thể bi kịch. Trở về sau 24 năm chinh chiến, Lực đã cay đắng thừa nhận: “Chiến tranh, kháng chiến, không phải như một số người khác, đến bây giờ tôi không hề mảy may hối tiếc đã dốc tất cả tuổi trẻ vào đấy cống hiến cho nó, nhưng nó như một nhát dao phạt ngang mà hai nửa cuộc đời tôi bị chặt lìa thật khó gắn liền lại như cũ. Nhưng đau hơn là hai nửa cuộc đời tôi cũng không bị cắt lìa hẳn.” (Cỏ lau). Con người rơi vào tình trạng không lối thoát, tiến thoái lưỡng nan. Và cũng chính bởi vì những con người đã sống

dâng hiến hết mình, sẵn sàng hi sinh cho lí tưởng đã phải đối mặt với hiện tại đầy trớ trêu, thấm thía trước sự đổ vỡ của những lí tưởng lớn, những giá trị mà họ hằng tin là vĩnh viễn, đã không khỏi buồn đau, dằn vặt rằng họ đã sẵn sàng hi sinh vì cái gì, hi sinh là mất đi hay bất tử, mà vết thương tâm hồn mỗi lúc càng thêm hằn sâu, nhức nhối. Phải thành thực rằng, cái mà chiến tranh để lại, bao giờ cũng thế và ở đâu cũng thế, là cái đã mất đi rất nhiều phẩm chất cao cả quý giá. Có lẽ đó vẫn còn là những vấn đề đòi hỏi văn học tiếp tục lên tiếng.

Những “cái chết” như là kết quả của tự do và tất yếu, hiện thân cho những giá trị cao nhất mà cuộc sống cần phải có. Đối với các tác phẩm không thuộc thể loại bi kịch mà mang tính bi kịch thì “cái chết” của nhân vật cần được hiểu theo nghĩa rộng. Đó là sự huỷ diệt của các giá trị. Bước ra khỏi chiến tranh, trong bối cảnh đời sống xã hội ngổn ngang thời hậu chiến, có vô vàn những cái chúng ta cần để xây dựng cuộc sống mới, có vô vàn những điều chúng ta phải thức nhận. Trong đó, có không ít những vấn đề cốt tuỷ của sự sống muôn đời thầm thào ở những cơ tầng ngầm sâu của đời sống xã hội. Những giá trị sống đã được nhận thức cùng với những số phận bi kịch trước hết là sự cảnh tỉnh của nhà văn về chân lí muôn thủa của đời sống hồn nhiên, điều mà Nguyễn Minh Châu đã phải dóng dả bằng Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ; nhưng sâu xa hơn, dòng tự sự cũng đang tự trôi theo khát vọng ẩn sâu trong bản thể của mỗi cái tôi nghệ sĩ. Sáng tạo cái bi không những đòi hỏi phải cao tay mà còn phải cao tâm, không những đòi hỏi trực cảm nhạy bén mà còn đòi hỏi một bản lĩnh trí tuệ, khả năng thấu triệt đời sống ở những điểm mút cuối cùng của nó. Những câu hỏi như Ta là ai? Ta sống cho ai, vì cái gì? Đâu là giá trị đích thực cần hướng tới trong cuộc sống hôm nay? Giá trị sống cá nhân và giá trị của cộng đồng có quan hệ với nhau ra sao?... có thể đã trở thành những chủ đề suy tư siêu hình. Nhưng ở một xứ sở còn chưa hết bàng hoàng bởi bom đạn, mà người ta lại còn ngộ ra rằng “Chiến tranh ồn

ào náo động mà lại có cái yên tĩnh, giản dị của nó. Hoà bình yên tĩnh mà chứa chất bao nhiêu sóng ngầm, bao nhiêu gió xoáy bên trong.”[167], thì câu chuyện về số phận còn là chủ đề ám ảnh. ý thức về bản ngã đã được thể hiện trong “mối quan hoài thường trực” về số phận ấy. Trong quan niệm nghệ thuật của nhà văn, hoàn cảnh chỉ như những tác nhân để nảy sinh ý thức, và đến lượt mình, trong những ngả rẽ cá biệt của nhân sinh, ý thức của mỗi cá thể tự nó định đoạt những kết cục. ở vào thời điểm nổi lên luận đề đổi mới đây chính là nội dung đối thoại chủ yếu của văn học thời đổi mới với thẩm mĩ sử thi của giai đoạn văn học 1945 – 1975. ở Thời xa vắng của Lê Lựu, cái chết của cá tính, của giá trị sống cá nhân toát lên từ câu chuyện về cuộc đời Giang Minh Sài. Diễn biến của truyện là diễn biến của số phận nhân vật này, từ lúc Sài còn là một cậu bé hơn mười tuổi cho đến khi đã ở vào cái tuổi “không thể liều lĩnh được nữa”. Giang Minh Sài bi kịch bởi vì anh ta vừa thấy rõ tình cảnh sống thụ động của mình lại vừa nhu nhược, không thể vượt ra khỏi thói quen sống đó. ý thức sống ấy, tình cảnh ấy được sinh ra từ “vô thức cộng đồng”, được “vun đắp” thường xuyên trên mỗi chặng đường đời và biến thành cái “mặc nhiên” lúc nào không hay. Rồi đây, càng về sau, ý thức thẩm mĩ còn cho thấy cái nhìn hoài nghi đối với lí trí, bi kịch số phận được nhận thức trong sự tác động đa hướng hơn và người ta ngẫm ngợi nhiều về quyền năng của hiện sinh, trong đầy rẫy những ngẫu nhiên, phi lí.

Một phần của tài liệu Đâu là đặc trưng thẩm mĩ của văn xuôi Việt Nam sau 1975? (Trang 107 - 110)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(197 trang)
w