5.1.2.1 Căn cứ vào chủ thể tham gia, liên kết có thể chia thành liên kết nhỏ và liên kết lớn
- Liên kết nhỏ (micro integration) là loại hình liên kết của các công ty hay các tập đoàn được tiến hành ở các khâu khác nhau như liên kết trong quá trình nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm chế tạo sản phẩm mới; liên kết trong việc chuyên môn hoá và hợp tác hoá sản xuất sản phẩm và chi tiết sản phẩm; liên kết trong việc tiêu thụ sản phẩm, quảng cáo và thực hiện các dịch vụ khác. Ví dụ như điện thoại HTC thì chỉ sản xuất phần cứng còn liên kết với Google về phầm mềm android.
- Liên kết lớn (macro integration) là loại hình liên kết của các quốc gia trong đó các chính phủ ký với nhau các hiệp định để tạo nên khuôn khổ chung cho sự phối hợp và điều chỉnh quan hệ kinh tế quốc tế giữa các nước. Tuỳ theo phương thức điều chỉnh của các liên kết người ta có thể phân chia thành liên kết giữa các nhà nước (Interstate) và liên kết siêu nhà nước (Superstate). Liên kết giữa các nhà nước là loại hình liên kết quốc tế mà cơ quan lãnh đạo là đại biểu của các nước thành viên tham gia với những quyền hạn chế, các quyết định của liên kết chỉ có tính chất tham khảo đối với chính phủ của các nước thành viên còn quyết định cuối cùng là tuỳ thuộc vào quan điểm của mỗi chính phủ. Liên kết siêu nhà nước là loại hình liên kết quốc tế mà cơ quan lãnh đạo chung là đại biểu của các nước thành viên có những quyền rộng lớn, các quyết định của liên kết có tính chất bắt buộc đối với các nước thành viên. Trong liên kết siêu nhà nước việc ra quyết định chung cho cả khối tuân theo nguyên tắc đa số và kèm theo đó là những biện pháp có hiệu lực để buộc các nước thành viên phải thi hành.
5.1.2.2. Căn cứ vào đối tượng và mục đích của liên kết kinh tế quốc tế có thể phân chia các liên kết ra thành 5 dạng chính như sau:
a)Khu vực mậu dịch tự do (Free Trade Area)
Đây là một liên minh quốc tế giữa hai hoặc nhiều nước nhằm mục đích tự do hoá việc buôn bán về một hoặc một số mặt hàng nào đó thông qua việc bãi bỏ hàng rào thuế quan giữa các nước thành viên song các nước thành viên vẫn thi hành chính sách ngoại thương độc lập đối với các nước ngoài liên minh. Ví dụ như EFTA (European Free Trade Area), NAFTA (Northern America Free Trade Area), AFTA (ASEAN Free Trade Area)...
88
b) Liên minh thuế quan (Cutstoms Union)
Khác với khu vực mậu dịch tự do, ngoài nội dung bãi miễn thuế quan và những hạn chế mậu dịch giữa các nước thành viên, trong liên minh thuế quan người ta còn thiết lập một biểu thuế quan chung của các nước thành viên đối với phần còn lại của thế giới. Ví dụ như liên minh thuế quan Nga – Belarus – Kazakhstan.
c) Thị trường chung (Common Market)
Đây là một liên minh quốc tế áp dụng các biện pháp tương tự như liên minh thuế quan trong việc trao đổi thương mại nhưng đồng thời bãi bỏ các giới hạn về chuyển dịch các yếu tố như lao động, vốn giữa các nước thành viên với nhau và từ đó tạo điều kiện cho việc hình thành một thị trường thống nhất theo nghĩa rộng. Ví dụ như cộng đồng kinh tế Châu Âu (EEC – European Economic Community) từ năm 1992.
d) Liên minh tiền tệ (Monetary Union)
Là liên minh quốc tế chủ yếu trong lĩnh vực tiền tệ, các nước thành viên phải phối hợp chính sách tiền tệ với nhau và cùng thực hiện một chính sách tiền tệ thống nhất trong toàn khối. Trong liên minh tiền tệ người ta thực hiện thống nhất các giao dịch tiền tệ giữa các thành viên, thống nhất về đồng tiền dự trữ và phát hành đồng tiền tập thể.
e) Liên minh kinh tế (Economic Union)
Cho đến giai đoạn hiện nay, đây là hình thức phát triển cao nhất của liên kết kinh tế quốc tế vì nó thực hiện thống nhất và hài hoà các chính sách kinh tế- tài chính- tiền tệ giữa các nước thành viên. Cụ thể là liên minh kinh tế cho phép sự di chuyển hàng hoá, dịch vụ, sức lao động và tư bản một cách tự do giữa các nước thành viên đồng thời có biểu thuế quan chung với các nước không phải là thành viên. Ví dụ khối đồng minh Benelux là một liên minh kinh tế giữa Bỉ, Hà Lan và Lucxambua kể từ năm 1994.
Ngoài ra, các hình thức liên kết kinh tế quốc tế còn được phân chia thành liên kết dọc (các công ty liên kết theo từng giai đoạn, từng loại sản phẩm) hoặc liên kết ngang (các công ty liên kết thành một tổ hợp lớn cùng loại) hoặc là sự kết hợp của hai dạng này. Ví dụ như liên kết giữa các quốc gia để mở rộng thị trường là liên kết ngang. Trong thực tế, hai hình thức liên kết này thường được kết hợp với nhau.