Các công cụ phi thuế quan

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU ĐỌC KINH TẾ QUỐC TẾ (Trang 38 - 42)

2.4.2.1. Hạn ngạch (Quota)

a) Khái niệm

Hạn ngạch là quy định của nhà nước về số lượng cao nhất của một mặt hàng hay một nhóm hàng được phép xuất khẩu hoặc nhập khẩu từ một thị trường trong một thời gian nhất định (thường là 1 năm) thông qua hình thức cấp giấy phép (quota xuất nhập khẩu).

Hạn ngạch bao gồm hạn ngạch xuất khẩu và hạn ngạch nhập khẩu. Quota nhập khẩu là hình thức phổ biến hơn, còn quota xuất khẩu ít được sử dụng. Nhìn chung, WTO không cho phép các thành viên áp dụng biện pháp hạn ngạch. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, hạn ngạch có thể được áp dụng trên cơ sở không phân biệt đối xử như: được áp dụng một cách tạm thời để ngăn cản hay giảm bớt sự khan hiếm lương thực, thực phẩm hay các sản phẩm thiết yếu khác.

34

b) Tác động của hạn ngạch nhập khẩu

Hình 2.4: Tác động của hạn ngạch nhập khẩu

- Hạn chế số lượng nhập khẩu

- Làm giá nội địa tăng, tiêu dùng trong nước giảm, sản xuất trong nước tăng

- Không mang lại thu nhập cho chính phủ. Mang lại lợi nhuận cho những người xin được giấy phép nhập khẩu

- Cho biết trước số lượng hàng nhập khẩu  bảo hộ chặt chẽ hơn thuế nhập khẩu - Kiểm soát hạn chế nhập khẩu chắc chắn hơn so với áp dụng thuế quan nên bảo hộ sản xuất trong nước triệt để hơn.

- Nếu chính phủ bán đấu giá hạn ngạch thì một phần thiệt hại của người tiêu dùng còn được chuyển vào ngân sách. Còn nếu cấp phát hạn ngạch thì nền kinh tế không chỉ mất không 1 khoản mà còn là môi trường thuận lợi cho tham nhũng và tiêu cực

2.4.2.2. Những quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật

Nước nhập khẩu đưa ra các yêu cầu về tiêu chuẩn đối với hàng hóa nhập khẩu hết sức khắt khe. Hàng hóa không đáp ứng được những tiêu chuẩn đó thì không được phép nhập khẩu vào nước đó. Đây là những quy định về tiêu chuẩn vệ sinh, đo lường, an toàn lao động, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh phòng dịch…

Các rào cản kỹ thuật bao gồm:

- Quy định kỹ thuật và tiêu chuẩn: Tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật đều đặt ra các yêu cầu cụ thể về bề ngoài đối với sản phẩm. Các yêu cầu này có thể liên quan tới kích thước, hình dáng, thiết kế, độ dài và các chức năng của sản phẩm. Các yêu cầu này cũng có thể quy định về nhãn mác, đóng gói, ký hiệu sản phẩm và mở rộng tới các quy trình và phương pháp sản phẩm liên quan tới sản phẩm. Mục đích của các quy định kỹ thuật và tiêu chuẩn là bảo vệ an toàn, sức khoẻ của con người, bảo vệ sức khoẻ, đời sống động thực vật, bảo vệ môi trường, ngăn chặn các hành vi lừa dối.

Các tiêu chuẩn và quy định liên quan đến kỹ thuật là một trong những cản trở lớn nhất đối với việc tiếp cận các thị trường nước ngoài của các nước đang và kém phát triển vì những nước này chưa có đủ trình độ và kỹ năng về công nghệ sản xuất, chế biến cũng như công nghệ bảo quản độ an toàn cho các sản phẩm hàng hoá, nhất là các loại lương thực, thực phẩm.

35

- Kiểm dịch động vật và thực vật: (Hiệp định về các biện pháp Vệ sinh dịch tễ (SPS) của WTO) Nhìn chung các biện pháp kiểm dịch động thực vật là nhằm mục đích phát hiện ra dư lượng độc tố (kháng sinh, hoá chất) và dư lượng vi sinh (nấm, côn trùng) có trong sản phẩm.

- Thủ tục về đóng gói sản phẩm: Các thủ tục này có thể sẽ ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của các nước đang và kém phát triển (LDCs) sang thị trường của các nước phát triển vì các nước nhập khẩu nhiều khi không tin tưởng vào quá trình bao gói sản phẩm của các nước LDCs, mặt khác nhiều nước phát triển cho rằng các loại bao, gói sản phẩm từ các nước đang phát triển không có khả năng tái chế được sau khi sử dụng vì thế sẽ gây ảnh hưởng trong công tác xử lý chất thải của nước nhập khẩu.

- Yêu cầu về dán nhãn sinh thái: Dán nhãn sinh thái có nghĩa là các nước nhập khẩu yêu cầu các nước xuất khẩu phải thực hiện việc dán nhãn mác sản phẩm của mình theo những tiêu chuẩn nhất định nhằm ngăn chặn những ảnh hưởng về sinh thái cho các nước nhập khẩu. Sản phẩm được dán nhãn sinh thái nhằm mục đích thông báo cho người tiêu dùng biết là sản phẩm đó được coi là tốt hơn về mặt môi trường.

- Các yêu cầu về phương pháp sản xuất/khai thác và chế biến sản phẩm: xem xét

sản phẩm được sản xuất như thế nào và quá trình này có làm tổn hại đến môi trường hay không. Đã có rất nhiều tranh chấp thương mại liên quan đến PPMs như trường hợp Hoa Kỳ cấm nhập khẩu cá ngừ của Mexico và tôm của Thái Lan vì phía Hoa Kỳ cho rằng các nước này sử dụng phương tiện đánh bắt làm ảnh hưởng đến loài rùa biển.

- Các yêu cầu của người tiêu dùng: Nhiều nước phát triển áp đặt các điều kiện về

môi trường đối với các nhà xuất khẩu tại các nước đang và chậm phát triển. Các yêu cầu này liên quan đến các vấn đề như môi trường, lao động trẻ em và các quyền về con người, những yêu cầu này đã từng có ảnh hưởng rất nhiều tới cơ hội thương mại của các nước xuất khẩu.

Trên thực tế, các nước sử dụng công cụ này để bảo hộ thị trường trong nước. Những nước phát triển thường có lợi hơn các nước chậm phát triển trong việc áp dụng các quy định này. Hàng rào kỹ thuật rất đa dạng và ngày càng tinh vi, “khó thấy” hơn.

2.4.2.3. Phá giá

a) Bán phá giá hàng hóa (Dumping):

Bán phá giá hàng hóa là hành động mang sản phẩm của một nước sang bán ở một nước khác với mức giá xuất khẩu thấp hơn giá trị thông thường của sản phẩm đó (hoặc sản phẩm tương tự như sản phẩm đó) khi bán cho người tiêu dùng ở thị trường nội địa nước xuất khẩu.

Mục đích: đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa đến thị trường nhất định, cạnh tranh với nhà sản xuất ở nước nhập khẩu và các nước xuất khẩu khác vào thị trường đó , chiếm giữ thị trường, sau đó nâng giá trở lại, giành lợi nhuận độc quyền cao.

Nguồn bù vào tổn thất do bán giá rẻ bao gồm:

- Lợi nhuận thu được do bán giá cao ở thị trường trong nước. - Trợ cấp xuất khẩu của nhà nước.

36

b) Phá giá tiền tệ:

Tác động vào tỷ giá hối đoái, làm cho đồng tiền nội tệ mất giá so với đồng tiền ngoại tệ để hàng xuất khẩu trở nên rẻ hơn khi tính bằng ngoại tệ  có lợi thế cạnh tranh trên thị trường nước ngoài.

2.4.2.4. Hạn chế xuất khẩu tự nguyện

Hạn chế xuất khẩu tự nguyện là một hình thức hạn chế xuất khẩu mà theo đó nước nhập khẩu yêu cầu nước xuất khẩu phải hạn chế bớt lượng hàng xuất khẩu sang nước mình một cách “tự nguyện”, nếu không họ sẽ áp dụng biện pháp trả đũa kiên quyết.

Hạn chế xuất nhập khẩu tự nguyện có tác động giống như một hạn ngạch xuất khẩu, thường được áp dụng cho các quốc gia có khối lượng xuất khẩu quá lớn ở mặt hàng nào đó. Trong khi hạn ngạch được áp dụng chung thì hạn chế xuất khẩu tình nguyện chỉ áp dụng với một số nước xuất khẩu chủ yếu, do đó tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các thành viên.

2.4.2.5. Trợ cấp xuất khẩu

Là những ưu đãi về mặt tài chính mà chính phủ các nước dành cho các doanh nghiệp của nước mình nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ra thị trường bên ngoài.

Tác động của trợ cấp xuất khẩu:

Hình 2.5: Tác động của trợ cấp xuất khẩu

- Tự do thương mại: tiêu dùng Qd, sản xuất Qs, xuất khẩu GE

- Trợ cấp: mức cung nội địa giảm do mở rộng quy mô xuất khẩu Giá nội địa tăng từ P lên P’. Tiêu dùng trong nước giảm từ Qd xuống Qd’. Sản xuất trong nước tăng từ Qs lên Qs’, xuất khẩu tăng từ GE lên AB

- Diện tích EFB: chi phí nội địa tăng lên do sản xuất thêm nhiều sản phẩm để xuất khẩu

- Diện tích AGC: chi phí do giảm mức tiêu dùng trong nước

 Thiệt hại ròng do trợ cấp xuất khẩu: SEFB + SAGC

WTO cho phép các nước thành viên duy trì các hình thức trợ cấp không gây bóp méo thương mại hoặc gây tổn hại tới lợi ích của các nước thành viên khác. WTO cũng có qui định chặt chẽ về các loại trợ cấp có thể dẫn tới hành động và bị đánh thuế đối kháng; và các loại trợ cấp không dẫn tới hành động và bị đánh thuế đối kháng. Loại trợ

37

cấp thứ nhất là những trợ cấp cụ thể mà khi áp dụng chúng có thể ảnh hưởng xấu đến lợi ích của các thành viên khác. Những trợ cấp không cụ thể, hoặc tuy là cụ thể nhưng đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định, sẽ là trợ cấp không dẫn tới hành động và không bị đánh thuế đối kháng. Những trợ cấp này là những trợ cấp để trợ giúp các hoạt động nghiên cứu, hỗ trợ các vùng khó khăn hay hỗ trợ các doanh nghiệp hiện thời để đáp ứng các yêu cầu về môi trường.

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU ĐỌC KINH TẾ QUỐC TẾ (Trang 38 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)