Hài hước phồn thực

Một phần của tài liệu Đâu là đặc trưng thẩm mĩ của văn xuôi Việt Nam sau 1975? (Trang 163 - 166)

Lã Nguyên đã có lần nói đến nhóm truyện “thể hiện cảm hứng trào lộng trang nghiêm (thuật ngữ của M. Bakhtin) trước vẻ đẹp của cuộc đời sinh hoá hồn nhiên”[263] trong sáng tác của Ma Văn Kháng. Có lẽ đây cũng là một biểu hiện khá đặc biệt của cái hài hước trong văn xuôi Việt Nam sau 1975.

Cái hài hước phồn thực có trong ca dao, thơ Hồ Xuân Hương, cả Vũ Trọng Phụng hay Nam Cao như trường hợp Chí Phèo và thị Nở đã phân tích ở trên. Phồn thực có nhiều biểu hiện. Nhưng chuyện tính giao nam nữ, chuyện tình dục là một biểu hiện trung tâm. Nếu như trong thơ Hồ Xuân Hương tiếng cười phồn thực gắn với nhu cầu tự khẳng định, ý thức bứt phá khỏi ràng buộc của lễ giáo phong kiến của người phụ nữ; văn xuôi hiện hiện thực phê phán đầu thế kỉ XX cái hài hước phồn thực chủ yếu nhằm tô đậm bi kịch nhân sinh, thì đến văn xuôi đổi mới sau 1975, hài hước phồn thực đã trở nên đậm chất và đa nghĩa hơn khi thả sức cười trước lòng đắm dục, ái dục của con người, bất kể là ai. Phê phán và hả hê khoái hoạt, nhục dục tối tăm và sinh sôi cao cả, truyền giống và khoái cảm thuần túy, vụng trộm lén lút và mạnh bạo hồn nhiên, giả dối và thành thực... tất cả đều cùng một lúc phát ra từ cái hài hước phồn thực thời đổi mới. Ma Văn Kháng có hai truyện, như hai cực âm dương của cái hài hước phồn thực tạo thành một cặp truyện: Những người đàn bà

Những kẻ rửng mỡ. ở Những người đàn bà, cái nhìn tính dục được nhìn từ những người đàn bà. ở Những kẻ rửng mỡ, chuyện tính dục được nhìn từ cái nhìn của những người đàn ông. Cái hả hê nhuốm tới cả sắc màu thiên nhiên: “Mặt trời ra khỏi vầng mây màu xà cừ, tung toé tia sáng. Trời mây quang quẻ, hừng lên vẻ khởi nguyên thời sáng thế.”. Trong những câu chuyện của những người đàn bà, họ gọi mụ Chí – ma xó (và tất cả những người đàn bà trong

truyện thực ra cũng đều tỏ ra rất “ma xó” với những câu chuyện chăn gối) là người khai mở những trận cười ngả nghiêng: “Mụ thì thào rằng chị Nhi, cán bộ Uỷ ban quận, sắp lên chủ tịch quận, bậc mẫu nghi thiên hạ chứ có phải thường đâu mà có tới hai anh nhân tình. Cứ mỗi khi chồng đi công tác xa, là lần lượt từng anh đến. “Ây dà, nó để dấu hiệu ở trước cửa à! Buộc cái khăn đỏ ở cửa là một anh. Buộc cái khăn trắng là một anh khác mà!”. Thế là tung toé hết cả ra như những tiếng cười thoả dục, tất cả những chuyện riêng tư, bấy lâu vẫn bảo tồn trong đêm đen. (…) Nhưng giống như cái nút chai đã mở, mọi bí ẩn thế là đã được khơi luồng.”. Và thế là, hoá ra cả Thơ, Huệ, bà Tài, Tươi đều đam mê chuyện tình ái, “Hoá ra còn một cuộc sống thầm thào chảy, ở bên dưới cuộc sống lộ thiên nhìn thấy. Thầm thào chảy, nhưng dạt dào vô cùng.”. Còn những người đàn ông thì: “Bọn các ông này hễ cứ gặp nhau trong lúc giải lao là lại tán chuyện đàn ông và đàn bà. Quái! Hết việc rồi hay sao! Lại nữa, đọc ở sách nào mà họ dám quả quyết rằng, theo Phật dạy, khởi thuỷ của mọi sự là dâm tính. Họ bảo cốt lõi của tình yêu là cảm giác thăng hoa của bản năng nhục dục. Họ bảo: đàn bà nghĩ ra hôn nhân để hưởng thụ.”. Vừa nhại vừa cảm khái, các ông già và người kể chuyện đều hoà làm một ở sự hài hước này: “Hoá ra ông Sức làm thơ tả bà Xuân, ông gọi bà Xuân là người đẹp mắt ướt, người đàn bà mắt ướt. Xuân, ôi, nàng là mĩ nữ không tuổi. Nàng là Tây Thi nhưng thật hơn và gợi cảm hơn người con gái nước Việt này. Nàng là cánh đồng tình lai láng sức xuân. Nàng là cái đẹp của thịt da, hình nét, thần thái, cái đẹp phồn thực tự nhiên. Và nói cho cùng, nếu không có người đẹp như nàng ở cõi đời này thì cuộc sống còn gì là kì thú!”. Ma Văn Kháng thường không kìm nén mà để người kể chuyện nhập vào dòng chảy sôi nổi của xúc cảm ái dục mà cảm khái hài hước: “Cha cha! Hoá ra lòng vả cũng như lòng sung. Tất cả bọn họ, đều giống nhau. Họ thú nhận, họ đều ngắm vọng, tôn thờ sắc đẹp của bà Xuân, và trong tơ tưởng, họ vẫn lặng lẽ nuôi

mộng tư tình với người đàn bà đẹp này. Phải thành thật với mình, phải dũng cảm lắm và vượt qua được lớp rào chắn cố hữu, đạt đến niềm tin rằng mình đúng, họ mới nói lên được sự thật giản dị đó, ôi chao. Tất cả đàn ông chúng ta đều mê phụ nữ đẹp!”. Có một hiện tượng đáng để suy ngẫm, Ma Văn Kháng không giấu diếm khi viết về lòng mê đắm tính giao của con người, vậy mà không thấy có ai chê trách, phê phán, giống như khi người ta phê phán cái nhục cảm trong truyện của Đỗ Hoàng Diệu. Đỗ Hoàng Diệu, tiêu biểu là

Bóng đè, đã phơi trên trang giấy cái khao khát dục tình của người phụ nữ, nhưng không phải qua cái nhìn hài hước. Còn Ma Văn Kháng lại hài hước ở những câu chuyện về lòng ham muốn tính giao như là cái muôn thủa hồn nhiên của sự sống. Phải chăng, cái hài hước, trong lợi thế “tiêu cực” của nó, cũng tạo ra sự bảo hiểm ở mức độ nào đó cho nhà văn? Hay những câu chuyện dục tình thường vẫn tồn tại trong dân gian cùng với trào tiếu như là bản chất lưu truyền của nó?

Hài hước phồn thực đã trở nên khá phổ biến, đem lại dư vị cho nhiều tác phẩm. Trong Đùa của tạo hoá, Phạm Hoa tô đậm cái khát khao dục tình của bà Thuận khi chồng không còn nữa: “Ngoại tình thì không bao giờ. Dứt khoát là như vậy. Nhưng bà vẫn mơ mộng ông Lí về. Bà lại ôm chầm lấy ông bằng cảm giác da thịt thật sự. Cả khối người, hai vòng tay, đùi ngực va chạm, xoắn xiết lấy nhau. Bà tận hưởng cái tuyệt diệu của tạo hoá: cứng và mềm, rắn và nhũn, tung và hứng, trên và dưới, tấn công và bị động. Nhiều lúc người đàn bà hổn hển, mồ hôi đầm đìa với cuộc tình mà tạo hoá đã buông tha. Có sự tính toán nào cân đong nổi được sự mất mát này chăng? Và bao giờ cũng vậy, tưởng đến tột đỉnh sự mãn nguyện, số phận lại thức tỉnh bà. Đó là đêm! Còn ngày, bà lại nghiêm ngắn chững chạc, bề thế. Đố thiên hạ bắt gặp bà có ánh mắt lẳng lơ, đa tình hay một câu đùa sàm sỡ.”. ở đây, dù đã xuất hiện sắc thái giễu nhại, để đến khi bà Thuận rất kĩ khi chọn cho con trai mình “con mái tốt”,

tướng mạo phải “có lợi cho việc sinh đẻ”, cũng đồng thời là bà mẹ cấm đoán, cay nghiệt đối với chuyện chăn gối của con bà. Nghịch lí nảy sinh, tiếng cười mỉa mai, chế giễu lên cao trào cùng với tình huống bi kịch. Đây là một biến thái của cái hài hước phồn thực. Biến thái này được đẩy đi xa hơn ở trường hợp Nàng Bua của Nguyễn Huy Thiệp hay Mười lẻ một đêm của Hồ Anh Thái. Nàng Bua, một thiếu phụ “cao lớn, đôi hông to khoẻ, thân hình lẳn chắc, bộ ngực nở nang mềm mại”, “lúc nào cũng tươi cười, tràn trề thứ ánh sáng cuốn hút lòng người”, ở một mình với chín đứa con mà không ai biết bố chúng là ai: “Những anh chàng thiếu niên miệng còn hơi sữa chưa đủ kinh nghiệm làm bố, những ông già từng trải, những người thợ săn dũng cảm, những kẻ hà tiện… (…) Bua nồng nàn với tất cả những người đàn ông đến với nàng và cũng lãnh đạm với tất cả những người đàn ông bỏ rơi nàng.”. Sự kiện nàng Bua bắt được hũ vàng và bỗng trở nên giàu có châm ngòi cho tiếng cười: “Người ta lần lượt tìm đến nhà Bua để nhận con mình. Các bà vợ nông nổi và thuỷ chung giục giã chồng mình đi nhận con về. Hoá ra không phải là chín ông bố, cũng không phải là hai chục nữa. Bọn họ có đến cả năm chục người.”. Người mẹ trong Mười lẻ một đêm của Hồ Anh Thái “Năm lần lấy chồng, năm lần li dị, mỗi lần li dị được một cái nhà”. Sự ham muốn xác thịt của người mẹ bao giờ cũng dính liền với cái ham muốn vật chất: “Mẹ ngửi thấy mùi đàn ông và mùi đất đều chén được.”.

Kiểu phồn thực chòng ghẹo, nổi loạn, nhiều khi là “thoái hoá” này, đã bắt đầu chuyển hoá thành cái hài hước đen, ở đó, cái hài hôn phối với cái phi lí trong cảm quan hậu hiện đại.

Một phần của tài liệu Đâu là đặc trưng thẩm mĩ của văn xuôi Việt Nam sau 1975? (Trang 163 - 166)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(197 trang)
w