Có thể nói, trong lịch sử văn học Việt Nam, chưa bao giờ vẻ đẹp thân thể con người, đặc biệt là thân thể người phụ nữ lại được miêu tả trực tiếp, táo bạo như trong văn xuôi đổi mới sau 1975. Vẻ đẹp của Kiều được tả trong trường hợp ít ước lệ nhất cũng là: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà - Rày rày sẵn đúc một toà thiên nhiên”. Hồ Xuân Hương có ngạo nghễ thì cũng thường nói về vẻ đẹp thân thể dưới hình thức “lấp lửng”. Trước Cách mạng tháng Tám, văn xuôi ít khi miêu tả thân thể ở dạng loã thể. Chỉ có trong thơ ca, thân thể đã trở thành “ngôn ngữ”. Trong thơ của Bích Khê, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử... thân thể giai nhân nhiều khi xuất hiện như là hiện thân của cái đẹp. Trong văn học cách mạng, vẻ đẹp thân thể con người được nhìn nhận trên phương diện đạo đức, thánh thiện tuyệt đối. Giáo sư Phương Lựu từng kể: “Đọc Bão biển, về chi tiết Nhân tắm thấp thoáng trong đêm bên bờ giếng, Tiệp thập thò bên ngoài hàng rào dâm bụt, tôi có nói đùa anh Chu Văn rằng: “Thà chỉ kết lướt qua đôi dòng chứ đã tả sao lại nửa ngậm nửa thốt thế?”. Anh trả lời: “Vốn đã tả đến mấy trang kia chứ, mà cũng là qua đó làm rõ thêm sự giằng xé ở nội tâm Tiệp, nhưng sau khi bạn bè góp ý đành phải cắt”. Âu cũng là sự cấm kị không cần thiết của một thời.” [421].
Trong văn xuôi, không mấy khi thấy vẻ đẹp thân thể trở thành chủ đề của một tác phẩm. Nó xuất hiện khá nhiều, song chỉ tồn tại với tư cách của chi
tiết, của yếu tố thẩm mĩ trong một cấu trúc toàn thể. Với tư cách này, có thể bàn đến vẻ đẹp thân thể ở tác dụng, hiệu quả nghệ thuật của nó ở các chỉnh thể, vai trò của nó trong việc thể hiện tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm (như ý của Chu Văn nói về tác dụng đối với việc tô đậm giằng xé nội tâm nhân vật đã dẫn ở trên chẳng hạn). ở đây, chúng tôi xem xét vẻ đẹp thân thể trong tính độc lập tương đối của nó, trong khả năng chúng có thể tạo ra những xúc cảm thẩm mĩ trực tiếp. Như vậy, khi nói “Trong văn học vẫn có nhân vật đẹp nhưng là một cái đẹp trong bụi bặm của cuộc đời thường nhật” [28;58]; thì nhận định này không đề cập đến cái đẹp với hình thức biểu hiện cảm tính trực tiếp mà nói đến cái đẹp theo nghĩa rộng, nghĩa khái quát và gắn với cái cao cả, là cái làm thành đặc trưng thẩm mĩ của văn học 1945 – 1975. Thực ra, trong văn xuôi đổi mới sau 1975, cái đẹp – nhân vật đẹp, không chỉ được đo bằng tiêu chí đạo đức (tính chất mà với nó cái đẹp luôn sẵn sàng trở thành cái cao cả), và vẻ đẹp của con người trần tục tràn trề trên các trang viết, có khi là vẻ đẹp lõa thể được tô đậm với nhiều sắc thái. Loã thể trong nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng cần được đánh giá theo ý nghĩa triết học của nó: “Lõa thể trong nghệ thuật thường tượng trưng cho sự thuần khiết, tự do, sự thiêng liêng, chân lí và cả sự yếu đuối với ít nhiều nhục dục. Lõa thể đánh dấu sự rời xa của thơ ca vũ trụ bao la, xã hội rộng lớn để trở về với sự chiêm nghiệm thân thể người.”[350].
Vẻ đẹp lõa thể trong văn xuôi đổi mới thấm đẫm chất phồn thực, kí thác và thoả mãn khát khao về hồi sinh, hằng tồn của sự sống ở một sứ xở liên tiếp phải đối mặt với sự huỷ diệt của bom đạn chiến tranh. ở vào bối cảnh văn hoá mới kể từ đầu những năm tám mươi của thế kỉ XX, vẻ đẹp thân thể con người trong văn xuôi Việt Nam là một phương diện văn hoá - thẩm mĩ. Miêu tả vẻ đẹp thân thể của con người với đúng bản chất sinh thể, “diện mạo” (khái niệm trong thao tác lí giải bản sắc văn hoá của GS. Phan Ngọc) của con người đã
được khai thác ở bình diện thẩm mĩ, những vấn đề của đời sống đã thực sự được cắt nghĩa bởi cái nhìn bản chất của nghệ thuật. Vẻ đẹp thân thể người phụ nữ trở thành những điểm nhấn gợi cảm đặc biệt trong nhiều tác phẩm. Bộc lộ vẻ đẹp thân thể người phụ nữ có khi trở thành dấu ấn của phong cách tác giả. Ma Văn Kháng là một trường hợp như thế. Seo Ly đẹp với vóc dáng “đã nảy nở hết độ”, “Mỗi chi tiết trên cơ thể nàng đã được đào thải, gạn lọc”, “Nổi bật trên cơ thể nàng là khuôn hình eo hông mượt mà và bầu ngực tràn trề sinh lực phồn thực”, “cái cổ như một cọng hoa”, “rõ ràng đường nét da thịt, rõ ràng bụng tròn lưng nở như một thực thể đàn bà” (Seo Ly – kẻ khuấy động tình trường); “Một nguồn lực thiên nhiên đang rót xuống tràn trề trên vùng ngực núng nính, kí ức một thời đắm dục của bà Tài và trên cái cổ xoải rộng xuống tận tâm oa, chờm lên hai hòn bồng đảo trắng nõn của Nhi, người đàn bà đang tuổi hồi xuân, hai mắt đen láy, sáng rỡ” (Những người đàn bà); Quý “mẩy mang, ăm ắp đường nét nữ tính. Mặt tròn phính, mắt đen, sáng rỡ, cằm chẻ, ngực bụ, vai hẹp, hông nở, chân cao.” (Chọn chồng); Thiên “Eo thon, ngực nở, vai tròn, kín đáo, ý nhị, kìm nén và vẫn cứ rừng rực gợi tình.”, “Bốn mươi hai tuổi vẫn nở nang mỡ màng lắm” (Chị Thiên của tôi); Bướm đẹp với “cặp vú mẩy mang, căng phồng”, “cánh tay trần mịn màng”, “đôi bờ vai trắng nhẫy tròn đầy”. Chúng ta còn có thể bắt gặp vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ ở nhiều tác phẩm của các tác giả khác: Đào đẹp với “lườn lưng, lườn bụng thon chắc, trắng hồng, mơn mởn trong ánh đèn. Khuôn ngực vun đầy, tròn căng với hai núm nhọn cong vểnh lên cứ như cựa quậy trong lớp vải mỏng” (Nguyễn Khắc Trường, Mảnh đất lắm người nhiều ma); Hai Hợi đẹp với “khuôn mặt góc cạnh, lông mày xếch, mắt sáng lì, vai nở, ngực rất nở”, “bụng tròn lẳn”, “một đường hông bung toả đến ngang ngửa.” (Chu Lai, Ăn mày dĩ vãng); Túc đẹp với “thân hình thon thả, bờ vai chị tròn trịa, lẳn trong chiếc áo màu nâu tươi” (Tạ Duy Anh, Xưa kia chị đẹp nhất làng); một người
“chị” đẹp với “mớ tóc đen mượt chảy dài như suối qua đôi vai tròn và đầy đặn xuống sau lưng”, “Da chị nõn nà, da và lụa như lẫn vào nhau, những đường cong lằn lên trên quần áo như đang chuyển động. Tạo hoá không thể có chút khiếm khuyết nào trên khuôn mặt và cơ thể chị.”, và chị hiện hình trong bức hoạ tuyệt đẹp khi “Chị nằm nghiêng, quay về phía tôi, khuôn mặt tuyệt đẹp hơi ngửa lên như hứng trăng, hai tay vươn ra như đang đón ai, đùi nọ ấp hờ đùi kia, hơi thở nhẹ nhàng.” (Nguyễn Bản, ánh trăng); chị Thịnh đẹp “điềm tĩnh và lanh lẹn, quần xắn cao, đùi trắng phốp ngạo nghễ, áo ướt dính lộ cặp vú non tơ thây lẩy” (Tô Đức Chiêu, Đàn đom đóm bay lên trời); một người dì đẹp với “dáng thon thả thắt đáy lưng ong”, “khuôn mặt trái xoan trắng hồng, đôi môi tươi tắn và đôi mắt đen sâu thăm thẳm” (Thuỳ Dương, Hoa bưởi đầu mùa); Loan đẹp với dáng đi “mềm mại, uyển chuyển”, “Eo thắt lại, nhưng đến mông thì phình ra, tròn trịa gọn gàng”, “Da dẻ mát mẻ, trắng trẻo, dáng đi thoải mái, không vướng víu gò bó” (Phạm Hoa, Đùa của tạo hoá); …
Thân thể người phụ nữ là thân thể của “người mẹ, người sinh sản, người mang nguyên lí phồn thực”[398;73]. Thân hình, vóc dáng người phụ nữ đẹp thường được tả bằng các từ: mỡ màng, nảy nở, uyển chuyển, nở bung, mẩy mang, ăm ắp, rừng rực, nở nang, lẳn, đầy đặn, cong lằn, mềm mại,… Không phải ngẫu nhiên mà trong sự mô tả vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ, các hình ảnh như vú (ngực), eo, hông, mông thường được tô đậm với những đường nét vừa tả thực, vừa giàu tính tượng trưng. Những hình ảnh đó đẹp trong tính thiêng của những bộ phận gắn với chức năng sinh sản và gợi dục. Nói về vú
thì: hừng hực sức sống, tràn trề sinh lực, trắng nõn, nở, mẩy mang, căng phồng, vun đầy, tròn căng, cong vểnh, thây lẩy,… Nói về eo: tròn, thon chắc,
tròn lẳn, thắt lại, thắt đáy lưng ong,… Nói về hông, mông: mượt mà, bung toả,
phình ra, tròn trịa,… Phồn thực, với ý nghĩa sự sinh sôi, nảy nở, duy trì giống nòi, đã tồn tại trong tâm thức cộng đồng, hiện thân thành nguyên lí “tính mẹ”,
“tính nữ”. Nó được hình thành từ tín ngưỡng dân gian, được bảo lưu trong tâm thức văn hoá dân gian và ở những giai đoạn lịch sử – văn hoá nào đó, với những ức chế, thúc bách và cơ hội khai mở, nó hiển hiện và thăng hoa trong nghệ thuật. Phồn thực gắn với ý niệm về sự sống nảy nở, sinh sôi có cơ sở để bừng phát trong văn xuôi Việt Nam thời hậu chiến, thể hiện bản năng, khát vọng sống mạnh mẽ, nhu cầu tái sinh, hồi sinh. Người đọc hẳn không quên vẻ đẹp của Thịnh trong khi giã gạo – một thị phạm tính giao khá tiêu biểu của văn hoá nông nghiệp: “Cái cối giã gạo bập bềnh! Nơi ấy là đầu phía ngoài của ngôi nhà tre năm gian, sát với cổng gỗ và hàng cây dâm bụt. Chị Thịnh vẫn hay giã gạo ở đó. Chị làm việc một mình. Cho nên cứ phải rướn người về phía trước để tạo thành sức nặng làm bật đầu chày. Thoáng nom chị chị làm việc, thấy khổ cực, nhất là những khi giơ cùi tay lau mồ hôi trán, nhưng đó chỉ là cảm giác của những người không quen lao động chân tay. Nhìn có thiện tâm một chút mà xem, dáng vóc mượt mà của chị hiện ra như múa nhấp nhô, dù ít làn điệu song đầy duyên dáng, khắc mãi vào trong tâm trí hàng xóm láng giềng. Và ai đã một lần được chiêm ngưỡng nụ cười của người con gái giã gạo xinh đẹp nhất làng Thị vào phút giây chị đang lao động say sưa chắc chắn sẽ tin rằng trên đời không có nụ cười nào làm mê mệt lòng người hơn được. Nụ cười bừng sáng cả một vùng quê. Cũng có khi chị hát khe khẽ cùng với tiếng chày thụt thịt.” (Tô Đức Chiêu, Đàn đom đóm bay lên trời).
Văn xuôi đã có cái nhìn nhân văn, hài hoà hơn và vì thế cũng chân thực hơn đối với vẻ đẹp thân thể gắn với bản năng gốc của giống loài, kể cả đó chính là nguyên nhân của tai ương, thảm bại. Nói như Nguyễn Huy Thiệp trong Muối của rừng: “Với giống cái thì thân thể mình là quan trọng nhất. Điều ấy thật giản dị và đẹp. Nhưng điều ấy lại đầy xót xa...”.