Quan niệm về một thế giới vô minh

Một phần của tài liệu Đâu là đặc trưng thẩm mĩ của văn xuôi Việt Nam sau 1975? (Trang 169 - 176)

Cái phi lí trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 có cơ sở từ kiểu quan niệm nghệ thuật mang dấu ấn cảm quan hậu hiện đại. Kiểu quan niệm này được hình thành trong sự biến động của hệ hình giá trị như đã phân tích. Tuy nhiên, sự xuất hiện cảm quan hậu hiện đại còn có những đặc thù riêng của nó.

So sánh loại hình với văn xuôi Nga để xác định những yếu tố hậu hiện đại trong văn xuôi Việt Nam, Đào Tuấn ảnh đã đưa ra một cách tiếp cận và lí giải đáng chú ý: tương đồng loại hình của văn học hậu hiện thực xã hội chủ nghĩa. Đặt trong cái nhìn “hậu hiện thực xã hội chủ nghĩa” đó là một định hướng quan trọng để có thể giải thích về cơ sở hình thành những yếu tố hậu hiện đại trong văn học đổi mới từ sau 1975. Theo đó, thay vì những cơ sở văn hoá - xã

hội của chủ nghĩa tư bản hậu kì, kĩ trị ở trình độ phát triển cao, là phản ứng đối với chủ nghĩa cổ điển truyền thống, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa cộng với sự bùng phát của văn hoá đại chúng, sự xâm nhập của tư tưởng triết học, mĩ học... nước ngoài, nhất là phương Tây.

Có thể thấy phản ứng đối với chủ nghĩa cổ điển và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa qua ngôn ngữ giễu nhại trong chính sáng tác của Phạm Thị Hoài ở ví dụ đã trích dẫn trong mục 1.2.2.2.

Các sáng tác của Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái… cho thấy ở những mức độ khác nhau sự “phá sản”, “giải thể” của nguyên tắc “tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình”. Nhân vật xuất hiện không tên, thiếu mặt, không mặt, được kí hiệu hoá đơn thuần, đường viền lịch sử để hình dung về một gương mặt xã hội của con người cũng bị lược bỏ một cách cố ý. Số phận của nguyên tắc xây dựng hoàn cảnh cũng không may mắn hơn khi xuất hiện những liên văn bản, hay mô hình hoá theo kiểu “món nộm suồng sã”, khuấy trộn ngẫu hứng và tuỳ tiện khiến cho nó không còn là môi trường tự nhiên quy định những khuôn đúc nhân cách.

Những biểu hiện trên xuất phát từ một quan niệm mới về thế giới, quan niệm mang dấu ấn của mối hoài nghi đại tự sự, một sản phẩm hợp quy luật đổi mới của văn hoá - văn học Việt Nam kể từ sau 1975. Quan niệm về một thế giới vô minh, đó là quan niệm bao trùm những sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái.

Nhà nghiên cứu La Khắc Hoà từng nhận định: “Nói đến sáng tác của Phạm Thị Hoài hoặc Nguyễn Huy Thiệp, bao giờ tôi cũng nghĩ ngay tới câu chuyện về một thế giới vô nghĩa, vô hồn. “Thế giới vô hồn” là câu chuyện xuyên suốt toàn bộ sáng tác của Phạm Thị Hoài. “Cuộc đời vô nghĩa” là tứ truyện chi phối mạch vận động của câu chữ, hình ảnh trong sáng tác của

Nguyễn Huy Thiệp.”[136]. Và có thể ở các trường hợp khác là vô lí, vô lượng, vô ngôn, vô tận, vô lại, vô năng, vô danh, vô tri, vô ưu, vô thường, vô hình, vô ích…. Chúng tôi gọi điểm chung trong ý hướng về cái “vô” của các nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái... là quan niệm về tính vô minh của thế giới. Vô minh ở đây bao hàm 2 bình diện ý nghĩa: cái vô minh như bản chất tồn tại của thế giới hỗn độn, phi trật tự, phi trung tâmcái vô minh của nhận thức con người trong thế giới đó, cái hữu hạn của tri thức, kinh nghiệm. Cái phi lí trở nên sống động, phổ biến trong sáng tác của các nhà văn mang cảm quan hậu hiện đại.

Ta còn nhớ, trong truyện Sang sông, có một nhà sư thuộc làu kinh sách giảng giải về tâm cho ông giáo nghe song lại hoàn toàn im lặng và trở nên “vô ích”, không bằng tên cướp trong việc cứu chú bé. Thế sự vô minh, nhà sư cũng tỏ ra hết sức vô minh khi quyết định: “Thôi, tôi nghĩ lại rồi… Cho tôi quay về.”. Truyện Thiên văn kể về một “khách” sang sông, không tên, không rõ làm nghề gì; “khách” ngủ chập chờn khi bừng thức thấy thiên nhiên biến ảo không thể nắm bắt nổi: “Khách khép mắt ngủ lại chập chờn, cứ nghĩ chỉ chợp mắt không lâu. Thật ra, không phải thế. Thiên nhiên vẫn tính gian trá thời gian khi ta thiếp ngủ. Một lát sau khách thức dậy thì mặt trời đã đi một chặng xa rồi. Khách cúi người bên mạn đò, vốc nước rửa mặt. Chừng như không đã, bèn đưa tay bám chặt lấy thành đò rồi vục hẳn đầu xuống nước. Nước ấm áp dễ chịu. Căng mắt cố nhìn chỉ thấy một màu vàng đục nhức nhối. Không chịu nổi, khách lắc mạnh đầu rồi đưa tay dụi mắt. Khi định thần lại, khách bỗng giật mình vì trong khoảng khắc thiếp đi thiên nhiên đã trở mặt. Không còn ánh nắng. Không còn trời xanh.”. Cũng thiên nhiên ấy, có lúc “khách” thấy: “Mưa thưa hạt, gió dừng thì đò cập bến. Sóng liếm vào bãi cát từng đợt thèm khát, mệt mỏi, gợi dục.”; lát sau, khi lên đò, “Khách nhìn lại đằng sau, tự hỏi vì sao mặt sông rộng thế, lại mặc nhiên xa

lạ với mình, chẳng biểu hiện tình cảm gì.”. Kết truyện, tác giả đưa ra hai lời đồn, một lời đồn cho rằng “khách” là “thiên thần qua sông”, một lời đồn lại cho rằng “ấy là một thi sĩ”. Thế sự vô minh. Môtip “lời đồn” ở truyện Nguyễn Huy Thiệp đã cho thấy cái vô minh của thế sự, cũng là một phần tạo nên cái vô minh của thế giới như thế nào. Thiên nhiên thì đầy bất trắc: “Trời rất xanh. Giữa trời có đám mây trắng trông hệt dáng điệu một nhà hiền triết. Thoắt cái, gió xua mây đi, nhà hiền triết biến thành con chó xồm lớn.” (Nguyễn Thị Lộ). Tình cảm của con người không cố định, thoắt là thế này, thoắt lại là thế kia. Khoa học thì sao? Trong Những người thợ xẻ có đoạn đối thoại giữa Bường và Kháng sau khi Bường kể chuyện giết gấu: “Em trai ông Thuyết tên là Kháng ở Hà Nội lên chơi cũng ngồi uống rượu, hỏi đùa anh Bường: “Thế là bác làm việc thiện, việc nghĩa hoàn toàn chỉ do chán đời, có phải không?” Anh Bường vặn lại: “Thưa bác, bác hỏi em thế là hỏi thật hay hỏi xỏ?” Ông Kháng cười: “Tôi hỏi thật”. Anh Bường nghiêm nét mặt lại: “Em hỏi khí không phải, thế bác làm nghề nghiệp gì?”. Ông Kháng bảo: “Tôi dạy mĩ học ở dưới Hà Nội”. Anh Bường bảo: “Đấy cũng là nghề nghiệp hay sao? Theo tôi, khoa học về cái Đẹp là thứ hết sức vô hình, không có thực. Về thực chất, chuyên môn của bác là thứ bịp bợm. Hồi trước, tôi có đọc quyển sách của một tay Trecnôbưn nào đó (Anh Bường nhầm, thực ra đấy là N.G. Tsecnưsepxki), hắn nói: “Cái đẹp là cuộc sống”, điều ấy ẩn chứa một nụ cười lớn lao trong đó. Bác giảng dạy mĩ học, thế bác có nhận ra nụ cười ấy không?”. Ông Kháng bảo: “Xin lỗi, tôi không được trang bị kiến thức giống như của bác”. Anh Bường bảo: “Bác Kháng ạ, mời bác về bú tí mẹ”.”. Tất nhiên ta không thể đồng nhất tư tưởng của nhân vật với quan niệm nghệ thuật của nhà văn. Nhưng ở nhiều trường hợp, Nguyễn Huy Thiệp bộc lộ sự ngờ vực của mình đối với tri thức và trí thức như là những chân lí về nhận thức thế giới. Sự đểu cáng, bỉ ổi của Đoài trong thế giới

Không có vua là một sự giễu nhại giàu hàm ý, tiêu biểu cho quan niệm về sự vô minh ở khía cạnh này. Trí cũng là một chủ đề quan trọng trong Thiên sứ

của Phạm Thị Hoài, và tất nhiên nó gắn với dụng ý “hạ bệ” không thương tiếc. Nhiều khi, ở những tới hạn bi đát của sự vô minh, tưởng chừng như tác giả mở lối thoát vào huyền thoại, cổ tích, vào thơ. Nhưng rốt cục, huyền thoại bí ẩn, “trì đọng”, cổ tích không bao giờ nguyên khiết, là giả cổ tích, còn thơ cũng trừu tượng và trong cái nhìn tổng thể, liên văn bản, cũng lại là một sự hài hước khác ám dụ tính vô minh của cõi người.

Trong sáng tác của Phạm Thị Hoài cũng thường xuất hiện sự “khước từ” đối với lí trí, với tri thức và kinh nghiệm cộng đồng, chối bỏ và nỗ lực cởi thoát khỏi những “bộ đồng phục” áp đặt - những “siêu văn bản”, như là một xác tín cho tính vô minh của thế giới: “Cô bé không có chữ nào trong đầu, nên trông càng mê hồn.” (Người đoán mộng giỏi nhất thế gian); “Tôi bỏ ngoài tai những cuộc cãi vã vô tận của chị tôi và đám nhân tình về lẽ đúng, sai, tương đối hay tuyệt đối, vô hạn hay hữu hạn của các hệ quy chiếu. Người ta sẽ còn cãi vã suốt đời về những vấn đề không mấy liên quan tới chủ nghĩa dịu dàng và tình yêu”, “Có những kẻ may mắn, cánh cửa dẫn họ đến thế giới tri thức là loại cửa sơn son thếp vàng, được xếp hạng chính thức, mở vào 1 vùng ánh sáng soi tỏ những tượng đài tề chỉnh, họ chỉ việc bước đi trong vùng ánh sáng ấy, dưới những tượng đài ấy, rồi ở nơi nào đó, lại 1 cánh cửa sơn son thếp vàng khác chờ sẵn. Cánh cửa của tôi sặc mùi da thịt nhớp nhúa, đằng sau nó là bóng tối tội lỗi và bí ẩn, nhưng quyến rũ biết bao, vô tận biết bao.”, “Chao ôi, ý chớ khổng lồ và ngớ ngẩn!” (Thiên sứ)... Chối bỏ như thế, nhân vật của Phạm Thị Hoài thường trốn vào cái tôi nguyên khiết của mình, cái tôi chỉ có thể có được ở trạng thái mộng mơ huyền thoại, cái tôi “không xuất phát, không định hướng, tôi chỉ là môi trường cho các giấc mơ đi qua”: “Thực sự là đứa trẻ

đã mang sẵn một thế giới mộng mơ khổng lồ, bắt nguồn từ lòng mẹ, vụt nhận hình hài khi chào đời, tự do phát triển theo những quy luật không thể nắm bắt, và đột nhiên bị thế giới ngôn từ thâm nhập như một trong những ngoại tố phức tạp nhất, vừa phá huỷ, vừa định hướng, và thường là một định hướng sai lầm.” (Người đoán mộng giỏi nhất thế gian). Những đứa trẻ mãi mãi không lớn, hoặc là chưa kịp lớn đã trở thành thiên thần như bé Hon, hay tự đình sinh trưởng như Hoài (Thiên sứ) là sự kiếm tìm nghĩa lí như thế. Nơi không có lí trí, không còn khát vọng hão huyền nắm bắt cái cuộc đời vốn “nhìn chung là nhốn nháo”, là mộng mơ, tình cảm và tình yêu. Nhưng đến lượt cái nơi đích thực cuối cùng ấy cũng thật yếu đuối, thăm thẳm hư vô và chất chứa đổ vỡ, chia lìa. Cô bé Hoài đã tìm thấy tình yêu trong hình hài mơ mộng tuyệt đối của mình, nhưng vào phút cuối cùng, chỉ có cô đơn là thực: ““Mang em đi nhé!”; “Tôi chờ cô bé của tôi” Anh ta ngóng mãi, ngóng mãi, vô vọng, rồi bỏ đi, hoà làm 1 với cô đơn.”. Cuộc đời rời rạc, con người rời rạc, tất cả đã chứng thực cho tính chất vô minh của thế giới. Nguyễn Bình Phương với Trí nhớ suy tàn, Người đi vắng,

Thoạt kì thuỷ... cũng thể hiện quan niệm về một thế giới vô minh qua môtip “điên” và “mộng”: “Trong các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, thấy rõ sự ráo riết khắc phục những đoản mạch, đứt gãy, sự nguỵ tạo, tha hoá của hiện thực, nhằm chạm tới được thực tại bản nguyên, cái thoạt kì thuỷ tinh khiết, khôi phục lại ý nghĩa “đích thực” của “ngôn từ khởi thuỷ”[10].

Nguyên nhân của tình trạng bất hoà giữa Hoàng và Thuỷ trong Cơ hội của Chúa (Nguyễn Việt Hà) cũng chính là tình trạng không thể hoà giải giữa một người luôn hoài nghi, tự vấn và mơ mộng siêu hình với một kẻ luôn muốn “đạt đến chân lí một cách minh bạch khúc chiết” đấy thôi. Hay Hồ Anh Thái, ở Tự sự 265 ngày, Cõi người rung chuông tận thế, Bốn lối vào nhà cười, Mười lẻ một đêm… với dày đặc những cái méo mó nghịch dị từng

phát biểu: “Một cách biện chứng, người dễ thất vọng chính là kẻ đã đặt quá nhiều hy vọng vào con người. Nhưng sự chua cay không phải là hệ quả của sự thất vọng. Tôi đã nhại giọng chua cay của người này người khác theo lối tỉnh táo mà thấy rằng cả cái thực tại ấy, cả cái giọng chua cay ấy đều đi đến một kết cục tất yếu, hư vô và tức cười của kiếp người.”[566]; và có lần, trong một cuộc phỏng vấn về tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế, Hồ Anh Thái đã mượn câu chuyện về Đức Phật: “Sinh thời một triết gia vĩ đại như Đức Phật đã nắm gọn một nắm lá trong lòng bàn tay và chỉ vào cả khu rừng mà rằng: cuộc sống như lá rừng, mà những gì ta cần biết chỉ như chỗ lá ta nắm gọn trong tay này.”[567]. ở phần kết tác phẩm này, Hồ Anh Thái viết: “Rồi ít ngày nữa, chúng tôi sẽ rời chùa Bảo Sơn. Mai Trừng sẽ trở về với cõi người. Tôi sẽ trở về với biển. Cũng có thể dự định sẽ thay đổi. Chẳng có điều gì dám chắc. Cả hai nơi ấy đều có sóng ngầm, sóng dữ, sóng thần. Cả hai nơi đều có những kẻ chán làm người và những kẻ sung sướng được làm người bình thường.”, “Tôi ba mươi lăm tuổi. Tuổi ấy Đức Phật được giác ngộ. Có nhiều người đi qua tuổi ba mươi lăm mà mãi mãi không giác ngộ. Có những người giác ngộ trước cả tuổi ba mươi lăm. Ngộ muộn hay ngộ sớm, họ tất thảy đều đáng thương.”. Con người khó lòng mà thanh thản trước những hồi chuông như là “cơn mưa loảng xoảng của những mảnh gang thép”, “Cả cõi người sụp xuống dưới một cơn mưa kim loại.”, “bị nhấn chìm trong một trận hồng thuỷ ngập tràn kim loại”. Thiện – ác, lành – dữ… đều đã có kết cục, một kết cục không thể nói là không giàu tính lí tưởng. ấn tượng về sự hỗn độn, vô minh của cõi người mạnh mẽ hơn nhiều so với đức tin về “quả báo”.

Xin nhắc lại tư tưởng của A. Camus: "Thế giới này tự nó không phải là hợp lí, đó là tất cả những gì có thể nói được về nó. Nhưng cái tỏ ra phi lí là sự đương đầu giữa cái thế giới bất hợp lí với khát vọng điên cuồng muốn làm

sáng tỏ thế giới này mà lời cầu khẩn của nó đang âm vang trong sâu thẳm của con người. Cái phi lí phụ thuộc vào cả con người lẫn thế giới thực tại." (Một lập luận phi lí)[51;248]. Và cảm quan hậu hiện đại được hiểu như sau: “cái nhìn đặc thù thấy thế giới như sự hỗn độn không có liên hệ nhân quả và những định hướng giá trị, “một thế giới phi trung tâm hoá”, trong đó ý thức chỉ tồn tại trong dạng những đứt đoạn mất trật tự, hỗn độn, đó chính là định nghĩa về cảm quan hậu hiện đại.”[296;392]. Cái phi lí trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 đã hình thành trên cơ sở quan niệm về một thế giới vô minh in dấu ấn của một cảm quan như thế.

Một phần của tài liệu Đâu là đặc trưng thẩm mĩ của văn xuôi Việt Nam sau 1975? (Trang 169 - 176)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(197 trang)
w