Gần gụi, trần tục và xa vời, mộng ảo

Một phần của tài liệu Đâu là đặc trưng thẩm mĩ của văn xuôi Việt Nam sau 1975? (Trang 51 - 58)

Những đối cực đẹp là biểu hiện của sự thay đổi nhận thức về vẻ đẹp của đời sống. Bản chất nhận thức của con người mang tính lịch sử. Bối cảnh văn hoá mới từ đầu những năm 80 của thế kỉ XX đã mở ra những chân trời mới cho sự nhận thức về giá trị cuộc sống và theo đó là giá trị thẩm mĩ trong ý thức nghệ thuật.

Trong văn xuôi, những vẻ đẹp mới được phát hiện phần nhiều cũng đồng thời là khi con người đã đối diện với những tình huống mà ở đó vừa có niềm hân hoan của tri ngộ vừa có nỗi đau, niềm xót thương, cay đắng. Đó là vì khi người ta được tự do hơn và bị thôi thúc, cuốn hút bởi những kì thú của cuộc sống muôn màu, phong phú đến ngổn ngang, khi cái nhìn nghệ thuật được đẩy đến những điểm mút rốt ráo, thì đồng thời với niềm vui say của nhà thám hiểm đặt chân lên được miền đất lạ, người ta cũng phải đối diện với những

nghịch lí, những giới hạn mới éo le, nghiệt ngã hơn rất nhiều những gì đã trải qua để đến được chốn ấy. Nguyễn Minh Châu có 2 tác phẩm đặc sắc: Bến quê

Chiếc thuyền ngoài xa. Hai tác phẩm này như một cặp biểu tượng, và trong liên hệ với nhau chúng gợi ra những chiều liên tưởng sâu sắc, độc đáo về cái đẹp trong bi kịch phổ biến của nhân sinh. Trong đó cái đẹp giản dị, quen thuộc mà kì bí, ngỡ ngàng và ngược lại. Bến quê kể về sự bừng ngộ của Nhĩ về vẻ đẹp, nghĩa lí của cuộc đời khi đã ở vào tình cảnh bi đát. Một con người “đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất” khi lâm bệnh nặng phải nằm liệt giường mới chợt nhận ra “một chân trời gần gũi, mà lại xa lắc vì chưa hề bao giờ đi đến - cái bờ bên kia sông Hồng ngay trước cửa nhà mình.”. Khi có thể tới được Bến quê một cách dễ dàng thì không nghĩ tới, không tới; khi không thể tới được thì lại “say mê”, “ham muốn” - đó là nghịch lí. Ngịch lí ấy nói lên một sự thật là: có khi, cái người ta mơ ước, khát khao, cái người ta không thể có không phải điều gì to tát, lớn lao mà lại là những điều hết sức nhỏ bé, thường tình. Người ta vươn tới chính những giá trị bình dị. Mảnh đất mơ ước ở ngay bến sông quê đây thôi. Và cái đẹp đã được thức nhận trong trạng thái hết sức khác thường của Nhĩ: “…mặt mũi Nhĩ đỏ rựng một cách khác thường, hai mắt long lanh chứa một nỗi mê say đầy đau khổ, cả mười đầu ngón tay Nhĩ đang bấu chặt vào cái bậu cửa sổ, những ngón tay vừa bấu chặt vừa run lẩy bẩy.”. Trong trạng thái hân hoan mà đau đớn ấy, vẻ đẹp của bãi bồi bên kia sông hiện ra: “cả một vùng phù sa lâu đời của bãi bồi ở bên kia sông Hồng lúc này đang phô ra trước khuôn cửa sổ của gian gác nhà Nhĩ một thứ màu vàng thau xen với màu xanh non – những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, hơi thở của đất mầu mỡ.”. Nhĩ uỷ thác cho con cái ham muốn cuối cùng của mình: đặt chân lên bờ bên kia sông. Cái đẹp lại hiện ra trong một niềm khao khát tột độ khi người con trai của anh “chùng chình” và có thể nhỡ mất chuyến đó cuối cùng trong ngày để tới được bờ bên kia sông, bởi vì:

“chỉ có anh đã từng trải, đã từng in gót chân khắp mọi chân trời xa lạ mới nhìn thấy hết sự giàu có lẫn mọi vẻ đẹp của một cái bãi bồi sông Hồng ngay bờ bên kia, cả trong những nét tiêu sơ, và cả cái điều riêng anh khám phá thấy giống như niềm say mê pha lẫn nỗi ân hận đau đớn, lời lẽ không bao giờ giải thích hết.”. Cũng trong chính tình cảnh bi đát khi giá trị của đời sống đã được thiết lập lại bởi thức nhận mới về cuộc sống ấy, Nhĩ mới nhận thấy vẻ đẹp của người vợ nhẫn nhục, chịu thương chịu khó, vẻ đẹp của những tấm áo vá gần gũi, thân thương, vẻ đẹp của những bàn tay chua loét mùi dưa của lũ trẻ hàng xóm. Tất cả như một sự phát hiện lần đầu. Luận đề về cái đẹp trong Chiếc thuyền ngoài xa rõ hơn khi nhà văn trao quyền tự sự cho một người nghệ sĩ nhiếp ảnh. Người nghệ sĩ thực hiện nhiệm vụ, đi săn những hình ảnh đẹp gặp phải một tình cảnh hết sức trớ trêu: một người đàn bà nhẫn nhục đến khó hiểu khi chấp nhận sống cùng người chồng vũ phu, chỉ vì nhu cầu sinh nhai đặc thù của dân miền biển và vì những đứa con. Cuộc sống có lí lẽ riêng của nó, chính người đàn bà xấu xí đau khổ không chịu bỏ người chồng thường xuyên đánh đập mình kia đã trở thành “người thầy” của cả người nghệ sĩ nhiếp ảnh lẫn Đẩu - chánh án huyện, khiến “Một cái gì mới vừa vỡ ra trong đầu vị Bao công của cái phố huyện vùng biển”. Cái đẹp, trong thế liên hệ tương quan với chân lí đời sống muôn thủa giản đơn vô cùng mà cũng phức tạp vô cùng, đã trở nên đặc biệt gợi cảm và chân thực. Đây là những đối cực đẹp, qua cái nhìn “vô tư”, trong ngần của tâm hồn, biểu thị một sự hoàn thiện trong quan niệm của người nghệ sĩ trước và sau khi trải nghiệm tấn bi kịch của người đàn bà miền biển:

- “trước mặt tôi là một bức tranh mực tầu của một danh hoạ thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ loè nhoè vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất

cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hoà và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào? Chẳng biết ai đó lần đầu đã phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức? Trong giâu phút bối rối, tôi tưởng chính mình vừa phám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn.”

- “Quái lạ, tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kĩ, tôi vẫn thấy hiện lên cái mầu hồng hồng của ánh sương mai lúc bấy giờ tôi nhìn thấy từ bãi xe tăng hỏng, và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ tôi cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh, đó là một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch, tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm. Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân dậm trên mặt đất chắc chắn, hoà lẫn trong đám đông…”

Cái đẹp tươi mới, phập phồng hơi thở đời thường cũng là cái đẹp bất tận, thẳm sâu của cuộc sống. Bến quê là gần mà không thể, cái đẹp không gì khác là những cái kề cận, hay là cái mà người ta chỉ có thể thấy được khi đã không thể, nên da diết, diệu vợi. Chiếc thuyền ngoài xa là xa xôi trong chính cái đích thực của cuộc đời gần gũi, nên cũng đầy nghịch lí, ngỡ ngàng như là chân lí vĩnh hằng của đời thực chất chứa đầy giông gió, thô tháp, tương phản đến trớ trêu.

Đẹp đa dạng trong tính đối cực gần – xa, trần tục – mộng ảo được thể hiện ở nhiều tác phẩm khác như Con gái thuỷ thần (Nguyễn Huy Thiệp), Chọn chồng, Cái bướm tung tăng (Ma Văn Kháng), Những phiên bản của đời (Hồ Thị Hải Âu), Sự bất hạnh của tài hoa (Đặng Thư Cưu), Bầy hươu nhảy múa

hành trình kiếm tìm cái tuyệt đối ngay trong cái thường nhật, một hành trình phi lí mà làm thành ý nghĩa của sự sống nhân văn như ở Con gái thuỷ thần

(Nguyễn Huy Thiệp), ánh trăng (Nguyễn Bản). Nguyễn Huy Thiệp để cho Chương khắc khoải theo hình bóng Mẹ Cả để mà trải hết thất vọng này đến thất vọng khác. Khi thì Mẹ Cả hiện hình thành vẻ đẹp của đứa bé gái với “tấm lưng trần dẻo dai loáng nước quẫy ở trước mặt, loang loáng dưới trăng, thật kinh dị, nhưng đẹp lắm”, khi lại là vẻ đẹp của cô gái “mặc quần , áo phông, áo bỏ trong quần, vai đeo túi”, “vừa bé nhỏ, vừa buồn, lại đẹp nữa.”, và không hoàn toàn thánh thiện khi cho Chương biết “hôn” là thế nào (“Tôi sửng sốt. Cái hôn bất ngờ làm tôi ngây ngất. Tôi thấy sung sướng. Cứ thế tôi lội xuống sông, bơi sang bên kia rồi lại bơi về. Trăng rất sáng, tôi thấy cuộc đời thật đẹp tuyệt vời.”), có lúc lại hiện hình thành người con gái xứ đạo với “những đường nét dứt khoát và quả cảm, vừa hồn nhiên vừa lãnh cảm”, và thậm chí chập chờn trong hình hài cô chủ trạc 32 tuổi, xinh đẹp, nằm ở trên giường với quan niệm về cái đẹp đồng nhất với nhục cảm, táo tợn mà không phải không có lí: “Cô chủ bảo tôi: “Anh vào đây…” Tôi bước vào phòng. Cô chủ bảo tôi: “Anh ngồi xuống đi. Tôi tên là Phượng. Còn anh, anh tên là gì?”. Tôi bảo: “Tôi là Chương, con ông Hùng”. Cô Phượng cười: “Anh ngồi xuống đi. Tên anh không ý nghĩa gì với tôi. Anh hãy nhìn xem. Tôi có đẹp không?”. Tôi bảo: “Đẹp”. Cô Phượng cười: “Anh vội vàng quá. Anh chưa biết thế nào là đẹp hay xấu nơi người đàn bà. Anh thấy tôi giàu, anh tưởng tôi đẹp. Anh thấy tôi học thức, anh tưởng tôi đẹp. Không phải thế! Nếu tôi đẹp, tôi phải nhìn thấy trong anh dứt khoát có những khao khát dục vọng”. Tôi cười buồn bã, không biết trả lời ra sao.”. Với ánh trăng, Nguyễn Bản để cho nhân vật của mình cả đời đắm chìm trong ấn tượng luyến ái thơ dại với vẻ đẹp của người chị “hơn tôi năm tuổi, họ ngoại xa. ấn tượng về vẻ đẹp của chị trở thành miền luyến ái hằn sâu trong kí ức thơ trẻ của “tôi”, đeo đẳng suốt cuộc đời, thành thứ “ánh trăng”

huyễn hoặc, biểu tượng về cái đẹp “tôi” theo đuổi và kiếm tìm trong cuộc đời, nó phá vỡ hết thảy, chi phối số phận. Hoá ra, có khi chính những kí ức hồn nhiên đằm sâu trong tiềm thức lại trở thành những tín niệm về cái đẹp, những giá trị cao nhất định hình thành quan niệm thẩm mĩ của mỗi cá nhân trong cuộc đời. Như thế, cái lãng mạn trong văn xuôi thời đổi mới cũng khác với cái lãng mạn trong văn học cách mạng. Chất thơ của đời thường gắn liền với số phận cá nhân, sự tự do trong trải nghiệm giá trị đời sống, kể cả những hư huyễn, ảo mộng, đắm đuối say mê trong giằng xé, đớn đau.

Đối cực đẹp có khi được đẩy thành sự đối đầu giữa những thành kiến, tị hiềm về giá trị như trong Những phiên bản của đời (Hồ Thị Hải Âu) hay Bầy hươu nhảy múa (Võ Thị Xuân Hà). Truyện Những phiên bản của đời được kể từ nhân vật “tôi” – người em, trong gia đình có 2 chị em gái. Chị là Phan Mĩ Thanh Dung, em là Phan Thị Lê: “Sự hiện diện của tôi bên cạnh như một thành tố hữu cơ để tôn thêm nhan sắc của chị. Bố mẹ tôi chừng mực: từ công việc, lối sống đến giọng nói. Lạ thay, lại sáng tạo nên hai tác phẩm, hai phiên bản của họ trái ngược nhau, đẩy chúng đến cực đoan, và tạo nên một thế giới đối trọng tuyệt vời. Chị tôi đẹp từ vóc dáng, bàn tay đến cái tên: Phan Mĩ Thanh Dung. Còn tôi, thế đối trọng của chị, một thân hình thấp béo, một khuôn mặt tầm thường và cái tên quá mộc: Phan Thị Lê.”. Lê giận dữ khi phát giác chị mình ngoại tình bằng nỗi “giận dữ rất thánh thiện” “của cái tốt bị xúc phạm”. Và cũng chính Lê đã thú nhận và nhạo báng chính mình: “Dẫu rằng chính tôi – Phan Thị Lê - đã trở thành người đàn bà chung chạ với biết bao nhiêu gã đàn ông trong tâm thức. Nơi cái vòng tròn cuối cùng của học thuyết Frớt, tôi là một kẻ sống thác loạn, không khác gì những kẻ đang bị lên án. Những trang tiểu thuyết lâm li, những cảnh phim khêu gợi, cứ rỉ rả chảy vào phần vô thức trong tôi, tấp đống. Hiện hình lúc này hay lúc khác. Méo mó. Rõ rệt. Mãnh liệt. Cuồng bạo. Tôi lặn ngụp trong đó. Tôi lặn lội trong đó.

Bệnh hoạn và bệnh hoạn… Nhưng tâm thức chỉ là tâm thức. Chẳng ai sờ mó được nó. Chẳng ai nắm bắt được nó để mà chì chiết, để mà lên án. Lương tâm tôi trong sạch. Cô Lê là tấm gương đạo đức và đoan chính rất mực mà các bậc cao niên chìa ra để răn dạy lũ con gái khi chúng bước vào cái tuổi khó xác định là cô bé hay cô gái.”. Cái đẹp được đặt trong xung đột giữa “nhục nhã và tự hào”, “cao siêu và thấp hèn”, và dường như để khẳng định về một cái đẹp dám là chính mình, như những giá trị tự thân, “chỉ thực và thực.”. Không phải cái đẹp gạt bỏ đạo đức mà có lẽ cần phải thay đổi khái niệm đạo đức trong một thời cuộc mà các giá trị đang trong quá trình thiết lập mới. Là gì thì chưa thật rõ, nhưng quyết thẳng thừng loại bỏ thói đạo đức giả, cái đẹp giả mạo. Trong Bầy hươu nhảy múa, Võ Thị Xuân Hà cũng đã tạo ra một tình huống truyện dựa trên sự tương phản của hai biểu tượng: “Hươu phương Bắc “tuyệt vời. Trắng bong và thơm hương xạ. Còn bên cạnh ta, bao giờ cũng chỉ là bầy hươu hôi hám. Hôi đến mức não lòng…”. Bầy hươu phương Bắc “tôi” chưa từng thấy, chỉ tồn tại trong mơ tưởng, là mộng ảo, là bầy hươu trong “nỗi thèm khát của Phương”; còn bầy hươu “ở đây”, trong vườn thú, là “Bầy hươu ghẻ lở ngơ ngác.”. Cái đẹp bất chợt được đánh thức, bởi vì dầu sao bầy hươu ở đây vẫn là cái tồn tại thực với “tôi”, dù vũ điệu của nó có thê thiết, buồn thảm thì nó vẫn là cái dành cho tôi: “Bỗng nhiên một con ngóc đầu cất giọng run rẩy. Cả đàn lặng phắc rồi nhốn nháo tung vó. Chúng xoay mình loạn xạ quanh mảnh đất ướt nhoẹt phân và bùn. Những bộ lông hoen rỉ rung bần bật. Những chiếc vó khẳng khiu bê bết tung cao và nhún nhảy. Những con mắt ướt tha thiết hướng lên bầu trời tím thẫm…”, “Bầy hươu ấy, Phương ơi, không hiểu chúng có biết rằng chỉ lát nữa thôi cả bầu trời sẽ rực hồng và ngày mới sẽ bắt đầu không nhỉ. Nhưng mà chiều nay mình đã thấy chúng nhảy múa xoay tròn quanh mảnh đất lầm bùn. Chúng đã nhảy múa cùng nhau, một điệu múa kiêu hãnh buồn thảm.”. Tác giả dân gian đã rất táo bạo khi nói: Lẳng lơ chết

cũng ra ma, Chính chuyên chết cũng khiêng ra ngoài đồng. Khi sự sống được đẩy đến những tới hạn phải bộc lộ chân dung trần trụi đầy chua xót thì cũng là lúc cái đẹp phải đối mặt với quy luật nghiệt ngã, phũ phàng. Và như vậy, nghệ thuật lên tiếng về sự cần thiết của cả vẻ đẹp thực và vẻ đẹp chưa từng tồn tại.

Một phần của tài liệu Đâu là đặc trưng thẩm mĩ của văn xuôi Việt Nam sau 1975? (Trang 51 - 58)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(197 trang)
w