Cái cao cả được hiểu là “Phạm trù mĩ học phản ánh một thuộc tính thẩm mĩ khách quan vốn có của những hiện tượng và khách thể có ý nghĩa xã hội tích cực, có ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của các dân tộc hoặc toàn nhân loại. Thuộc tính ấy là tính vĩ đại, tính ưu việt như một sức mạnh tiềm tàng lớn.”[108;39].
Cái cao cả đã được giải thích từ thời cổ đại Hy Lạp, tiêu biểu là tư tưởng của Pxépđô Longin. Longin nói đến tư tưởng say mê phi thường vẻ đẹp của ngôn từ kết hợp với tư tưởng vĩ đại, sự vĩ đại của tinh thần thanh cao, nâng con người lên sự vĩ đại của thượng giới. Cái cao cả tạo nên sự bất tử. Cái cao cả tạo nên một kí ức về một cái gì mạnh mẽ không phải dòng suối nhỏ mà là sự vĩ đại của sông Nill, sông Đanuýp, sông Rhein, nhất là trong hình thức của
đại dương, núi lửa khổng lồ, dòng nham thạch nóng bỏng [152;140-141]. Kant cho rằng cái cao cả chỉ "đạt tới những ý tưởng của lí trí" mà không đạt tới "một đối tượng nào của tự nhiên" - và do đó mà không thể nằm trong một hình thức cảm tính nào.[146;37]. Hêghen nhận định về bản chất thẩm mĩ của cái cao cả: “Ta cần phải phân biệt giữa cái đẹp của lí tưởng và cái trác tuyệt. ở trong lí tưởng, yếu tố bên trong thấm nhuần cái hiện thực bên ngoài, nó là nội dung bên trong của hiện thực bên ngoài. Kết quả là cả hai mặt ăn khớp với nhau và chính vì vậy mà thâm nhập vào nhau. Trái lại ở trong cái trác tuyệt thì sự tồn tại bên ngoài (ở đây bản chất trở thành một đối tượng được chiêm ngưỡng lại bị hạ thấp so với bản chất) và sự hạ thấp nó xuống trình độ một cái gì phụ thuộc là phương thức duy nhất để khiến cho vị Thượng đế duy nhất (tự bản thân Người là không có hình dáng và về bản chất tích cực của Người là không thể biểu hiện bằng một cái gì trần tục và hữu hạn) lại có thể thể hiện được bằng nghệ thuật một cách trực quan. Cái trác tuyệt giả thiết một tính độc lập như vậy về ý nghĩa, so với nó thì yếu tố bên ngoài chỉ làm thành một cái gì phụ thuộc, bởi vì yếu tố bên trong không có mặt ở đấy mà vượt xa ra ngoài phạm vi của yếu tố bên ngoài. Kết quả là đối tượng được miêu tả đó là sự thoát li và sự tồn tại của yếu tố bên trong ở ngoài phạm vi của cái bên ngoài chứ không phải là cái gì khác trở thành đối tượng miêu tả.” (ở đây sublime được dịch là cái trác tuyệt)[118;592].
Luận giải về con đường hình thành tâm thức hậu hiện đại (Postmoderne), Jean-Franỗois Lyotard (1924-1998) cũng đã phân biệt giữa cái đẹp và cái cao cả. Ông cho rằng cái đẹp là cái có thể nắm bắt được, diễn tả được còn cái cao cả là cái “không-thể-diễn-tả-được”. Theo đó, nghệ thuật hiện đại là nền nghệ thuật dựa vào tính vô-hình thức của đối tượng, tránh dùng mọi hình tượng hay mô phỏng để nỗ lực cho thấy “có một cái gì-không-thể-diễn-tả-được”[226;20]. Từ đó Lyotard chỉ ra: “Tuy Hiện đại đã có công, chẳng hạn, trong nghệ thuật,
chỉ ra cái không-thể-diễn-tả-được, chỉ ra tính không thể nắm bắt hiện thực như cái toàn bộ, nhưng nó vẫn sầu khổ về cái chân trời đã mất, về việc tiêu biến đi của “cái đẹp” trong việc mô tả, trình bày. Ngược lại, hậu-hiện-đại “… nỗ lực đi tìm những sự diễn tả mới mẻ nhưng không phải để tận hưởng mà để mài sắc tình cảm rằng có một cái không-thể-diễn-tả-được””[226;21].
Từ những quan điểm trên, có thể hiểu về bản chất của cái cao cả như sau: (1) Trong tự nhiên và xã hội luôn có những sự vật, hiện tượng với quy mô
to lớn, vượt ra khỏi khả năng giác quan của cá thể. Đó là những cái không thể diễn tả được.
(2) Những chiều kích cực lớn trở thành phẩm chất thẩm mĩ cao cả khi con người cá thể tự nâng mình lên, thoát khỏi cảm giác choáng ngợp để có thể cảm nhận được vẻ đẹp của chiều kích đó. Sự biểu hiện cái cao cả trong nghệ thuật là sự biểu hiện cái không thể biểu hiện được, miêu tả cái không thể miêu tả được.
(3) Cái cao cả, với bản chất siêu việt của nó luôn là giá trị cần thiết cho sự sống nhân văn của con người, nó nâng đỡ con người, là điểm tựa để con người vượt lên cái hữu hạn, tính bất toàn của thế giới và cuộc đời. Biểu hiện cái cao cả, nghệ thuật một mặt khẳng định về tính bất tận của thế giới, mặt khác mài sắc giác quan, mở rộng khả năng tri nhận của con người đối với đặc tính đó của thế giới.
Như vậy, cái cao cả khác với cái đẹp – cái mà giác quan của cá thể có thể cảm nhận được và đem lại khoái cảm thẩm mĩ trong sự hài hoà. Các vấn đề cụ thể về cái cao cả cũng như những quan niệm trực tiếp của các nhà mĩ học về các vấn đề đó chúng tôi sẽ kết hợp trình bày trong những phân tích, lập luận cụ thể ở những nội dung nghiên cứu hữu quan.