Cái nhìn số phận và những kiểu dạng tiêu biểu

Một phần của tài liệu Đâu là đặc trưng thẩm mĩ của văn xuôi Việt Nam sau 1975? (Trang 112 - 114)

Khả năng khám phá con người của văn xuôi Việt Nam hiện đại đã được mở rộng cùng với kiểu nhân vật tính cách – bi kịch. ở một mức độ nào đó, nhân vật trong các tác phẩm thể hiện cái bi, mỗi người mỗi vẻ nhưng đều thể

hiện bản ngã của mình bằng sự tự do của ý thức. Đặc điểm này gắn liền với một đặc điểm khác: bi kịch trong văn xuôi Việt Nam chủ yếu là những bi kịch số phận. Nhận định về ý thức cách tân trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975, Bích Thu cho rằng: “Số phận con người trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhà văn. Nhiều cuốn tiểu thuyết đã hướng tới miêu tả số phận những con người bình thường với những bi kịch của đời họ. Bi kịch giữa khát vọng và thực trạng, giữa cái muốn vươn lên và cái kìm hãm, giữa nhân bản và phi nhân bản.”[217;230]. Quả vậy, nhớ đến nhân vật là người đọc nhớ đến những cuộc đời nhiều ngang trái, những số phận đau buồn. Cho nên, dù nhân vật bi kịch có được miêu tả trong dòng chảy hỗn độn của tâm tưởng Kiên trong

Thân phận của tình yêu hay giàu tính ẩn dụ như các nhân vật trong Thiên sứ

của Phạm Thị Hoài thì cũng không thuộc vào loại bi kịch siêu hình. Chỉ khi tất cả dành trọn cho sự thể nghiệm tuyệt đối một ý niệm, chìm đắm trong một suy tư triết học nào đó về nhân sinh thì bi kịch siêu hình mới có khả năng xuất hiện. Khi ấy cả xung đột lẫn nhân vật đều mang tính biểu tượng cao, kiểu như

Huyền thoại Sysiphe của A. Camus, Vụ án của F. Kafka. ở những tác phẩm kiểu này, cái bi và cái phi lí gắn kết với nhau vừa với ý nghĩa cảm hứng thẩm mĩ vừa với ý nghĩa là nguyên tắc xây dựng hình tượng. Với ý nghĩa cảm hứng thẩm mĩ, cái phi lí được quan niệm như là một dạng bi kịch phổ biến. Với ý nghĩa nguyên tắc xây dựng hình tượng, cái phi lí được biểu thị trong tính cố kết tự thân và mặc nhiên, phi lôgic, phi liên quan, mộng ảo, hư huyễn. Theo chúng tôi, trong văn xuôi Việt Nam, Con gái thuỷ thần của Nguyễn Huy Thiệp có màu sắc bi kịch siêu hình. Hành trình kiếm tìm con gái thuỷ thần, tín niệm giá trị của Chương đậm màu phi lí. Những thất bại nghiệm sinh thật ê chề, mà niềm say mê, động thái dấn thân cũng thật mạnh mẽ. Con người nếm trải bản thể mình trong cả nỗi đau lưu đày và niềm tin sống mãnh liệt, cả sự vô vọng và hoài mong khắc khoải mênh mang. Những câu hỏi lớn về kiếp

người, về sự sống đã vượt tràn ra khỏi khuôn khổ của một truyện ngắn: “Tôi cứ đi … Phía trước mặt tôi còn biết bao điều bất ngờ chờ đợi. Nàng là ai? Con gái thuỷ thần? Nàng ở đâu? Con gái thuỷ thần? Là tình chi? Con gái thuỷ thần? Để tôi mượn màu son phấn ra đi …”, “Con gái thuỷ thần ! Nàng ở đâu ! Nàng ở chỗ nào ! Vì cái gì? Bởi cái gì? Để tôi mượn màu son phấn ra đi …”.

ở tiểu thuyết của Phạm Thị Hoài, sau này là Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương hay trong phần lớn truyện của Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái... hoặc là cảm hứng về cái phi lí còn chưa gắn với những ý niệm trọn vẹn, hoặc là chủ yếu tồn tại trong sự chuyển hoá hài hước. Kiểu tư duy siêu hình không phải sở trường của phương Đông. Trong truyền thống văn học Việt Nam, ta có thể bắt gặp không ít những tấn bi kịch số phận, chẳng hạn số phận của người cung nữ trong Cung oán ngâm khúc, số phận Kiều trong

Truyện Kiều... Hơn nữa, dù chủ ý vượt thoát thì nhà văn của chúng ta khó lòng mà dứt ra khỏi “vô thức” hiện thực chủ nghĩa. Phương thức phản ánh của chủ nghĩa hiện thực đã từng là nguyên tắc sáng tạo của nhiều thế hệ nhà văn Việt Nam từ đầu thế kỉ XX vẫn đang tồn tại trong thói quen nghệ thuật đến mức có thể nói đến nó như một hiện tượng văn hoá, đã bén rễ vào tâm thức cộng đồng. Tất nhiên, bi kịch số phận cũng có nhiều sắc thái. Có thể dựa vào tính chất của xung đột, cũng là hạt nhân chủ đề của cái bi để tạm phân loại thành các dạng sau đây.

Một phần của tài liệu Đâu là đặc trưng thẩm mĩ của văn xuôi Việt Nam sau 1975? (Trang 112 - 114)