Bi kịch xã hộ

Một phần của tài liệu Đâu là đặc trưng thẩm mĩ của văn xuôi Việt Nam sau 1975? (Trang 114 - 118)

Số phận cá nhân, cái phần đời tư nhiều đau khổ của con người thường gắn với cảm hứng thế sự. Bi kịch xã hội thường đi liền với môtip “sắm vai”.

Luận đề “sắm vai” đã được Nguyễn Minh Châu thể nghiệm trong một truyện ngắn cùng tên. Trong bối cảnh đời sống xã hội hậu chiến, bi kịch sắm vai thể hiện mối bất hoà, phần nào là sự cự tuyệt, của cuộc sống hoà bình

với những nhân cách được định hình bởi chiến tranh và những vai sống, những nghịch cảnh mà chiến tranh đã nghiệt ngã sắp đặt. Tướng Thuấn (Tướng về hưu) cay đắng hỏi con, hỏi đời và tự hỏi mình một câu hỏi lớn:

“Sao tôi cứ như lạc loài?”. Ông lạc loài bởi ông đang phải sắm những vai rất đỗi bình thường của một người đàn ông trong gia đình mà không thành. Con người ông thuộc về trận mạc, các vai người chồng, người cha, người ông... trong thời “thiên tuý” bất hoà với “thân thể” trận mạc của ông, một “thân thể” không chịu sự “cấy ghép” nào khác. Tướng Thuấn chết khi sự bất hoà ấy đã đến mức đỉnh điểm. Đó là cái chết của niềm tin. Hai Hùng, Ba Sương (Ăn mày dĩ vãng), Thai (Cỏ lau) đều là những con người nặng lòng với quá khứ, đã gửi trọn nghĩa lí đời mình cho quá khứ nên khắc khoải, dằn vặt khôn nguôi trong những vai sống hiện tại. Giá trị trong quan niệm của những con người ấy đang từng ngày chết đi cùng với khát vọng sống của chính họ. Tuy nhiên, môtip “sắm vai” còn mang ý nghĩa nhân sinh phổ quát, là vấn đề đặc biệt sâu sắc đối với những nơi đời sống vốn được tổ chức bởi những ràng buộc văn hoá đề cao tính cộng đồng. Bi kịch của Giang Minh Sài (Thời xa vắng) chỉ thực sự khởi phát khi chính anh ý thức về những cái vai mình vẫn sắm thực ra không phải đích thực là con người mình, mà không dứt ra được, mà thấy rõ cá tính của mình đang chết đi. Trong Bước qua lời nguyền (Tạ Duy Anh), hằn thù tập nhiễm bao đời mặc nhiên trói buộc, đặt để khiến cho số phận của con người, số phận của tình yêu trở nên bèo bọt, trớ trêu. Thật là dở khóc dở cười trước cái cảnh phân vai của cụ Hộ: “Khi cụ Hộ – bố của các ông phó – hấp hối, cụ mới đưa ra bảng phân vai. Đứa trước đây là cháu bây giờ thành con. Đứa trước đây là em thì bây giờ lên chú… đến nỗi đám con cháu thảm hại ấy như lạc vào mê cung ngôi bậc. Hoá ra thời mấy chục năm trước, khi các ông phó đi lính đồn trú cho Pháp thì cụ Hộ ngủ cả với mấy cô con dâu. Bà nào có mang liền lên bốt ở với

chồng vài tháng…”. “Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”, cứ như thế làm sao định thấy được đích thực ta là ai. Nhưng chỉ trớ trêu, nghịch lí thôi thì cũng chưa phải là bi kịch. Trớ trêu, nghịch lí trong

Bước qua lời nguyền đã dẫn đến sự huỷ diệt tình yêu chính đáng, đẹp đẽ của đôi trẻ như là sự huỷ diệt những giá trị cao quý của sự sống con người.

Câu chuyện tình yêu đẫm nước mắt giữa Vũ Sinh và Hạnh Hoa trong

Chuyện tình kể trước lúc rạng đông của Dương Thu Hương cũng mang tính xã hội sâu sắc. ý thức sống của cá nhân trỗi dậy tất yếu sẽ đặt ra trước hết vấn đề tình yêu, hạnh phúc riêng tư. Nhưng nhu cầu chủ động, tự do trong kiếm tìm hạnh phúc của cá nhân đụng độ với ý thức xã hội còn chưa phát triển tương xứng tất yếu dẫn đến một kết cục đau lòng. Cái chết của một mối tình trong sáng, chân chính đã dóng lên một hồi chuông cảnh báo đối với một xã hội còn chưa nhìn nhận đúng mức giá trị sống của cá thể. Sự nông cạn của Lựu, thói vô cảm của Hồng Thắm… đã khiến Vũ Sinh không thể sống với con người thật của mình. Kẻ phải sắm vai chồng đau khổ, người cố níu giữ vai vợ cũng ê chề không kém. Đúng như Mác từng nói: “Sự tha hoá của con người, và nói chung ở bất cứ quan hệ nào của con người với bản thân mình, đều chỉ được thực tại hoá, chỉ được biểu hiện ở các quan hệ ở các quan hệ của con người với những người khác.”[228;202]

Tình yêu, hạnh phúc, niềm tin, đạo lí… đó là những giá trị thường bị đem ra mà xé nát, mà đập vỡ trong những bi kịch xã hội.

Bi kịch xã hội còn được thể hiện ở kiểu hình tượng nhà văn như là cái chết của sáng tạo, của tài năng, nhân cách. Nhà văn nhạy cảm với thế sự đồng thời cũng thấm thía hơn ai hết nỗi đau thân phận của mình, cái thân phận thuộc về sáng tạo cái đẹp mà luôn có nguy cơ đánh mất mình, xoá đi cá tính của mình. Người hoạ sĩ sám hối trong Bức tranh của Nguyễn Minh Châu, nhà văn Kiên

trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh với cuốn tiểu thuyết bấn loạn bất thành... đặc biệt là môtip nhân vật nhà văn trong truyện Nguyễn Huy Thiệp. Có lẽ trong văn học Việt Nam, không một nhà văn nào hay suy ngẫm về “giới hạn và sứ mệnh” của văn chương như Nguyễn Huy Thiệp đã làm trong nhiều truyện ngắn của ông. Có thể kể ra đây những phát ngôn về thân phận đầy bi kịch mang tính bản thể của nghệ sĩ trong các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp: “Văn học không phải là tất cả. Không nên quá coi trọng văn học. Văn học chỉ là từ ngữ. Như những ngọn gió…” (Bài học tiếng Việt), Đồ Ngạn thấy chuyện làm thơ của mình “đê tiện” khi đứng trước một nhân vật mạnh mẽ như Hoàng Hoa Thám: “Anh là một thi sĩ ma vương… Anh đã làm những điều mà bọn văn chương suốt đời thèm muốn. Chúng không làm sao biến được ngọn bút chúng tôi thành ngọn giáo hay cái câu liêm” (Mưa Nhã Nam); “Chú là ai? Tại sao chú lại viết ra những thứ làm cho mọi người dằn vặt lòng mình? Chú có quyền gì? Ai trao cho chú cái quyền năng ấy? …Từ bản chất, tôi vừa căm ghét vừa sợ hãi, cảm phục những người như chú” (Quan âm chỉ lộ); “Văn chương là thứ bỉ ổi bậc nhất ! … Nó gây ra sự nổi loạn trong cuộc đời thường. Cuộc đời trôi đi đơn giản. Day đi dứt lại làm gì?” (Chút thoáng Xuân Hương); “Thưa ông, nghề nghiệp của ông thật nguy hiểm” (Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt); “Về cơ bản, nhà văn đứng về số đông nhân dân, đôi khi bất đắc dĩ còn là đại diện không công của họ, một danh chức hão huyền chẳng báu bở gì” (Tuổi hai mươi yêu dấu)... Dù ở trường hợp nào thì nhà văn đích thực bao giờ cũng là người chất chứa nhiều khả năng bi kịch: “tấn bi kịch đánh mất bản thân của những nhà văn tài năng và tâm huyết”[141;342], bi kịch của ý thức sáng tạo và khẳng định mình, bi kịch của tự do và thiết chế xã hội...

Trịnh Thu Tiết có một nhận xét sâu sắc: “Xung đột giữa bản ngã thực và những vai diễn mãi vẫn là một xung đột vĩnh cửu của cuộc sống – bởi cuộc

sống trong vai diễn bao giờ cũng là địa ngục.”[141;327].

Một phần của tài liệu Đâu là đặc trưng thẩm mĩ của văn xuôi Việt Nam sau 1975? (Trang 114 - 118)