Phải ở tiếng cười hài hước này, tiếng cười mà cả M. Bakhtin và Octavio Paz đều đều quan niệm nó gắn với sự ra đời của tiểu thuyết, tiếng cười khiến “bất cứ cái gì nó chạm đến đều trở thành nhập nhằng nước đôi”, tiếng cười thể hiện “tính toàn vẹn của bình diện trào tiếu của thế giới”, cái “chỉnh thể luôn biến đổi, mà con người cười cũng là một bộ phận trong đó”, văn xuôi Việt Nam sau 1975 mới bộc lộ một sự thay đổi sâu sắc.
Trong cuộc thảo luận về tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma do báo Văn nghệ tổ chức ngày 25/1/1991, Hoàng Ngọc Hiến nhận xét: “những chuyện bi hài ở xóm Giếng Chùa đã được Nguyễn Khắc Trường kể bằng giọng kể “Sự đời cứ diễn ra như thế”. (...) Nhiều điều nhếch nhác, tệ lậu đã được phơi bày. Nhưng trong giọng kể không có sự châm chọc dè bỉu, càng không thể nói đến sự đả kích, bêu riếu. Ngay đối với Thủ, nhân vật tiêu cực số một của tác phẩm, tác giả phân tích cặn kẽ những mưu mô và tâm địa nhưng không thể nói rằng tác giả có ác cảm với nhân vật nào. Nụ cười Umua, giọng văn rất hóm ngay khi nói về những sự việc nhếch nhác nhất chứng tỏ ở tác giả một tâm hồn khoan hoà độ lượng.”[288].
Thực chất, đặc điểm về tiếng cười hài hước (humor) này chỉ có thể xuất hiện trên cơ sở một hệ hình giá trị đã thay đổi căn bản. Hệ giá trị chuyển từ cao cả, đơn trị sang đời thường, đa trị. Không có căn cội này không thể có quan niệm, cái nhìn mới về thế giới. Cái châm biếm (satire) hoàn toàn có thể sinh sôi trên cơ sở một quan niệm đơn trị về thế giới. Nhưng cái hài hước
(humor) thì chỉ có thể được phát hiện và biểu hiện trong quan niệm về một thế giới với tính “nhập nhằng” cố hữu của nó. Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Thượng đế thì cười của Nguyễn Khải là những ví dụ tiêu biểu cho sự thay đổi quan niệm về tiếng cười như thế.
Trong Mảnh đất lắm người nhiều ma, sau cái chết thương tâm của Quềnh, để làm êm chuyện do cái đơn tố cáo, Phúc và Thủ quyết định “chôn lại” Quềnh, tác giả viết:
“Vậy thì lão Quềnh được ưu đãi hay lão phải chết hai lần? Chôn xuống rồi lại moi lên là điều xưa nay người ta cấm kị. Nhưng lão Quềnh ơi! Để được nằm trong bộ áo quan, nghĩa là được chết bình đẳng như những cái chết khác, lão phải vui lòng nhận thêm một sự vất vả khi đã nhắm mắt xuôi tay. Nghĩa là lão phải hi sinh một lần nữa để cứu danh dự cho những người khác đấy! Sứ mệnh của lão thế mà to! Thôi thì đại xá cho cái sự khôn ngoan của người đời, lão Quềnh à!”
Người kể chuyện giấu mặt cùng một lúc vừa chỉ trích bọn người táng tận lương tâm vì mưu mánh mà không tha cả người chết, vừa bộc lộ niềm xót thương cho số kiếp thê thảm của lão Quềnh, vừa than vãn cho cái sự trớ trêu của cuộc đời, lại vừa thản nhiên vì sự đời vẫn vốn tồn tại nhiều điều tai quái như thế. Một đoạn khác nói về cái sự làm ăn khôn ngoan của lão Hàm:
“Thời này người ta đua nhau sắm đồ đạc như lây lan một cơn sốt. Đói vẫn bóp bụng sắm. Đói mà được ngồi sa lông gỗ lát vũng vênh vang. Khách đến làm sao biết được trong bụng chủ nhà chứa những gì. Rau lang, sắn mốc hay cơm tám giò chả đã qua khỏi cửa miệng thì cũng là nhập khẩu vô tang, có giời lần! Con công hơn con quạ cũng là ở bộ lông, chứ vặt trụi đi thì ông quyền cao cũng như anh nhọ đít! Có quyền lo ô, lo ghế, dân chay lo gỗ sắm đồ! Càng sắm ông Hàm càng trúng mánh. Cứ nhẩn nha túc tắc mà mỗi năm thu
ngót tấn thóc, ngon như chén óc chó! Bằng mấy anh theo đuôi trâu ngoài đồng.”
Trong lời giễu nhại này, không hẳn là đồng tình cũng không hoàn toàn là phủ định cái thói sĩ diện hão của người nhà quê, cái sự lợi dụng khôn róc đời của lão Hàm, lại tái hiện được cả cái giọng điệu thô lỗ của một tay thợ mộc và cũng không loại trừ cả cái nhìn cảm thương cái sự nghèo mà vẫn gắng làm sang của người dân quê.
Pospelov cho rằng, hài hước xuất phát từ “Những tham vọng vu vơ muốn mình có giá trị trong đời sống riêng tư chứ không phải trong đời sống công dân – không đụng chạm đến lợi ích của toàn xã hội hoặc của cả một tập thể. Những tham vọng này gây tác hại cho những người có tham vọng ấy trong cuộc sống của họ hơn là gây tác hại cho những người xung quanh. Bởi vậy những người ấy gây nên một thái độ chế giễu không kết hợp với sự công phẫn mà chỉ kết hợp với sự thương hại, với nỗi buồn cho sự tự lừa dối và lầm tưởng của họ, buồn cho họ đã hạ thấp phẩm chất người của mình.”[324;201]. Nếu như tham vọng riêng tư, những lầm tưởng về giá trị sống của cá nhân, ngộ nhận về bản chất, quy luật đời sống... vốn là những hiện tượng phổ biến của nhân sinh, những lầm lạc thường thấy của nhận thức con người, thì tình cảm cảm thương khiến cho thái độ của chủ thể đánh giá, lí giải thẩm mĩ ở cái hài hước trở nên đa nghĩa, đa diện. Bông đùa, mua vui không phải đặc điểm bản chất của hài hước, cũng chưa nói lên tính "thiện ý" của hài hước.
Nguyễn Khải, với Thượng đế thì cười như một tổng kết đời người cũng cho chúng ta thấy biểu hiện của cái hài hước. Một ông già, tưởng chừng có thể trút bỏ thế sự phiền hà để rút về yên phận ở cái gia đình vốn xưa nay êm ấm nào ngờ lại rơi vào một tình huống: “Chồng bảy chục, vợ sáu mươi lăm, thời trẻ sống với nhau chả ai phải nghi ngờ lòng chung thuỷ của ai,
bây giờ sắp chết lại giở trò ghen tuông bóng gió!” Và “tôi” - hắn - nhân vật người kể chuyện suy ngẫm: “Cứ như một chuyện hài, một trò hề, không dè lại có ngày là chuyện đau đầu của chính hắn! Hắn vốn thích cười, thích nói đùa, thích thầm thì vào tai bạn bè nhiều nhận xét ngộ nghĩnh về những hành vi buồn cười, những cảnh ngộ dễ bật cười của người này người kia, cũng là những cái cười hiền lành, thư giãn chứ không có ác ý, nếu đương sự có nghe được cũng đến cười rồi bỏ qua. Nhưng cái thằng hay cười rồi cũng có lúc trở thành trò cười của thiên hạ, bạn bè đã đe thế, nhưng hắn vẫn cười vì tự nghĩ mình là người biết cách lui tới đời nào chịu làm bung xung để người khác có dịp chọc cười. Mà hoá ra đã từng là một nhân vật gây cười, khi diễn trò thì không tự biết, năm tháng qua đi nghĩ lại mới thấy tức cười. Vậy mà bạn bè lại không nỡ cười, chỉ trách nhẹ, thì ra các vị ấy còn thương hắn thật. (...) Đó là cái buồn cười không tự biết, vì tự mình cũng chưa lần nào dám nhìn thẳng vào cái nghịch lí ấy để thấy hết được tính hài hước của nó. (...) Riêng lần này thì ngay từ lúc bắt đầu đã thấy nực cười rồi, vì cái trái nghịch, cái vô lí đã được bày ra một cách trơ trẽn, chả có một cái nhân danh đẹp đẽ nào che đậy cả.”. ở đoạn văn này, Nguyễn Khải đã cho thấy sự chuyển đổi trong ý thức về đối tượng “cười” của nhân vật người kể chuyện. Có thể xem đây cũng chính là sự vận động nói chung của văn xuôi đổi mới trên con đường hài hước hoá. Nếu như ở châm biếm, đả kích, chủ thể cười tự tách mình ra khỏi đối tượng cười (nhân danh cái tích cực, tiến bộ), thì ở hài hước chủ thể cười không tự tách mình ra khỏi cái đối tượng – thế giới đáng cười, cười người cũng chính là cười mình. Và có thể ác ý được không nếu chính mình cũng là một phần cấu thành nên trạng thái đáng cười của thế giới. Như thế, nhà văn ý thức đầy đủ về tính chỉnh thể của thế giới, một ý thức cá nhân tích cực là cái cá nhân không tự biện biệt mình với đời sống, cho dù điều đó chỉ có thể có được ở một trình
độ phát triển cao của sự suy ngẫm về chính bản thể cá nhân mình.