Lịch sử nước ta đã trải qua nghìn năm dựng nước và giữ nước. Từ sau cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước giành thắng lợi, Việt Nam được thống nhất và bước vào thời kỳ xây dựng kinh tế theo định hướng XHCN. Với cơ chế kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp, nền kinh tế Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn, bế tắc trong giai đoạn 1975- 1985. Chỉ đến tháng 12/1986, với Nghị quyết Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ VI về việc thực hiện đường lối đổi mới kinh tế và chính sách mở cửa, nền kinh tế Việt Nam mới thật sự được khởi sắc và bước đầu đạt được những thành tựu kinh tế quan trọng. Qua 15 năm đổi mới 1986-2000, kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, riêng thời kỳ 1991-1997 đạt mức trên 8%/năm, trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng trên 20%/năm. Cũng trong 10 năm qua, đã có hơn 3000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn đăng ký gần 40 tỷ USD được cấp giấy phép đầu tư tại Việt Nam. Nhiều ngành công nghiệp mới như dầu khí, điện tử, thông tin viễn thông, lắp ráp ôtô, xe máy… được phát triển nhanh chóng.
Nhưng đến nay, nhìn chung quy mô của nền kinh tế nước ta còn nhỏ bé kể cả chỉ tiêu GDP và kim ngạch xuất nhập khẩu so với nền kinh tế thế giới. Trong khi đó, tốc độ tăng dân số nước ta vẫn ở mức cao, khoảng 2%/năm, đứng thứ 13 trên thế giới. Do vậy, vấn đề cấp bách đặt ra là phải giải quyết tình trạng thất nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ cao và bền vững.
Cơ cấu kinh tế nước ta còn lạc hậu, trình độ công nghệ thấp, vẫn là một nền kinh tế phát triển ở giai đoạn khai thác tài nguyên và sức lao động là chính, hàm lượng khoa học – công nghệ và vốn trong sản phẩm còn thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém. Đây là những khó khăn rất lớn đối với quá trình tham gia vào phân công lao động quốc tế và thương mại quốc tế.
Bên cạnh đó, mức tích luỹ nội bộ nước ta còn thấp, GDP bình quân đầu người năm 2000 là khoảng 400 USD, còn thua xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chúng ta đang ở vào thời kỳ đầu của quá trình công nghiệp hoá, trình độ kỹ thuật và công nghệ còn lạc hậu so với các nước phát triển khoảng từ 30-50 năm. Bước sang thế kỷ XXI, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh quá trình đổi mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đối ngoại đã có bước phát triển khá, chúng ta đã gia nhập được vào cộng đồng tài chính quốc tế, mở rộng quan hệ ngoại giao và buôn bán với trên 150 quốc gia, tích cực tham gia vào các tổ chức kinh tế quốc tế và liên kết kinh tế khu vực.
Tuy nhiên, mặt bằng giá cả trong nước còn có sự chênh lệch đáng kể với giá cả quốc tế: một số hàng hoá và dịch vụ có giá cao hơn giá quốc tế (cước bưu điện, giá điện, giá thuê đất…) nhưng cũng có một số hàng hoá và dịch vụ trong nước có giá thấp hơn
101
giá quốc tế (giá một số thực phẩm, dịch vụ sinh hoạt, hàng tiêu dùng …). Điều đó cho thấy độ mở của nền kinh tế nước ta còn thấp, chưa khai thác triệt để lợi thế và những nguồn lực của nền kinh tế trong nước.
Hệ thống tài chính – tiền tệ nước ta chưa thật sự kết nối chặt chẽ với các nước trong khu vực do sự tham gia của nước ta vào liên kết kinh tế khu vực còn thấp… nên cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ ở Đông Á vừa qua tuy không ảnh hưởng trực tiếp nhưng cũng gây ra những khó khăn đáng kể cho lĩnh vực kinh tế đối ngoại nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Tác động tiêu cực này đã làm cho hoạt động đầu tư nước ngoài giảm sút nghiêm trọng, gây chậm trễ trong hoạt động xuất khẩu và sự mất ổn định của tỷ giá hối đoái.
Vị thế của nền kinh tế Việt Nam được thể hiện thông qua sự phát triển của lĩnh vực kinh tế đối ngoại, trước hết là nền ngoại thương và hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài.