5.3.3.1. Quá trình hình thành và phát triển ASEAN
Đông Nam Á là một khu vực có lịch sử lâu đời và trong quá trình phát triển của mình đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển của nền văn minh nhân loại. Các nước trong khu vực có sự tương đồng cao trên nhiều lĩnh vực văn hoá - xã hội cũng như trình độ phát triển kinh tế. Chính vì vậy, nhu cầu hợp tác, liên kết các nước trong khu vực luôn được đặt ra ở các thời điểm lịch sử. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, trước xu thế toàn cầu hoá và khu vực hoá trên thế giới đang diễn ra nhanh chóng, nhu cầu về sự liên kết giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á lại càng trở nên bức thiết.
Ngày 8-8-1967, tại Băng Cốc, Thái Lan, các Bộ trưởng Ngoại giao, đại diện cho chính phủ của năm nước Đông Nam Á là Inđônêxia, Malaixia, Philippin, Xingapo và Thái Lan đã họp mặt và đi đến ký kết một văn kiện quan trọng, bản Tuyên bố Băng Cốc, tạo dựng nền tảng cho sự ra đời của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN - The Association of Southeast Asian Nations).
Trong nội dung của Tuyên bố Băng Cốc, các mục tiêu và mục đích của Hiệp hội được xác định là hợp tác để phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực có mối quan tâm và quyền lợi chung của tất cả các nước trong khu vực: ''Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hoá trong khu vực thông qua các nỗ lực chung trên tinh thần công bằng và phối hợp là nhằm tăng cường nền tảng cho một cộng đồng hoà bình và thịnh vượng của các nước Đông Nam Á.''
Có thể nói, ngay từ khi ra đời, ASEAN đã hoạch định phạm vi liên kết của mình không chỉ ở các nước sáng lập viên, mà ở tất cả các nước khác trong khu vực, xác định mục tiêu xây dựng Đông Nam Á trở thành một khụ vực đoàn kết, gắn bó để cùng chung sống hoà bình, thịnh vượng. Trong quá trình hình thành và phát triển của mình, cho đến nay kỳ vọng này đã trở thành hiện thực với sự hội tụ của đầy đủ mười nước trong ASEAN. Thời điểm gia nhập chính thức của các thành viên mới của Hiệp hội như sau:
- Ngày 7-l-1984, Brunây gia nhập - thành viên thứ sáu. - Ngày 28-7-1995, Việt Nam gia nhập - thành viên thứ bảy.
- Ngày 28-7-1997, Lào và Mianma gia nhập – thành viên thứ tám và chín. - Ngày 30-4-1999 Campuchia gia nhập - thành viên thứ mười.
Với sự tham gia của các thành viên mới, ASEAN thực sự đã trở thành một khu vực thị trường lớn với số dân đông đảo và là một khu vực có mức tăng trưởng kinh tế cao.
Mục tiêu hoạt động:
Mục tiêu hoạt động ban đầu của ASEAN nhằm giữ gìn sự ổn định và an ninh trong khu vực, tức là tổ chức ASEAN lúc đầu được xem là khối mang màu sắc chính trị là chủ yếu, mặc dù Tuyên bố Băng Cốc 08/08/1967 nêu rõ mục tiêu hoạt động của ASEAN bao gồm 7 điểm:
- Thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hoá trong khu vực thông qua các nỗ lực chung trên tinh thần bình đẳng và hợp tác nhằm tăng cường cơ sở cho một cộng đồng các nước Đông Nam Á hoà bình và thịnh vượng.
95
- Thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực bằng việc tôn trọng công lý và nguyên tắc luật pháp trong quan hệ giữa các nước trong vùng và tuân thủ các nguyên tắc của hiến chương Liên hợp quốc.
- Thúc đẩy sự cộng tác tích cực và giúp đỡ lẫn nhau trong các vấn đề cùng quan tâm trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá, khoa học – kỹ thuật và hành chính.
- Giúp đỡ lẫn nhau dưới các hình thức đào tạo và cung cấp các phương tiện nghiên cứu trong các lĩnh vực giáo dục, chuyên môn, kỹ thuật và hành chính.
- Cộng tác có hiệu quả hơn, để sử dụng tốt hơn nền nông nghiệp và các ngành công nghiệp của nhau, mở rộng mậu dịch kể cả việc nghiên cứu các vấn đề buôn bán hàng hoá giữa các nước, cải thiện các phương tiện giao thông liên lạc và nâng cao mức sống của nhân dân.
- Thúc đẩy việc nghiên cứu về Đông Nam Á.
- Duy trì sự hợp tác chặt chẽ cùng có lợi với các tổ chức quốc tế và khu vực có tôn chỉ và mục đích tương tự và tìm kiếm cách thức nhằm đạt được sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các tổ chức này.
5.3.3.2. Nguyên tắc tổ chức của ASEAN
- Các nguyên tắc thiết lập quan hệ song phương và đa phương của ASEAN:
Các nước ASEAN tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất tại Bali năm 1976 đã nêu 6 nguyên tắc chính điều tiết quan hệ đối ngoại của các nước ASEAN là:
+ Cùng tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của tất cả các dân tộc.
+ Quyền của mọi quốc gia được lãnh đạo hoạt động của dân tộc mình mà không có sự can thiệp, lật đổ hoặc cưỡng ép của bên ngoài.
+ Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
+ Giải quyết bất đồng hoặc tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình. + Không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.
+ Hợp tác với nhau một cách có hiệu quả.
- Các nguyên tắc điều phối hoạt động của tổ chức ASEAN:
+ Nguyên tắc nhất trí (consensus): nghĩa là mọi quyết định về các vấn đề quan trọng chỉ được coi là của ASEAN khi được tất cả các nước thành viên nhất trí thông qua. Nguyên tắc này đòi hỏi quá trình đàm phán lâu dài, nhưng đảm bảo được lợi ích quốc gia của tất cả các nước thành viên. Đây là một nguyên tắc được áp dụng tại các cuộc họp ở mọi cấp và về mọi vấn đề của ASEAN.
Tuy nhiên, thực hiện nguyên tắc nhất trí một cách cứng nhắc sẽ khiến cho các nghị quyết của ASEAN diễn ra chậm chạp, ảnh hưởng chung tới công việc hoạt động của AFTA. Cho nên ngày 25/09/1995 đã diễn ra cuộc họp Ngoại trưởng của các nước ASEAN để quyết định thực hiện nguyên tắc nhất trí như thế nào, cụ thể là có những vấn đề sẽ thực hiện nguyên tắc nhất trí toàn bộ, có những vấn đề sẽ thông qua theo nguyên tắc nhất trí đa số, nhất trí tương đối và nhất trí tuyệt đối.
+ Nguyên tắc bình đẳng: thể hiện trên 2 mặt, thứ nhất là các nước ASEAN không kể lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo đều bình đẳng với nhau trong nghĩa vụ đóng góp cũng
96
như chia sẻ quyền lợi; thứ hai là hoạt động của tổ chức ASEAN được duy trì trên cơ sở luân phiên, các chức chủ tọa các cuộc họp ASEAN từ cấp chuyên viên đến cấp cao, cũng như địa điểm cho các cuộc họp đều phân đều cho các nước thành viên trên cơ sở luân phiên theo vần A, B, C của tiếng Anh.
+ Nguyên tắc 6 – X: được thỏa thuận tháng 02/1992 theo đó, một dự án hoặc kế hoạch chung của ASEAN nếu 2 hoặc nhiều nước ASEAN chấp nhận thực hiện, thì cứ tiến hành trước dự án chứ không đợi tất cả các nước thành viên thực hiện mới tiến hành. Ví dụ một số thành viên ASEAN có thể chưa thực hiện quy chế cắt giảm thuế (CEPT).
Trong quan hệ giữa các nước ASEAN đang dần hình thành một số nguyên tắc, tuy không thành văn, song mọi thành viên đều hiểu và tôn trọng áp dụng như: nguyên tắc có đi có lại, không đối đầu, thân thiện, không tuyên truyền tố cáo nhau qua báo chí, giữ gìn đoàn kết ASEAN và bản sắc chung của Hiệp hội…