Sự hình thành hệ thống giá trị thẩm mĩ mới 1 Quan niệm về “giá trị thẩm mĩ”

Một phần của tài liệu Đâu là đặc trưng thẩm mĩ của văn xuôi Việt Nam sau 1975? (Trang 26 - 31)

C. Mác từng viết trong Bản thảo kinh tế – triết học năm 1844: “Con vật chỉ xây dựng theo kích thước và nhu cầu của loài của nó, còn con người thì có thể sản xuất theo kích thước của bất cứ loài nào và ở đâu cũng biết vận dụng bản chất cố hữu của mình vào đối tượng; do đó con người cũng xây dựng theo các quy luật của cái đẹp.”[228;201]. ý nghĩa nhân học của văn học, như vậy, có cơ sở vững chắc bởi lẽ nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng là lĩnh vực đặc thù của việc sáng tạo, thể hiện và thưởng thức cái đẹp. Cái đẹp, dù theo quan niệm nào, cũng đều được xem là trung tâm của hệ thống thẩm mĩ, trung tâm của hệ thống các giá trị mang tính người. Cái đẹp là phạm trù chi phối quy luật, hướng mọi sáng tạo nghệ thuật tới giá trị đích thực của cuộc sống con người, cho cuộc sống con người. Tuy nhiên, phạm trù cái đẹp không trùng với khái niệm “giá trị thẩm mĩ”. Khái niệm “giá trị thẩm mĩ” chỉ tương đồng với phạm trù cái đẹp ở nghĩa rộng, khái quát. Trên thực tế, người ta thường xuyên phải đối mặt với vấn đề hết sức phức tạp là khác với các phạm trù như cái cao cả, cái bi hay cái hài, cái đẹp luôn tồn tại nhiều tầng bậc, phạm vi ý nghĩa. Có nghĩa chỉ cái bề mặt, lại có nghĩa chỉ biểu hiện ở tầng sâu, có nghĩa chỉ cái khách quan lại có nghĩa gắn với tính chủ quan của phán đoán, có nghĩa rộng, nghĩa hẹp…

Frederick Turner cho rằng: "Cái đẹp không chỉ là một khía cạnh được lựa chọn của nghệ thuật: nó là một đối tượng, một ý hướng của nghệ thuật", "cái đẹp không chỉ thuần là một quy ước mà cái đẹp là một khả năng và một nhu cầu cơ bản của con người"[127]. Lí Trạch Hậu thì cho rằng: "trong phạm vi mĩ học, cái từ đẹp có nhiều loại hoặc mấy tầng hàm nghĩa. Tầng loại hàm nghĩa thứ nhất là đối tượng thẩm mĩ, tầng (loại) hàm nghĩa thứ hai là tính chất (tố chất) thẩm mĩ, tầng (loại) hàm nghĩa thứ ba là bản chất và căn nguyên của cái đẹp. Cho nên phải chú ý xem từ "đẹp" này được sử dụng ở tầng (loại) nào."[116;66]. Nguyễn Văn Dân đã chú ý đến sự phân biệt 2 cấp độ đối với phạm trù cái đẹp: "Hiện nay có nhiều người cho rằng cần phải phân biệt cái

đẹp với tính chất là lí tưởng, là nhân tố khái quát, với cái đẹp với tư cách là phạm trù cục bộ, là biến thái của cái đẹp lí tưởng.", "Mặc dù không đồng ý với quan điểm coi cái đẹp lí tưởng là cha đẻ của các phạm trù khác, rằng các phạm trù khác chỉ là biến thái của nó nhưng chúng tôi cần phải khẳng định tính chi phối, tính khởi nguyên, tính quy luật và vai trò quyết định của nó trong hệ thống các phạm trù mĩ học. Ngoài cái đẹp lí tưởng này, chúng ta còn phải chấp nhận sự tồn tại của một phạm trù cái đẹp cục bộ, đứng ngang hàng với các phạm trù khác."[52;24-25].

Trong công trình Mĩ học cơ bản và nâng cao, M.F. ốp-xi-an-nhi-cốp đã quan niệm về cái thẩm mĩ trong sự phân biệt nó với cái đẹp và các phạm trù thẩm mĩ khác. Cái thẩm mĩ được bàn đến ở một chương riêng (Cái thẩm mĩ) và cái đẹp, cái cao cả, cái bi, cái hài được bàn đến ở một chương riêng (Các phạm trù thẩm mĩ). ốp-xi-an-nhi-cốp cho rằng: “Cái thẩm mĩ là một khái niệm bao quát, phản ánh cái chung vốn có ở các hiện tượng thẩm mĩ. Cái chung đó là: cái thẩm mĩ khách quan trong tự nhiên, xã hội, các sản phẩm sản xuất vật chất và tinh thần, hoạt động thẩm mĩ hay sáng tạo “theo quy luật của cái đẹp”; cái thẩm mĩ chủ quan, hay ý thức thẩm mĩ (tình cảm thẩm mĩ, cảm thụ, nhu cầu, đánh giá, lí tưởng…). Dĩ nhiên văn hoá nghệ thuật cũng thuộc khái niệm cái thẩm mĩ.”[310;100]. Như vậy, ý kiến của Mác về cái đẹp như đã dẫn thực chất là cái đẹp theo nghĩa rộng, tức là cái có “giá trị thẩm mĩ”. ốp-xi-an-nhi- cốp cũng chỉ ra: “thuật ngữ “cái đẹp” có cả nghĩa rộng lẫn nghĩa hẹp, tức là vừa với tư cách một phạm trù mĩ học tổng quát nhất, vừa với tư cách cái đẹp theo đúng nghĩa của nó, khác với các khái niệm mĩ học khác, chẳng hạn cái bi và cái hài, những khái niệm có quan hệ với những đặc trưng thể loại của văn học và nghệ thuật.”[310;100-101]. Ông khẳng định: “Các phạm trù “cái đẹp”, “cái cao cả”, “cái bi”, “cái hài” và nhiều khái niệm hẹp hơn quả là đã được biểu hiện khái quát trong cái thẩm mĩ, song suốt một thời gian dài, người ta

không nhận thức được điều này.”[310;101].

Trần Đình Sử trong bài Nghĩ về đặc trưng thẩm mĩ của văn học cách mạng 1945 – 1975 đã đưa ra ba bình diện – cấp độ mà ở đó đặc trưng thẩm mĩ của một hiện tượng nghệ thuật biểu hiện: “1. Đặc trưng của hình tượng cảm tính mà nghệ sĩ trình bày cho người đọc. 2. Đặc trưng cảm nhận khi tác phẩm truyền cho người đọc sức sống, niềm xúc động.3. Đặc trưng của cõi vĩnh hằng mà nghệ thuật vươn tới để con người tìm thấy sự tự khẳng định của chính mình.” [348;284]. Như vậy, bình diện thứ ba chính là cấp độ của hệ giá trị thẩm mĩ – cấp độ của lí tưởng, quan niệm thẩm mĩ. Cái mang giá trị thẩm mĩ là cái đã mặc nhiên bao hàm bộ ba giá trị chân – thiện – mĩ, là cái mang tính “hoàn thiện”, “có giá trị thẩm mĩ cao nhất."[108;41], và không chỉ là một giá trị [149] mà mặc nhiên là một hệ giá trị tương ứng với một hệ quy chiếu nhất định có tính nhân loại, tính dân tộc và tính lịch sử.

Như vậy, hệ thống giá trị thẩm mĩ là hệ thống các phẩm chất thẩm mĩ cao

nhất cần có cho cuộc sống mà khát vọng người nghệ sĩ hướng tới, nó vừa bộc lộ cá tính, vừa đại diện cho nhu cầu của thời đại, vừa có tính dân tộc đồng thời mang ý nghĩa nhân loại. Cái đẹp, cái cao cả, cái bi, cái cảm thương, cái hài, cái phi lí,… là những dạng phẩm chất thẩm mĩ khác nhau. Sự biểu hiện các dạng phẩm chất thẩm mĩ này trong thực tiễn nghệ thuật không tách rời lí tưởng, quan niệm thẩm mĩ. Hệ thống thẩm mĩ của mỗi thời kì nghệ thuật chịu sự chi phối của hệ thống giá trị thẩm mĩ được hình thành trong bối cảnh lịch sử – xã hội của thời kì đó. Hệ thống thẩm mĩ mang tính mở và có thể bao hàm cả những giá trị tiêu cực. Raymond Polin đã liệt kê những giá trị tiêu cực, bao gồm: cái gớm ghiếc, cái khủng khiếp, cái quá cỡ, cái sáo rỗng, cái khoa trương, cái rỗng tuếch, cái nhàm chán, cái nhạt nhẽo, cái tầm thường, cái xoàng xĩnh, cái tệ hại, cái rườm rà, cái lộn xộn, cái dị dạng, cái không hình thù, cái kì quái, cái mất cân đối, cái kì dị, cái lố lăng, cái buồn cười, cái thô bỉ,

cái màu mè, cái kiểu cách, cái vô duyên[328; 89]. Các giá trị tiêu cực chỉ mang tính thẩm mĩ, nghĩa là tồn tại với tư cách cái có giá trị thẩm mĩ, trong liên hệ chỉnh thể, tương quan với các yếu tố khác, được soi sáng bởi tư tưởng thẩm mĩ bao trùm, có khi trực tiếp lộ diện song phần lớn là hàm ẩn hết sức kín đáo, thâm trầm, ở chiều sâu cấu trúc nghệ thuật.

Văn học là một hình thái phản ánh thẩm mĩ. Văn học sáng tạo ra các giá trị thẩm mĩ. Cho nên đổi mới văn học nghĩa là đổi mới những giá trị thẩm mĩ. Nếu như phản ánh thẩm mĩ là phản ánh trong tình cảm thẩm mĩ thì đổi mới văn học trước hết cũng thể hiện ở đổi mới tình cảm thẩm mĩ. “Tình cảm thẩm mĩ” là thứ “tình cảm thứ hai”, tình cảm hình thành trên cơ sở thanh lọc, thăng hoa những thể nghiệm đời sống quá khứ, những suy ngẫm, nếm trải về cuộc đời, nó là tình cảm vừa có những hình tượng sắc nét lại vừa vượt lên trên những hơn thiệt, mất mát của cá nhân, đáng cho mọi người cùng thể nghiệm, hưởng thụ.”[352;33]. Nói cách khác đó chính là sự đổi mới mĩ cảm. “Mĩ cảm (aesthetic) là trạng thái tình cảm và ý thức khi con người tiếp xúc trực tiếp với đối tượng có khả năng tạo nên niềm hân hoan, vui sướng, thích thú, hoặc thương cảm, đau xót, buồn bã, hoặc mến phục, tôn kính… để từ đó, con người có một khát khao mãnh liệt bày tỏ những xúc cảm, rung động, ấn tượng, suy nghĩ và tư tưởng của mình đối với đối tượng đó bằng các hình tượng nghệ thuật.”[308; 22-23]. Cái tôi, số phận cá nhân con người, phong hoá xã hội thực dân nửa phong kiến… là đối tượng thẩm mĩ chủ yếu của văn học trước Cách mạng tháng Tám. Những nỗi buồn thảm, đau xót hay tiếng cười phê phán, hài hước… trong văn học giai đoạn này nảy sinh trên cơ sở những đối tượng ấy. Văn học cách mạng lấy đối tượng là sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người khỏi kiếp nô lệ lầm than và xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Tình cảm ngợi ca, tính lí tưởng cao cả trở thành nét tình cảm chủ đạo của văn học cách mạng. Sau 1975, đối tượng của văn học

mở rộng theo quy luật bình thường của đời sống hoà bình. Văn học phản ánh cái bình thường hằng ngày và tình cảm thẩm mĩ trở nên phong phú, đa dạng, đủ mọi cung bậc, sắc thái. Phản ánh thẩm mĩ là phản ánh hiện thực trong giá trị phổ quát của nhân loại. Bức tranh hiện thực ở các giai đoạn khác nhau của văn học Việt Nam cũng cho thấy những phương diện giá trị mang tính nhân loại khác nhau. Đời sống luôn hiện ra với những gương mặt mới bởi sự phát hiện của phản ánh thẩm mĩ. Vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, sức mạnh cộng đồng là giá trị mang ý nghĩa nhân loại mà văn học cách mạng của chúng ta đã đạt được, cũng là cái tạo nên sự đổi mới so với văn học trước đó. Đời sống hoà bình thời hậu chiến, bối cảnh văn hoá - xã hội mới có những đòi hỏi mới. Tính nhân loại của tình cảm thẩm mĩ cũng đòi hỏi được bộc lộ ở những phương diện khác so với thời chiến. Một loại hình tình cảm thẩm mĩ mới đã nảy sinh trên tính nhiều mặt của nhân sinh.

Văn học đã ý thức một cách tự giác về bản chất thẩm mĩ của nó, hoạt động sáng tác ngày càng được trả về đúng hơn với bản chất sáng tạo tự do của thẩm mĩ. Những tranh luận và sự điều chỉnh tư tưởng về cái thẩm mĩ đã diễn ra từ cuối thập niên 80 của thế kỉ XX, đến nay, ở những năm đầu của một thiên niên kỉ mới, vai trò nhận thức của văn học đối với đời sống đã ngày càng được hiểu thấu đáo, khoa học. Giá trị thẩm mĩ, như là khái niệm trung tâm của hoạt động sáng tạo nghệ thuật, đã được quan niệm trong sự khẳng định về thiên chức của nghệ thuật. Đúng như nhận định: “Phản ánh thẩm mĩ, mục đích của nó không nằm ở nhận thức, mà ở chỗ sáng tạo ra những giá trị thẩm mĩ, nhận thức của thẩm mĩ là vật phái sinh của giá trị thẩm mĩ, cho nên phản ánh thẩm mĩ xét về bản chất chính là sự sáng tạo thẩm mĩ.”[422;184].

Một phần của tài liệu Đâu là đặc trưng thẩm mĩ của văn xuôi Việt Nam sau 1975? (Trang 26 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(197 trang)
w