3.1.1.1. Khái niệm
Đầu tư có đặc trưng là hy sinh một số thứ quý giá hiện nay để hi vọng có được lợi ích sau này từ sự hy sinh đó. Chẳng hạn như mua vàng, học tập có phải là đầu tư?
Hoạt động đầu tư là quá trình huy động và sử dụng mọi nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh nhằm sản xuất sản phẩm hay cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của cá nhân và xã hội.
Như vậy, đầu tư là việc sử dụng vốn vào một hoạt động nhất định nhằm thu lại lợi nhuận và/hoặc lợi ích kinh tế xã hội.
Vốn là các nguồn lực có thể huy động và sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm thu lại lợi ích cho chủ đầu tư. Vốn có thể là tài sản hữu hình như nhà xưởng, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, hoặc là tài sản vô hình như bằng phát minh, sáng chế, nhãn hiệu… hoặc là tài sản tài chính như tiền, các giấy tờ có giá…
Đâu tư có sinh lợi. Lợi có nghĩa là lợi nhuận và hoặc lợi ích kinh tế xã hội. Lợi nhuận là chênh lệch giữa thu nhập mà hoạt động đầu tư đem lại cho chủ đầu tư với chi phí mà chủ đầu tư phải bỏ ra để tiến hành hoạt động đầu tư đó. Lợi ích kinh tế xã hội là chênh lệch giữa những gì xã hội thu được với những gì xã hội mất đi từ hoạt động đầu tư. Ví dụ: Việc đầu tư xây dựng nhà máy giấy sẽ đem lại lợi nhuận sau này cho các nhà đầu tư. Thông thường thì tư nhân theo đuổi lợi nhuận còn chính phủ theo đuổi mục tiêu lợi ích kinh tế xã hội.
Đầu tư quốc tế và đầu tư nước ngoài là 2 tên gọi khác nhau của cùng một loại hoạt động của con người. Đứng trên góc độ của 1 quốc gia để xem xét hoạt động đầu tư từ quốc gia này sang quốc gia khác hoặc ngược lại, ta có thuật ngữ “đầu tư nước ngoài”, nhưng nếu xét trên phương diện tổng thể nền kinh tế thế giới thì tất cả các hoạt động đó được gọi là “đầu tư quốc tế”.
Đầu tư quốc tế là một hình thức của di chuyển quốc tế về vốn, trong đó vốn được di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác để thực hiện một hoặc một số dự án đầu tư nhằm đem lại lợi ích cho các bên tham gia. đặc điểm của đầu tư quốc tế là có sự di chuyển vốn qua khỏi biên giới quốc gia.
Về bản chất, đầu tư quốc tế là những hình thức xuất khẩu tư bản, một hình thức cao hơn của xuất khẩu hàng hóa. Đây là 2 hình thức xuất khẩu luôn bổ sung và hỗ trợ nhau trong chiến lược thâm nhập chiếm lĩnh thị trường của các công ty, tập đoàn nước ngoài hiện nay.
41
Đầu tiên, do trình độ phát triển không đồng đều của lực lượng sản xuất và sự mất cân đối về các yếu tố sản xuất giữa các quốc gia nên đầu tư quốc tế thực hiện nhằm thu lợi ích từ sự chênh lệch đó.
Trình độ phát triển cao ở các nước công nghiệp phát triển đã nâng cao mức sống và khả năng tích lũy vốn của các nước này dẫn đến thừa tương đối vốn ở trong nước, mặt khác làm chi phí tiền lương cao, nguồn tài nguyên thiên nhiên thu hẹp và chi phí khai thác tăng dần, làm cho giá thành sản phẩm tăng, tỉ suất lợi nhuận giảm, lợi thế cạnh tranh không còn. Do đó các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư nước ngoài để giảm chi phí sản xuất, tìm kiếm thị trường mới, nguồn nguyên vật liệu mới nhằm thu lợi nhuận cao. Ngoài ra chuyển dịch vốn, thiết bị sang đầu tư ở các nước khác để đổi mới thiết bị trong nước, việc đầu tư này còn kéo dài tuổi thọ của các sản phẩm của doanh nghiệp ở các thị trường tiềm năng.
Các nước đang phát triển cũng trông chờ và mong muốn thu hút được đầu tư, công nghệ của các nước phát triển để thực hiện công nghiệp hóa, khắc phục nguy cơ tụt hậu ngày càng xa.
Thứ hai, quá trình toàn cầu hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ, tạo môi trường thuận lợi cho sự di chuyển các nguồn lực, trong đó có đầu tư giữa các nước.
Hiện nay phần lớn các nước đều gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO); chấp nhận xu hướng tự do hóa thương mại và đầu tư. Trong điều kiện trình độ phát triển sản xuất, khả năng về vốn và công nghệ, nguồn tài nguyên, mức độ chi phí… ở các nước khác nhau, nguồn vốn đầu tư quốc tế với tư cách của các loại hàng hóa đặc biệt tất yếu sẽ tuân theo những quy luật của thị trường vốn là chảy từ nơi thừa vốn đến thiếu vốn theo tiếng gọi của lợi nhuận cao.
Thứ ba, sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học kỹ thuật cũng là động lực quan trọng thúc đẩy dịch chuyển đầu tư quốc tế. Điều này thể hiện trên hai phương diện:
Một là yêu cầu đầu tư ngày càng lớn đòi hỏi phải có sự hợp tác giữa các quốc gia (trong lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hàng không…). Chằng hạn như việc sản xuất Airbus A380: Phần lớn cấu trúc của A380 được chế tạo tại Pháp, Đức, Tây Ban Nha, và Vương quốc Anh. Các bộ phận của A380 được cung cấp bởi các nhà cung cấp từ khắp nơi trên thế giới; năm nhà cung cấp lớn nhất tính theo giá trị là Rolls-Royce, Saphran, United Technologies, General Electric, và Goodrich. Các phần phía trước và phía sau của thân máy bay được chuyển lên tàu vận tải của Airbus bằng trục lăn, cảng Ville de Bordeaux, tại Hamburg ở miền bắc nước Đức, từ đó họ được chuyển đến Vương quốc Anh. Cánh của máy bay được sản xuất tại miền bắc xứ Wales; được vận chuyển bằng sà lan đến cảng Mostyn và sau đó được chuyển lên các tàu chở hàng. Tại Saint-Nazaire ở phía Tây nước Pháp, các tàu chở những phần thân của máy bay từ Hamburg để lắp ráp lại với nhau. Trong đó bao gồm cả một số bộ phận ở mũi máy bay. Sau đó các bộ phận này được chuyển đến và dỡ xuống cảng Bordeaux. Các tàu này tiếp tục bốc các phần bụng và đuôi của máy bay tại nhà máy Construcciones Aeronáuticas SA tại Cádiz phía Nam của Tây Ban Nha và sau đó lại chuyển về cảng Bordeaux. Từ đó, các bộ phận A380 được vận chuyển bằng sà lan đến Langon và được vận chuyển
42
đến điểm láp ráp cuối cùng tại Toulouse. Sau khi hoàn thành công đoạn lắp ráp, nó sẽ bay đến sân bay Hamburg Finkenwerder để được hoàn thiện và sơn.
Hai là vòng đời công nghệ ngày càng ngắn, dẫn đến nhu cầu đầu tư và chuyển giao công nghệ ra nước ngoài tăng lên. Đầu tiên, các nhà sản xuất đạt được lợi thế độc quyền xuất khẩu nhờ cho ra đời những sản phẩm mới. Trong giai đoạn đầu, sản phẩm được tập trung sản xuất tại quốc gia phát minh. Khi sản phẩm trở nên chuẩn hóa, các nhà sản xuất sẽ thực hiện đầu tư nước ngoài nhằm tận dụng lợi thế chi phí sản xuất thấp thể hiện qua giá yếu tố đầu vào rẻ và chính sách ưu đãi ở nước sở tại và ngăn chặn đánh mất thị trường vào nhà sản xuất địa phương.
Thứ tư, đầu tư quốc tế là một phương thức hữu hiệu để vượt qua hàng rào bảo hộ ngày càng tinh vi, chặt chẽ của các nước, xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường, bành trướng sức mạnh của các tập đoàn xuyên quốc gia.
Cuối cùng, đầu tư quốc tế là một hình thức quan trọng nhằm nâng cao uy tín quốc tế và thực hiện các mục đích chính trị.