3.2.3.1. Khái niệm
ODA là tất cả các khoản viện trợ không hoàn lại, viện trợ có hoàn lại và tín dụng ưu đãi của các chính phủ, các tổ chức thuộc Liên hợp quốc, các tổ chức kinh tế tài chính quốc tế, các tổ chức phi chính phủ dành cho các nước đang và chậm phát triển nhằm hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế của những nước này.
3.2.3.2 Đặc điểm của ODA
- Các nhà tài trợ bao gồm:
+ Chính phủ các nước, chủ yếu là các nước phát triển hoặc tương đối phát triển (cấp ODA dưới dạng này còn gọi là ODA song phương).
+ Tổ chức liên chính phủ: EC, OECD
+ Tổ chức thuộc Liên hợp quốc: UNCTAD, UNDP, UNICEF, UNIDO, WFP, FAO, UNESCO, WHO.
+ Tổ chức tài chính quốc tế: IMF, WB, WTO (PRGF Trust, MIGA), các ngân hàng phát triển khu vực (ngân hàng phát triển Châu Á, Châu Phi)
+ Các tổ chức phi chính phủ (NGO).
- Đối tượng nhận viện trợ: là chính phủ các nước đang và kém phát triển. Cá nhân và doanh nghiệp không được trực tiếp nhận ODA. Chính phủ là người đứng ra tiếp nhận ODA, nhận nợ với các nhà tài trợ như một khoản nợ quốc gia và là người phải trả nợ. ODA được tính vào thu ngân sách do đó việc sử dụng vốn ODA cho một dự án cụ thể nào đó được coi là việc sử dụng vốn ngân sách.
- ODA mang tính ưu đãi: lãi suất thấp, thời gian cho vay dài, có thời gian ân hạn (chỉ trả lãi, chưa phải trả gốc) và giá trị cho vay lớn.
- ODA mang tính ràng buộc: các nước nhận viện trợ phải hội tụ đủ một số điều kiện nhất định mới được nhận tài trợ. Điều kiện này tùy thuộc quy định của từng nhà tài trợ. Đó là các điều kiện về chính trị hay về thương mại. Xu hướng ràng buộc về chính trị ngày nay giảm dần về hình thức và chủ yếu là các ràng buộc về thương mại. Ví dụ: mua
49
hàng của nước viện trợ. Hay việc cải tổ hệ thống ngân hàng Việt Nam do WB tài trợ kèm theo các điều kiện về điều chỉnh hệ thống lãi suất, hệ thống các ngân hàng, hệ thống quản lý ngân hàng, quy trình hoạt động… theo quy chuẩn của WB. Tuy nói rằng các ràng buộc về chính trị không còn xuất hiện nhưng thực chất là các nước viện trợ nhờ vào ràng buộc kinh tế mà dẫn đến các ràng buộc chính trị.
- ODA có tính phúc lợi xã hội: lĩnh vực đầu tư của ODA chủ yếu là các lĩnh vực không hoặc ít sinh lợi nhuận. Đó là các công trình công cộng mang tính chất phúc lợi xã hội như giáo dục y tế, giao thông vận tải…
- ODA là nguồn vốn có khả năng gây nợ: Lĩnh vực đầu tư của ODA thường là các lĩnh vực ít sinh lợi nhuận (như xóa đói giảm nghèo, các công trình công cộng mang tính phúc lợi xã hội, giao thông vận tải…). Thêm vào đó, chủ đầu tư không trực tiếp quản lý dự án nên hiệu quả sử dụng vốn thường thấp và thường dẫn đến tình trạng nợ nước ngoài, có nước còn rơi vào tình trạng không có khả năng trả nợ. Vì thế, khi nhận viện trợ dưới hình thức này thì chính phủ các nước nhận viện trợ phải đề ra các mục tiêu phát triển kinh tế các khu vực được hưởng lợi từ ODA để thu nhập từ các hoạt động kinh tế khác mới có thể bù đắp chi phí.
3.2.3.3. Các hình thức của ODA
Có nhiều loại ODA, được phân loại theo những tiêu thức khác nhau: - Theo phương thức hoàn trả, ODA có 3 loại:
+ Viện trợ không hoàn lại: chiếm khoảng 57% tổng số vốn ODA.
Ví dụ: Ngày 20/12/2011 Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) viện trợ không hoàn lại 1,5 triệu USD giúp Việt Nam xây dựng “Dự án thí điểm cải thiện an toàn giao thông và khả năng chống chọi thiên tai” trên những cung đường nguy hiểm nhất thuộc tuyến quốc lộ chạy qua hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
+ Vay ưu đãi: với lãi suất ưu đãi (1 – 5% so với 7 – 9% trên thị trường vốn) nhưng phải hoàn trả lại vốn sau một thời hạn qui định.
+ ODA hỗn hợp: áp dụng một phần ODA không hoàn lại, một phần cho vay ưu đãi. Thậm chí có loại ODA kết hợp 3 loại hình: 1 phần không hoàn lại, một phần vốn vay ưu đãi, một phần tín dụng thương mại (lãi suất tính theo thị trường).
- Theo nguồn cung cấp vốn, ODA chia thành 2 loại:
+ ODA song phương: là khoản viện trợ trực tiếp từ nước này đến nước kia thông qua việc ký kết hiệp định chính phủ. Viện trợ song phương thường chiếm tỷ trọng trên 80% tổng vốn ODA của thế giới.
+ ODA đa phương: là hình thức viện trợ ODA cho các nước đang phát triển thông qua các tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB... Nguồn vốn đa phương được hình thành chủ yếu từ sự đóng góp của các nước công nghiệp phát triển.
- Theo cách sử dụng vốn, ODA chia làm 4 loại:
+ Dự án đầu tư: là hình thức đầu tư vào một công trình để trực tiếp tạo ra sản phẩm hoặc là dịch vụ xã hội như xây dựng cơ sở hạ tầng. Đây là hình thức đầu tư cơ bản chiếm 90% tổng trị giá đầu tư và 51% số dự án đầu tư ODA vào Việt Nam. Nguồn tài trợ chủ yếu dưới dạng vay với lãi suất ưu đãi.
50
+ Dự án hỗ trợ về kỹ thuật: là hình thức đầu tư cho việc thuê chuyên gia tư vấn, tổ chức đào tạo cán bộ, đi nghiên cứu khảo sát nước ngoài, chuyển giao công nghệ, trợ giúp hoạch định chính sách. Các dự án này thường sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại.
+ Chương trình: Đây là loại hình ODA trong đó người ta lồng ghép một hoặc nhiều mục tiêu với tập hợp nhiều dự án. Có thể phân loại các chương trình này theo mục tiêu và chính sách của các nhà tài trợ như sau:
o Các chương trình tăng cường cải cách cơ cấu kinh tế vĩ mô và thể chế của các tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB. Ví dụ, chương trình điều chỉnh cơ cấu kinh tế, chương trình nông nghiệp, chương trình tài chính - ngân hàng.
o Các chương trình hợp tác theo ngành kinh tế hoặc theo lĩnh vực xã hội của các nước hoặc của Liên Hiệp Quốc. Ví dụ: chương trình hợp tác Việt Nam–Nhật về đào tạo JDS.
+ Hỗ trợ ngân sách. Dạng hỗ trợ này có thể được thực hiện dưới dạng hàng hoá hoặc tiền mặt.
3.2.3.4. Các lĩnh vực ưu tiên sử dụng ODA
- ODA không hoàn lại thường được ưu tiên sử dụng cho những chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực: xóa đói giảm nghèo (ưu tiên nông thôn, vùng sâu, vùng xa); y tế, dân số và phát triển; giáo dục, phát triển nguồn nhân lực; các vấn đề xã hội (việc làm, nước sinh hoạt, phòng chống dịch bệnh và các tệ nạn xã hội); bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học; dự án phát triển; cải cách hành chính, tư pháp…
- ODA hoàn lại được sử dụng cho các chương trình và dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội như: năng lượng, giao thông, vận tải, thuỷ lợi, thông tin liên lạc, cấp thoát nước, y tế, giáo dục và đào tạo…