Thay đổi hệ hình giá trị thẩm mĩ cũng tức là sự thay đổi cục diện các giá trị thẩm mĩ trong hệ thống. Khi hệ hình giá trị đã chuyển đổi từ cao cả thuần khiết, đơn trị sang đời thường phồn tạp, đa trị, thì cục diện thẩm mĩ mới cũng đã xuất hiện. Đó là cục diện đa dạng với sự mở rộng chưa từng có những khả năng tương tác, chuyển hoá giữa các phạm trù thẩm mĩ.
Có thể từ rất nhiều góc độ để xem xét sự đa dạng của một đối tượng văn học nào đó. Người ta có thể hiểu sự đa dạng ở cấp độ khuynh hướng, trào lưu văn học. Theo đó, sự đa dạng của một giai đoạn văn học nào đó thể hiện ở sự xuất hiện đồng thời nhiều khuynh hướng, trào lưu khác nhau. Văn xuôi Việt Nam đầu thế kỉ XX đã có được sự đa dạng này. Văn xuôi Việt Nam sau 1975 tuy chưa có được sự đa dạng về trào lưu, nhưng cũng đã có những dấu hiệu của tính đa khuynh hướng, chẳng hạn như khuynh hướng hậu hiện đại, khuynh hướng kì ảo,… Có thể hiểu sự đa dạng ở phương diên phong cách. Theo đó, sự xuất hiện các phong cách, cá tính sáng tác khác nhau trong một thời điểm, giai đoạn văn học được xem là biểu hiện của tính đa dạng. Nhìn chung, tính da dạng phong cách thì văn học thời nào cũng có, bởi vì nó là đòi hỏi sống còn cho sự tồn tại của bất cứ nghệ sĩ chân chính nào. Tất nhiên, càng ở những môi trường văn hoá đa dạng, với đường lối đúng đắn, dân chủ thì điều kiện cho sự phát triển đa phong cách cũng tăng lên. Văn xuôi Việt Nam
sau 1975 cũng có được những thuận lợi như thế. Người ta lại có thể đứng ở cấp độ tác giả để xem xét tính đa dạng. Đứng ở cấp độ này, những tìm tòi, đổi mới không lặp lại mình ở những tác phẩm khác nhau của một nhà văn được xem như biểu hiện của đa dạng. Một thời gian, trong giới lí luận phê bình văn học ở ta đã tranh luận về khái niệm phong cách, nhất là đối với những tác giả đã định hình phong cách với những tác phẩm đỉnh cao từ trước Cách mạng tháng Tám (1945) bước vào cuộc “đổi đời” trong giai đoạn chiến tranh cách mạng. Có những nhà văn đã “lột xác” hoàn toàn sau 1945 và người ta nói đến chuyện “sự thay đổi phong cách”. Nhưng cũng có những nhà văn vẫn khẳng định dấu ấn của mình bằng một cá tính sáng tạo khá nhất quán dù trước hay sau 1945. Người ta lại cho đó là những biểu hiện của bản lĩnh sáng tạo, rằng sự thay đổi nằm ở phương diện khác, vv.. và vv…
Nhưng văn học là một hình thái phản ánh thẩm mĩ. “Nhà văn tiến hành sáng tạo thẩm mĩ, không chỉ ở chỗ biểu đạt cảm thụ cá nhân, truyền đạt thể nghiệm bản thân, sáng tạo hình thức nghệ thuật độc đáo, đồng thời còn sáng tạo một giá trị thẩm mĩ. Đó là sự đánh giá thẩm mĩ chứa đựng mĩ cảm ngôn từ, sự thích thú, mang tính cảm thụ mãnh liệt, có sắc thái nhận thức tư tưởng.”[422;165]. Sáng tạo văn học nghĩa là sáng tạo ra những giá trị thẩm mĩ. Vì vậy, sự đa dạng của văn học cần phải được xem xét trên phương diện sự đa dạng của các giá trị thẩm mĩ như là sản phẩm đặc thù của sáng tạo nghệ thuật. Các giá trị thẩm mĩ đã được mĩ học từ xa xưa hệ thống hoá bằng những phạm trù như cái đẹp, cái cao cả, cái bi, cái hài,… Chúng tôi tiếp cận sự đa dạng thẩm mĩ của văn xuôi Việt Nam sau 1975 là tiếp cận sự đa dạng của các phạm trù thẩm mĩ, đi tìm sự đa dạng trong sự chuyển đổi các phạm trù thẩm mĩ. Sự đa dạng thẩm mĩ, như vậy, sẽ được hiểu ở các cấp độ sau:
(1) ở cấp độ vĩ mô, sự đa dạng hoá thẩm mĩ biểu hiện sự phong phú của các phạm trù thẩm mĩ. Theo đó, sự da dạng hoá thẩm mĩ của văn xuôi Việt
Nam sau 1975 có thể là sự xuất hiện các phạm trù mà trong văn học 1945 – 1975 hầu như vắng bóng. Đó có thể là sự hồi sinh các giá trị thẩm mĩ đã từng được sáng tạo trong truyền thống văn học dân tộc như cái bi, cái cảm thương, cái hài; hoặc là sự xuất hiện mới do vận động nội tại của đời sống thẩm mĩ hiện đại và tác động từ bên ngoài như cái phi lí. Tất nhiên, không loại trừ cái cao cả như loại hình giá trị vĩnh hằng mà nghệ thuật hướng tới. Như vậy, đặc trưng thẩm mĩ của văn xuôi đổi mới là sự chuyển đổi từ đơn nhất sang đa dạng hoá. Văn học trước 1975 thống hợp trong thẩm mĩ của cái cao cả. Đổi mới trong văn xuôi sau 1975 trước hết là sự giải thể cục diện thống hợp đó, để các giá trị có quyền tồn tại ngang nhau.
(2) ở cấp độ vi mô, sự đa dạng hoá thẩm mĩ biểu hiện ở những sắc thái khác nhau của mỗi phạm trù. Lịch sử văn học nhân loại cho thấy sự biến đổi của các phạm trù thẩm mĩ trong mỗi giai đoạn khác nhau. Sự biến đổi ấy phản ánh sự biến đổi của những vấn đề nhân sinh, thế sự của mỗi thời đại. Văn xuôi Việt Nam sau 1975 vận động trong bối cảnh đời sống văn hoá - xã hội hết sức ngổn ngang, phức tạp thời hậu chiến và đời sống mới trong lộ trình phát triển hiện đại. Chưa bao giờ các vấn đề nhân sinh, thế sự lại đặt ra phong phú, đa dạng đến thế. Đa dạng sắc thái của cái đẹp, cái cao cả, cái bi, cái cảm thương, cái hài, cái phi lí, như thế bắt nguồn từ sự vận động đa dạng hoá của bản thân đời sống, đời sống vật chất và cả đời sống tinh thần, tư tưởng. Sự đa dạng sắc thái của các phạm trù thẩm mĩ trong văn xuôi được biểu hiện ở một quy luật hết sức đặc trưng của đa dạng hoá, đó là sự mở rộng chưa từng có những khả năng tương tác, chuyển hoá giữa các phạm trù thẩm mĩ.
Hai cấp độ đa dạng thẩm mĩ nói trên được chúng tôi xem xét qua hai cơ chế vận động chủ yếu: tương tác thẩm mĩ và chuyển hoá thẩm mĩ. Đa dạng dạng hoá thẩm mĩ của văn xuôi sau 1975 đồng thời với sự hiện thực hoá ở nhiều cấp độ, nhiều khả năng của cơ chế tương tác thẩm mĩ và chuyển hoá
thẩm mĩ này.
Khái niệm “tương tác thẩm mĩ” ở đây để chỉ sự ảnh hưởng lẫn nhau của các phạm trù như là những yếu tố trong một hệ thống thẩm mĩ. ở đây, đương nhiên phải đặt ra vấn đề xem xét cấp độ chỉnh thể tác phẩm và hình tượng. Như vậy là đã phải làm việc với sự tương đối của 2 cấp độ da dạng như đã phân tích ở trên. Với những biểu hiện nghệ thuật cụ thể, các phạm trù thẩm mĩ thường không xuất hiện thuần tuý, tách biệt. Sự đan cài giữa phạm trù này với phạm trù khác sẽ làm biến đổi lẫn nhau và tạo nên những sắc thái thẩm mĩ riêng mà sẽ không có được nếu không có sự đan cài đó. Cái đẹp đã biến đổi trong sự tương tác với cái bi. Cái bi mang sắc thái khác khi tương tác với hài. Cái cao cả không còn như trước khi tương tác với cái bi, cái cảm thương. Cái hài xuất hiện sắc thái mới khi tương tác với cái phi lí. v.v… Có thể nói, chưa bao giờ trong văn xuôi lại diễn ra một cảnh tượng tương tác giữa các giá trị thẩm mĩ đa dạng như trong văn xuôi sau 1975. Giá trị này khơi sâu, tô đậm thêm giá trị kia và ngược lại.
“Chuyển hoá thẩm mĩ”, ở đây một mặt để chỉ những trường hợp mà trong những tương tác cụ thể, tính chất thẩm mĩ nào đó chuyển dần sang tính chất thẩm mĩ khác (chẳng hạn cái bi chuyển hoá thành cái hài hước, hài hước phồn thực chuyển hoá thành hài hước đen…); mặt khác để chỉ những trường hợp chính thủ pháp trở thành giá trị (biếm hoạ là sự chuyển hoá như thế; giễu nhại là một thủ pháp nhưng trong cảm hứng về cái hài và cái phi lí nó chuyển hoá thành cái hài hước đen…).
Như vậy, sự tương tác và chuyển hoá thẩm mĩ sẽ khiến việc sắp xếp các phạm trù thành những cặp khác nhau ở các chương hay trình bày vấn đề này trước vấn đề kia sau mang tính tương đối. Trong những trường hợp cụ thể, để đảm bảo trình tự trình bày, chúng tôi phải lựa chọn bàn đến sắc thái này trước,
sắc thái kia sau. Hơn nữa, trong hệ thống các phẩm chất thẩm mĩ cơ bản của văn xuôi Việt Nam sau 1975, có những phạm trù chiếm vị thế ưu trội. Có thể vận dụng khái niệm chủ âm của Chủ nghĩa hình thức Nga để nói đến chủ âm thẩm mĩ trong cấu trúc lịch sử thẩm mĩ của văn học qua các thời kì. R. Jakobson cho rằng: “Chủ âm có thể được xác định như một yếu tố tiêu điểm của một tác phẩm nghệ thuật: nó thống trị, quy định và cải biến những yếu tố khác. Chính nó bảo đảm sự mạch lạc nội tại của cấu trúc.”, và mặc dù đứng ở góc độ cấu trúc ngôn ngữ của tác phẩm để khẳng định trong mối quan hệ các các chức năng của tác phẩm văn học, “chức năng thẩm mĩ là chủ âm”, Jakobson cũng đã đề cập tới sự tiến hoá văn học: “Trong sự tiến hoá của các hình thức thơ ca, người ta nói nhiều đến sự biến mất của một vài yếu tố và sự trồi lên của một vài yếu tố,(…) nói khác đi, đó là sự thay đổi chủ âm.”[399;196]. Chủ âm thẩm mĩ của văn xuôi Việt Nam sau 1975 là cái bi và
cái hài hước. Cái phi lí xuất hiện như một dạng phẩm chất thẩm mĩ mới mẻ, giàu tính cách tân, song nó không giữ vị thế của phạm trù chủ âm. Tiêu chí quan trọng để nhận diện tư cách chủ âm của cái bi và cái hài hước là tính chi phối, mật độ xuất hiện của chúng trong tương tác và chuyển hoá thẩm mĩ ở những sắc thái thẩm mĩ nổi bật. Tương tác hay chuyển hoá thẩm mĩ, như vậy, được xem xét chủ yếu ở tương quan với hai phạm trù ở có vị thế chủ âm thẩm mĩ này. Từ đó mới nói đến sự phô diễn đối cực khi phân tích sắc điệu của cái đẹp – hệ quả tương tác với cái bi; phẩm chất anh hùng mới – hệ quả tương tác của cái cao cả với cái bi; tính “nhập nhằng nước đôi” – có biểu hiện tương tác giữa cái hài hước với cái cảm thương; hài hước phồn thực – có biểu hiện của tương tác giữa cái hài hước với cái đẹp; hài hước đen – hệ quả tương tác, chuyển hoá giữa cái hài hước với cái phi lí…
Các giá trị thẩm mĩ được thể hiện với dấu ấn của cá tính, quan niệm nghệ thuật của từng nghệ sĩ. Mặc dù không đi vào khai thác tính đa dạng ở cấp độ
tác giả, song ở những hiện tượng cụ thể, việc nhận định về cá tính, phong cách hay quan niệm nghệ thuật riêng vẫn có thể được chúng tôi tiến hành. Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài hay Hồ Anh Thái… là những trường hợp như thế.
R. Aileau, khi phân tích khái niệm truyền thống đã nhận định: “gia thêm vào khả năng thụ động của sự bảo tồn các truyền thống là khả năng chủ động của sự tích hợp những hiện thể mới bằng sự thích nghi hoá chúng với những hiện thể thiên nhiên.”[1]. T.S. Eliot, khi bàn đến truyền thống văn hoá và tài năng cá nhân cũng đã đưa ra quan điểm sâu sắc: “Nếu như một tác phẩm phù hợp với truyền thống thì điều đơn giản là khuất phục truyền thống; bởi vì khi đó nó sẽ không còn là tác phẩm mới nữa và cũng chính vì thế mà nó sẽ không còn là tác phẩm nghệ thuật nữa.”, “Sự khác biệt giữa hiện tại và quá khứ là ở chỗ hiện tại nhận thức về quá khứ trong hình ảnh thu nhỏ, và ở mức độ mà quá khứ không thể nhận thức được chính bản thân mình.”[88]. Đánh giá về đặc trưng thẩm mĩ của văn xuôi Việt Nam sau 1975 trong cái nhìn so sánh lịch sử, thiết nghĩ cũng cần xác định một quan điểm như vậy.
Từng bước hoà nhập vào dòng chảy chung của văn học thế giới, sự đa dạng thẩm mĩ của văn xuôi Việt Nam từ sau 1975 đến nay đã là kết quả của một đường lối văn hoá mới, ngày càng đúng đắn hơn. Nói như Phạm Quang Nghị: “Để bảo vệ tính đa dạng và các giá trị văn hoá chung cao đẹp của toàn nhân loại chúng ta phải chống lại mọi sự áp đặt về chính trị, kinh tế và cả về văn hoá.”[249].
Chương 2
CÁC SẮC ĐIỆU CỦA CÁI ĐẸP VÀ CÁI CAO CẢ
TRONG VĂN XUÔI VIỆT NAM SAU 1975
2.1. Cái đẹp