Những tiền đề truyền thống

Một phần của tài liệu Đâu là đặc trưng thẩm mĩ của văn xuôi Việt Nam sau 1975? (Trang 45 - 48)

Trong văn xuôi Việt Nam sau 1975, từ vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên cho đến vẻ đẹp của con người, tất cả đều hết sức phong phú, đa dạng. Song đó không chỉ là số lượng của những nét vẻ khác nhau. Sự đa dạng của cái đẹp trong các tác phẩm là hệ quả của ý thức thẩm mĩ mới với sự chuyển đổi hệ thống giá trị từ cao cả thuần khiết, đơn trị sang đời thường phồn tạp, đa trị. Đó cũng là sự đa dạng của cái nhìn nghệ thuật, của quan niệm thẩm mĩ.

Sự đổi mới nào cũng dựa trên cơ sở của một truyền thống. Sự đa dạng của cái đẹp trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 cũng có tiền đề từ trong dòng mạch vận động của kinh nghiệm thẩm mĩ, từ truyền thống đến hiện đại, qua các giai đoạn phát triển khác nhau của lịch sử văn học, văn hoá Việt Nam.

Cái đẹp trong văn học trung đại Việt Nam nằm trong hệ giá trị đặc thù được sản sinh bởi đời sống lịch sử – xã hội, gắn với lịch sử tư tưởng, văn hoá thời trung đại, chủ yếu thể hiện lí tưởng thẩm mĩ của “văn hoá quần luân, trong đó bản chất con người bắt nguồn từ quan hệ cộng đồng, giá trị cá nhân nằm trong giá trị quần thể.”[344;174]. Cho đến trước thế kỉ XVIII, cái đẹp chủ yếu thể hiện “lí tưởng lớn, vì dân tộc, trong đạo đức phong kiến theo quan điểm Nho giáo hay trong sự siêu thoát với đạo lão, đạo thiền”[346;56]. Cái đẹp mà văn chương theo đuổi “là nội dung hợp đạo lí, có tác dụng giáo hoá, ở sự mực thước trung hoà, cao nhã, ở từ chương mĩ lệ…”[157;530]. Tất nhiên, chúng ta không quên, trong dòng mạch văn chương thông tục, nhất là từ thế kỉ

XVIII trở đi, cái đẹp đã trở nên phồn tạp, trần tục hơn. Truyện truyền kì đã thể hiện ở một mức độ nào đó chất phồn tạp đời thường: “Đó là thế giới vừa ảo vừa thực, có cả cái thấp hèn và cái cao thượng, có cả ma và thánh, quỷ và tiên…, đồng thời có cả những cái sinh hoạt thường ngày, ái ân, tình dục, ghen tuông, đố kị, lọc lừa.”[245;20]. Cái đẹp trong văn học trung đại trở nên phong phú hơn với quan niệm thẩm mĩ phi quan phương, thể hiện vẻ đẹp phồn thực mà rồi đây trong văn học thế kỉ XVIII – XIX nó trở thành cảm hứng khá dồi dào. Song nhìn chung, sắc điệu chủ đạo của cái đẹp lí tưởng trong ý thức văn học trung đại là cái đẹp cao cả. Trong sự miêu tả cụ thể, tính chất cổ điển của cái đẹp gắn với quan niệm về con người vũ trụ: “Con người là chung đúc khí sắc của đất, nước, được hình dung qua các hiện tượng thiên nhiên tươi đẹp như mây, núi, trăng, ngọc, tuyết, mai, lan, trúc, tùng…”[346;424]. Đến khoảng đầu thế kỉ XX, văn học Việt Nam bước sang phạm trù hiện đại trong bối cảnh đầy biến động của đời sống xã hội. Văn xuôi đã đạt đến một sự trưởng thành chưa từng có. Có thể nói đến sự đa dạng thẩm mĩ ở một mức độ nào đó, và tương ứng là sự đa dạng của cái đẹp trong văn học nói chung, văn xuôi nói riêng. Cần thận trọng khi liên hệ giữa sự đa dạng của cái đẹp trong văn xuôi nửa đầu thế kỉ với đặc trưng đa dạng hoá văn xuôi sau 1975. Xu hướng dân chủ hoá của tư duy nghệ thuật trong sự tiếp xúc với văn hoá phương Tây, sự thay đổi toàn diện các yếu tố của đời sống văn học đầu thế kỉ so với văn học trung đại đã tạo nên nền tảng mới cho các giai đoạn văn học tiếp theo, kể cả văn học 1945 – 1975. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa văn xuôi quốc ngữ trước Cách mạng tháng Tám (1945) với văn xuôi đổi mới sau 1975 có nhiều vấn đề đặc thù và phức tạp, ở đây chỉ bàn đến từ phương diện cái đẹp. Cái đẹp trong văn học 1945 – 1975 chủ yếu tồn tại ở trạng thái chuyển hoá thành sắc thái cao cả, phù hợp với cái nhìn sử thi về thế giới và con người trong bối cảnh văn hoá chiến tranh: “cái đẹp trong văn học cách mạng gắn với

ý niệm về Tổ Quốc trường tồn. Mọi cá nhân hữu hạn sẽ bất tử trong Tổ Quốc của mình”[348;290]. Sẽ không chính xác khi nói rằng văn học cách mạng 1945 – 1975 là sự hồi cố về giá trị văn học trung đại, ngay cả khi chúng ta đồng tình với quan điểm cho rằng đó là “một nền văn học phải đạo”. Giá trị của văn học cổ đã trở thành truyền thống, nhất là cái đẹp cao cả của nghĩa khí, tinh thần yêu nước, ý chí dân tộc,… Những giá trị ấy đâu phải không có trong văn học trước 1945. Sự tập trung phát huy mạnh mẽ những giá trị có tính truyền thống lâu bền ấy trong văn học cách mạng, nhất là với bối cảnh kháng chiến chống ngoại xâm, thống nhất đất nước là hoàn toàn hợp quy luật lịch sử, là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử.

Như thế, cũng có thể nói văn học trong chặng đường hiện đại hoá mạnh mẽ đầu thế kỉ XX đã tạo ra hệ thống các giá trị thẩm mĩ mà rồi đây, trong vận động đổi mới của văn xuôi sau 1975, những giá trị ấy lại xuất hiện, tất nhiên với một gương mặt khác, trong một tiềm lực văn hoá, bối cảnh đa dạng chưa từng có. Cái đẹp đậm chất thị dân hay vẻ đẹp đạo đức cổ điển trong văn xuôi Tự lực văn đoàn; cái đẹp lịch lãm ngang tàng, tinh tế, giàu trải nghiệm văn hoá trong văn xuôi Nguyễn Tuân; cả cái đẹp khoẻ khoắn, đậm tính chiến đấu, mang tinh thần dấn thân cao cả trong văn chương nghĩa sĩ cách mạng, trong thơ văn Hồ Chí Minh… sẽ không di thực đầy đủ tới giai đoạn 1945 – 1975, nhưng sẽ vẫn nảy nở phong phú trong văn xuôi từ sau tháng 4/1975. Nói như Phan Ngọc: “Từ khi đất nước thống nhất vào năm 1975, văn học Việt Nam bước vào một giai đoạn mới. Về cơ bản nó vẫn là sự thừa kế của văn học trong giai đoạn từ 1930-1945 trước cách mạng và giai đoạn văn học cách mạng (1945-1975)”[259;383]. Dĩ nhiên, bối cảnh đất nước kể từ sau ngày giải phóng, nhất là từ thời kì đổi mới mạnh mẽ đã tạo ra một cục diện thẩm mĩ mới trong đời sống tinh thần xã hội. Cái đẹp trong văn xuôi được thể hiện với một trình độ tư duy nghệ thuật, một hệ thống thẩm mĩ thực sự mới mẻ, ở đó

mọi giá trị thẩm mĩ vốn cực kì phong phú, đa dạng của đời sống được thức nhận và trải nghiệm ở những khả năng ngày càng mở theo chiều vô hạn đúng với bản chất sáng tạo của nghệ thuật. Xét ở cái nhìn lịch sử của hệ thống thẩm mĩ, một cách gần nhất, sẽ không có sự đa dạng hoá thẩm mĩ trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 nếu không đã từng có tiền đề đa dạng trong văn xuôi trước 1945 và sẽ cũng không thể có sự bùng nổ đa dạng của văn xuôi Việt Nam sau 1975 nếu đã chưa từng có những thành tựu không thể nói là không rực rỡ của văn học cách mạng 1945 – 1975. Cái đẹp trong ý niệm về Tổ Quốc trường tồn, Nhân dân bất tử của văn học cách mạng không hề mất đi mà nó tham gia vào một hệ thống mới, với những chuyển hoá, tương quan đa dạng với các giá trị thẩm mĩ khác. Về đặc trưng này, chúng tôi sẽ phân tích cụ thể khi bàn đến cái cao cả trong văn xuôi Việt Nam sau 1975.

Có thể hiểu sự đa dạng của cái đẹp trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 ở nhiều góc độ. Có sự đa dạng của cái đẹp ở góc độ đề tài, trong xu hướng biến đổi phạm vi đề tài. Có sự đa dạng của cái đẹp ở góc độ cá tính sáng tạo, cái nhìn mang quan niệm riêng của người nghệ sĩ. Có sự đa dạng bộc lộ qua sự vận động thẩm mĩ ở các chặng thời gian khác nhau. ở đây chúng tôi chủ yếu bàn đến sự đa dạng của cái đẹp trong hệ thống thẩm mĩ, ở khả năng tương tác của nó đối với những phẩm chất thẩm mĩ khác mà nổi bật là sắc điệu thẩm mĩ mới của cái đẹp trong quan hệ với cái bi.

Một phần của tài liệu Đâu là đặc trưng thẩm mĩ của văn xuôi Việt Nam sau 1975? (Trang 45 - 48)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(197 trang)
w