Trong các phần trước, chúng ta thấy rằng sự khác nhau về giá cả sản phẩm so sánh giữa hai quốc gia là bằng chứng của lợi thế so sánh và trên cơ sở đó hình thành mậu dịch có lợi cho đôi bên. Tuy nhiên, tại sao lại có sự khác nhau đó thì các nhà kinh tế học cổ điển Adam Smith, David Ricardo... đã không thể giải thích được. Theo họ, chỉ có một yếu tố duy nhất, đó là lao động và sự khác nhau về năng suất của các yếu tố đó là lý do cho mậu dịch giữa các quốc gia. Còn tại sao lại có sự khác nhau về năng suất lao động và các yếu tố sản xuất khác thì phải đợi đến Heckscher và Ohlin (sau này có thêm Samuelson là nhà kinh tế học người Mỹ) là các nhà kinh tế học người Thuỵ Điển mới giải thích được nguồn gốc.
So với lý thuyết cổ điển, lý thuyết H – O không những giải thích được bản chất của lợi thế so sánh mà còn cho phép phân tích được tác động của thương mại quốc tế đến giá cả các yếu tố sản xuất và quá trình phân bổ tài nguyên và phân phối thu nhập giữa các quốc gia, cũng như trong mỗi quốc gia.
2.2.6.1. Các giả thiết của mô hình H – O
Lý thuyết H – O được xây dựng trên một số giả thiết nhằm làm cho vấn đề nghiên cứu trở nên đơn giản hơn và trực tiếp hơn. Những giả thiết đó là:
- Đối tượng nghiên cứu chỉ bao gồm hai quốc gia (quốc gia 1 và quốc gia 2), hai sản phẩm (sản phẩm X và sản phẩm Y) và hai yếu tố sản xuất (lao động và vốn). Ý nghĩa của giả thiết này làm cho việc minh họa lý thuyết trên đồ thị hai trục dễ dàng hơn.
- Cả hai quốc gia có cùng một trình độ kỹ thuật công nghệ như nhau. Bản chất của giả thiết này là, nếu giá cả các yếu tố sản xuất là giống nhau thì để sản xuất một đơn vị sản phẩm thì các nhà sản xuất ở hai quốc gia sẽ sử dụng cùng một lượng lao động và vốn như nhau. Tuy nhiên, vì giá cả các yếu tố thường là khác nhau trong mỗi quốc gia nên các nhà sản xuất sẽ sử dụng nhiều hơn yếu tố nào rẻ hơn để đạt tới chi phí sản xuất là nhỏ nhất.
- Các mặt hàng khác nhau sẽ có hàm lượng các yếu tố sản xuất khác nhau. Trong trường hợp này, sản phẩm X là sản phẩm sử dụng nhiều lao động hơn so với vốn và Y
25
đòi hỏi nhiều vốn hơn là lao động để sản xuất ra nó. Nói một cách chính xác, điều đó có nghĩa là tỷ lệ lao động trên vốn của X cao hơn so với của Y ở cả hai quốc gia tại cùng một giá cả yếu tố.
- Hiệu suất theo quy mô không đổi (constant returns to scale) trong sản xuất cả hai sản phẩm ở hai quốc gia. Giả thiết này có nghĩa là sự tăng lên về số lượng lao động và tư bản để sản xuất bất cứ sản phẩm nào đều làm tăng sản lượng sản phẩm đó đúng như thế. Ví dụ: Nếu quốc gia 1 tăng 10% lao động và vốn để sản xuất X thì sản lượng X cũng tăng lên 10%. Nếu tăng gấp đôi thì sản lượng X cũng tăng gấp đôi. Đối với Y cũng tương tự.
- Cạnh tranh hoàn hảo tồn tại trên cả thị trường hàng hoá lẫn thị trường yếu tố sản xuất: Mức giá trên thị trường là duy nhất và được xác định bởi cung cầu và về dài hạn giá cả hàng hoá đúng bằng chi phí sản xuất.
- Chuyên môn hoá là không hoàn toàn trong sản xuất ở cả hai quốc gia. Giả thiết này có nghĩa là ngay cả khi có trao đổi thương mại, hai quốc gia vẫn tiếp tục sản xuất cả hai sản phẩm. Có nghĩa là không có quốc gia nào là nhỏ.
- Các yếu tố sản xuất có thể di chuyển tự do trong mỗi quốc gia nhưng không thể di chuyển giữa các quốc gia. Nghĩa là trong mỗi quốc gia, lao động và vốn là tự do di chuyển từ vùng này sang vùng khác, từ ngành này sang ngành khác, từ nơi có tiền công thấp đến những nơi cao hơn.
- Thị hiếu hay sở thích tiêu dùng của hai quốc gia giống nhau. Nếu hai quốc gia có cùng mức thu nhập và mức giá cả hàng hoá thì sẽ có xu hướng tiêu dùng lượng hàng hoá như nhau. Trên đồ thị thì giả thiết này có nghĩa là hình dạng và vị trí của đường bàng quan là đồng nhất ở cả hai quốc gia.
- Thương mại quốc tế là hoàn toàn tự do, không tính chi phí vận chuyển, không có thuế quan và những cản trở khác. Giả thiết này là chuyên môn hoá sản xuất cứ tiếp tục cho đến khi mức giá tương quan là như nhau ở hai quốc gia.
2.2.6.2. Khái niệm hàm lượng các yếu tố và mức độ dồi dào các yếu tố
Lý thuyết H – O được xây dựng dựa trên hai khái niệm cơ bản là hàm lượng các yếu tố và mức độ dồi dào của các yếu tố.
a) Hàm lượng các yếu tố sản xuất:
Một mặt hàng được coi là sử dụng nhiều lao động (có hàm lượng lao động cao) nếu tỷ lệ giữa lượng lao động trên vốn sử dụng để sản xuất ra một đơn vị mặt hàng đó lớn hơn tỷ lệ tương ứng các yếu tố đó để sản xuất ra một đơn vị mặt hàng thứ hai. Tương tự, nếu tỷ lệ giữa vốn trên lao động là lớn hơn thì mặt hàng được coi là có hàm lượng vốn cao (sử dụng nhiều vốn).
Ví dụ, mặt hàng X được coi là có hàm lượng lao động cao (sử dụng nhiều lao động) nếu: Lx / Kx > Ly / Ky. Trong đó, Lx và ly là lượng lao động cần thiết để sản xuất một đơn vị X và Y, Kx và Ky là lượng vốn cần để sản xuất ra một đơn vị X và Y.
Giả sử muốn sản xuất một X thì phải dùng 1K và 4L, một Y thì 2K và 2L. Như vậy, đối với X K/L = 1/4 và đối với Y thì K/L = 1, tức là Y có hàm lượng vốn cao còn X có hàm lượng lao động cao.
26
Lưu ý, định nghĩa về hàm lượng vốn hay lao động không căn cứ vào số lượng tuyệt đối vốn hay lao động mà được phát biểu dựa trên tương quan tương đối giữa lượng vốn và lao động cần thiết để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm. Có khi, mặc dù sử dụng một số lượng tuyệt đối vốn nhiều hơn nhưng sản phẩm đó vẫn có hàm lượng lao động cao và ngược lại, sử dụng một số lượng lao động nhiều hơn nhưng sản phẩm đó vẫn có hàm lượng vốn cao. Thí dụ sau đây minh hoạ điều đó. Giả sử: 1X thì cần 3K và 12L, 1Y cần 2K và 2L. Ta thấy, mặc dù để sản xuất 1X cần 3K trong khi 1Y chỉ cần có 2K nhưng Y vẫn có hàm lượng vốn cao bởi vì K/L đối với Y cao hơn đối với X.
b) Mức độ dồi dào của các yếu tố sản xuất:
Nước A được coi là dồi dào tương đối về lao động nếu: LA / KA> LB / KB . Trong đó, LA và LB là lượng lao động, còn KA và KB là lượng vốn ở các nước A và B.
Cũng như trường hợp hàm lượng các yếu tố sản xuất, mức độ dồi dào của một yếu tố sản xuất của một quốc gia được đo bằng tỷ lệ tương đối chứ không phải bằng số lượng tuyệt đối.
Khái niệm này chỉ ra sự dồi dào của một quốc gia về một yếu tố sản xuất nào đó, có thể là lao động hay vốn.
2.2.6.3. Định lý H – O
Với các khái niệm cơ bản nêu trên thì nội dung của định lý H - O có thể phát biểu như sau:
Một quốc gia sẽ xuất khẩu mặt hàng có hàm lượng cao yếu tố sản xuất mà quốc gia đó dồi dào tương đối và nhập khẩu mặt hàng có hàm lượng cao yếu tố sản xuất mà quốc gia đó khan hiếm tương đối.
Trong ví dụ nghiên cứu trước đây của chúng ta, quốc gia 1 xuất khẩu sản phẩm X vì X là sản phẩm có hàm lượng lao động cao mà trong khi đó lao động là yếu tố dồi dào tương đối ở quốc gia 1. Còn quốc gia 2 xuất khẩu sản phẩm Y vì Y là sản phẩm có hàm lượng vốn cao mà vốn là yếu tố dồi dào tương đối ở quốc gia 2. Ngược lại, quốc gia 1 nhập khẩu Y vì Y là sản phẩm có hàm lượng vốn cao trong khi vốn là yếu tố dồi dào tương đối ở quốc gia này. Còn quốc gia 2 sẽ nhập khẩu sản phẩm X vì X là sản phẩm có hàm lượng lao động cao mà lao động là yếu tố khan hiếm tương đối của quốc gia này.
Như vậy, lý thuyết H - O đã giải thích sự khác nhau trong mức giá tương quan hay lợi thế so sánh giữa các quốc gia chính là sự khác nhau giữa các yếu tố sản xuất dồi dào hoặc khan hiếm tương đối hay nguồn lực sản xuất vốn có của mỗi quốc gia.
a) Cấu trúc cân bằng chung của học thuyết Heckscher – Ohlin.
Cấu trúc cân bằng chung của học thuyết Heckscher – Ohlin được hình dung và tóm tắt trong hình 2.1. Bắt đầu tại góc phải phía dưới của sơ đồ, ta thấy rằng sở thích và sự phân phối theo quyền sở hữu các yếu tố sản xuất (nghĩa là phân phối thu nhập) xác định nhu cầu hàng hoá. Nhu cầu hàng hoá xác định nhu cầu dẫn xuất về yếu tố cầu để sản xuất chung. Lượng cầu về các yếu tố sản xuất, cùng với lượng cung sẽ xác định giá cả và yếu tố sản xuất trong điều kiện cạnh tranh hoàn hảo. Giá cả các yếu tố sản xuất cùng với công nghệ sẽ xác định giá cả của hàng hoá cuối cùng. Sự khác biệt về giá tương
27
đối cuối cùng của hàng hoá giữa các nước quyết định lợi thế so sánh và mô hình thương mại (nghĩa là nước nào sản xuất hàng hoá gì).
Hình 2.1:Cấu trúc cân bằng chung của học thuyết Heckscher – Ohlin
Hình 2.1 chỉ rõ tất cả các lực lượng cùng với nhau quyết định giá cả hàng hoá như thế nào. Đây chính là cái mà chúng ta nói rằng mô hình Heckscher – Ohlin là mô hình cân bằng chung. Tuy nhiên, trong số tất cả các lực lượng tương tác này, định lý Heckscher – Ohlin tách riêng sự khác biệt về khả năng vật chất hay khả năng cung cấp các yếu tố sản xuất giữa các nước (với sở thích và công nghệ như nhau) để giải thích sự khác biệt về giá tương đối của hàng hoá và thương mại giữa các nước. Đặc biệt Ohlin giải thích sở thích (và phân phối thu nhập) giống nhau giữa các nước. Điều này dẫn đến nhu cầu giống nhau về hàng hoá cuối cùng và yếu tố sản xuất ở các nước khác nhau. Do đó, sự khác biệt về việc cung các yếu tố sản xuất ở các nước khác nhau là nguyên nhân của sự khác biệt yếu tố khác nhau dẫn đến giá tương đối của hàng hoá khác nhau và diễn ra thương mại giữa các nước. Sự khác biệt về khả năng cung cấp tương đối các yếu tố dẫn đến sự khác biệt về giá cả tương đối của các yếu tố và giá cả hàng hoá mà chúng được chỉ ra bởi những đường đậm trong hình vẽ.