- Việt Nam có những nguồn lực to lớn và lợi thế so sánh quan trọng để có thể tìm được vị thế thuận lợi khi tham gia vào phân công lao động quốc tế và trao đổi mậu dịch quốc tế. Bên cạnh những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và vị trí địa lý, thì lợi thế về nguồn nhân lực và tư chất con người Việt Nam là rất lớn. Các nguồn nội lực này là yếu tố quyết định để nền kinh tế nước ta vươn ra thị trường thế giới cũng như tiếp thu và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài.
- Việt Nam nằm trong khu vực phát triển năng động nhất của nền kinh tế thế giới, thuận lợi để hội nhập vào giao lưu kinh tế khu vực (ASEAN và AFTA) cũng như tham gia vào các tổ chức kinh tế quan trọng như APEC và WTO. Xu hướng tự do hoá thương mại trong nền kinh tế thế giới tăng lên tạo điều kiện thuận lợi cho một nước đang phát triển như nước ta xâm nhập mạnh mẽ hơn vào các giao lưu kinh tế quốc tế. Trong những năm gần đây, tốc độ tham gia của Việt Nam vào các tổ chức thế giới ngày càng mạnh mẽ. Năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN, ký hiệp định khung hợp tác kinh tế khoa học công nghệ với EU, bình thường hoá quan hệ với Mỹ. Khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đồng thời gia nhập AFTA. Năm 1997, Việt Nam ký hiệp định bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với Mỹ. Cuối năm 1998, Việt Nam gia nhập APEC, năm 2000 Việt Nam ký hiệp định thương mại với Hoa Kỳ, gia nhập WTO năm 2006…. Chủ động hội nhập quốc tế một cách mạnh mẽ đã tạo nên cơ hội mới cho sự phát triển lĩnh vực kinh tế đối ngoại của Việt Nam.
- Qua những năm đổi mới, Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa và đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế nói chung và kinh tế đối ngoại nói riêng. Tính đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 165 quốc gia, có quan hệ bình thường với tất cả các quốc gia lớn trên thế giới. Khoảng 150 quốc gia trên thế giới có quan hệ buôn bán với Việt Nam và có hàng nghìn doanh nghiệp thuộc 65 quốc gia đang triển khai các dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Việt Nam đã ký hơn 60 hiệp định thương mại và hơn 40 hiệp định đầu tư song phương với các quốc gia trên thế giới. Đó là những tiền đề cần thiết cho những bước phát triển tiếp theo của kinh tế đối ngoại Việt Nam trong thời kỳ mới.
- Là người đi sau, Việt Nam có điều kiện học hỏi và rút kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, đặc biệt là bài học về các mô hình phát triển của các nước NICs, các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Âu và nhiều quốc gia khác trên thế giới để tìm ra con đường phát triển phù hợp với những điều kiện chủ quan và khách quan của Việt Nam. Những thành công của các nước NICs và ASEAN trong việc thực hiện chính sách mở cửa, đặc biệt là việc tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao là những bài học bổ ích đối với Việt Nam. Mặt khác, cuộc khủng hoảng tài chính –tiền tệ khu vực diễn ra từ tháng 7/1997 đến nay cũng đồng thời là hội chứng cảnh báo đối với Việt Nam trong việc cần thiết lựa chọn một mô hình phát triển kinh tế bền vững, cũng như giúp cho Việt
110
Nam có được một bài học đắt giá đối với việc mở cửa nền kinh tế trong nước ra thị trường thế giới, hoặc việc neo tỷ giá đồng nội tệ vào một đồng tiền mạnh nào đó.
- Sự ổn định về chính trị, và sự ổn định tương đối về kinh tế vĩ mô, sự nhất quán trong đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, sự tích cực trong cải cách nền hành chính quốc gia, sự cởi mở và tích cực trong đường lối đối ngoại… tạo nên môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế nói chung và kinh tế đối ngoại nói riêng của Việt Nam.