Khái niệm và vai trò của chính sách thương mại quốc tế

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU ĐỌC KINH TẾ QUỐC TẾ (Trang 34 - 35)

2.3.1.1. Khái niệm

Chính sách thương mại quốc tế là tập hợp các quan điểm, nguyên tắc, công cụ và biện pháp thích hợp của một nước dùng để điều chỉnh các hoạt động thương mại quốc tế của nước đó trong một thời kỳ nhất định nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế - chính trị - xã hội.

Chính sách thương mại quốc tế của một quốc gia bao gồm nhiều bộ phận khác nhau và có liên quan hữu cơ với nhau: chính sách mặt hàng, chính sách thị trường và chính sách hỗ trợ.

Chính sách mặt hàng bao gồm danh mục các mặt hàng được chú trọng trong việc xuất nhập khẩu, sao cho phù hợp với trình độ phát triển và đặc điểm của nền kinh tế đất nước cũng như những mặt hàng cần hạn chế hoặc phải cấm xuất – nhập khẩu, trong một thời gian nhất định, do những đòi hỏi khách quan của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và yêu cầu của việc đảm bảo an ninh, an toàn xã hội.

Chính sách thị trường bao gồm định hướng và các biện pháp mở rộng thị trường, xâm nhập thị trường mới, xây dựng thị trường trọng điểm, các biện pháp có đi có lại giữa các quốc gia mang tính chất song phương hoặc đa phương, việc tham gia vào các hiệp định thương mại và thuế quan trong phạm vi khu vực hay toàn cầu nhằm tạo điều kiện cho hoạt động thương mại quốc tế phát triển phục vụ cho các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế – xã hội .

Chính sách hỗ trợ bao gồm các chính sách và biện pháp kinh tế nhằm tác động một cách gián tiếp đến hoạt động thương mại quốc tế như chính sách đầu tư, chính sách tín dụng, chính sách giá cả và tỷ giá hối đoái, cũng như chính sách sử dụng các đòn bẩy kinh tế. Các chính sách này có thể gây tác động thúc đẩy hay điều chỉnh sự phát triển của hoạt động thương mại quốc tế.

2.3.1.2. Vai trò của chính sách thương mại quốc tế

Chính sách thương mại quốc tế là một bộ phận của chính sách kinh tế – xã hội của Nhà nước, nó có quan hệ chặt chẽ và phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Nó tác động mạnh mẽ đến quá trình tái sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước, đến quy mô và phương thức tham gia của nền kinh tế mỗi nước vào phân công lao động quốc tế và thương mại quốc tế. Ngoài ra, chính sách thương mại quốc tế có vai trò to lớn trong việc khai thác triệt để lợi thế so sánh của nền kinh tế trong nước, phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ đến quy mô tối ưu, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và nâng cao hiệu quả của các hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, chính sách thương mại quốc tế chỉ phát huy vai trò tích cực của mình khi nó được xây dựng dựa trên các cơ sở khoa học và thực tiễn, tức là nó xuất phát từ các

30

bối cảnh khách quan của nền kinh tế thế giới, chú ý đến đặc điểm và trình độ phát triển của nền kinh tế trong nước, tuân theo các quy luật khách quan trong sự vận động của các quan hệ kinh tế quốc tế và thường xuyên được bổ sung, hoàn chỉnh phù hợp với những biến đổi của thực tiễn.

Môi trường kinh tế thế giới chịu sự chi phối và tác động của nhiều mối quan hệ chính trị và các mục tiêu phi kinh tế khác cho nên chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia cũng phải đáp ứng cho nhiều mục tiêu khác nhau. Nhiệm vụ của chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia có thể thay đổi qua các thời kỳ khác nhau nhưng đều hướng tới mục tiêu chung là điều chỉnh các hoạt động thương mại quốc tế theo chiều hướng có lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cụ thể, chính sách thương mại quốc tế của các quốc gia đều nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường ra nước ngoài, tham gia mạnh mẽ vào phân công lao động quốc tế và thương mại quốc tế, khai thác triệt để lợi thế so sánh của nền kinh tế trong nước. Bên cạnh đó, chính sách này còn hướng tới mục tiêu bảo vệ thị trường nội địa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước đứng vững và vươn lên trong hoạt động kinh doanh quốc tế, đáp ứng yêu cầu tăng cường lợi ích quốc gia.

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU ĐỌC KINH TẾ QUỐC TẾ (Trang 34 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)