6.2.2.1. Tài nguyên đất đai
Đây là nguồn tài nguyên có ý nghĩa quan trọng trong phát triển nông nghiệp; đáp ứng nhu cầu cho các công trình xây dựng và các tuyến đường giao thông trên bộ.
Diện tích đất đai nước ta khoảng 330.000 km2, đứng thứ 58 trong số 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; dân số tăng nhanh nên diện tích đất đai bình quân đầu người không ngừng giảm xuống và hiện đang thuộc vào loại thấp nhất thế giới (năm 2000 còn khoảng 0.44 ha, đứng thứ 159 trên thế giới, trong khi năm 1990 là 0,51 ha/người).
Diện tích đất canh tác rất hạn chế, trong tổng số 64 loại đất thuộc 14 nhóm đất, chiếm gần 30 triệu ha, chỉ có 2 loại đất chiếm khoảng 6 triệu ha có độ phì nhiêu cao và thuận lợi cho việc trồng trọt:
Diện tích đất nông nghiệp của nước ta rất ít, chỉ có khoảng 10-11 triệu ha. Trong đó, diện tích đất tốt hoặc không phải cải tạo và đầu tư nhiều chỉ vào khoảng 7 triệu ha.
Hiện nay mới chỉ sử dụng khoảng gần 70% số đất nông nghiệp hiện có, số còn lại hầu hết là đất xấu (đất dốc, xói mòn, thoái hoá, mặn, phèn, úng lụt).
Bình quân diện tích đất nông nghiệp đang khai thác ở nước ta hiện nay khoảng 0,1 ha/người, trong khi đó bình quân trên thế giới năm 1994 là 0,34 ha/người. Xu hướng bình quân diện tích đất đai nông nghiệp trên đầu người ngày càng giảm, bởi vì: do tốc độ tăng dân số và do phát triển công nghiệp, đô thị, cơ sở hạ tầng chiếm dụng đất canh tác nông nghiệp. Đó là giới hạn của tài nguyên này. Do đó, để đảm bảo lương thực và thực phẩm cho xã hội, đồng thời có điều kiện dành một diện tích đất canh tác trồng cây công nghiệp nhiệt đới (dài và ngắn ngày) đáp ứng nhu cầu xuất khẩu (cao su, dâu tằm, cà phê, chè, hạt tiêu, hạt điều, lạc, đậu, …) và để phát triển chăn nuôi xuất khẩu, tất yếu phải tăng vòng quay sử dụng đất, thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất cây trồng. Thực trạng đó cũng đòi hỏi phải coi tiết kiệm và bảo vệ đất đai nông nghiệp là quốc sách. Quốc hội khoá IX đã thảo luận về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai đến 2010 nhằm tăng thêm diện tích đất nông nghiệp và nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai.
6.2.2.2. Tài nguyên khí hậu
Nước ta nằm trong vành đai khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng sâu sắc của chế độ gió mùa châu Á; lượng mưa lớn (trung bình 1.800 mm-2.000 mm/năm), thời gian có ánh sáng mặt trời nhiều, cường độ bức xạ lớn, độ ẩm cao, có nơi tới 80%, thậm chí 100%. Đó là những điều kiện thuận lợi cho việc đa dạng hoá cây trồng và phát triển
104
nông nghiệp theo nghĩa rộng. Tài nguyên khí hậu – thuỷ văn cho phép chúng ta khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai có hạn và nhân lên nhiều lần quỹ đất canh tác. Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều yếu tố không thuận lợi như: hay có giông bão, lũ lụt, sương muối và rét đậm vào mùa đông gây khó khăn cho quá trình sinh trưởng của một số động thực vật, ảnh hưởng tới phát triển nông nghiệp và đời sống dân cư.
Mặt khác, do phá rừng bừa bãi, phát triển công nghiệp thiếu chọn lọc, không có quy hoạch và các hoạt động của các phương tiện giao thông… đã gây ô nhiễm sinh thái và suy giảm nguồn tài nguyên thời tiết, khí hậu vốn có của đất nước. Vì vậy, phát triển kinh tế - xã hội phải luôn coi trọng việc bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái.
6.2.2.3. Tài nguyên rừng
Rừng là nguồn tài nguyên vừa có giá trị kinh tế vừa có giá trị bảo vệ môi trường. Về mặt kinh tế, rừng cho sản phẩm gỗ là vật liệu kiến trúc quan trọng. Ngoài ra, rừng còn cung cấp cho chúng ta nhiều sản phẩm động thực vật: thịt thú rừng, dược liệu, dầu thực vật, vỏ cây quý, hoa quả có giá trị thương mại … Đó là những sản phẩm tạo ra nguồn thu nhập quan trọng cho người dân nông thôn ở vùng rừng núi. Rừng còn có giá trị bảo vệ môi trường: chống xói mòn, lụt lội, điều hoà khí hậu, chống sự thiêu đốt của mặt trời, tạo môi sinh cho các loại động, thực vật khác nhau… Giá trị bảo vệ môi trường của rừng rất quan trọng nhưng khó định lượng hơn giá trị kinh tế của nó. Hai mặt này trong thực tế thường có mâu thuẫn nhau.
Việt Nam có diện tích rừng nhiệt đới khá lớn, khoảng hơn 19 triệu ha đất rừng; nhưng diện tích rừng chỉ còn khoảng 9,3 triệu ha, với trữ lượng gỗ khoảng 600 triệu m3. Trữ lượng gỗ/ha có rừng che phủ của Việt Nam hiện nay là 76 m3/ha vào loại rừng nghèo của thế giới. Rừng Việt Nam tuy trữ lượng gỗ không lớn, song có nhiều loại gỗ quý, nhiều loại lâm sản có giá trị kinh tế và dược liệu. Nhờ có nhiều ánh sáng mặt trời, lượng mưa lớn, độ ẩm cao, nên tài nguyên động thực vật ở rừng Việt Nam rất phong phú, đa dạng. Rừng nước ta vừa mang tính đặc thù của hệ động thực vật Việt Nam, vừa mang tính tổng hợp của khu hệ độg thực vật miền Nam Trung Hoa, Ấn Độ, Malaisia, Mianma. Động vật sống ở rừng Việt Nam có khoảng 1000 loài chim, hơn 300 loài thú và khoảng 300 loài bò sát, có nhiều loại đặc biệt quý hiếm.
Tài nguyên rừng nước ta bị suy giảm nghiêm trọng, nhiều khu rừng nguyên sinh bị tàn phá, nhiều loại lâm sản quý hiếm không còn khả năng tái tạo, nhiều loại động vật quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng như: tê giác, trâu rừng, bò tót, voi, hổ Đông Dương…
Tình trạng suy giảm tài nguyên rừng do nhiều nguyên nhân, song chủ yếu do phương thức canh tác lạc hậu, du canh, du cư, phát nương làm rẫy, săn bắn bừa bãi, thiếu khoa học, tình trạng rừng là của chung, vô chủ kéo dài, không ai chăm sóc. Mặt khác, cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo, ác liệt của đế quốc Mỹ còn để lại những hậu quả lâu dài cho rừng nước ta.
6.2.2.4. Tài nguyên biển
Biển và bờ biển là thế mạnh của nền kinh tế. Nước ta có khoảng trên 1.000.000 km2 mặt biển và hơn 3.260 km bờ biển, bình quân 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển,
105
trong khi đó bình quân của thế giới cứ 600 km2 đất liền mới có 1 km bờ biển. Đó là một trong những lợi thế đối với sự phát triển kinh tế nước ta.
Vùng biển nước ta có hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, trên các hòn đảo và ven bờ các hòn đảo đã phát hiện có các loại khoáng sản, thềm lục địa có dầu mỏ và khí đốt. Biển nước ta có nhiều hòn đảo tạo thành các eo, vịnh, môi trường sinh trưởng của hệ sinh vật biển rất đa dạng về chủng loại, có nhiều hải sản quý hiếm. Với khả năng nghiên cứu về biển của nước ta hiện nay, bước đầu đã xác định có trên 1.000 loài cá, trên 350 loại rong, trong đó trên 100 loại cá và trên 100 loại rong có giá trị kinh tế cao. Ngoài cá biển, còn có các loại tôm, rắn biển, rùa, hải sâm… là những động vật quý hiếm có giá trị cao về dược liệu và kinh tế.
6.2.2.5. Tài nguyên khoáng sản
Các loại khoáng sản là cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp khai thác và công nghiệp sản xuất các loại vật liệu như: công nghiệp luyện kim, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, thuỷ tinh, sành sứ… Trong số 16 loại khoáng sản chủ yếu được sản xuất trên thế giới hiện nay thì các nước đang phát triển dẫn đầu thế giới về sản xuất bôxit, phốt phát và chiếm tỷ trọng lớn về sản xuất coban, cromít, thiếc, đồng. Trong khi đó, các nước công nghiệp phát triển cung cấp 6 loại khoáng sản chủ yếu là: kiềm, lưu huỳnh, phốt phát, quặng sắt, niken và kẽm.
Với thiết bị khoa học, kỹ thuật và qua thăm dò khảo sát, chúng ta biết được nguồn tài nguyên khoáng sản nước ta rất phong phú, đa dạng về thể loại, nhưng phức tạp về cấu trúc và hầu hết các loại khoáng sản đều có trữ lượng vừa và nhỏ, điều kiện khai thác khó khăn. Tài nguyên khoáng sản nước ta bao gồm:
- Dầu mỏ và khí đốt:
Tập trung chủ yếu ở thềm lục địa với diện tích có triển vọng có dầu khoảng 200.000 km2. Trữ lượng dầu mỏ ước tính sơ bộ trên 1.000 triệu tấn và hàng nghìn tỷ m3 khí đốt. Ở Việt Nam, dầu mỏ và khí đốt đã được thăm dò, phát hiện trong vài ba thập kỷ gần đây. Năm 1976 phát hiện khí thiên nhiên ở Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, nhất là từ khi có Luật đầu tư nước ngoài, chúng ta đã tiến hành thăm dò, khai thác dầu khí ở vùng biển nước ta. Mỏ dầu Bạch Hổ do liên doanh Vietso-Petro đã bắt đầu khai thác từ năm 1986. Hiện mỏ Rồng và Đại Hùng do Petro Việt Nam hợp đồng chia sản phẩm với các công ty của Australia, Pháp, Nhật, Malaysia cũng đã đưa vào khai thác từ cuối năm 1994. Đề án sử dụng khí mỏ Bạch Hổ và xây dựng nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất cũng đang được tiến hành. Trữ lượng dầu mỏ và khí đốt của nước ta nhìn chung thuộc loại nhỏ, điều kiện khai thác khó khăn, ngoài khơi xa, mực nước sâu, lại hay bị dông bão.
- Than đá:
Cũng là một trong những nguồn năng lượng có ý nghĩa đối với Việt Nam và các nước đang phát triển. Sau nhiều năm bị coi là một loại nhiên liệu độc hại, vừa khó khai thác vừa gây ô nhiễm khi sử dụng, hiện than đá đang được sử dụng ưa chuộng nhờ vào giá rẻ và kỹ thuật sử dụng hoàn toàn mới. Than đá có lợi thế là trữ lượng dồi dào nên đảm bảo giá cả tương đối ổn định. Ngoài ra, than đá phân bố tương đối đồng đều giữa
106
các vùng lãnh thổ trên trái đất. Nhưng nhược điểm của than là gây ô nhiễm do khói than có nhiều chất độc hại như khí cacbonic… Tuy nhiên nhược điểm này đang dần được khắc phục nhờ những kỹ thuật lọc khí đang được thí nghiệm và đặc biệt là có hai kỹ thuật đang có nhiều triển vọng là biến than đá từ thể rắn thành thể khí trước khi đem đốt và lọc than bằng luồng gió nhân tạo đã được tính đến trong những đề án xây dựng nhà máy nhiệt điện. Do những ưu điểm trên mà than đá được dự báo có thể trở thành nguồn năng lượng chính của thế kỷ 21. Nước ta có nhều than đá ở vùng Quảng Ninh, chủ yếu là than atraxit. Ngoài ra, ở vùng trũng tam giác sông Hồng dưới độ sâu từ 200-2000 m đã phát hiện than linhit lửa dài. Trữ lượng than nước ta chủ yếu nằm dưới độ sâu từ 300- 1000m, trong đó trữ lượng than ở độ sâu từ 300-400m chiếm hơn 50%. Những mỏ than đã và đang khai thác có trữ lượng nhỏ, hằng năm khai thác được khoảng 10 đến 15 triệu tấn. Hiện tiềm năng than gầy ước tính khoảng 4-5 tỷ tấn, đã thăm dò được 2 tỷ tấn; than nâu ở đồng bằng Bắc Bộ với trữ lượng hàng chục tỷ tấn đã được thăm dò sơ bộ. Muốn tăng sản lượng than đá hàng năm phải đầu tư khai thác hầm lò, đòi hỏi vốn lớn, công nghệ cao. Than đá là loại nhiên liệu rất quan trọng trong đời sống và trong sản xuất công nghiệp. Việc tổ chức khai thác, sử dụng than ở nước ta những năm qua đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, cần phải nghiên cứu tổ chức quản lý một cách khoa học để ổn định và phát triển.
- Khoáng sản kim loại:
+ Quặng sắt nước ta có trữ lượng khá, hàm lượng ôxít sắt cao, tập trung ở các khu vực:
Khu Tây Bắc có các mỏ dọc sông Hồng như Bắc Hà, Quý Sa, Nàng Mị, Hưng Khánh, các mỏ này có trữ lượng nhỏ, hàm lượng sắt trung bình từ 43-52%, điều kiện khai thác khó khăn.
Khu Đông Bắc có các mỏ Trại Cau, Tiến Bộ, Quang Trung (Thái Nguyên), mỏ Nà Rùa, Bản Lĩnh (Cao Bằng), mỏ Tòng Bá ở Hà Giang; những mỏ này có trữ lượng vừa và nhỏ, hàm lượng sắt khá cao, có nơi trên 60%.
Khu Trung bộ, quặng sắt có ở các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh; mỏ có trữ lượng tập trung lớn nhất ở Thạch Khê (Hà Tĩnh) là loại quặng có chất lượng khá cao, nhưng điều kiện khai thác lại vô cùng khó khăn.
+ Quặng mangan: quặng mangan tập trung chủ yếu ở mỏ Hạ Long, Cao Bằng, trữ lượng không lớn, chất lượng không cao.
+ Quặng cromit: quặng cromit nằm rải rác ở vùng núi Nưa, tỉnh Thanh Hoá, trữ lượng nhỏ, điều kiện khai thác lộ thiên thuận lợi, hàm lượng Cr2O3 trên 46%. Ngoài ra còn có nhiều biểu hiện địa chất cho thấy khả năng tìm kiếm quặng cromit gốc.
+ Quặng titan và zircon: quặng titan và zircon nằm chủ yếu trên bờ biển, rải rác ở các vùng Bình Ngọc (Quảng Ninh), Quảng Xương (Thanh Hoá), Thuận An (Huế), Sông Cầu (Phú Yên), Hàm Tân (Thuận Hải) và Vũng Tàu, nhưng trữ lượng nhỏ, khai thác khó khăn.
+ Quặng bô xít: quặng bô xít ở nước ta có trữ lượng khá lớn và tập trung chủ yếu trên cao nguyên miền Trung chạy dài từ Bảo Lộc, Tân Rai (Lâm Đồng) qua Đắc Lắc đến
107
Kông Hà Nừng (Gia Lai); trên vùng núi phía Bắc có ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên… Quặng bô xít có hàm lượng Al2O3 lên tới 47,5%; điều kiện khai thác thuận lợi.
+ Quặng chì kẽm: quặng chì kẽm nằm rải rác ở vùng núi phía Bắc, đã phát hiện được khoảng 50 điểm có quặng, nhưng tập trung ở chợ Điền, Lang Hít, Tú Lệ, Ngân Sơn … tỉnh Lạng Sơn. Trữ lượng nhỏ, phân tán, khai thác khó khăn.
+ Quặng thiếc vonfram: quặng thiếc vonfram trữ lượng nhỏ bé, nằm rải rác trên các vùng lãnh thổ của đất nước, nhưng chủ yếu tập trung ở các nơi như Tĩnh Túc (Cao Bằng), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Quỳ Hợp (Nghệ An).
Mỏ thiếc Tĩnh Túc đã khai thác gần hết trữ lượng. Nhiều vùng sa khoáng khác chưa được thăm dò, nhất là vùng thềm lục địa. Triển vọng quặng thiếc vonfram ở nước ta còn nhiều nếu được đầu tư thăm dò nghiên cứu đúng mức.
+ Vàng: vàng nước ta có trữ lượng rất nhỏ, chủ yếu ở dưới dạng sa khoáng, đã tìm kiếm và phát hiện vàng gốc ở một số nơi.
+ Đất hiếm: các mỏ đất hiếm tập trung ở Phong Thổ (Lai Châu). Ngoài ra còn phát hiện quặng đất hiếm ở Yên Phú (Yên Bái), Bát Sát (Lào Cai), Quỳ Hợp (Nghệ An). Trữ lượng không lớn, hàm lượng ô xít đất hiếm vào loại trung bình từ 3-4%, đặc biệt thân quặng giàu có thể đạt tới 10-30%.
- Khoáng sản phi kim loại:
+ Quặng Apatit: Mỏ Apatit Lào Cai có trữ lượng khá lớn, có hàm lượng P2O3 từ mức thấp nhất là 6%, cao nhất là 34%.
+ Ngoài ra còn có các loại khoáng sản phi kim loại khác như: pyrit ở Ba Vì (Hà Tây); seepentin ở Nông Cống (Thanh Hoá); graphit ở Tiên An (Quảng Nam - Đà Nẵng); cao lanh ở Phú Thọ, Trại Mác (Lâm Đồng); bentonit ở Di Linh (Lâm Đồng); các mỏ đá quý ở Yên Bái, Nghệ An, Lâm Đồng, Đồng Nai… có trữ lượng khá, nằm rải rác ở các vùng rừng núi rộng lớn nên khai thác khó khăn.
+ Vật liệu xây dựng: trữ lượng vật liệu xây dựng của nước ta khá lớn và phong phú, đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nước ta có nguồn đá vôi rất dồi dào, có thể tổ chức sản xuất hằng năm từ 25-30 triệu tấn xi măng. Các loại vật liệu xây dựng khác như: cát, đá, sỏi đều có trữ lượng lớn, chất lượng cao, điều kiện khai thác thuận lợi, nhưng phân bổ không đều giữa các miền đất nước.
6.2.2.6. Tiềm năng du lịch
Việt Nam có nhiều danh lam thắng cảnh đặc sắc, độc đáo như: quần thể thắng cảnh khu vực Vịnh Hạ Long, những bãi biển dài cát mịn, nước sạch và ấm quanh năm như bãi biển Nha Trang, những thành phố cao nguyên như Đà Lạt, những rừng nguyên thuỷ với những thảm thực vật đa dạng và phong phú như rừng quốc gia Cúc Phương,