2.3.2.1. Xu hướng tự do hóa thương mại
- Tự do hóa thương mại là sự nới lỏng, mềm hóa sự can thiệp của Nhà nước hay Chính phủ vào lĩnh vực buôn bán quốc tế.Tự do hóa thương mại mang lại lợi ích cho mỗi quốc gia dù trình độ phát triển có khác nhau và nó phù hợp với xu thế phát triển chung của nền văn minh nhân loại
- Nội dung của tự do hóa thương mại: Từng bước giảm thiểu trở ngại trong hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong mậu dịch quốc tế nhằm tạo điều kiện phát triển thương mại quốc tế.
- Mục tiêu của tự do hóa thương mại: Mở cửa thị trường nội địa cho hàng hóa nhập khẩu và tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu.
Kết quả của tự do hóa thương mại: thị trường nội địa được mở cửa để hàng hóa, công nghệ, dịch vụ quốc tế dễ dàng xâm nhập vào thị trường nội địa, việc xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ra nước ngoài cũng được tạo điều kiện thuận lợi
2.3.2.2. Xu hướng bảo hộ mậu dịch
- Bảo hộ mậu dịch là sự gia tăng can thiệp của Nhà nước hay Chính phủ vào lĩnh vực buôn bán quốc tế. Cơ sở khách quan của xu hướng này là sự phát triển không đồng đều và sự khác biệt trong điều kiện tái sản xuất giữa quốc gia. Ngoài ra còn có các lý do về chính trị và xã hội khác dẫn đến yêu cầu về bảo hộ mậu dịch.
- Mục tiêu: bảo vệ thị trường nội địa trước sự thâm nhập của các luồng hàng hóa bên ngoài, bảo vệ lợi ích quốc gia
- : Các lý lẽ ủng hộ bảo hộ mậu dịch
+ Bảo vệ những ngành công nghiệp còn non trẻ, chưa đủ sức cạnh tranh Các ngành non trẻ không thể cạnh tranh ngay trong một vài năm đầu tiên với các đối thủ nước ngoài dạn dày kinh nghiệm. Nếu áp dụng chính sách tự do buôn
31
bán có thể bóp chết các xí nghiệp non trẻ này ngay từ khi chúng mới sinh ra. Do đó, nếu áp dụng một hình thức thuế quan tạm thời đánh vào hàng nhập khẩu, hạn chế nhập khẩu sẽ cho các doanh nghiệp này thêm thời gian để trưởng thành, đủ sức chống lại sự cạnh tranh từ nước ngoài. (Tuy nhiên, có ý kiến phản bác: có thể giúp đỡ bằng các biện pháp khác như hỗ trợ tài chính với lãi suất ưu đãi, trợ cấp… chứ không nên hạn chế nhập khẩu vì sẽ gây nên méo mó trong tiêu dùng)
+ Tạo thêm nguồn thu cho ngân sách
Theo đó, các loại thuế nhập khẩu là cần thiết để đảm bảo nguồn thu cho chính phủ đáp ứng các chi phí trong việc cung cấp các hàng hoá công cộng, để tiến hành việc trả nợ và giải quyết các khoản chi phí khác. Trong các loại thuế khác nhau đã được áp dụng như thuế doanh thu, thuế thu nhập hay thuế tiêu dùng, thuế nhập khẩu vẫn ít gây ra méo mó trong hoạt động thương mại hơn cả và việc thực thi sẽ có nhiều thuận lợi hơn do việc buôn bán quốc tế được tập trung ở một số cửa khẩu.
+ Khắc phục tình trạng thất nghiệp
Các loại thuế nhập khẩu đánh vào các sản phẩm có thể thay thế nhập khẩu sẽ tạo điều kiện để mở rộng thêm sản xuất các loại sản phẩm ấy và tạo việc làm cho người lao động trong nước. Vì khi đó, các hãng có thể trả cho người lao động mức lương cao hơn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng thuế nhập khẩu là một loại trợ cấp việc làm, song việc trợ cấp này chỉ diễn ra ở những ngành sản xuất hàng hoá có thể thay thế nhập khẩu (khu vực này là hạn chế), mặt khác trợ cấp này lại không chỉ riêng cho việc làm (hay lao động) mà tương đương cho việc đánh thuế cả các yếu tố sản xuất khác như đất đai, vốn, nguyên liệu (không cần thiết hoặc không tốt). Hơn nữa, ở đây có nguy cơ là các quốc gia khác sẽ có biện pháp trả đũa.
+ Thực hiện phân phối lại thu nhập
Các loại thuế nhập khẩu sẽ làm dịch chuyển một phần thu nhập của những người tiêu dùng giàu có hơn sang cho những người sản xuất các loại hàng hoá được sản xuất ở trong nước tương ứng các hàng hoá nhập khẩu. Điều đó sẽ có lợi về mặt xã hội. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng thuế quan nhập khẩu chưa hẳn là đáp ứng được mục tiêu mong muốn, như trường hợp của Nhật Bản và các nước trong cộng đồng Châu Âu đánh thuế nhập khẩu vào nông sản dẫn đến tình hình thực tế là nhiều nông dân không hẳn đã nghèo và nhiều người tiêu dùng nông sản không hẳn đã là giàu.
2.3.2.3. Mối quan hệ giữa xu hướng tự do hoá thương mại và xu hướng bảo hộ mậu dịch
Về mặt nguyên tắc thì hai xu hướng đó đối nghịch nhau vì chúng gây nên tác động ngược chiều nhau đến hoạt động thương mại quốc tế. Nhưng chúng không bài trừ nhau mà trái lại thống nhất với nhau, một sự thống nhất giữa hai mặt đối lập. Trong thực tế, hai xu hướng cơ bản này song song tồn tại và chúng được sử dụng một cách kết hợp nhau. Tuỳ theo trình độ phát triển kinh tế của mỗi nước, tuỳ theo các điều kiện và đặc điểm cụ thể mà người ta sử dụng và khéo léo kết hợp giữa hai xu hướng trên với những mức độ khác nhau ở từng lĩnh vực của hoạt động thương mại quốc tế.
Về mặt lịch sử, chưa khi nào có tự do hoá thương mại một cách hoàn toàn đầy đủ và trái lại cũng không khi nào lại có bảo hộ mậu dịch quá dày đặc đến mức làm tê liệt
32
các hoạt động thương mại quốc tế (trừ trường hợp có sự bao vây cấm vận hoặc có chiến tranh xảy ra).
Hai xu hướng này thường được kết hợp với nhau trong quá trình xây dựng chính sách thương mại quốc tế của các nước, trong đó xu hướng bảo hộ mậu dịch được điều chỉnh theo hướng giảm dần và xu hướng tự do hóa thương mại ngày càng được tăng cường. Vận dụng bảo hộ mậu dịch có chọn lọc, linh hoạt. Việc thực hiện bảo hộ phải gắn liền với quá trình tự do hóa thương mại.
Các công cụ của bảo hộ mậu dịch từng bước được chuyển dần từ những biện pháp truyền thông (thuế quan, hạn ngạch) sang các biện pháp hiện đại hơn (rào cản kỹ thuật, chính sách chống bán phá giá…).